Ông tổ thuốc Nam - Nỗi niềm người ly hương

  1. Lịch sử

Ngày nay, khi nhắc đến thuốc thang dược phẩm thì sẽ nghe thông dụng nhất là 3 cụm từ chỉ nguồn gốc của thuốc là thuốc Bắc, thuốc Tây và thuốc Nam.

Ba cụm từ chỉ về thuốc thì nghe thông dụng nhất là thuốc Tây - loại dược phẩm được đóng gói dưới dạng vỉ (hộp) gồm nhiều viên nén hoặc viên con nhộng. Đây là loại thuốc có xuất xứ từ phương Tây được bào chế và đóng gói bằng công nghệ máy móc. Được sử dụng theo dạng viên đặc trị hoặc liều (kết hợp của nhiều loại thuốc khác nhau).

Riêng thuốc Bắc, đây là cách gọi từ xưa của người dân Việt Nam ta đối với các loại thuốc sử dụng trong đông y của Trung Quốc. Gọi là thuốc Bắc để phân biệt với các loại cây thuốc trồng trong nước ( thuốc Nam) theo y học cổ truyền Việt Nam.

Theo các y sĩ của y học cổ truyền Việt Nam, thuốc Nam là chỉ những loại thuốc, thảo dược xuất phát từ trong nước hay còn gọi là thuốc ta để phần biệt với loại thuốc có nguồn gốc từ Trung Quốc ( thuốc Bắc). Các vị thầy thuốc nổi tiếng được xem là bậc tổ của nghề y Việt Nam là Thiền sư Tuệ Tĩnh với phương châm hành nghề dùng thuốc Nam dùng chữa bệnh cho người Nam.

Sự ra đời của thuốc Nam phần nào phản ánh sự ngang hàng của dân Việt. Người Việt ta từ xa xưa không bao giờ có ý định phụ thuộc vào phương Bắc bắt kỳ lĩnh vực nào kể cả y học. Chúng ta có nền y học sinh sau đẻ muộn nhưng đó là nền y học của riêng chúng ta và hề phụ thuộc vào dược phẩm từ Trung Quốc. Tục ngữ Việt Nam ông bà ta đã dạy "đói ăn rau, đau uống thuốc".

Lịch sử ghi chép về mảng y học ở Việt Nam khá ít ỏi nhưng vẫn có nhiều khía cạnh cần xem xét.

Những câu chuyện có liên quan đến y học trong sử có thể kể đến như chuyện về đại sư Nguyễn Minh Không chữa bệnh cho vua Lý Thần Tông, Chuyện về Thiền sư Tuệ Tĩnh - ông tổ của nghề thuốc Nam, chuyện về cuộc đời của danh y Hải Thượng Lãn Ông (Lê Hữu Trác),...

Trong 3 câu chuyện về mảng y học được kể trên thì chuyện về ông tổ thuốc Nam - thiền sư Tuệ Tĩnh đã để lại hậu thế không chỉ những mẩu chuyện liên quan đến vấn đề "thuốc Nam dành cho người Nam" mà ở hai nhân vật này còn để lại những bài học liên quan đến lòng yêu nước, sự tự hào dân tộc.

Câu chuyện về Thiền sư Tuệ Tĩnh như sau:

Thiền sư Tuệ Tĩnh vốn tên thật là Nguyễn Bá Tĩnh, mồ côi mẹ từ năm lên 6 được các nhà sư đưa vào chùa nuôi dưỡng. Ông học giỏi và từng đi thi khoa cử đậu nhưng không làm quan mà trở về quê tu hành lấy pháp danh Tuệ Tĩnh và chuyên tâm vào trồng thuốc làm thuốc và cứu người.

Năm 55 tuổi (1385), với trí tuệ uyên bác trong ngành y thuật của mình, Tuệ Tĩnh bị đưa cống sang cho triều đình nhà Minh. Sang Trung Quốc, ông vẫn làm thuốc, nổi tiếng, được vua Minh phong là Đại y Thiền sư, ông qua đời tại Giang Nam, Trung Quốc nhưng không rõ năm nào.

