On Parental Role in Educating Children - Bàn về vai trò của bố mẹ trong việc giáo dục con cái.

  1. Giáo dục

Trong bối cảnh xã hội đang dần đón nhận và thực hành các mô hình giáo dục tiến bộ, toàn diện, và nhân văn hơn, chúng ta cũng đang dần nghiêm túc đưa vào cân nhắc và xác định vai trò thật sự của gia đình (cụ thể ở đây là bậc cha mẹ) trong hành trình học tập của con cái.

Ở những thế hệ trước đây, vai trò của bố mẹ trong việc giáo dục chủ yếu là những mô tả và khuyến nghị rất chung chung từ phía giáo viên, ví dụ như câu "Mong anh chị quan tâm cháu hơn." Và những mô tả và khuyến nghị này thường được chuyển thành các khuyến khích trong việc răn đe và nghiêm khắc với con cái hơn là những hành động mang tính giáo dục thực sự. Triết lý giáo dục "Thương cho roi cho vọt, nghét cho ngọt cho bùi" thoạt trông khó mà lung lay trong các tương tác từ gia đình đến trường học, công ty, v.v trong những thập kỉ vừa qua., nay lại ít nhận được sự đón nhận hơn từ xã hội đương đại, nếu không phải hoàn toàn tẩy chay triết lý này thì cũng chỉ nằm ở mức "không nhịn được mà phải đánh." Hiện nay, "công việc" bố mẹ không còn được coi như là một bản năng hiển nhiên, mà như là một kĩ năng cần trau dồi và rèn luyện. Tuy nhiên, điều này cũng vô tình tạo ra các biện minh đội lốt ngộ nhận rằng chỉ có những bậc bố mẹ có chuyên môn, kĩ năng sư phạm cao cùng với việc dư giả thời gian mới có thể tham gia vào vai trò giáo dục con cái. Từ đó, mang ra đối chiếu với mặt bằng chung của các gia đình Việt Nam, người ta có thể dễ dàng phất tay gạt bỏ vai trò này đơn giản bởi vì "rất ít gia đình thỏa mãn các điều kiện trên."

Vậy, các điều kiện đấy có cần thiết để phát huy tốt hay thậm chí là làm khả thi vai trò của bố mẹ trong việc giáo dục con cái hay không? Ở đây, vai trò giáo dục ở các bậc phụ huynh được thể hiện theo nhiều cách rất khác nhau, và tùy thuộc vào việc xác định vai trò của họ đóng góp bao nhiêu phần trăm trong tổng thể trải nghiệm giáo dục của con cái, ví dụ, xét trên phương diện tổng thời gian: một gia đình bận rộn cho con đi học nội trú sẽ có vai trò và cách thức giáo dục khác so với một gia đình mà bố mẹ có thể dành nhiều thời gian hơn với con, bên cạnh rất nhiều các trường hợp khác. Chính vì vậy, phía bố mẹ dù sẵn sàng dành thời gian ít hay nhiều cho con cũng cần nắm bắt và xác định được vai trò của mình trong mối tương quan với môi trường trường học. Một bước đi điển hình trong việc này là xác định con nhận được và không nhận được điều gì từ nhà trường, và bản thân bố mẹ có khả năng đến đâu trong các cố gắng bù đắp hoặc hòa giải điều đó. Các trải nghiệm nhận và mất, hòa hợp và xung đột này không chỉ nằm ở khía cạnh kiến thức khoa học, mà còn các giá trị về đạo đức, phẩm chất, sự trưởng thành về cảm xúc cũng như các kĩ năng mềm và cứng khác. Điều này tuy không yêu cầu cao về trình độ học vấn của bố mẹ, lại yêu cầu một chuỗi các cố gắng liên tục nhằm đối thoại, nắm bắt, thấu hiểu, và cởi mở không chỉ với môi trường học tập trên trường của con, mà còn chính cả bản thân con như nó đang là. Ở đây cũng không thể bỏ qua cả chính cách bố mẹ tự thấu hiểu và đánh giá bản thân họ. Do đó, một số bố mẹ có khả năng sư phạm hay kiến thức chuyên môn cao có thể lựa chọn tự mình "phụ đạo" hoặc cung cấp thêm cơ hội học hỏi ngoài giờ cho con, trong khi các bố mẹ ít nguồn lực hơn vẫn có thể dựa vào một sự thấu hiểu tương tự mà tìm kiếm có chọn lọc các hỗ trợ bên ngoài (như gia sư, các trung tâm giáo dục, hoạt động ngoại khóa, cố vấn giáo dục, v.v.). Chính vì vậy, yếu tố có trình độ chuyên môn, kĩ năng sư phạm cao, và dư giả về mặt thời gian có thể là một lợi thế cho các bậc phụ huynh, song các phụ huynh không có điều kiện như trên vẫn có thể hỗ trợ con theo những cách rất khác trong khả năng của họ.

