Phân loại tự tử, cơ chế tâm lí của tự tử và một số gợi ý về can thiệp và phòng ngừa tự tử ở thanh thiếu niên

  1. Tâm lý học

Bài viết được biên tập và dịch bởi Lê Bảo Ngọc, đăng trên Facebook ngày 11/1/2020, mình copy lại đăng lên đây chia sẻ cho mọi người (đã xin phép)

________________________

*Bài siêu dài, loay hoay mãi mới xong. Cái này mình vừa dịch từ nhiều nguồn, vừa tổng hợp và biên tập lại.*


Trong xã hội hiện đại, chúng ta phải đối mặt với thực tế là xã hội ngày càng hướng tới cái gọi là "văn minh". Áp lực đối với con người càng lớn, rối loạn tâm lý, bệnh tâm thần càng nhiều và tỷ lệ tự tử càng cao. Tổ chức Y tế Thế giới tuyên bố rằng tự tử là một trong ba nguyên nhân chính gây tử vong cho con người. Các cuộc điều tra cũng chỉ ra rằng số người trẻ tự tử đang gia tăng hàng năm và nguy cơ tự tử đang đến gần giới trẻ ngày nay.


I. Phân loại tự tử của các nhà xã hội học 


Tự tử là một kiểu tự hủy hoại bản thân cực độ, một loại "lòng dũng cảm khiêm tốn" (Hegel), một hành động vô trách nhiệm với chính mình.

Tự tử là một sự kiện xã hội học, mang tính xã hội chứ không chỉ đơn thuần là một hiện tượng tâm lý. Nhà xã hội học nổi tiếng Durkheim đã chia tự tử thành bốn loại:

1. Tự sát vị kỷ (suicide égoïste), đây là những trường hợp tự tử ở những người có ít liên kết với xã hội.

Dưới sự kiểm soát của chủ nghĩa cá nhân cực đoan, các cá nhân bị tách khỏi xã hội, xa khỏi tập thể, trống rỗng và cô đơn, mất mục tiêu xã hội và tự kết thúc bản thân. 


2. Tự sát vị tha (suicide altruiste), đây là trường hợp tự tử ở những người có liên kết sâu sắc với xã hội.

Thường là kết quả của việc tuân theo lợi ích cá nhân đối với một số lợi ích tập thể, chẳng hạn như người già hoặc bệnh nhân tự tử vì sợ gây gánh nặng cho người thân. 

Le suicide altruiste. — “ L’individu est tellement intégré dans un groupe qu’à ses yeux aucun sacrifice n’est trop grand."


3. Tự sát phi chuẩn mực (suicide anomique), ở những người thấy thiếu hoặc mất phương hướng do những biến đổi quá nhanh về các chuẩn mực, qui ước, đạo đức của xã hội.

Nó chủ yếu xảy ra trong thời kỳ thay đổi xã hội lớn hoặc khủng hoảng kinh tế. Cá nhân mất khả năng thích ứng với sự phát triển xã hội, mâu thuẫn giữa các giá trị cũ và mới không thể được giải quyết, hoặc cá nhân phải chịu đựng nhiều áp lực, kém thích nghi do thay đổi xã hội. 

 "La victime du suicide anomique n’est pas capable d’affronter une crise d’une manière rationnelle et choisit le suicide comme solution à un problème."


4. Tự sát định mệnh/tuyệt vọng (suicide fataliste), ở những người cảm thấy áp lực của xã hội đè lên mình quá nặng, bị trói chặt trong cuộc sống, mất đi tự do.

Điều này được gây ra bởi các quy định và hạn chế quá mức áp đặt chung cho các cá nhân. Các cá nhân cảm thấy rằng tương lai của họ ảm đạm và họ quá chán nản, vì vậy họ chọn cách tự tử để kết thúc cuộc sống. 

Le suicide fataliste. — Il “ est causé, suppose- t- on, par une régulation sociale excessive qui restreint fondamentalement la liberté de l’individu ”.


