P2: Từ TRẦN TRIỀU Đến Không gian LEGACY

  1. Giáo dục

  2. Lịch sử

  3. Văn hóa

  4. Tôn giáo

TỪ TRẦN TRIỀU – YÊN TỬ ĐẾN KHÔNG GIAN LEGACY

TRI THỨC VÀ THÀNH TỰU TRONG QUÁ KHỨ ĐƯỢC TIẾN HÓA VÀ ỨNG DỤNG Ở HIỆN TẠI, CHO TƯƠNG LAI.

Hà Nội, Ngày 10/12/2020. Pgs NQ Vinh.

PHẦN 2 : YÊN TỬ - SINH KHÍ LONG MẠCH – CHỐN TỔ THIỀN TRÚC LÂM

Nằm trong hệ thống những giá trị di sản mà Nhà Trần để lại, gắn liền với hoạt động tôn giáo và tâm linh, cảnh quan và lịch sử. Núi Yên Tử có vị trí đặc biệt quan trọng trong suốt chiều dài lịch sử chứ không chỉ dừng lại ở biểu tượng hệ thống chùa thuộc thiền phái Trúc Lâm từ thời Trần.

Không phải ngẫu nhiên nơi đây có danh xưng “Khu Danh Thắng Núi Chùa Yên Tử”. Hàng triệu lượt du khách, phật tử lên thăm quan, hành hương lễ phật tại Yên Tử có mấy người hiểu hết được ý nghĩa và giá trị của nơi này.

Trước hết, tôi sẽ không lạm bàn và đi sâu vào hệ tư tưởng, triết học rộng lớn mà tinh túy đòi hỏi phải có đại trí đại huệ của Thiền phái Trúc Lâm Yên Tử bởi điều đó quá lớn và sâu xa so với chủ đề này. Mà chỉ bằng cái đầu óc đần lâu dốt dai của kẻ thô lậu lâu ngày được thiệp giao với các bậc trí giả và nhờ may mắn đọc, nhớ được đôi chút những điều trân quý thì tôi xin chỉ đưa ra một số điểm sáng mà từ đó có liên kết thực tiễn đến đời sống cũng như là hệ quả tất yếu được hình thành của Thiền phái này.

Bằng sự hiểu biết nông cạn của mình tôi xin tách biệt hai lớp về thông tin đang đan xen nhau trong tư duy văn hóa và gắn liền với nhau trong lịch sử Nhà Trần và lịch sử Phật Giáo nước ta đó là : Núi Yên Tử và Chùa Yên Tử

Núi Yên Tử - Sinh Khí Long Mạch

Núi Yên Tử có gì đặc biệt ? Tại sao lại nói nơi đây sinh khí long mạch ? Phải chăng nơi đây chỉ được biết đến nhờ việc Thiền phái Trúc Lâm được hình thành tại nơi đây ?

Khi nhắc đến Yên Tử, đại đa số sẽ nghĩ đến ngôi chùa trên núi cao, sẽ nghĩ đến trường phái Phật giáo của người Việt và nghĩ đến chuyến hành hương leo núi. Chính sự ảnh hưởng to lớn của danh tiếng của Trúc Lâm thiền phái là sự kết tinh của văn vật nở ra đóa sen Phật mà vô tình quên đi mất sự đa dạng và nhiều giá trị tự nhiên cũng như lịch sử tại ngọn núi này. Đó chính là sự thiếu sót đáng tiếc vậy!

Nói vậy để truy tìm lại và khẳng định vị thế và nền tảng của Núi Yên Tử - ngọn núi nằm trong cánh cung Đông Triều, nguyên nhân góp phần tạo nên mùa đông tại Miền Bắc nước Việt bằng việc cùng với ba cánh cung khác chạy thành hình nan quạt đón gió lạnh từ phương bắc thổi vào nước ta.

Về phía Đông, dãy núi này còn kéo dài ra ngoài biển, tạo nên một hệ thống các đảo đá kỳ thú của Vịnh Hạ Long và Bái Tử Long. Nằm ở vị trí hội tụ trong dãy núi này là ngọn núi Yên Tử - trông thẳng ra cửa biển Bạch Đằng.

Với vị trí thâu nạp năng lượng của cả nóng lạnh, âm dương, núi sông biển ấy mà Yên Tử có hệ thống động thực vật phong phú và đa dạng từ chân núi lên đỉnh núi. 

