Patrick Modiano và “Catherine Certitude”: Từ thăm thẳm ký ức tuổi thơ
Nguồn ảnh: Goodreads
Có nhiều người khi nghe đến văn học thiếu nhi bèn lập tức bỏ ngoài tai mà không cần nhìn đến lần thứ hai, đặc biệt là những người lớn thực tế và từng trải, bản thân tôi cũng từng rơi vào trạng thái đó. Tôi không đọc văn học thiếu nhi hồi nhỏ, và cũng tin chắc rằng mình sẽ không bao giờ đọc thể loại văn học này, đơn giản là vì tôi không nghĩ mình sẽ phù hợp với những cuốn sách đơn giản dành cho bọn trẻ con. Nhưng lần đầu tiên gặp Luis Sepulvéda và “Chuyện con mèo dạy con hải âu bay”, tôi đã lập tức đắm chìm vào trong những câu từ trong trẻo mà thấm đẫm tính nhân văn và tâm hồn yêu thương của dòng văn học này, sự mơ mộng của những tác phẩm dành cho thiếu nhi đã khiến tôi bàng hoàng nhận ra cái phần khuyết thiếu trong mình mà bản thân đã ngó lơ nó bấy lâu. Tại sao đại văn hào như Mark Twain lại chọn gửi gắm tính phiêu lưu, ước mơ và lòng nhân ái của nhân loại, cùng óc hài hước vô biên và sự đả kích sâu cay của ông vào hai tác phẩm thiếu nhi, phiêu lưu nổi tiếng nhất của mình là “Những cuộc phiêu lưu của Tom Sawyer” và “Những cuộc phiêu lưu của Huckleberry Finn”? Tại sao nhà văn người Chile Luis Sepúlveda lại chọn gửi gắm vào những “Chuyện con mèo dạy con hải âu bay”, “Chuyện con ốc sên muốn biết vì sao nó chậm chạp”, hay “Chuyện con mèo và con chuột là bạn thân của nó” những suy tư, đau đáu của con người về bình đẳng, về chấp nhận sự khác biệt, về tình yêu thương và sự chân thành một cách hết sức không giáo điều và trong trẻo? Và Edith Nestbit gửi gắm cả điều gì cho con trai mình, bên cạnh tình yêu thương vô bờ bến, để có thể viết nên một trước tác thiếu nhi kinh điển như “Lũ trẻ đường tàu”? Còn Patrick Modiano, người đàn ông dành cả đời để truy tìm về ký ức, lật mở tầng tầng lớp lớp những hoài niệm quá khứ để phơi bày vẻ đẹp đầy tinh khiết của sự rạn vỡ và những niềm đau đáu, nghĩ gì khi ông viết “Catherin Certitude”?
Patrick Modiano là người đàn ông mãi mãi theo đuổi những ký ức của mình, đơn giản là vì nỗi cô đơn và những nỗi đau trong quá khứ chưa bao giờ thôi ám ảnh ông. Nhà văn đã viết ra nỗi khắc khoải và u uất của một tâm hồn vất vưởng trong thời kỳ Chiếm đóng với thường trực câu hỏi về vị trí của bản thân mình, đòi hỏi định vị bản thân trong “Quảng trường ngôi sao”, người đã truy hồi từng dòng ẩn ức của mình trong “Phố những cửa hiệu u tối” và “Từ thăm thẳm lãng quên”. Và cũng chính vì thế mà mà hội đồng trao giải Nobel Văn học đã quyết định trao cho ông giải thưởng danh giá này vào năm 2014 bởi “với nghệ thuật của ký ức, ông đã tái hiện những số phận khó nắm bắt nhất và khám phá thế giới – cuộc sống trong sự chiếm đóng” (“for the art of memory with which he has evoked the most ungraspable human destinies and uncovered the life-world of the occupation.”). Chính vì thế, khi biết Patrick Modiano có một tác phẩm viết cho thiếu nhi – Catherine Certitude – tôi cũng hết lòng ngạc nhiên và tò mò về cuốn sách này.
