On writing well...

  1. Giáo dục

Có một số quy tắc mà ta nên tuân thủ để viết được một văn bản tốt. Dù không phải là một người viết chuyên nghiệp, tôi có may mắn được biết các quy tắc đó.

Viết khác đi có thể tạo nên sự độc đáo. Tuy nhiên, sự độc đáo có giá trị khi bạn đã biết phải làm gì nhưng làm khác đi và vượt lên đám đông, chứ không phải là khi bạn không biết những quy tắc đơn giản và tạo ra những thứ có giá trị thấp hơn mặt bằng chung.


img_20191118_231410_924

家に帰る道


Các quy tắc được lựa chọn trình bày dưới đây liên quan đến các vấn đề mà một số bạn trẻ đang gặp phải. Đây không phải là những quy tắc quan trọng nhất, nhưng có vẻ là những quy tắc hay bị vi phạm nhất.

1. Quy tắc song hành:

Quy tắc này nói rằng những bộ phận có vai trò và vị trí tương đương trong câu/đoạn văn/văn bản nên có cấu trúc tương đương, như vậy văn bản sẽ dễ đọc và dễ hiểu hơn. Ví dụ từ Wikipedia:

0dd922d0610b11eab885c59686616081


Trong câu thứ hai, nên dùng cả hai đều là động từ, hoặc cả hai đều có chức năng danh từ. Trong câu thứ ba, cả ba hành động đều nên có địa điểm, hoặc đều không có địa điểm.

Lưu ý rằng các câu không tuân theo quy tắc song hành đều đúng ngữ pháp, nhưng chúng ta không nên viết như vậy.

Đây là sự song hành trong một câu. Có sự song hành giữa các câu trong đoạn văn hoặc các đoạn văn trong văn bản. Ví dụ:

“The inherent vice of capitalism is the unequal sharing of blessings. The inherent virtue of Socialism is the equal sharing of miseries.” — Winston Churchill, House of Commons, 22 October 1945.

Bạn có thể tham khảo thêm trên Wikipedia bằng cách tìm kiếm với từ khóa “Parallelism.”

2. Cách đặt dấu câu:

Tôi không thể nói về tất cả các quy tắc, đây là một vài quy tắc không được thực hiện trong một số bài viết trên một số blog và diễn đàn.

1. Đặt các dấu câu ngay sau từ. Không dùng dấu cách trước dấu câu.

Ví dụ (sai):

Trong bụng tôi định , hễ làm quen được với thiếu nữ kia , là sẽ nhờ mẹ tôi đem trầu cau sang hỏi . Cái địa vị và sự giàu có của tôi chắc sẽ cho tôi được mãn nguyện .

Ví dụ (đúng):

Trong bụng tôi định, hễ làm quen được với thiếu nữ kia, là sẽ nhờ mẹ tôi đem trầu cau sang hỏi. Cái địa vị và sự giàu có của tôi chắc sẽ cho tôi được mãn nguyện.

2. Chỉ đặt dấu hỏi cuối câu hỏi.

Không phải cứ có từ nghi vấn thì là câu hỏi. Ví dụ, những câu dưới đây không phải là câu hỏi:

Anh không biết liệu cô ấy có giận anh không. Cô ấy không biết phải làm thế nào mới có thể vượt qua được thời điểm khó khăn này. Nhiều bạn trẻ hỏi tôi làm thế nào để tìm được mục đích sống.

“liệu cô ấy có giận anh không” là một “whether clause” (tôi rất xin lỗi vì không biết trong tiếng Việt cái này được gọi là gì). Nó có thể được dùng làm chủ ngữ hoặc tân ngữ. Câu đầu tiên về cơ bản giống mọi câu có cấu trúc:

Anh không biết O.

với O là một bất kỳ tân ngữ nào, và vì thế nó không phải là câu hỏi.

Dưới đây là cách viết nếu bạn muốn dùng dấu hỏi chấm:

Nhiều bạn trẻ hỏi tôi: “Làm thế nào để tìm được mục đích sống?” Anh có thể nói cho tôi làm thế nào mới có thể vượt qua được thời điểm khó khăn này không?

3. Đặt dấu chấm khi hết câu. Không đặt dấu chấm khi chưa hết câu.

Có những đề mục không phải là một câu. Những đề mục mà tôi đang dùng dấu chấm ở đây hoàn toàn có thể là một câu mệnh lệnh, nhưng tôi dùng dấu chấm thay vì chấm than.

Cần phân biệt rõ đâu là câu đặc biệt, đâu là câu giản lược, đâu là câu mệnh lệnh, và đâu không phải là câu. Một vài lời không thể nói hết về chúng, nếu bạn quan tâm xin hãy tìm hiểu thêm.

Lỗi lầm hay gặp nhất là đặt dấu chấm khi thấy viết đã dài, chứ không phải đã hết một ý hay đã hết một câu.

