Phân loại ức chế có điều kiện?
kiến thức chung
Theo điều kiện phát sinh, có thể chia ức chế có điều kiện thành (1) ức chế dập tắt, (2) ức chế phân biệt, (3) ức chế chậm (hay trì hoãn).
Ức chế dập tắt phát sinh khi ta không củng cố kích thích có điều kiện bằng kích thích không điều kiện.
Ví dụ: Sau khi thành lập được phản xạ tiết nước bọt ở chó với tín hiệu ánh sáng, ta bắt đầu cho ánh sáng tác dụng nhưng không cho chó ăn nữa. Lặp lại nhiều lần như vậy nước bọt ở chó sẽ không được tiết ra nữa đối với tín hiệu ánh sáng.
Đặc điểm của ức chế dập tắt: (1) Sự phát triển của ức chế dập tắt phục thuộc vào độ bền vững của phản xạ có điều kiện, (2) Sự phát triển của ức chế dập tắt phụ thuộc vào cường độ (ý nghĩa sinh học) của tác nhân củng cố (ví dụ phản xạ tự vệ có điều kiện khó dập tắt hơn phản xạ dinh dưỡng có điều kiện), (3) Tốc độ phát triển của ức chế dập tắt phụ thuộc vào tần số xuất hiện của tín hiệu và sự không được củng cố (nếu thời gian giữa hai lần thực hiện tín hiệu và không củng cố càng ngắn thì phản xạ có điều kiện được dập tắt càng nhanh), (4) Sự phát triển ức chế dập tắt phụ thuộc vào loại hình thần kinh (ở cá thể có loại hình thần kinh không cân bằng – hưng phấn mạnh hơn ức chế * khó dập tắt phản xạ có điều kiện hơn so với loại hình thần kinh mạnh và cân bằng – hưng phấn và ức chế mạnh như nhau).
Ý nghĩa của ức chế dập tắt là nó giúp con người và động vật từ bỏ những phản xạ, thói quen đã không còn phù hợp, cần thiết với điều kiện sống.
Ức chế phân biệt là ức chế phát sinh khi ta sử dụng một kích thích gần giống với kích thích có điều kiện, gọi là kích thích phân biệt, để thành lập một phản xạ có điều kiện nào đó, với điều kiện là kích thích có điều kiện luôn được củng cố còn kích thích phân biệt không được củng cố.
Ví dụ: Thành lập phản xạ có điều kiện tiết nước bọt của chó với ánh sáng 40w. Sau đó, cho ánh sáng 60w tác dộng xen kẽ với ánh sáng 40w. Tuy nhiên, ánh sáng 40w luôn đi kèm với củng cố bằng thức ăn còn ánh sáng 60w thì không. Lúc đầu chó cũng tiết nước bọt với ánh sáng 60w nhưng về sau thì chỉ tiết nước bọt với ánh sáng 40w. Đây chính là ức chế phân biệt.
Đặc điểm của ức chế phân biệt là (1) ức chế phân biệt phụ thuộc vào mức độ giống nhau gữa kích thích có điều kiện và kích thích phân biệt (kích thích phân biệt càng giống kích thích có điều kiện thì càng khó hình thành ức chế phân biệt; ví dụ: chó khó có thể phân biệt giữa tiếng gõ nhịp 60l/p với tiếng gõ nhịp 90l/p), (2) ức chế phân biệt đạt đến mức độ hoàn toàn nếu cường độ ức chế do kích thích phân biệt gây ra bằng với cường độ hưng phấn do tín hiệu có điều kiện tạo ra (nếu cường độ hưng phấn quá mạnh thì ức chế phân biệt khó thành lập), (3) sự phát triển và củng cố ức chế phân biệt phụ thuộc vào quá trình luyện tập (lặp lại càng nhiều tác dụng của kích thích phân biệt thì ức chế phân biệt phát triển càng nhanh), (4) ức chế phân biệt phụ thuộc vào loại hình thần kinh của từng cá thể (ức chế phân biệt khó thành lập hơn với loại hình thần không cân bằng)
Ý nghĩa của ức chế phân biệt là giúp cho con người và động vật phân biệt được các kích thích gần giống nhau, là cơ sở để hình thành những phản ứng chính xác với môi trường xung quanh.
Ức chế chậm là ức chế phát triển khi không củng cố ngay tác dụng của kích thích có điều kiện. Biểu hiện của ức chế chậm là phản xạ không xuất hiện ngay sau khi có kích thích có điều kiện mà bị kìm hãm trong một thời gian.
Ví dụ: Nếu trong quá trình thành lập phản xạ có điều kiện, ta cho chó ăn sau 30 phút kể từ khi kích thích ánh sáng xuất hiện thì từ đó về sau phản xạ tiết nước bọt sẽ xuất hiện sau 30 phút kể từ khi chó nhận kích thích ánh sáng.
Đặc điểm của ức chế chậm là (1) sự phát triển của ức chế chậm phụ thuộc vào cường độ của kích thích có điều kiện (cường độ kích thích có điều kiện càng mạnh, thì ức chế chậm càng khó thành lập), (2) sự phát triển của ức chế chậm phục thuộc vào cường độ của tác nhân củng cố (cường độ của tác nhân củng cố càng mạnh thì ức chế chậm càng khó thành lập; ví dụ khi chó rất đói), (3) tốc độ thành lập ức chế chậm phụ thuộc vào mức độ bền vững của phản xạ có điều kiện đã được thành lập (phản xạ càng được củng cố thì ức chế chậm càng khó thành lập), (4) sự phát triển ức chế chậm phục thuộc vào loại hình thần kinh, lứa tuổi, tâm sinh lý (loại hình thần kinh không cần bằng khó thành lập ức chế chậm; trẻ em khó thành lập ức chế chậm với biểu hiện ở việc thường vội vàng, hấp tập)
Ý nghĩa của ức chế chậm là giúp cho con người và động vật thực hiện hành vi đúng lúc, tiết kiệm năng lượng, là cơ sở sinh lý của tính kiên trì, khả năng kiềm chế.
Nội dung liên quan
Lan Mai Kiều