Tuệ tĩnh xót thương cho số phận của mình và luôn đau đáu nỗi niềm một ngày được quay lại quê hương, thoát khỏi cảnh đất khách quê người thể hiện qua việc ông đã khóc trong lễ nhậm chức của mình tại triều đình nhà Minh và cho tới ngày nay, trên bia mộ của ông vẫn còn dòng chữ "Ai về nước Nam cho tôi về với".

Năm 1690 tiến sĩ Nguyễn Danh Nho đi sứ sang Trung Hoa, tình cờ thấy mộ Tuệ Tĩnh, nhận ra là người cùng làng. Cảm động với lời nhắn gửi thiết tha của vị danh y, tiến sĩ Nguyễn Danh Nho đã sao chép bia mộ và tạc khắc bia đá mang về quê Hải Dương bây giờ.

Các tác phẩm về y học của Thiền sư Tuệ Tĩnh gồm: bộ Nam dược thần hiệu (gồm 10 khoa), bộ Hồng nghĩa giác tư y thư (gồm 2 quyển) viết bằng thơ Nôm Đường luật và có trong đó bản thảo 500 vị thuốc Nam, Bài "phú thuốc Nam" được cho cũng là của Thiền sư Tuệ Tĩnh với hơn 630 vị thuốc Nam được nêu ra.

Ông cũng phê phán tư tưởng dị đoan của những người chỉ tin vào phù chú mà không tin thuốc. Ông đã nêu ra nhiều phương pháp khác nhau để chữa bệnh như: châm, chích, chườm, bóp, xoa, ăn, uống, hơ, xông, v.v.

Tuệ Tĩnh đã không dừng lại ở vị trí một thầy thuốc chữa bệnh, ông còn tự mình truyền bá phương pháp vệ sinh, tổ chức cơ sở chữa bệnh trong nhà chùa và trong làng xóm. Có tài liệu cho biết, trong 30 năm hoạt động ở nông thôn, Tuệ Tĩnh đã xây dựng 24 ngôi chùa, biến các chùa này thành y xá chữa bệnh. Ông tập hợp nhiều y án: 182 chứng bệnh được chữa bằng 3.873 phương thuốc. Ông cũng luôn luôn nhắc nhở mọi người chú ý nguyên nhân gây bệnh, tìm biện pháp phòng bệnh tích cực. Tuệ Tĩnh nhấn mạnh tác dụng việc rèn luyện thân thể và sinh hoạt điều độ. Ông nêu phương pháp dưỡng sinh tóm tắt trong 14 chữ:

Bế tinh, dưỡng khí, tồn thần

Thanh tâm, quả dục, thủ chân, luyện hình

Tuệ Tĩnh còn tập hợp những bài thuốc chữa bệnh cho gia súc. Có thể nói, ông đã góp phần đặt cơ sở cho ngành thú y dân tộc của Việt Nam.

Thiền sư Tuệ Tĩnh - người con ưu tú của nước Việt, người đã đặt những nền móng đầu tiên cho nền y học nước Nam. Dù thuốc Nam sinh sau so với thuốc Bắc của người Trung Quốc thì chúng ta vẫn có quyền tự hào về những thành tựu trong y học mà Thiền sư Tuệ Tĩnh, Danh y Hải Thượng Lãn Ông và nhiều danh y của nước ta đã xây dựng riêng cho dân tộc một nền y học cổ truyền dân tộc với thành tựu là dùng chính những vị thuốc Nam để chữa bệnh cho người Nam.

Bài viết có sử dụng một số thông tin trên hai trang web:

  • yhoccotruyen.vn
  • wiki


Từ khóa: 

tranh biện sử việt

,

thuốc nam

,

y học

,

ông tổ

,

tự hào dân tộc

,

lịch sử