(Mình không phải dân xã hội học, nên dịch tên từng loại sang tiếng Việt có thể chưa chính xác với tên Việt mà nó đang được dùng. Mấy đoạn tiếng Pháp mình trích nguyên vì thấy nó hay thôi)


Theo các loại này, hiện tượng tử vong ở tuổi vị thành niên thường được phân thành loại thứ nhất và thứ tư.


II. Cơ chế tâm lý của tự tử

A. Yếu tố tâm lý và di truyền của tự tử vị thành niên

Nghiên cứu khoa học cho thấy nồng độ serotonin, một chất thần kinh trong não của bất cứ ai cố gắng tự tử thấp hơn đáng kể so với bình thường. Bởi vì các cơ quan sinh lý tổng hợp serotonin được di truyền, trầm cảm và rối loạn tâm thần cũng trở thành một tình trạng di truyền, nhưng liệu nó có biểu hiện khác nhau ở mỗi người?

Serotonin được hình thành từ tryptophan, nhưng nguyên liệu thô này không thể được tổng hợp trong cơ thể người mà phải được lấy từ thực phẩm. Thực phẩm giàu tryptophan bao gồm sữa chua, chuối, thịt bò, thịt gà, hải sản, cá, phô mai, bia, cà phê, cam, trà, cà chua, chocolate, v.v...

 Bạn nhớ một cách trị liệu trong thế giới phù thủy của Harry Potter chứ? Khi bạn đang ở trong một tâm trạng tồi tệ, ăn một ít chocolate sẽ tạo ra sự khác biệt, đó là sự thật.


B. Cơ chế tâm lý của tự tử vị thành niên

1. Tự tử ở tuổi vị thành niên và nhận thức

Những người ở độ tuổi vị thành niên chưa trưởng thành do còn đang trong giai đoạn phát triển về thể chất và tinh thần, cũng như kinh nghiệm xã hội của họ tương đối thấp. Do đó trước những thất bại và thất vọng, họ rất dễ có những thành kiến ​​về nhận thức, cực đoan về cảm xúc và ý chí yếu đuối.


a. Xu hướng nhận thức: chẳng hạn như không hiểu chính xác và chấp nhận bản thân, luôn thích so sánh nhược điểm của bản thân với điểm mạnh của người khác, tự ti và tự phàn nàn một cách mù quáng... Họ quá chú trọng vào điểm kiểm tra mà không biết rằng trí thông minh của con người rất đa dạng và tiềm năng của con người là vô hạn, điểm kém trong học tập không có nghĩa là sẽ thất bại trong cả cuộc đời. Thế nhưng họ bỏ qua giá trị của cuộc sống, và sử dụng sinh mệnh của mình như một phương tiện để tranh đấu với cha mẹ và xã hội. (Ví dụ, một số trẻ ngây thơ nghĩ rằng cái chết cảm thấy như ngủ thiếp đi mà không đau đớn; cha mẹ không yêu thương tôi, và tôi thậm chí còn nghĩ về việc có một cuộc sống tốt khi họ chết, tôi mà chết đi thì họ sẽ phải hối hận v.v.)


b. Sự thiếu ổn định trong tâm lý: Những thăng trầm trong cuộc sống như tình yêu tan vỡ, kỳ thi thất bại và cái chết bất ngờ của người thân, v.v... có thể khiến thanh thiếu niên có cảm giác mong manh bi quan và tuyệt vọng, cùng hành vi tự tử rõ ràng là bốc đồng. (Nhiều người cố gắng tự tử đã hối hận về hành vi liều lĩnh của chính họ sau đó và cảm thấy rằng hành động ban đầu quá bốc đồng.)


c. Ý chí yếu kém và môi trường phát triển quá bảo bọc: khi con người lớn lên trong "lồng kính", lúc nào cũng được chiều chuộng đầy đủ, muốn gì được nấy, chỉ cần khóc là được dỗ... cùng với sự thiếu tiếp xúc xã hội, dẫn đến sự yếu đuối mong manh. Họ cảm thấy cú sốc khi bắt đầu trưởng thành, phải đối mặt với thực tế khắc nghiệt của xã hội mà không có ai theo dỗ dành bao bọc, lòng người lạnh lùng chứ không nuông chiều họ như gia đình lúc ấu thơ. Cha mẹ, ông bà không che chở họ 24/24 được. Họ sử dụng cái chết để tránh những khó khăn và trách nhiệm.


