Phần 1: Hoạt động pháp điển hóa PL dưới triều Nguyễn thời kì độc lập, tự chủ (1802 - 1884) (Phần 2 về hoạt động tập hợp hóa PL, mình sẽ post vào ngày mai nhé).
Trong hoạt động lập pháp của bất kì Nhà nước nào, thì hoạt động hệ thống hóa pháp luật cũng đều giữ vai trò quan trọng. Hoạt động này được thực hiện dưới hai hình thức:
+ Pháp điển hóa pháp luật là hoạt động của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền nhằm tập hợp các quy định, các nguồn pháp luật hiện hành; có thể chỉnh sửa, loại bỏ hoặc bổ sung thêm các quy định cần thiết và sắp xếp chúng lại trong một chỉnh thể thống nhất, khoa học theo lĩnh vực hoặc theo chủ đề để tạo thành một văn bản quy phạm pháp luật mới hoặc bộ pháp điển[1]. Dựa trên khái niệm này, chúng tôi cho rằng, bộ Hoàng Việt luật lệ là một thành tựu của hoạt động pháp điển hóa pháp luật dưới triều Nguyễn.
+ Tập hợp hóa pháp luật là hình thức thu thập và sắp xếp các quy định pháp luật hoặc các nguồn pháp luật theo những trật tự nhất định như theo chuyên đề, theo ngành quản lí, theo cơ quan ban hành, tên gọi, thời gian ban hành văn bản… thành các tập luật lệ đáp ứng yêu cầu của các chủ thể tập hợp và chủ thể sử dụng[2]. Dựa trên khái niệm này, chúng tôi cho rằng, bộ Khâm định Đại Nam Hội điển sự lệ và bộ Minh Mệnh chính yếu là một thành tựu của hoạt động tập hợp hóa pháp luật dưới triều Nguyễn.
Cũng giống như bất kì Nhà nước nào đã và đang tồn tại trong lịch sử, thì triều Nguyễn cũng đã tiến hành biên soạn và ban hành một hệ thống các văn bản pháp luật. Mặc dù triều đình nhà Nguyễn coi Nho giáo là hệ tư tưởng cốt lõi, độc tôn chi phối toàn bộ đời sống chính trị - xã hội; bản chất của Nho giáo là trọng Lễ hơn trọng Hình, nhưng không phải vì thế mà phủ nhận vai trò của pháp luật trong việc duy trì trật tự xã hội; cũng bởi vậy mà nhiều học giả cho rằng, chính sách mà triều Nguyễn sử dụng để cai trị đất nước là nội Nho ngoại Pháp.
Ngay từ những ngày đầu mới lập triều đại, mặc dù bận rộn với trăm công nghìn việc của một triều đại mới ra đời và một nền cai trị mới xác lập; triều đại nhà Nguyễn cũng đã xác lập được quan điểm của mình về vị thế của pháp luật trong đời sống chính trị - xã hội. Cụ thể, theo Đại Nam thực lục chính biên đệ nhất kỷ, quyển XVIII: “Nhâm Tuất, Gia Long năm thứ 1[1802]… Tháng 8… Vua cùng bầy tôi bàn việc trị dân, nói tới giáo hóa và hình phạt, dụ rằng: Đạo trị dân giáo hóa vẫn nên làm trước. Nhưng nay dân mới trải qua thời loạn, nhiễm thói xấu đã lâu, chưa tin giáo hóa mới; trong phép trị mối loạn, hình phạt không thể dùng được. Cần phải lấy lòng kính thương mà làm cẩn thận thế nào đó thôi”[3]. Theo đó, quan điểm của triều đình nhà Nguyễn là ưu tiên việc sử dụng lễ nghĩa để giáo hóa dân chúng hơn việc sử dụng hình phạt. Nó thể hiện bản chất độc tôn Nho giáo của triều đình nhà Nguyễn trong việc thiết lập chính sách cai trị.
Tuy nhiên, không phải vì lý do độc tôn Nho giáo mà nhà Nguyễn phủ nhận vị thế của pháp luật; cụ thể, triều Nguyễn đã thiết đặt 15 điều lệ về việc kiện tụng; những điều lệ này là các quy định về pháp luật tố tụng, quy định về trình tự, thủ tục giải quyết một vụ án và nó là một dạng của luật hình thức. Cụ thể, theo Đại Nam thực lục chính biên đệ nhất kỷ, quyển XVIII: “Nhâm Tuất, Gia Long năm thứ 1 [1802]… Tháng 8… Định điều lệ kiện tụng. Sai đình thần tham chước hình luật đời Lê Hồng Đức (niên hiệu của Thánh Tông), định làm 15 điều:
1. Phàm người kiện phải cáo thực, kiện vu thì lấy tội vu đó mà xử cho, lại thu tiền tổn phí để trả cho người bị vu.
2. Phàm người nguyên cáo không biết chữ mượn người viết giúp đơn, người viết đơn thay cứ thực mà viết, không được thêm bớt, nếu xúi giục người kiện và thêu dệt lời lẽ trong đơn để lừa dối kiếm lợi thì xử đồ 3 năm.