Đỉnh Yên Tử cao 1068m so với mực nước biển hình thành và cấu tạo bằng đá phun trào rhyolite – kiến trúc từ thủy tinh, ẩn tinh, ban tinh với nhiều khoáng vật như thạch anh (một khoáng vật mang nhiều năng lượng và từ tính) – tạo thành hình kim tự tháp ba mặt. 

Về mặt năng lượng hình khối thì đây là lý do để giải thích cho việc chỉ số năng lượng sống Bovis phroton ở Yên Tử rất cao mang lại những điều tích cực. Khoa học đã chứng minh những giá trị mà kim tự tháp mang đến nhưng đây lại là khối tự nhiên khổng lồ với nhiều khoáng vật mang tinh thể năng lượng của thiên địa, vũ trụ.

  • Ở nơi có công trình kiến trúc kim tự tháp, nếu có động đất xảy ra thì sức tàn phá sẽ giảm hẳn do rung chấn bị chia nhỏ ra
  • Vết thương sẽ mau lành hơn khi được ở trong cấu trúc kim tự tháp
  • Hạt giống sẽ tăng sản lượng từ 30-100% khi được đặt trong trường năng lượng của kim tự tháp từ 3-5 ngày
  • Những người sống gần kim tự tháp thì sẽ có lương bạch cầu trong máu tăng lên, khả năng đề kháng cao hơn
  • Kim tự tháp làm virus và vi khuẩn yếu đi.
  • Nước bình thường đặt dưới kim tự tháp không đóng băng ngay cả ở mức -40 độ và duy trì cấu trúc hoàn hảo trong nhiều năm.
  • Các kim tự tháp được xây càng cao thì những hiện tượng tích cực càng xảy ra nhiều hơn.
  • Làm cho nước trở nên tinh khiết
  • Làm khô các bông hoa mà không hề bị biến dạng cũng như màu sắc
  • Tăng cường khả năng tăng trưởng của cây
  • Trợ giúp đạt được sự thư giãn tốt hơn
  • Thúc đẩy chữa lành của các vết cắt, vết bầm tím và bỏng
  • Giảm các cơn đau răng và đau đầu.

Bên cạnh đó, kim tự tháp còn có 1 công dụng khác cũng rất hữu hiệu đó chính là hỗ trợ trong thiền định. Vì năng lượng trong kim tự tháp cao hơn năng lượng bình thường ở bên ngoài nên việc ngồi thiền dưới kim tự tháp sẽ giúp hỗ trợ gia tăng năng lượng hấp thụ vào, dễ nhập định hơn và ổn định trong trạng thái tĩnh tâm lâu hơn. Những thay đổi về ánh hào quang của những người thực tập thiền đã được ghi lại bởi nhà nhiếp ảnh Kirlian ….hào quang trở nên sáng hơn và rộng hơn. Trong thiền định, kim tự tháp giúp hội tụ những năng lượng tích cực và làm lệch đi những dòng năng lượng tiêu cực. Những người đã ứng dụng việc ngồi thiền dưới kim tự tháp đều cho nhận xét rằng họ ở trạng thái thư giãn sâu hơn, khả năng nhận thức cũng cao hơn.

Những người thường xuyên thực hành thiền dưới kim tự tháp sẽ có được những trải nghiệm sâu sắc trong thiền định, mở rộng những ước mơ tầm nhìn, khỏe mạnh và tâm an lạc hơn từ đó có cuộc sống hạnh phúc hơn bình an hơn.

Hình tượng kim tự tháp ba mặt lại trùng khớp với việc Điều Ngự Giác Hoàng Trần Nhân Tông là hoàng đế thứ ba Nhà Trần và Trúc Lâm Tam Tổ. Tượng trưng cho quá khứ, hiện tại, vị lai, cho nhiều tầng nấc trong văn hóa.

Quay trở lại với Núi Yên Tử, tại sao núi lại có tên Yên Tử ? dù đã từng có rất nhiều tên như Bạch Vân Sơn, Phù Vân Sơn. Cái tên này cũng mang trong mình những huyền tích li kỳ lắm.

Yên tử - một trong những linh sơn của đất nước, bên cạnh cảnh quan thiên nhiên hùng vĩ, còn là nơi bảo tồn được rất nhiều loài động thực vật quý hiếm mà không một vùng núi nào có được, đặc biệt là các loài cây quý như Tùng, Trúc, Mai và các loại cây thuốc nam quý hiếm.