2. Tự tử vị thành niên và tâm lý cá nhân:

Tính cách cá nhân quyết định vận mệnh, tâm lý làm nên cuộc sống. Người vị thành niên tự tử có những đặc điểm của sự tự phức tạp và mâu thuẫn, nhiều cảm xúc tiêu cực và sự mơ hồ.


Người ta thường nghĩ chỉ có người hướng nội, rụt rè, yếu đuối mới tự tử, nên xã hội có xu hướng chú trọng và chăm sóc tinh thần người hướng nội hơn.

Trên thực tế, dù là người hướng nội hay hướng ngoại, ai cũng đều có các vấn đề về tâm lý, có các khó khăn cá nhân và có những thời điểm cảm thấy tuyệt vọng.

- Những người có tính cách hướng nội thường dễ lo lắng, bất an, mâu thuẫn.

- Trong khi đó, những người được đánh giá là mạnh mẽ, nghiêm túc, bướng bỉnh, có trách nhiệm... thường lại bị đổ lỗi mạnh mẽ khi gặp khó khăn và có cảm giác cô độc.

 Tự tử cũng có thể xảy ra trong các tình huống như tự cho mình là trung tâm, thay đổi cảm xúc mạnh mẽ và giận dữ... Tuy nhiên, tự tử của những người hướng ngoại thường liên quan đến sự thúc đẩy.


Theo thống kê, 13,2% thanh niên tự tử do rối loạn tâm thần, trong đó trầm cảm là rối loạn tâm thần quan trọng nhất khiến người trẻ tự tử. Trầm cảm chủ yếu biểu hiện ở việc mất hứng thú và động lực học tập và làm việc, thờ ơ, từ chối giao tiếp, tránh bạn bè và kèm theo các phản ứng bất lợi như giảm cảm giác thèm ăn và mất ngủ. Hầu hết các sinh viên đã trải qua loại cảm xúc tiêu cực này, nhưng thời gian trải nghiệm tương đối ngắn, và nó biến mất theo thời gian. Tuy nhiên, cũng có một vài người trẻ sống nội tâm, cô đơn và thất vọng. Họ dễ bị trầm cảm trong một thời gian dài, và những người bệnh nghiêm trọng có thể sẽ nghĩ đến việc tự kết thúc cuộc sống.


3. Tâm lý tự tử vị thành niên và cơ chế xã hội

a. Thời đại bùng nổ Internet đã thay đổi rất nhiều tâm lý của thanh thiếu niên. 

Sự thay đổi này mang cả tính tích cực lẫn tiêu cực. Sự lựa chọn thông tin của thanh thiếu niên rất non nớt, thiếu khả năng sàng lọc và dễ bị ảnh hưởng bởi các tác động tiêu cực của Internet. Môi trường ảo làm giảm tần suất người trẻ tương tác với người khác, làm suy yếu khả năng tương tác với xã hội và ảnh hưởng nghiêm trọng đến việc xã hội hóa sự phát triển tâm lý của thanh thiếu niên. 

Sự xuất hiện của các thông tin rác trên Internet đã khiến thanh thiếu niên phát triển sai lệch tính cách của họ, bị cuốn theo lối sống phù phiếm, khao khát thể hiện, coi trọng vật chất và vẻ ngoài, dễ bị quấy rối... và thậm chí tự tử.


b. Tự tử và truyền thông đại chúng

Tuổi trẻ là đối tượng quan trọng nhất đưojc nhắm đến đối với các phương tiện truyền thông đại chúng như báo chí, đài phát thanh và truyền hình. 