3. Phàm kiện vặt, như chửi nhau, đòi nợ thì lý trưởng phân xử; nếu còn bị ức thì cho theo thứ tự mà kêu xét lại.
4. Phàm kiện về ruộng đất, hộ hôn, cờ bạc, đánh nhau thì đưa đơn ở huyện; nếu còn bị ức thì theo thứ tự kêu xét lại ở phủ, rồi ở trấn. Nếu ba nha xử đoán khác nhau thì kêu xét lại ở thành. Quan trước xét xử không công bằng thì chiếu theo nhẹ nặng mà nghị phạt, phạt đến ba lần thì xử biếm hay bãi.
5. Phàm kiện trộm cướp thì đầu đơn tại phủ. Phủ nha tra hỏi rồi thì bẩm lên trấn quan xét xử. Tội đến xử tử thì bẩm lên thành quan xét duyệt. Còn những việc trộm cắp tang vật ít thì huyện nha sở tại xét xử.
6. Phàm kiện về nhân mạng, trước hết chạy xin làng tổng bắt giữ phạm nhân rồi đầu đơn kêu tại phủ. Phủ nha hội đồng với huyện nha khám nghiệm và làm biên án, bắt thủ phạm phải nộp tiền tạm mai táng là 36 quan, cấp cho thân nhân người chết nhận về mai táng. Nếu phạm nhân không có tài sản thì bắt họ hàng phạm nhân phải nộp. Phàm giết người, không hỏi thủ phạm hay tòng phạm đều xử chém, gia sản của phạm nhân đều cấp cho thân nhân người chết. Nếu phủ ở xa thì kêu ở huyện, theo thứ tự kêu chuyển lên. Đến như xác chết đường thì dân sở tại tường trình với huyện nha khám nghiệm cho chôn rồi làm thẻ tiêu đề để đợi thân nhân người chết đến nhận.
7. Phàm người nguyên cáo kêu xét lại thì phải có lời thẩm của quan xử trước đính vào sau đơn; nếu không theo thứ tự mà kêu vượt thì đánh mắng mà bác đơn trả về.
8. Phàm quan xét xử nhận bừa đơn kêu vượt thì quan phủ bị phạt một con trâu, chiết thành tiền 5 quan; quan trấn bị phạt 2 con trâu, chiết thành tiền 10 quan, đều nộp vào nhà nước.
9. Phàm xét hỏi kiện tụng cần phải nhanh chóng, nếu tình lý có quan ngại thì mới có kỳ hạn; việc nhân mạng trộm cướp hạn 3 tháng, việc hộ hôn, ruộng đất, tiền của, đánh nhau hạn 2 tháng, còn việc kiện vặt thì hạn 1 tháng, đều lấy ngày người bị cáo đến hầu xét làm đầu; nếu để quá kỳ, đến nỗi nguyên cáo phải kêu thì kiện lớn phạt 2 trâu, kiện nhỏ phạt 1 trâu, đều chiết nộp bằng tiền vào nhà nước. Án ấy đệ lên ty trên xét xử.
10. Những thuộc viên theo khám, việc kiện lớn thì 2 người, việc kiện nhỏ thì 1 người, tiền cơm mỗi người mỗi ngày là 2 tiền; việc kiện lớn được tiền cơm 1 tháng, việc kiện nhỏ được tiền cơm 15 ngày.
11. Người sai đi đòi bắt, án mạng và trộm cướp thì sai 3 người, còn kiện khác thì 1 người, tiền hành lý mỗi người mỗi ngày 2 tiền. Khi có nã bắt đảng cướp thì lượng phái binh lính không theo số ấy, từ 5 người trở xuống thì theo lệ cấp tiền hằng ngày, ngoài số ấy thì đều tự biện lương thực, không được yêu sách.