4. Sử dụng thống nhất một phong cách.

Không phải chỉ có một phong cách sử dụng dấu câu. Nếu bạn viết tiếng Anh, bạn sẽ thấy BrE và NAmE tương đối khác nhau.

Sự khác biệt hay thấy nhất là cách dùng dấu trích dẫn. Ví dụ sau đây lấy từ “

The punctuation guide
“:

“Economic systems,” according to Professor White, “are an inevitable byproduct of civilization, and are, as John Doe said, ‘with us whether we want them or not.’” (American Style) ‘Economic systems’, according to Professor White, ‘are an inevitable byproduct of civilization, and are, as John Doe said, “with us whether we want them or not”’. (British Style)

Nếu quan tâm bạn có thể đọc thêm ở link trên. Cách viết ngày tháng, số, viết tắt, v.v. đều khác nhau. Tôi không thể nói phong cách nào tốt hơn phong cách nào, nhưng tôi có thể nói rằng chúng ta nên sử dụng nhất quán một phong cách.

Rất tiếc là tôi chưa thấy người ta nói về phong cách đặt dấu câu trong tiếng Việt, nhưng dù bạn đặt dấu như thế nào, hãy giữ nó nhất quán trong cả bài viết của mình.

3. Cách viết tắt:

Nếu khái niệm hoặc cụm viết tắt là phổ biến, bạn có thể dùng trực tiếp không cần giải thích.

Nếu khái niệm không phổ biến và bạn dùng nó trong bài viết của mình, bạn ít nhất phải viết đầy đủ khái niệm đó một lần và giải thích cách viết tắt trong ngoặc đơn. Sau đó bạn có thể dùng từ viết tắt.

Ví dụ:

Tôi không thể nói phong cách (PC) nào tốt hơn PC nào, nhưng tôi có thể nói rằng chúng ta nên sử dụng nhất quán một PC.

Lưu ý:

Mặc dù thường chữ viết tắt có liên hệ đến khái niệm được viết tắt, ví dụ “phong cách” ở trên được viết tắt thành PC, không có quy tắc nào nói rằng phải có liên hệ đó. Bạn hoàn toàn có thể viết tắt École Polytechnique là X chứ không phải là EP, miễn là bạn giải thích cẩn thận trong ngoặc đơn lần đầu bạn dùng nó. Vì điều này mà nhiều khi bạn thấy người ta thêm bớt chữ cái ở từ viết tắt, khiến cho nó có một cách đọc riêng và dễ nhớ hơn.

Tôi đã đọc có bạn viết tắt một cụm dài cỡ chục từ bằng một từ viết tắt là chục chữ cái bắt đầu của cụm đó và tôi thấy buồn cười. Nếu để dài không có tác dụng gì thì không cần phải đưa tất cả các chữ cái đầu tiên vào.

Sau khi bạn giải thích cách viết tắt, bạn hoàn toàn vẫn có thể dùng tên đầy đủ ở những lần tiếp theo.

Trong tiếng Anh, nếu bạn viết tắt một bộ phận của từ thì bạn dùng dấu ‘ (apostrophe) để thể hiện có phần chữ bị viết tắt, ví dụ international = int’l. Nếu bạn giữ những chữ cái đầu tiên thì dùng dấu . (dot), ví dụ et cetera = etc.

4. Cách liệt kê:

Nếu bạn liệt kê hai đối tượng, hãy dùng từ “và”:

A và B

Nếu bạn liệt kê nhiều hơn hai đối tượng, hãy đặt dấu phẩy sau tất cả các đối tượng, trừ đối tượng cuối cùng và dùng từ “và”:

A, B, C, và D

Nếu có rất nhiều đối tượng, hãy dùng etc. (tiếng Anh) hoặc v.v. (tiếng Việt). Tôi xin đặc biệt lưu ý cách dùng của v.v. (vân vân):

v.v. là đúng vv là sai v.v là sai v.v… là sai

Bất cứ khi nào bạn muốn nói “còn nhiều đối tượng tương tự,” hãy dùng “v.v.,” chứ không phải là những ví dụ sai ở trên.

5. Phân biệt câu, sentence fragment, và trạng ngữ:

Sentence fragment nhìn giống câu nhưng không phải là câu. Trạng ngữ cũng có thể rất dài và nhìn giống câu nhưng không phải là câu. Trước khi đặt dấu chấm câu các bạn hãy dành thời gian nhìn lại một lần cái mình vừa viết ra.

Ví dụ phổ biến nhất về sự nhầm lẫn giữa câu với không phải là câu là:

Qua sự việc trên đã cho thấy [một mệnh đề nào đó].

Có khi bạn có thể thấy nó trên một tờ báo nào đó. Nếu thêm chủ ngữ, thì nó là một câu. “Qua sự việc trên” là trạng ngữ của câu. Chúng ta chưa thấy ai hay cái gì đã cho thấy mệnh đề phía sau. Cách xử lý đơn giản nhất là bỏ chữ “qua” đi, và “sự việc trên” sẽ trở thành chủ ngữ, còn trạng ngữ thì biến mất.