Vẻ đẹp của Yên Tử là sự kỳ vĩ của núi non hoà với nét cổ kính, trầm mặc của chùa tháp, là sự thơ mộng của suối nước trời mây chen trong cây cỏ hoa lá và chim muông, là sự phong phú của thảm thực vật đa dạng và những loại cây dược liệu có giá trị. Chính vì vậy mà từ xa xưa Yên Tử được xếp là một trong 72 phúc địa của nước ta. Đại Nam nhất thống chí có ghi: “Núi Yên Tử là nơi đắc đạo của Yên Kỳ Sinh nhà Hán. Năm Tự Đức thứ ba liệt vào hạng danh sơn, chép trong điểm thờ” (Quốc sử quán triều Nguyễn, Đại Nam nhất thống chí, tr 395”). Sau này các triều đại phong kiến nước ta đều xếp Yên Từ vào loại “danh sơn”…

Nằm trên đoạn cao nhất của đỉnh Yên Tử, giữa đoạn đường cheo leo bỗng có một mặt phẳng ngay dưới chân tượng Phật Hoàng (tượng đúc bằng đồng năng 138 tấn, 2009-2013) có một pho tượng đá mình bám đầy rong rêu, hình dáng giống một vị pháp sư đang cung kính lần tràng hạt, mặt hướng về phía Tây. Tương truyền đây chính là tượng đá An Kỳ Sinh (còn có tên gọi khác là Yên Kỳ Sinh) – một vị đạo sỹ nổi tiếng dưới thời Tần Thủy Hoàng ở Trung Quốc, từng qua đỉnh Yên Tử tìm cây thuốc để luyện linh đan đắc đạo thành tiên còn nhục thân thì hóa đá. Chính vì thế mà người ta lấy tên ông để đặt tên cho cả dãy Yên Tử này (Theo sách An Nam Chí của Cao Hùng Trưng, núi Yên Tử ban đầu có tên là Tượng Đầu sơn).

Tôi từng tìm hiểu rất nhiều sách vở và tài liệu cổ của Việt Nam lẫn Trung Hoa để lần tìm dấu vết của An Kỳ Sinh, song đây là một nhân vật có hành tung “ẩn tàng” khá ly kỳ.

Sách “Lịch triều hiến chương loại chí” của nhà sử học Phan Huy Chú có dẫn bài thơ “Thủy văn tùy bút” của Phật hoàng Trần Nhân Tông. Bài thơ này có nhắc đến Yên Kỳ Sinh như một vị tiên giả từng tu luyện linh đan trên đỉnh cao nhất của Yên Tử. Như vậy, ngay từ thời Trần trên núi Yên Tử đã có di tích An Kỳ Sinh, đó là một bằng chứng thực tế có thể tin tưởng được và như vậy có nghĩa là pho tượng đã này có tuổi đời khá lâu trước đó.

Theo sách “Liệt tiên truyện” của Trung Quốc thì Yên Kỳ Sinh là người Phụ Hương ở Lang Gia (vùng Chư Thành, tỉnh Sơn Đông ngày nay), chuyên bán thuốc ven biển Đông Hải, người bấy giờ gọi là Thiên Tuế Ông. Tần Thủy Hoàng đi tuần phương Đông đã từng nói chuyện với ông rồi tặng ông kim hoàng cùng ngọc bích. Không hiểu sao sau đó ông bỏ lại số quà tặng quí báu này trong đình Phụ Hương rồi để lại một bức thư, một đôi giày bằng xích ngọc để báo đáp và dặn Tần Thủy Hoàng mấy năm sau hãy đến tìm ông ở núi Bồng Lai. Theo lời dặn, mấy năm sau Tần Thủy Hoàng sai Từ Thị (Từ Phúc), Lô Sinh đem mấy trăm người ra biển tìm ông nhưng chưa đến núi Bồng Lai thì gặp bão nên phải quay về. Tần Thủy Hoàng cho lập hơn 10 chỗ thờ ông ở đình Phụ Hương và ven biển Đông Hải.