12. Kiện tụng lệ phải nộp tiền lễ tra, ở huyện nha thì kiện lớn nộp 3 quan, kiện nhỏ 2 quan. Huyện nha mà bị kiện tại phủ thì kiện lớn nộp 4 quan, kiện nhỏ 2 quan 5 tiền, lại truy thu số tiền lệ kiện đã nộp cho huyện nha. Như huyện nha [bị kiện] mà xử đúng lẽ thì được miễn thu, và thu ở kẻ vu khống 5 quan tiền tạ huyện nha. Phủ nha bị kiện tại trấn, kiện lớn nộp 5 quan, kiện nhỏ 3 quan, lại truy thu số tiền lệ kiện đã nộp ở phủ nha. Như phủ nha [bị kiện] mà xử đúng lẽ thì miễn thu và thu ở kẻ vu khống 10 quan tiền tạ phủ nha. Trấn quan bị kiện tại thành, kiện lớn nộp 6 quan, kiện nhỏ nộp 4 quan, lại truy thu số tiền lệ kiện đã nộp ở trấn, phủ, huyện, như trấn nha xử đúng lẽ thì thu ở kẻ vu khống 15 quan tiền để tạ trấn quan. Tiền lễ tra thì cho thuộc viện theo khám chiếu thu mà chi dùng. Những tiền lễ tra, tiền cơm, tiền hành lý nói trên đều thu ở hai bên. Sau khi xét đoán xong sẽ thu ở bên thua mà hoàn lại cho bên được. Các thứ tiền lệ về việc án mạng và trộm cướp thì thu ở người bị cáo. Như nguyên cáo mà vu thì bị phản tọa, phải nộp các thứ tiền lệ để trả lại cho bị cáo.
13. Những việc kiện lớn thì cho thu ở phạm nhân tiền giám thủ và tiền cùm xiềng dầu đèn là 3 quan. Đàn bà con gái bị giam thì thu một nửa, nhà ngục phải có nơi cách biệt, không được hỗn tạp. Đàn bà con gái tội không đến chết thì cho làng họ bảo lãnh để chờ xét xử.
14. Những tiền lễ tra, tiền cơm, tiền hành lý đều chiếu y lệ định, không được lạm thu. Nếu lạm thu từ 1 quan đến 10 quan thì xử 100 roi và bãi dịch, từ 11 quan đến 20 quan thì xử đồ 3 năm, từ 30 quan trở lên thì xử tử. Quan xét xử không sức bảo rõ cũng bị nghị xét. Nếu quan xét xử, dụng tình tham nhũng, xét quả thực thì xử tử.
15. Huyện mà có phủ viên kiêm lý thì những việc kiện lớn nhỏ đều cáo ở phủ, các thứ tiền lệ như tiền lễ tra, cũng như các huyện nha khác”[4].
Tìm hiểu và nghiên cứu về cổ luật Việt Nam, chúng ta đều thừa nhận với nhau rằng, bộ luật Hồng Đức là đỉnh cao của nền cổ luật Việt Nam; giá trị của nó không dừng lại trong phạm vi hơn 300 năm tồn tại của triều đại Hậu Lê, mà nó còn được kế thừa trong bộ Hoàng Việt luật lệ (bộ luật Gia Long) của triều đại nhà Nguyễn và cả trong hệ thống pháp luật Việt Nam hiện đại.
Hơn 10 năm kể từ ngày khai sinh ra triều Nguyễn, khi căn cơ chính trị của triều đình nhà Nguyễn đã tương đối ổn định thì triều đình nhà Nguyễn đã tiến hành biên soạn và ban hành bộ Hoàng Việt luật lệ, bao gồm 398 điều luật và được chia thành 22 quyển. Theo Đại Nam liệt truyện chính biên sơ tập, quyển 21: “Gia Long năm thứ 10 (1811), sửa luật lệ, Thành sung làm Tổng tài. Thành cùng triều thần xét học chước định, lấy bỏ, đem bản thảo tiến lãm và ngục cụ (như gông cùm các loại) lớn nhỏ liệu nặng nhẹ đặt làm định thức…”[5].
Cũng theo Đại Nam liệt truyện chính biên sơ tập, quyển 21: “Gia Long năm thứ 12 (1813), Thành cùng lũ Vũ Trinh xét định luật lệ cộng 398 điều, sách luật làm xong tiến trình, vua thân tự sửa định, lại sai làm bài tựa liền sai khắc in ban hành…”[6].
Tuy nhiên, những ghi chép này trong Đại Nam liệt truyện chính biên sơ tập là vô cùng sơ lược; muốn tìm hiểu chi tiết và sâu xa hơn về việc biên soạn, ban hành và hiệu lực của bộ Hoàng Việt luật lệ thì cần phải khảo cứu những ghi chép về vấn đề này trong Đại Nam thực lục chính biên đệ nhất kỷ.