Trong bài thi Đánh giá năng lực ở VNU, thỉnh thoảng chúng tôi thấy những câu hỏi kiểu như: “Các em hãy chỉ ra lỗi sai trong câu dưới đây: …” nhưng khi đọc thì chẳng thấy lỗi sai nào.

Thực ra là có lỗi, chỉ là cái gì lặp lại quá nhiều lần thì ta tưởng rằng nó là đúng. Nếu nghĩ kỹ chúng ta sẽ nhìn ra. Các lỗi thường đơn giản và nằm trong mấy thứ kể trên. Tuy nhiên, tôi có cảm tưởng rằng cộng tác viên của một số tờ báo mạng còn cách điểm tối đa của phần thi ngôn ngữ trong bài thi đánh giá năng lực này nhiều năm học tiếng Việt, dù đây là bài thi trắc nghiệm.

6. Cách ngắt dòng và ngắt đoạn:

Khi bạn học văn ở phổ thông, cách ngắt đoạn thông thường là khi hết một ý, bạn chuyển sang đoạn mới. Đoạn mới được bắt đầu ở dòng mới và có lùi đầu dòng. Thường thì người ta lùi 1 tab tương đương 4 dấu cách.

Khi bạn viết tiếng Anh thì thường bắt đầu đoạn mới không có lùi đầu dòng, và đoạn mới được ngăn cách với đoạn trước bằng một dòng trống. Nếu thích bạn có thể ngắt đoạn như vậy trong tiếng Việt, như tôi đang viết.

Khi viết bài luận tiếng Anh, bạn nên ngắt đoạn theo cách thứ hai. Nó dễ nhìn hơn và được dùng phổ biến hơn. Lưu ý là nếu thích bạn có thể viết theo kiểu thứ nhất, bạn không bị trừ điểm thi IELTS nếu viết như thế. Tuy nhiên, hãy sử dụng một cách ngắt đoạn thôi, đừng trộn hai cách lại với nhau.

7. Quy tắc phát triển tuyến tính:

Nếu bạn kể chuyện mà đang kể hiện tại, bạn đến tương lai, rồi quay về hiện tại, rồi lại về quá khứ, thì hoặc là bạn là nhà văn, hoặc là bạn không biết kể chuyện. Nếu bạn từng đọc một văn bản mà thấy đoạn nào viết cũng hay, có điều không hiểu tại sao vừa thấy ăn xong đã thấy tả đói cồn cào, thì nhiều khả năng tác giả chưa nghe qua quy tắc này.

Đầu tiên bạn nên học cách viết tuyến tính, nắm vững nó, sau đó bạn có thể viết kiểu phi tuyến. Tuyến tính ở đây không chỉ nói về mạch sự kiện, nó còn dùng để chỉ mạch tư duy.

---

Nếu bạn không theo các quy tắc trên, hãy đảm bảo rằng đó là vì bạn có mục đích riêng, chứ không phải là vì thiếu hiểu biết.

Có một số bạn rất cầu thị và mong nhận được ý kiến đóng góp để viết hay hơn. Tôi thật sự nghĩ rằng diễn đàn này không phải là nơi tốt nhất để bạn phát triển khả năng viết. Khi bạn viết nhiều, bạn sẽ viết giỏi lên. Nhưng giỏi lên do viết nhiều thì có giới hạn của nó. Bạn nên tìm tiền bối là những người viết chuyên nghiệp để học hỏi. Bạn cũng có thể tham gia các trại sáng tác, trường hè, v.v., hoặc nếu đã xác định rõ ràng, bạn có thể nhập học trường báo chí hoặc nhân văn.

Tạm thời, tôi thấy có một số nguồn tham khảo hoặc học tập để có thể viết đúng, xin được giới thiệu với các bạn: (cách để viết hay, tôi cũng không có kinh nghiệm, nhưng đầu tiên chúng ta cần viết đúng đã.)

Khóa học viết của thầy Hồ Lê Vũ ở Hà Nội

Tiếng Việt, Văn Việt, Người Việt (Cao Xuân Hạo)

Plain English at Work

Line by Line: How to Edit Your Own Writing

Nếu bạn có thời gian, và nếu bạn muốn viết tiếng Anh, bạn có thể tham khảo thêm (những sách dưới đây giống cẩm nang hơn):

The Elements of Style

The Chicago Manual of Style

Oxford Guide to Plain English


----------

Originally posted here:

On writing well… – 一期一会

inthehereinthenowiamhome.wordpress.com

Từ khóa: 

viết

,

writing

,

tiếng việt

,

giáo dục

Bài viết bổ ích quá anh ạ, giờ em mới thấy

Trả lời

Bài viết bổ ích quá anh ạ, giờ em mới thấy