Trong một số thư tịch và sử liệu khác của Trung Hoa còn có thêm chi tiết, Yên Kỳ Sinh đã từng tìm được cây thạch xương bồ để cứu một người qua cơn thập tử nhất sinh và cũng chính nhờ uống loại cây kỳ diệu này mà luyện được đan dược trở nên trường sinh bất tử, sống đến nghìn năm. (“Chu dịch tham đồng khế” của Đan Vương Ngụy Bá Dương cuối thời Đông Hán thế kỷ thứ 2 CN có ghi chép về việc Yên Kỳ Sinh sống, ban thuốc và phi thăng vào giữa thời Đông Hán tức khoảng 300 năm sau thời Tần Thủy Hoàng)

“Đại Nam nhất thống chí” từng nhắc đến loại cây thạch xương bồ (tương truyền là một loại kỳ dược, có thể chữa được bách bệnh) mọc khá nhiều trên đỉnh núi các vùng Sơn Tây (Hà Tây), Tam Dương và Lập Thạch (thuộc vùng đất Quảng Ninh và Phú Thọ ngày nay). Như vậy, khả năng Yên Kỳ Sinh từng tìm đến Yên Tử để tìm cây thạch xương bồ cứu người hoặc luyện linh đan, sau đó ở lại nơi đây tu luyện là có căn cứ.

“Thêm vào đó, dười thời Tần Hán con đường giao thương giữa Giao Châu với các miền ven biển Đông Hải khá thuận lợi. Những di tích khảo cổ học thời Ân Thương ở Quảng Đông và Việt Nam đã chứng tỏ mối quan hệ khó tưởng giữa hai nước. Cho nên, khả năng Yên Kỳ Sinh theo đường biển, vượt biên giới đến Yên Tử vào thứ kỷ III trước CN để tìm cây thuốc chữa bệnh cứu người hoặc tìm một vùng đất thiêng để luyện linh đan là có thể chấp nhận”

Như vậy cái tên Yên Tử chính là lấy từ tên của An Kỳ Sinh (hay Yên Kỳ Sinh) bỏ qua những câu chuyện thân tiên thì có lẽ đây là một vị y sư chuyên tìm thuốc chữa bệnh cứu người trở thành giai thoại trong dân chúng và được xây dựng nên hình tượng tiên thánh từ lòng biết ơn và kính ngưỡng của chúng đệ tử. Cũng để bổ sung thêm sự phong phú và giá trị thiên nhiên mà Núi Yên Tử ban tặng cho đời.

Không chỉ thế, sau này trong suốt hành trình lịch sử, Yên Tử trở thành nơi tịnh tu của các nhân sĩ các phái từ đạo Lão đến Phật giáo. 

Đến thời Trần, Yên Tử là nơi tu hành của Phù Vân Quốc Sư. Năm 1237 sau khi trốn khỏi kinh thành do Thái sư bắt chị dâu về làm vợ mình thì Thái Tông Trần Cảnh lên Yên Tử mong muốn đi tu thì Thái sư cùng bá quan đến khuyên vua về triều. Vua không về nên Thái sư sau khi xem xét địa thế nói: “Xa giá ở đâu triều đình ở đó” (ĐVSKTT 10a) và cho xây dựng kinh đô, các sư khuyên can và thấy hao tổn sức dân nên quay về. Không phải ngẫu nhiên Thái sư Trần Thủ Độ - nhà độc tài liêm khiết – người vô cùng tính toán và quyết đoán lại chọn Yên Tử để xây dựng kinh đô.

Nằm ở độ cao 400m khu vườn tháp có hai hồ nước tự nhiên nơi đặt tượng Phật Hoàng Trần Nhân Tông tục truyền do Hoàng Đế Anh Tông tạo tác năm 1309 (1 năm sau khi Phật Hoàng nhập niết bàn) cùng một phần xá lợi đức Phật Hoàng. Khi sang chiếm nước Nam, nhiều lần tướng nhà Minh đã sai người lên phá hủy hồ nước và địa thế xung quanh nhưng đều thất bại, chúng kinh hồn bạt vía mà về có kẻ đào ngũ …Nhìn từ trên cao xuống 2 hồ nước như 2 con mắt và địa thế đúng như phần mặt và đầu của con rồng linh động với chùa Hoa Yên – Chùa Cả, nơi khai sinh Trúc Lâm Thiền phái.

Sau này trong cuộc kháng chiến chống Minh, quân Lam Sơn cùng người dân đã lên khai quang lại mắt rồng do quân Minh không lấp được đã kéo cây cỏ mọc phủ kín nhằm che bớt đi cái long khí nơi này. Về sau Lê Thánh Tông đến đây và lên núi đã điểm hóa thêm cho nơi này. Có thể lạm bàn rằng hiếm có nơi nào ở Việt Nam có hệ thống tháp nhiều, đẹp đặc sắc mang nhiều đường nét kiến trúc như tại Yên Tử (Từ dốc Voi quỳ đến tượng Yên Kỳ Sinh hơn 100 tháp lớn nhỏ rêu phong)

Tồn tại song song cùng những viên đá, chùa tháp, những hàng tùng, cây đại di sản đã 700 năm tuổi sừng sững uy phong tươi tốt cùng sơn thủy đại ngàn từ ngày Nhân Tông lên Yên Tử (1299).