Nội dung của truyền thông nhảm "gây mê" tâm lý của thanh niên và ảnh hưởng đến sức khỏe thể chất và tinh thần của họ. Trong những năm gần đây, báo chí, đài phát thanh và truyền hình đã đăng tải nhiều vụ tự tử hơn, nhưng khi họ đưa tin, họ thường chủ quan và dễ gây ra sự thiên vị nhận thức cho những người trẻ tuổi nhạy cảm. 

Hành vi tự tử có khả năng gây lan nhiễm. Tự tử bởi một người sẽ ảnh hưởng đến cuộc sống của thành viên gia đình và bạn bè, và cả những người biết đến tin tức ấy nữa. 

* Tự tử vị thành niên có thể là do bắt chước: ví dụ, vào ngày 7 tháng 7 năm 2003, một cô gái 16 tuổi ở Đại Liên đã tự kết thúc đời mình sau khi một ngôi sao điện ảnh Hồng Kông tự sát. Theo các báo cáo liên quan, trong vòng chín giờ sau khi ngôi sao này tự sát, có thêm sáu người ở Hồng Kông đã nhảy ra khỏi tòa nhà và kết thúc cuộc sống của họ. Thực tế, đây là một hiệu ứng bắt chước thần tượng điển hình.


C. Cơ chế giáo dục và tâm lý tự tử vị thành niên a. Giáo dục tâm lý vị thành niên

Mục đích của giáo dục là đào tạo tất cả các loại tài năng với sự phát triển toàn diện về giáo dục đạo đức, trí tuệ và thể chất để đáp ứng nhu cầu phát triển không ngừng của xã hội. Tuy nhiên mục đích của giáo dục đã bị sai lệch nghiêm trọng. Trường được chia thành "trường điểm", "trường phổ thông" và "trường kém", và học sinh được chia thành "học sinh khá, giỏi", "học sinh trung bình" và "học sinh yếu".

 Thể loại này, được phân chia theo tiêu chuẩn kiểm tra, đã kìm hãm nghiêm trọng nhiều học sinh - sinh viên có tài năng đặc biệt, hủy hoại sự nhiệt tình của hầu hết người đi học, tước đi hạnh phúc của giới trẻ, và việc học đã trở thành gánh nặng cho thanh thiếu niên. Trầm cảm, lo lắng, căng thẳng trong học tập, bất ổn về cảm xúc và mất cân bằng tâm lý đã xâm chiếm tâm trí mong manh của học sinh và thậm chí gây ra những khủng hoảng tâm lý nghiêm trọng, khiến một số người nảy mầm ý nghĩ tự tử, muốn sử dụng tự tử để chống lại việc học và thoát khỏi việc học. 


b. Tâm lý tự tử của thanh thiếu niên và giáo dục lối sống

Nói chung, những suy nghĩ hoặc hành động tự tử chỉ có thể xảy ra khi sự đau khổ về tâm lý hoặc cảm xúc cá nhân nghiêm trọng đến mức khó kiểm soát bản thân và hoàn toàn "suy sụp tinh thần". Tuy nhiên, đánh giá từ nguyên nhân tự tử của những người trẻ, hầu hết các vấn đề đều là những sự cố không đáng kể trong mát người trưởng thành, nhưng chúng có tác động lớn đến tâm lý của thanh thiếu niên. Khía cạnh này cũng phản ánh sự thờ ơ với cuộc sống và thiếu ý thức trách nhiệm với xã hội. Hiện nay, giáo dục kĩ năng sống về cơ bản là một khoảng trống ở nước ta. Khi những người trẻ tuổi bị thất bại hoặc bị quở trách, họ rất dễ đưa ra những lựa chọn cực đoan vì sự thiếu hiểu biết đúng đắn về giá trị của cuộc sống. Cùng với sự vội vã của cuộc sống thành thị và mối quan hệ xa cách giữa các cá nhân trong xã hội hiện đại, thanh thiếu niên ít có thời gian để tâm sự với những người khác. Hoàn cảnh tù túng, thiếu cơ hội để giao tiếp và trao đổi đã vô tình gieo rắc những hạt giống bệnh tâm lý cho thanh thiếu niên. 


c. Tâm lý tự tử vị thành niên và cơ chế gia đình

Gia đình là ngôi trường đầu tiên cho trẻ em lớn lên. Cha mẹ là giáo viên đầu tiên cho trẻ học hỏi. Mỗi đứa trẻ luôn có một vấn đề gia đình đằng sau nó. Không thể phủ nhận có những vấn đề về giáo dục rất nghiêm trọng trong môi trường gia đình của những người tự tử ở độ tuổi vị thành niên. 