Theo Đại Nam thực lục chính biên đệ nhất kỷ, quyển XLII: “Tân Mùi, Gia Long năm thứ 10 [1811] (Thanh Gia Khánh năm thứ 16). Mùa xuân, tháng giêng… Sai đình thần soạn định luật lệ, lấy Nguyễn Văn Thành sung chức Tổng tài. Dụ rằng: Các bực đế vương trị nước, hình pháp đặt ra đã lâu. Hình pháp không đúng thì dân không chỗ mà nắm. Nay luật lệ chưa định, pháp ty không theo vào đâu được, thực không phải ý Khâm tuất minh doãn của trẫm. Bọn khanh nên hết lòng khảo xét những pháp lệnh điển lệ của triều, tham hợp với điều luật đời Hồng Đức và nước Đại Thanh, lấy bỏ cân nhắc mà làm thành sách. Trẫm sẽ tự sửa chữa cho đúng để ban hành”[7].
Theo Đại Nam thực lục chính biên đệ nhất kỷ, quyển XLV: “Nhâm Thân, Gia Long năm thứ 11 [1812]. Mùa thu, tháng 7…Sách luật xong. Vua sai Nguyễn Văn Thành và Võ Trinh sửa định các điều luật lệ, phàm 398 điều (Về hình danh và phàm lệ 45 điều, luật lại 27 điều, luật hộ 66 điều, luật lễ 26 điều, luật binh 58 điều, luật hình 166 điều, luật công 10 điều), sách gồm 22 quyển. Vua thân tự xét định và làm bài tựa rằng: Trẫm nghĩ thánh nhân trị nước, hình phạt và đức hóa chưa từng lệch bỏ bên nào. Vì lòng dân có dục vọng, việc đời không bến bờ, nếu không có hình pháp để ngăn ngừa, không thể khiến người theo giáo hóa mà biết đạo đức được, cho nên nói hình pháp là khí cụ giúp cho chính trị, có phải là nói suông đâu! Luật lệnh là lệ để đoán định hình phạt. Người xưa bàn việc mà chế trị, không dùng chém giết, có phải là việc chém giết không thể không dùng được đâu! Chỉ là dân thuần việc ít, còn có thể qua loa được. Nhưng phong hội đã xuống, việc ngụy ngày thêm, hình phạt không đủ để thắng kẻ gian, khoa điều không đủ để dùng vào việc, cho nên luật lệ điều lệnh, dần có tăng lên. Có phải là bởi xưa nay khác nhau mà luật không thể thiếu được đâu! Các triều nước ta tới nay đều có lệnh điển. Từ thuở Tây Sơn nổi loạn, giềng mối đắm chìm, pháp luật tan nát, xảo trá thêm nhiều, tóm lại thì có việc bỏ sót, suy ra thì có chỗ lý chưa rõ ràng. Kẻ ngu thì không biết mà rảo lánh,kẻ ngoan thì dễ dàng mà khinh nhờn. Mà dưới sự tra hỏi, thì ra vào phụ họa, không có căn cứ ở đâu; oan uổng không có chỗ kêu, lòng người nhân há chẳng bất nhẫn lắm sao? Trẫm nhờ uy thiêng của liệt thánh, dẹp yên giặc loạn, thống nhất cõi bờ, ngang dọc sửa sang, hằng lấy giáo hóa làm việc trước, mà việc hình ngục lại càng chú ý hơn. Mở xét sách hình luật các đời, nước ta từ Lý, Trần, Lê dấy lên, mỗi đời có một chế độ, mà đầy đủ nhất là ở đời Hồng Đức. Trung Quốc thì các nhà Hán, Đường, Tống, Minh dấy lên, sách luật lệnh mỗi đời đều có sửa đổi mà đầy đủ nhất là ở nhà Đại Thanh. Vậy sai đình thần chuẩn theo điển lệnh của các triều, tham chước điều luật của đời Hồng Đức và của nhà Thanh, lấy bỏ cân nhắc, cốt sao cho đúng mà vựng tập thành biên. Trẫm thân tự sửa chữa, ban hành cho thiên hạ khiến người ta biết được phép lớn cấm ngừa, rõ như mặt trời mặt trăng không thể ẩn giấu. Điều cấm răn dạy nghiêm như sấm sét không thể xâm phạm. Kẻ lại giữ việc quan được vâng làm phép sáng, người dân ngu dốt dễ tránh sự sai lầm; do đó dời đến điều lành, lánh xa trừng phạt, thoát hình ngục mà theo giáo hóa, không phạm đến quan, chẳng hại lẽ chính. Ngõ hầu thi hành hình pháp được long trọng, chẳng phải là nhờ ở đấy sao?”[8].