Từ trên đỉnh Yên Tử đó đã hình thành nên nhiều dòng chảy của nước tạo ra vô số thác, suối (Thác Ngự Dội, Thác Vàng, Thác Bạc) để hợp nhất lại thành dòng chảy mang tên Suối Giải Oan róc rách bờ đá xuyên qua những cánh rừng tạo nên sự hài hòa về thể sắc.

Gọi là Suối Giải Oan “ Sử sách truyền lại có khác nhau cũng là điều bí ẩn oan khuất của 100 nàng cung nữ. Khi vua Trần Nhân Tông rời ngôi lên Yên Tử tu hành, có 100 cung tần, mỹ nữ theo nhà vua nhưng không được vua cho ở lại Yên Tử tu hành. Quay trở lại kinh thành thì xa, quân lính tân vương bao bố khắp nơi. Trong lúc tiến thoái lưỡng nan, 100 nàng mỹ nữ đã gieo mình xuỗng suối tự vẫn. Lúc bấy giờ có tốp người Dao bản địa đi kiếm củi về, thấy vậy òa xuống cứu vớt, nhưng chỉ có 5 chàng trai cứu sống được 5 mỹ nữ, rồi xin lấy làm thiếp để tri ân. Sau vua thương xót cho lập chùa Giải Oan”. 

Chưa hết, ở một bài viết khác cho thấy trong sách “Cõi thiêng Yên Tử” có đoạn: “… Để tỏ lòng trung với vua, một trăm cung phi liền trẫm mình xuống suối Hồ Khê dưới chân núi Yên Tử. Một số cung phi bị chết đuối. Để giải oan cho linh hồn họ, Trần Nhân tông cho dựng chùa thờ cúng, chùa ấy gọi là chùa Giải Oan. Suối Hồ Khê, nơi các cung phi trẫm mình, cũng từ đó mang tên Giải Oan”…

Tuy nhiên đó chỉ câu chuyện mang tính văn học. Theo “Việt Nam sử lược” của Trần Trọng Kim chép việc Trần Nhân tông xuất gia như sau: “Đến khi Nhân tông đi đánh Lào trở về, thì bỏ đi tu, trước ở chùa Vũ Lâm ( làng Vũ Lâm, phủ Yên Khánh, tỉnh Ninh Bình) sau về ở Yên Tử sơn” ( tr 152-153 ). Cũng sự kiện này “Khâm định Việt sử thông giám cương mục” của Quốc sử quán triều Nguyễn chép: “Tháng 7, mùa thu, Thượng hoàng lên núi Yên Tử, xả thân ở am Ngọa Vân. Trước kia, Thượng hoàng ở Vũ Lâm, thời thường đi lại kinh sư và phủ Thiên Trường; đến nay lại xuất gia đến núi Yên Tử, ở am Ngọa Vân. Cung tần, thị nữ người nào không muốn về thì cấp ruộng và cho nhà ở chân núi. Thượng hoàng thỉnh thoảng có về phủ Thiên Trường, ngự ở cung Trùng Quang” (Tập I tr535 ).

Năm 1293 sau khi trải qua 2 cuộc kháng chiến chống Mông Nguyên, dù thắng cuộc, đất nước cùng chúng dân vô vàn đau khổ, đổ nát do chiến tranh. Với tâm từ bi Nhân Tông Hoàng đế đã nhường ngôi cho con trai và lên làm Thái Thượng Hoàng. Một năm sau 1294 tại Hành cung Vũ Lâm ngài xuống tóc xuất gia đi tu mong tìm con đường tư tưởng cho dân tộc. 5 năm sau ngài lên Yên Tử, sau khi trải qua quãng đường dài theo dòng suối thể nghiệm từ việc mang nốt đồ ăn phát chẩn cho dân nghèo (chùa bí thượng), tắm tại suối (chùa bến tắm) rồi vui vẻ nhịn qua bữa vì đồ ăn đã phát rồi (chùa cầm thực) để lên Hoa Yên (Vân Yên) tu tập, đọc sách, thiền tịnh tại Am ly trần (chùa Một Mái) rồi giác ngộ ra chân đạo sáng lập thiền phái Trúc Lâm Yên Tử năm 1299.