Ví dụ, một số gia đình có kỳ vọng quá cao đối với con cái họ, nhưng họ thiếu phương pháp giáo dục khoa học và đúng đắn. Khi trẻ không đáp ứng được kỳ vọng của mình, họ thường "kỉ luật thép" và đối xử thô lỗ, cục cằn, chửi hoặc đánh con. Một số gia đình chỉ chú ý đến việc đáp ứng nhu cầu vật chất của con mà bỏ bê giáo dục tư tưởng, hoặc chỉ chú ý đến kết quả học tập và bỏ bê giao tiếp tâm lý; một số gia đình cha mẹ thường xuyên đánh nhau hoặc li hôn... Đứa trẻ trở thành đối tượng đứng giữa cuộc chiến tranh của cha mẹ, trở thành nơi trút giận, hoặc "trọng tài" phân xử, là nơi để bố mẹ nói xấu lẫn nhau, dạy con ghét bỏ người kia... Đôi khi đứa trẻ trở thành một món đồ bị bỏ rơi bởi cả cha và mẹ. Tất cả đều gây ra tổn thương lớn cho tâm trí của người trẻ và khiến họ có tâm lý bị bóp méo. Họ cô đơn, cảm thấy thấp kém, hoang tưởng, kỳ quặc, lạnh lùng, ích kỷ, độc đoán...


Tóm lại, việc thiếu thốn tình cảm là những yếu tố quan trọng dẫn đến hành vi tự tử ở thanh thiếu niên.


III. Một số gợi ý về can thiệp và phòng ngừa tự tử ở thanh thiếu niên


 Quan tâm đến sự phát triển của người trẻ, bảo vệ môi trường nơi họ lớn lên và hạn chế các yếu tố tiêu cực không tốt cho sự phát triển về thể chất và tinh thần của họ - đây là biện pháp cơ bản để ngăn chặn tự tử. Trước thực tế tàn khốc rằng hiện tượng vị thành niên tự tử hiện nay ngày càng trở nên nghiêm trọng, việc tăng cường giáo dục sức khỏe tâm thần của thanh thiếu niên (bao gồm giáo dục kỹ năng sống) và thiết lập một cơ chế cảnh báo sớm khủng hoảng tâm lý.


A. Đối với nhà trường:

1. Thay đổi khái niệm giáo dục, thiết lập mô hình giáo dục trường học định hướng giáo dục chất lượng và mạng lưới giáo dục mới, để nhiều người trẻ có thể cảm nhận được vẻ đẹp và niềm vui của việc đến trường. Để "mỗi ngày đến trường là một ngày vui", các em không bao giờ trốn tránh học tập hoặc thậm chí tự tử vì phản kháng.


2. Xây dựng văn hóa nhà trường tích cực và lành mạnh, tổ chức nhiều hoạt động ngoại khóa để học sinh - sinh viên trải nghiệm giá trị của bản thân khi tham gia, cũng như có cơ hội kết bạn, giao lưu, không cô đơn.


3. Tăng cường giáo dục sức khỏe tâm thần của học sinh để hình thành một nhân cách lành mạnh. Kết hợp phòng ngừa và khắc phục, thúc đẩy kiến ​​thức về sức khỏe tâm thần thông qua các kênh khác nhau như các lớp hoạt động về sức khỏe tâm thần, tham vấn tâm lý, tư vấn nhóm và tư vấn cá nhân, tối đa hóa sự phát triển tiềm năng của học sinh, tư vấn tâm lý cho học sinh bị rối loạn tâm lý và giúp học sinh thoát khỏi những vấn đề tâm lý... nhằm biết về mình, chấp nhận và yêu thương bản thân, từ đó phát triển bản thân.