Theo Đại Nam thực lục chính biên đệ nhất kỷ, quyển LI: “Ất Hợi, Gia Long năm thứ 14 [1815]… Tháng 8… Ban Quốc triều luật lệ cho trong ngoài. Chiếu rằng: Việc hình là để ngăn cấm giữ dân, có sáng rõ thì kẻ ngu ngoan mới biết đường đi lối tránh. Pháp luật là của chung của thiên hạ, có nhất định thì quan lại mới biết có chỗ nắm theo. Quốc triều ta từ trước xử đoán việc hình đã sẵn phép thường. Từ buổi Tây Sơn nổi loạn, pháp kỷ mất hết, hình phạt không có điều chương, kẻ gian dối ngày càng lắm. Trẫm vâng mệnh trời, vỗ về dân chúng, dạy đức sửa lễ, theo lời thánh nhân; nhưng sau buổi loạn ly, mối tệ chưa trừ được hết. Khí cụ giúp việc trị nước, không dám bỏ lơ. Trong khi xử đoán, mệnh người rất là quan hệ, trẫm rất để ý. Trừ cái xấu, bày cái mới cần phải có pháp nhất định. Vậy nên đặc biệt sai đình thần tham khảo điển cũ của bản triều, luật lệ đời Hồng Đức, điều luật nước Đại Thanh, cùng những điều mới định gần đây, châm chước những điều thích hợp mà biên tập thành sách, trẫm thân hành xét định, phàm 22 quyển. Lại sai các đại thần tổng tài và khảo hiệu để khắc in, ban hành cho thiên hạ để làm lệnh điển đời đời. Từ nay xét xử ngục tụng, hết thảy y theo luật điều mới ban, không được trái vượt. Quan lại trong ngoài đều nên lưu tâm nghiên cứu. Dẫn dụng mà xử đoán, cần phải rõ ràng khiến cho hình được công bằng, không ai bị oan lạm, để báo đáp tấm lòng xử phạt thương xót việc hình của trẫm. Lại thấy điều lệ mới thi hành, nha môn trong ngoài chưa có thể xem kỹ hết mọi điều, chuẩn cho từ năm nay đến cuối tháng 12 năm Đinh Sửu [1817], quan xét hình có sơ suất nhầm lẫn không phải là có ý khép mở tội người thì về tội roi và trượng đều miễn nghị, về tội đồ trở lên thì chiếu lệ thất xuất thất nhập giảm thêm một bậc; từ năm Mậu Dần [1818] trở đi thì xử trị theo luật”[9].
Tóm lại, bộ Hoàng Việt luật lệ được khởi thảo vào năm 1811, hoàn thành vào năm 1812, ban hành vào năm 1815 và chính thức có hiệu lực từ năm 1818.
Lịch sử pháp luật Việt Nam từng ghi nhận sự ra đời và tồn tại của 4 bộ tổng luật: Hình thư đời Lý[10], Quốc triều thông chế đời Trần[11], Quốc triều điều luật đời Hậu Lê (còn gọi là Bộ luật Hồng Đức)[12] và Hoàng Việt luật lệ đời Nguyễn (còn gọi là Bộ luật Gia Long); trong đó, Bộ luật Hồng Đức và Bộ luật Gia Long là hai bộ tổng luật còn lưu trữ được đến nay. Giữa hai bộ luật này có khá nhiều điểm tương đồng, ví dụ như: Tuy là tổng luật nhưng đã có mầm mống của sự phân chia các ngành luật cụ thể; chế tài mà các bộ luật này quy định đa phần đều là chế tài hình sự, thể hiện đặc trưng của pháp luật phong kiến; đều xuất hiện những chế định đặc trưng của pháp luật phong kiến phương Đông (Ngũ hình[13], Thập ác[14], Bát nghị[15]…)…
Tuy nhiên, giữa hai bộ luật này cũng có khá nhiều điểm khác biệt, ví dụ như: Bộ luật Hồng Đức quy định phụ nữ không phải chịu trượng hình[16] còn Bộ luật Gia Long quy định phụ nữ cũng phải chịu trượng hình[17]; Bộ luật Hồng Đức quy định hình phạt tử hình bằng hình thức lăng trì[18] nhưng Bộ luật Gia Long đã bãi bỏ hình phạt tử hình bằng hình thức lăng trì[19]…