Cũng như trong những tác phẩm khác, Modiano vẫn hoài niệm quá khứ, nhưng là hoài niệm dưới con mắt của một cô bé “Catherine Certitude”, trong vỏn vẹn chưa đầy 100 trang sách, điều duy nhất ta biết về cô là cô quản lý trường dạy múa mà cô được thừa kế từ mẹ mình cùng với con gái. Rồi sau đó, ta được theo Catherine lần theo dòng ký ức, trở về với Quận 10, Paris, nơi cô bé Catherine sống chung với người bố không-biết-làm-nghề-gì. Catherine được sống một tuổi thơ vô lo và đầy mộng mơ, phần nhiều là nhờ người cha luôn cố gắng giữ cho cô con gái một cuộc sống nhiều sự mộng mơ nhất. Cô bé Catherine ấy sống giữa hai thế giới, một thế giới rõ ràng, góc cạnh qua cặp kính giúp cô bé nhìn rõ mọi thứ; thế giới còn lại là thế giới khi cô mặc lên bộ váy ballet, cởi bỏ cặp kính – một thế giới mềm mại, lướt qua trước mắt, kỳ ảo.
Nhưng ngay cả trong cách kể chuyện của Catherine ta cũng không thể nào ngừng tự hỏi, còn có điều gì đó trong những câu chuyện mà cô kể nữa mà dường như chẳng thể nói được thành lời, nó như một nỗi buồn vất vưởng vô định, như một nỗi hoài tiếc vô hình mà người ta mãi chẳng hể rời bỏ. Catherine kể về tuổi thơ đầy mộng mơ ở quận 10, Paris, nhưng cô cũng cho thấy mình đã sống trong một thế giới chia làm hai nửa như thế nào. Trong giọng kể của cô, càng về cuối càng cảm thấy mơ hồ một nỗi buồn, một loại tiếc nuối cứ thoang thoảng và càng đậm hơn về cuối, khi cô bé Catherine và cha mình chuẩn bị phải rời khỏi Paris để đến New York.
Trong suốt quãng thời gian trưởng thành ở New York, tôi không biết Catherine đã lớn lên thế nào, đã sống thế nào ngoài việc cô đang quản lý studio dạy múa được thừa kế từ mẹ mình. Nhưng tôi chắc chắn là một phần nào đó, thẳm sâu trong tâm hồn của cô gái, vẫn luôn là cô bé Catherine ở Quận 10, Paris. Tôi cảm tưởng như việc dời tới New York cũng đồng nghĩa với việc khiến cô mất đi một sự kết nối sâu sắc với nơi mình đã sinh ra, và nó mãi để lại một khoảng trống trong tâm hồn như một vết thương, một sự trống vắng và thiếu hụt mà người ta mãi không thể lấp đầy, không thể tìm thấy được nữa. Bởi vì, chỉ có một nỗi thiếu hụt sâu sắc đến mức ấy mới có thể khiến người ta nhớ về quá khứ, hoài niệm nó trong một niềm tiếc thương vừa hạnh phúc lại vừa đầy nhớ nhung, đau đáu đến thế.
Modiano vẫn là người viết những hoài niệm, nhưng lần này, bằng sự trong trẻo, vô tư và hài hước trong tâm hồn của một cô bé, ông gửi gắm tâm hồn bị tổn thương của mình vào đó. Dường như Modiano đang muốn nhớ về cả những ký ức vui vẻ, trong trẻo của tuổi thơ chứ không chỉ có những ký ức mang những nỗi buồn đau hoang hoải của tuổi trẻ hay của những mất mát. “Catherine Certitude” tôi cho rằng là tác phẩm nói lên tiếng lòng sâu thẳm nhất, hoàn thiện nhất của nhà văn.
Tìm đọc thêm bài viết của mình TẠI ĐÂY.
Nguyenphuhoang Nam