 Cụ thể: dạy cho các em một số phương pháp điều chỉnh tâm lý, giúp thiết lập và cải thiện hệ thống hỗ trợ tâm lý và xã hội của riêng họ, và cho các em những nơi có thể tìm kiếm sự giúp đỡ khi khủng hoảng tâm lý xảy ra. Đó có thể là thày cô giáo, là phòng tham vấn, là bạn bè...


4. Thành lập các khóa học giá trị cuộc sống. Theo tình hình thực tế của những người trẻ ở các giai đoạn khác nhau, áp dụng một cách mà họ có thể dễ dàng hiểu và chấp nhận, để giúp họ hiểu được sự quý giá của cuộc sống, tôn trọng và trân trọng cuộc sống, không lãng phí cuộc đời.


5. Giáo dục tất cả nhân viên đầy đủ. Bất kể giảng dạy môn học hay quản lý giáo dục, cho dù đó là lãnh đạo nhà trường, giáo viên tuyến đầu hay trợ lý giảng dạy, chúng ta phải hướng đến học sinh, hoàn toàn tôn trọng mọi học sinh và chăm sóc các em một cách công bằng và chu đáo. Có rất nhiều giáo viên thiên vị, "trù" học sinh mình ghét, dung túng bắt nạt... đây là điều không thể chấp nhận.


B. Đối với gia đình và xã hội:

6. Thành lập hội phụ huynh, thường xuyên hướng dẫn cho các bậc cha mẹ những khái niệm giáo dục gia đình hiện đại, khoa học và kinh nghiệm giáo dục, thiết lập môi trường gia đình kiểu học tập, tạo ra bầu không khí giáo dục thoải mái và bình đẳng, cũng như cải thiện chất lượng chung của cha mẹ.


7. Quản lý Internet chặt chẽ hơn, chống lại tác động tiêu cực của thông tin xấu, giảm tác động tiêu cực của Internet và phương tiện truyền thông chất lượng thấp đối với quá trình tinh thần của người trẻ, đặc biệt là lựa chọn hành vi tự tử.


8. Thiết lập một cơ chế cảnh báo sớm cho khủng hoảng tâm lý. Nói chung, có những dấu hiệu tự tử, chẳng hạn như gặp phải các sự kiện nghiêm trọng trong cuộc sống, trầm cảm hoặc suy sụp tinh thần trong vài ngày, một số hành vi bất thường, v.v ... Đây là những tin nhắn mà người tự tử rò rỉ có chủ ý hoặc vô ý. Trên thực tế, trước khi đưa ra quyết định cuối cùng, người tự tử sẽ thể hiện sự đau đớn và do dự rất lớn. Nếu những người xung quanh có thể phát hiện và giúp đỡ họ kịp thời, điều đó có thể ngăn được thảm kịch.


 Việc ngăn ngừa và kiểm soát tự tử của thanh thiếu niên và sự tham gia của toàn xã hội có tác động lớn đến những người trẻ tuổi. Do khả năng nhận thức thấp, thiếu khả năng kiểm soát hành vi và khả năng chống lại những cám dỗ bên ngoài, khả năng phân biệt giữa đúng và sai của họ là tương đối yếu, vì vậy họ dễ bị ảnh hưởng bởi xã hội và cám dỗ, dễ bị tác động tiêu cực và phát sinh các vấn đề tâm lý. Do đó, sự tham gia và quan tâm của toàn xã hội là một phần quan trọng trong việc ngăn chặn hành vi tự tử của thanh thiếu niên.


Tranh: hoạ sĩ Pascal


Từ khóa: 

tự tử

,

thanh thiếu niên

,

tâm lý

,

vị thành niên

,

sức khoẻ tinh thần

,

tâm lý học