Đặc biệt, căn cứ để phân chia các ngành luật trong Bộ luật Hồng Đức cũng khác so với Bộ luật Gia Long. Theo đó, căn cứ để phân chia các ngành luật trong Bộ luật Hồng Đức dựa vào khách thể bị xâm phạm bởi hành vi vi phạm pháp luật và được pháp luật bảo vệ (ví dụ, chương Đạo tặc gồm 54 điều quy định về các hành vi trộm cướp[20], chương Hộ hôn gồm 58 điều quy định về các hành vi vi phạm pháp luật trong lĩnh vực hôn nhân gia đình[21]…); căn cứ để phân chia các ngành luật trong Bộ luật Gia Long không chỉ dựa vào khách thể bị xâm phạm bởi hành vi vi phạm pháp luật và được pháp luật bảo vệ mà còn dựa vào chức năng, nhiệm vụ của các bộ trong bộ máy Nhà nước dưới triều Nguyễn (ví dụ, chương Quân chính gồm 20 điều quy định về các hành vi vi phạm pháp luật trong chính sách trị quân[22], chương Hộ dịch gồm 11 điều quy định về các hành vi vi phạm pháp luật trong việc nhân đinh hộ khẩu[23]...; phần Lại luật gồm 27 điều quy định về các hành vi vi phạm pháp luật liên quan đến chức năng, nhiệm vụ của bộ Lại[24], phần Hình luật gồm 166 điều quy định về các hành vi vi phạm pháp luật liên quan đến chức năng, nhiệm vụ của bộ Hình[25]…).
Dưới đây, chúng ta cùng nhau tìm hiểu về cấu trúc cụ thể của 398 điều luật của bộ luật Gia Long, chúng được chia thành 21 quyển (từ quyển 2 đến quyển 22); ngoại trừ quyển 2 & quyển 3 (gồm 45 điều) là những nguyên tắc chung về tội phạm và quy định những hình phạt[26] thì 19 quyển còn lại quy định về những khách thể bị xâm phạm bởi hành vi vi phạm pháp luật và được pháp luật bảo vệ.
Bảng 10. Tóm lược nội dung 21 quyển (từ quyển 2 đến quyển 22) của bộ Hoàng Việt luật lệ[27].
+ Quyển 2 & Quyển 3: Những nguyên tắc chung về tội phạm và quy định những hình phạt (45 điều)
+ Quyển 4: Luật lệ về chế độ quan chức (13 điều).
+ Quyển 5: Luật lệ về các quy thức chung của quan chức (14 điều).
+ Quyển 6: Luật lệ về hộ tịch (11 điều) và Luật lệ về ruộng đất (10 điều).
+ Quyển 7: Luật lệ về cưới xin (16 điều)
+ Quyển 8: Luật lệ về kho tàng (22 điều), Luật lệ về thuế khóa (2 điều), Luật lệ về nợ tiền (3 điều) và Luật lệ về chợ búa (2 điều).
+ Quyển 9: Luật lệ về tế lễ (6 điều) và Luật lệ về nghi thức trong tế lễ (17 điều).
+ Quyển 10: Luật lệ về bảo vệ hoàng cung (16 điều) và Luật lệ về quân đội (20 điều).
+ Quyển 11: Luật lệ về quan ải, bến đò (5 điều), Luật lệ về nuôi giữ voi ngựa (5 điều) và Luật lệ về bưu trạm, công văn (12 điều).
+ Quyển 12: Luật lệ về tội trộm cắp (phần Thượng) (13 điều) và Luật lệ về tội trộm cắp (phần Trung) (5 điều).
+ Quyển 13: Luật lệ về tội trộm cắp (phần Hạ) (10 điều).
+ Quyển 14: Luật lệ về tội giết người (19 điều).
+ Quyển 15 Luật lệ về tội đánh nhau (phần Thượng) (12 điều) và Luật lệ về tội đánh nhau (phần Hạ) (10 điều).
+ Quyển 16: Luật lệ về tội chửi mắng (8 điều) và Luật lệ về việc tố tụng (11 điều).
+ Quyển 17: Luật lệ về tội nhận hối lộ (9 điều) và Luật lệ về tội gian dối (11 điều).
+ Quyển 18: Luật lệ về tội gian dâm (9 điều), Luật lệ về các tội (cờ bạc, gây hỏa hoạn…) (11 điều) vàLuật lệ về truy bắt kẻ chạy trốn (8 điều).
