[Phần cuối]Những Món rau Làng: Nhớ lắm, tầu bay ơi!

  1. Lịch sử

  2. Văn hóa

Nhớ lắm, tầu bay ơi!

Nhắc đến tuổi thơ và ruộng đồng, ứa nước mắt nhớ về người nông dân học chữ nho, rồi khoác áo lính, đi qua 2 cuộc kháng chiến, huân chương đeo đầy trên ngực áo, thân thể mang đầy dấu vết chiến tranh mà trái tim như vỡ vụn vì đau thương trở về ruộng đồng lại vun đắp tâm hồn cho lũ nhóc chúng tôi - Ông Ngoại!
Ngày hè oi ả, thi xong học kỳ là được mẹ tống về quê cho đỡ tốn cơm gạo... chiều mát ông cho tôi lên vai đi ra đồng cùng 2-3 vị khách thi thoảng đến chơi. 
Và với giọng điệu đanh thép nhưng trầm ấm, người chỉ huy năm xưa kể cho thằng cháu với 10 vạn câu hỏi vì sao và vài người bạn về "ngày xưa":
Hồi ở ngoài Bắc chúng tôi được ăn rau khá nhiều, trong đó có rau muống, rau cải tự trồng. Vào chiến trường bộ đội tự kiếm rau để ăn. Những khi thiếu rau, lính ta xót ruột lắm. Mẹ thiên nhiên thương các con nên đã sinh ra một loại rau mọc hoang ăn rất ngon- rau tàu bay.
Rau tàu bay mọc và phát triển nhanh ở khắp nơi. Dưới những bụi cây, trên đồi, trong hốc núi, ven các bờ suối, bờ mương, ven đường… đều có tàu bay.
Hôm chúng tôi mới lên đồi cao giữ chốt chung quanh xanh mầu xanh cây cỏ. Sau dăm ngày, bom đạn cày xới, màu xanh biến mất. Nhìn quanh toàn thấy hố bom,hố đạn, mảnh đạn, mảnh bom. Cây cối cháy xém, trơ gốc.
Thế rồi, mặt trận bỗng nhiên yên ắng. Trời đổ mưa. Từ mảnh đất chết chóc mọc lên những vạt tàu bay xanh non mơn mởn. Chúng tôi rất mừng, rời hầm đi hái rau tàu bay về ăn. Vừa hái rau chúng tôi vừa chăm chú lắng nghe tiếng depa của pháo và tiếng máy bay B 52. Tùy vào độ to nhỏ của tiếng động của pháo, của máy bay và nhìn đường bay của B 52 mà chúng tôi quyết định có chạy về hầm hay không.
Chỉ cần một nắm rau tàu bay, thêm chút muối vào nồi nước sôi rồi thả rau. Thế là được một món ngon ngọt, thanh đạm. Nếu có một ít mì chính, mắm ruốc hay mắm cô cho vào thì đã có một món canh ngon tuyệt rồi.
Hôm nào hái về nhiều rau tàu bay, chúng tôi chế biến thành đủ món luộc, xào, muối chua… Anh Liêm trắng – y tá của đại đội tôi muối dưa rau tàu bay rất ngon.
Có rau tàu bay, đời lính tươi vui hơn. Chúng tôi ca hát, trêu chọc nhau, nói phét suốt ngày. Chả là trong lính tráng chúng tôi có câu: Đói tán ăn, no tán phét…
Rau tàu bay trở thành nguồn rau xanh vô cùng quí giá cung cấp cho lính tráng. Đến nỗi, đối phương “ghen ghét” loài rau này nên tìm cách nói xấu nó. 
Truyền đơn khắp các cánh rừng: "Hỡi các cán binh Bắc Việt! Các bạn đừng ăn rau tàu bay nữa! Ăn rau tàu bay sẽ bị phá máu!"
Vừa đọc truyền đơn chúng tôi vừa ngửa mặt lên trời nhìn cái máy bay do thám, vặc lại: 
– Chúng mày nói là việc của chúng mày. Phá máu là phá thế nào! Kệ mẹ chúng mày muốn nói gì cứ nói! Hàng ngày bọn tao vẫn hái rau tàu bay về ăn ngon lành!
Nhiều năm đã qua! Các điểm cao 132, Đập Đá, Động Ông Do… mùa mưa đến, chắc là rau tàu bay mọc lên xanh ngát. 
Mầu xanh đã trở lại với những nơi này mấy chục năm nay rồi… 
Nhớ lắm những bát canh rau tàu bay năm 1972. 
........................................
Ký ức xưa tràn về. Nhớ dáng vẻ quắc thước, nghiêm nghị nhưng hiền hậu của người Ông đã đi xa...
Mỗi lần đi qua Quảng Trị hay ra đồng, cúi xuống vặt đôi lá
Nhớ lắm, tàu bay ơi!
Từ khóa: 

lịch sử

,

văn hóa