Thực tế, ngộ nhận được nêu ra đầu bài một phần xuất phát từ một ranh giới được chia cắt gọn gẽ giữa vai trò "người dạy" và "người học" mà đa phần chúng ta đều có. Điều này được thể hiện qua việc quan hệ giáo dục là mối quan hệ một chiều, tức là vai trò ai dạy ai học là cố định và độc quyền cho mỗi cá nhân/cá thể, ví dụ "thầy là thầy và trò là trò." Việc vẽ ra ranh giới này mặc nhiên cũng cường hóa đồng thời tô màu cho sự khác biệt gần như tuyệt đối và mang tính nhị phân về mặt phẩm chất, kiến thức, tư duy, hay trải nghiệm sống giữa "thầy/cô" và "trò". Điển hình là chúng ta luôn mặc định thầy cô luôn là người có thẩm quyền về nhiều mặt hơn là phía học sinh, và những cố gắng nhằm làm lung lay các thẩm quyền này cũng vì thế đụng chạm đến "cái tôi", hay chúng ta thường gọi nó bằng một cái tên hoa mĩ hơn là "nhân phẩm và chuyên môn". Hiển nhiên chúng ta không thể phủ định việc rõ ràng bạn A phải hơn bạn B về kĩ năng hay kiến thức x,y,z (ở một mức độ nào đó) mới có thể dạy bạn B một cách chính xác và hiệu quả, song đây không nhất thiết là một mối quan hệ giáo dục một chiều, mà có thể hai chiều, hay thậm chí là đa chiều. "Tôi có thể là thầy của em, nhưng em vẫn có thể là thầy của tôi trong những khía cạnh khác". Vì thế, ta khó có thể mong chờ rằng bố mẹ buộc phải gán lên mình danh tính lý tưởng của một nhà giáo kể trên mới có thể hoàn thành tốt nhiệm vụ giáo dục con, mà sự giáo dục ở đây có lẽ là tốt nhất là dành cả cho con lẫn bố mẹ.

******

Art: "Eyes" by Le Ba Dang.

Use: Non-profit illustration.

Copyright: Le Ba Dang Art Foundation.

Từ khóa: 

giáo dục

,

con cái

,

giáo dục

Năng lực nhận thức của các bậc phụ huynh là rào cản đáng kể trong quá trình dạy con. Sinh con dễ, nuôi con khó, dạy con thì dù dễ hay khó cũng phải cố làm để không mang tội với tổ tiên, đồng bào.

Trả lời

Năng lực nhận thức của các bậc phụ huynh là rào cản đáng kể trong quá trình dạy con. Sinh con dễ, nuôi con khó, dạy con thì dù dễ hay khó cũng phải cố làm để không mang tội với tổ tiên, đồng bào.

Bài viết đã đề cập đến rất nhiều khía cạnh vẫn đang là nút thắt trong giáo dục, bạn ạ.

Người lớn, với trải nghiệm đã đông cứng của bản thân, tự giao cho họ quyền lực phán xét thế nào là "chuẩn" và thế nào là "lệch chuẩn". Ở phía bên kia, trẻ nhỏ đang trên đà phát triển với khao khát khám phá, song lại thiếu kinh nghiệm trong thế giới lệ thuộc quá nhiều vào ngôn từ, thường bị thẳng tay chế ngự về mặt tư duy.

Vậy nên, khi tớ đi dạy gia sư thì điều tớ muốn làm nhất không phải là dạy học, mà thường là làm cầu nối giữa hai thế hệ, hai luồng quan điểm và hai luồng kì vọng trong gia đình :)

Nguyên viết mảng này hợp lắm, đón đợi những bài viết tiếp theo của bạn.

Cảm ơn Nguyên nhé, bài chia sẻ thú vị. Bàn về vấn đề này mình cho rằng giáo dục gia đình là một phần quan trọng, thậm chí quan trọng hơn cả giáo dục tại trường lớp. Tại sao vậy, bởi vì giáo dục gia đình là một quá trình kéo dài, xuyên suốt đối với trẻ, trong khi việc học tập tại trường lớp có thể có nhiều thay đổi (thầy cô giáo, bàn bè mới) qua các cấp, các lớp và giai đoạn khác nhau.

Mình được một người bạn chia sẻ một key word khá quan trọng khác đó là: "thân giáo", có nghĩa là chính việc bố mẹ sống và làm gương sẽ là bài giảng chân thực và chi tiết nhất cho con cái.

Nhiều chữ quá tui đọc không vô :v mà thấy cái đề bài tui đoán tác giả cũng là người tâm huyết:v nói thật giờ tui thấy người ta đẻ như gà như vịt xong rồi giao cho trường lớp như cái lò ấp và sản phẩm từ cái lò ấp đó mà ra xã hội thì đương nhiên là vào lò mổ rồi haha :v