+ Quyển 19: Luật lệ về giam giữ, xét hỏi tù nhân (phần Thượng) (14 điều).
+ Quyển 20: Luật lệ về giam giữ, xét hỏi tù nhân (phần Hạ) (15 điều).
+ Quyển 21: Luật lệ về việc xây dựng nhà cửa, kho tàng (6 điều) và Luật lệ về việc phòng giữ đê điều (4 điều).
+ Quyển 22: Lược cử các điều khoản để so sánh với các điều luật khác; từ đó, suy ra để định tội (30 điều).
Với cách thức phân chia các ngành luật dựa vào chức năng, nhiệm vụ của các bộ trong bộ máy Nhà nước dưới triều Nguyễn thì chúng ta cũng phải tìm hiểu về chức năng, nhiệm vụ của các bộ này. Và như đã trình bày ở trên, có 6 bộ trong bộ máy Nhà nước triều Nguyễn (bao gồm: bộ Lại, bộ Hộ, bộ Lễ, bộ Binh, bộ Hình và bộ Công). Cụ thể, chức năng, nhiệm vụ của từng bộ như sau:
+ Bộ Lại: Giữ những chính sự thăng giáng về quan văn trong kinh và ở các tỉnh, chỉnh đốn phương pháp làm quan để giúp chính sự trong nước[28].
+ Bộ Hộ: Nắm giữ các chính sách về điền thổ, hộ khẩu, tiền thóc trong nước bình chuẩn việc phát ra thu vào, để điều hòa nguồn của cải nhà nước[29].
+ Bộ Lễ: Giữ trật tự 5 lễ, hòa hài giữa thần và người, trên và dưới, để giúp việc lễ cho nước[30].
+ Bộ Binh: Chuyên việc bổ nhiệm, tuyển dụng các chức võ trong ngạch, khảo duyệt khí giới, lương thực để giúp việc chính trị trong nước[31].
+ Bộ Hình: Giữ việc pháp luật, án từ để nghiêm phép nước[32].
+ Bộ Công: Giữ việc thợ thuyền, đồ dùng trong thiên hạ, phân biệt vật hạng, xét rõ tài liệu để sửa sang việc nước[33].
[1] Trường Đại học Luật Hà Nội, Giáo trình Lý luận chung về Nhà nước và Pháp luật, NXB Tư pháp, 2018, tr. 379.
[2] Trường Đại học Luật Hà Nội, Giáo trình Lý luận chung về Nhà nước và Pháp luật, NXB Tư pháp, 2018, tr. 380.
[3] Quốc sử quán triều Nguyễn – Viện Sử học (dịch), Đại Nam thực lục (tập 1), NXB Giáo dục Việt Nam, 2002, tr. 518.
[4] Quốc sử quán triều Nguyễn – Viện Sử học (dịch), Đại Nam thực lục (tập 1), NXB Giáo dục Việt Nam, 2002, tr. 519 – 521.
[5] Quốc sử quán triều Nguyễn – Viện Sử học (dịch), Đại Nam liệt truyện (tập 2), NXB Thuận Hóa, 2006, tr. 193.
[6] Quốc sử quán triều Nguyễn – Viện Sử học (dịch), Đại Nam liệt truyện (tập 2), NXB Thuận Hóa, 2006, tr. 194.
[7] Quốc sử quán triều Nguyễn – Viện Sử học (dịch), Đại Nam thực lục (tập 1), NXB Giáo dục Việt Nam, 2002, tr. 807 – 808.
[8] Quốc sử quán triều Nguyễn – Viện Sử học (dịch), Đại Nam thực lục (tập 1), NXB Giáo dục Việt Nam, 2002, tr. 842 – 843.
[9] Quốc sử quán triều Nguyễn – Viện Sử học (dịch), Đại Nam thực lục (tập 1), NXB Giáo dục Việt Nam, 2002, tr. 905 – 906.
[10] Quốc sử viện triều Hậu Lê – Viện Sử học (dịch), Đại Việt sử ký toàn thư (trọn bộ), NXB Thời đại, 2013, tr. 185.
[11] Quốc sử viện triều Hậu Lê – Viện Sử học (dịch), Đại Việt sử ký toàn thư (trọn bộ), NXB Thời đại, 2013, tr. 268.
[12] Quốc sử viện triều Hậu Lê – Viện nghiên cứu Hán Nôm (dịch), Đại Việt sử ký tục biên (1676-1789), NXB Hồng Đức, 2018, tr. 471.