Vậy thì không có lý do gì để các cung phi trẫm mình xuống dòng suối cả vì ngày Ngài xuất gia tận 5 năm trước ở Trường Yên (Ninh Bình).

Bản thân Ngài sau khi ngộ đạo đã đi thuyêt giảng đạo pháp khắp nơi, khuyên răn mọi người bài trừ mê tín dị đoan, sống nhân nghĩa, làm việc tốt, sống chan hòa yêu thương lẫn nhau thì không có lý gì lại tin vào những chuyện linh hồn trái với luân hồi và đạo lý nhà Phật.

Chùa & Suối Giải Oan ở đây chính là nơi cởi bỏ lại những Oan nợ cuộc đời trước khi bước lên núi tu đạo. Suối Giải Oan chính là theo triết lý: “Đáo Bỉ Ngạn” – bờ bên kia là bờ an vui. Là nơi để trút bỏ những muộn phiền, khúc mắc, vương nợ bằng việc học cách chấp nhận, đón nhận để bước được đến nơi an yên, tĩnh tịnh. Đó là ý nghĩa mà Ngài gửi gắm nơi đây mong giúp người đời hiểu và giác ngộ.

Chính nhờ có khí chất của trời đất hội tụ thành năng lượng tại Núi Yên Tử đã phần nào trợ lực và linh cho đấng đại trí ấy với tâm bồ đề đã mang cả thiên hạ cùng đất trời tạo ra đóa sen tỏa hương cho cả triều đại và mãi còn đến hiện tại.

Bối cảnh lịch sử đã đưa Nhà Trần thành triều đại hành động và thực tiễn nên dù không phải là triều đại đặt nền móng hay phổ biến rộng rãi nhưng nhiều lĩnh vực ở Nhà Trần đã quy củ và có tính ứng dụng cao. Văn hóa thời Trần không nhất thiết coi trọng bề ngoài mà chính là giá trị mà nó mang lại.

Phật Giáo tuy không bao trùm và phát triển như thời Lý nhưng dựa vào trí tuệ, tinh thần và đời sống của người Việt, Nhân Tông Hoàng Đế đã hợp nhất các dòng thiền phái để khai sinh ra dòng thiền của người Việt – lần đầu tiên có người Việt là khai tổ dòng thiền – chính là Thiền Phái Trúc Lâm Yên Tử.

Trải qua hết một vòng từ hoàng cung đến chiến loạn rồi quay lại hoàng triều. Điều mà Nhân Tông muốn tìm kiếm không chỉ là pháp tu cho cá thể hay nhóm đối tượng phục vụ cho triều đình mà là con đường cho cả dân tộc sau 3 cuộc chiến nhiều đau thương và tổn thất về vật chất lẫn tinh thần.

Phải làm sao để đoàn kết, phát triển vững mạnh mà người dân được yên bình. Việc hợp nhất 3 dòng thiền phái đã có từ vài trăm đến cả ngàn năm tại đất Việt cùng với văn hóa, đời sống và địa chính trị của Đại Việt để hình thành nên dòng tư tưởng mới phù hợp với bản sắc và con người Việt.

Điều đó là gì ? Sau khi ngộ đạo, ngài đi khắp nơi cả sang Chiêm Thành để thuyết giảng chứ không chỉ ở Yên Tử. Bởi tư tưởng của Trúc Lâm là sự hợp nhất giữa ý chí của bậc trượng phu (bảo quốc an dân, vì quốc thái dân an) với tâm bồ đề (tâm giác ngộ, từ bi, hỉ xả cứu vớt chúng sanh). Gắn kết giữa đạo vào đời, cá nhân với trách nhiệm vận mệnh quốc gia.

Đạo Phật của Trúc Lâm không phải xuất gia là rời bỏ đời sống mà là “NHẬP THẾ” lấy trí tuệ, năng lực của người tu hành dấn thân cứu giúp mọi người mong muốn xã hội vững bền thì cuộc đời trọn nghĩa, buông bỏ muộn phiền!

(còn tiếp)

Từ khóa: 

giáo dục

,

lịch sử

,

văn hóa

,

tôn giáo

Nếu có thêm ít hình ảnh tư liệu nữa thì bài viết sẽ đáng giá hơn rất nhiều đó thưa PGS.

Trả lời

Nếu có thêm ít hình ảnh tư liệu nữa thì bài viết sẽ đáng giá hơn rất nhiều đó thưa PGS.

Hình như a Quang Vinh mới đổi tên phải ko ạ?