[13] Viện Sử học (dịch), Cổ luật Việt Nam: Quốc triều hình luật và Hoàng Việt luật lệ, NXB Giáo dục Việt Nam, 2009, tr. 19 – 21, tr. 276 – 277.
[14] Viện Sử học (dịch), Cổ luật Việt Nam: Quốc triều hình luật và Hoàng Việt luật lệ, NXB Giáo dục Việt Nam, 2009, tr. 21 – 22, tr. 280 – 282.
[15] Viện Sử học (dịch), Cổ luật Việt Nam: Quốc triều hình luật và Hoàng Việt luật lệ, NXB Giáo dục Việt Nam, 2009, tr. 22, tr. 282 – 284.
[16] Viện Sử học (dịch), Cổ luật Việt Nam: Quốc triều hình luật và Hoàng Việt luật lệ, NXB Giáo dục Việt Nam, 2009, tr. 19.
[17] Viện Sử học (dịch), Cổ luật Việt Nam: Quốc triều hình luật và Hoàng Việt luật lệ, NXB Giáo dục Việt Nam, 2009, tr. 276.
[18] Viện Sử học (dịch), Cổ luật Việt Nam: Quốc triều hình luật và Hoàng Việt luật lệ, NXB Giáo dục Việt Nam, 2009, tr. 21.
[19] Viện Sử học (dịch), Cổ luật Việt Nam: Quốc triều hình luật và Hoàng Việt luật lệ, NXB Giáo dục Việt Nam, 2009, tr. 235, tr. 277.
[20] Viện Sử học (dịch), Cổ luật Việt Nam: Quốc triều hình luật và Hoàng Việt luật lệ, NXB Giáo dục Việt Nam, 2009, tr. 88 – 96.
[21] Viện Sử học (dịch), Cổ luật Việt Nam: Quốc triều hình luật và Hoàng Việt luật lệ, NXB Giáo dục Việt Nam, 2009, tr. 66 – 74.
[22] Viện Sử học (dịch), Cổ luật Việt Nam: Quốc triều hình luật và Hoàng Việt luật lệ, NXB Giáo dục Việt Nam, 2009, tr. 531 – 554.
[23] Viện Sử học (dịch), Cổ luật Việt Nam: Quốc triều hình luật và Hoàng Việt luật lệ, NXB Giáo dục Việt Nam, 2009, tr. 394 – 408.
[24] Viện Sử học (dịch), Cổ luật Việt Nam: Quốc triều hình luật và Hoàng Việt luật lệ, NXB Giáo dục Việt Nam, 2009, tr. 357 – 392.
[25] Viện Sử học (dịch), Cổ luật Việt Nam: Quốc triều hình luật và Hoàng Việt luật lệ, NXB Giáo dục Việt Nam, 2009, tr. 581 – 982.
[26] PGS. TS. Nguyễn Minh Tường (chủ biên), Tổ chức bộ máy Nhà nước quân chủ Việt Nam (từ năm 939 đến năm 1884), NXB Khoa học xã hội, 2019, tr. 552.
[27] PGS. TS. Nguyễn Minh Tường (chủ biên), Tổ chức bộ máy Nhà nước quân chủ Việt Nam (từ năm 939 đến năm 1884), NXB Khoa học xã hội, 2019, tr. 552 – 553.
[28] Nội các triều Nguyễn – Viện Sử học (dịch), Khâm định Đại Nam Hội điển sự lệ (tập 2), NXB Thuận Hóa, 2005, tr. 13.
[29] Nội các triều Nguyễn – Viện Sử học (dịch), Khâm định Đại Nam Hội điển sự lệ (tập 3), NXB Thuận Hóa, 2005, tr. 15.
[30] Nội các triều Nguyễn – Viện Sử học (dịch), Khâm định Đại Nam Hội điển sự lệ (tập 4a), NXB Thuận Hóa, 2005, tr. 15.
[31] Nội các triều Nguyễn – Viện Sử học (dịch), Khâm định Đại Nam Hội điển sự lệ (tập 5), NXB Thuận Hóa, 2005, tr. 17.
[32] Nội các triều Nguyễn – Viện Sử học (dịch), Khâm định Đại Nam Hội điển sự lệ (tập 6), NXB Thuận Hóa, 2005, tr. 19.
[33] Nội các triều Nguyễn – Viện Sử học (dịch), Khâm định Đại Nam Hội điển sự lệ (tập 7), NXB Thuận Hóa, 2005, tr. 9.