Nuôi con sống giữa truyền thông
Trên hành trình khám phá năng lực bản thân, có lẽ điều thú vị và may mắn nhất đối với tôi là được làm mẹ của hai bạn bé. Với tôi, hành trình làm mẹ là một hành trình thiêng liêng, đầy thử thách với nhiều trải nghiệm và sự học hỏi không ngừng. Đặc biệt trong bối cảnh hiện nay dưới tác động của truyền thông, internet việc có thể đứng vững trước những làn sóng nuôi dạy con khác nhau, giữa một biển dày đặc thông tin không phải là điều dễ dàng với những ai đã và đang trên hành trình làm bố mẹ. Bài viết này mình xin được chia sẻ chút ít kinh nghiệm nuôi con sống giữa truyền thông. Hy vọng rằng những quan điểm của tôi sẽ giúp ích chút nhiều cho nhiều ông bố bà mẹ trên hành trình nuôi con để chúng ta có thể nuôi dạy được các bạn bé thật hạnh phúc.
Một điều không thể phủ nhận rằng, trong xã hội ngày nay, việc truyền thông có ảnh hưởng đến cuộc sống của chúng ta hay không không còn là vấn đề đáng bàn. Bởi thực tế rằng chúng ta đang sống trong truyền thông, ở trong truyền thông. Hàng ngày chúng ta liên tục tiếp xúc với tivi, báo in, tạp chí, mạng internet, hình ảnh quảng cáo, các chiến dịch truyền thông...(với sự lên ngôi của truyền thông thị giác và truyền thông xã hội) ở khắp mọi nơi. Chúng ta đang sống trong một thế giới đa phương tiện. Một điều không thể nghi ngờ gì nữa là truyền thông đang tác động khá lớn đến nhận thức, niềm tin, hành động của mỗi chúng ta. Và trong cách nuôi dạy con cái hiện nay, chúng ta cũng đã và đang chịu ảnh hưởng khá lớn từ truyền thông. Tôi tin rằng trong mỗi chúng ta đã không ít lần chúng ta lựa chọn sữa, đồ ăn thức uống… cho con mình từ những thông điệp truyền thông, những hình ảnh quảng cáo đầy hấp dẫn, áp dụng những cách nuôi dạy con theo quan điểm của người Nhật, người Do Thái, người Mỹ…
Bản thân tôi đang là một người mẹ. Từ khi làm mẹ, tôi đã tìm đọc khá nhiều các sách báo khác nhau về quá trình nuôi dạy một đứa trẻ (từ khi là em bé trong bụng cho đến khi sinh ra, lớn lên theo lứa tuổi…). Và trong biển thông tin mênh mông ấy, tôi nhận được khá nhiều quan điểm khác nhau về cách chăm sóc, nuôi dạy con cái mà nhiều khi khá là “bấn loạn” không biết nên đi theo chiều hướng nào. Chẳng hạn như, theo quan điểm truyền thống cho rằng cần phải biết nuôi dạy một đứa trẻ ngoan ngoãn, biết vâng lời “thương cho roi cho vọt” với những quy tắc, chuẩn mực đã định sẵn. Có nhiều người thì lại quan tâm đến việc làm sao nuôi dạy con học thật giỏi, có nhiều thành tích để mai này đi đâu đi đó cho mở mày mở mặt. Một số bậc cha mẹ thì quan niệm chăm con cẩn thận, chu đáo từng đường đi nước bước. Một số ít đề cao tự do cá nhân, cho con cái được tự do bay bổng theo kiểu “muốn làm gì thì làm”…bla, bla…Rồi thì hàng ngày, hàng ngày trên các phương tiện truyền thông đại chúng tôi được nghe không ít những chia sẻ kinh nghiệm của các ông bố bà mẹ ở khắp mọi nơi. Dường như truyền thông đã và đang tạo ra những hệ giá trị mới khiến con người ta lo lắng hơn. Trước đây sự trưởng thành của một đứa trẻ được giáo dục từ gia đình, cộng đồng, làng xóm trong môi trường an toàn khá an toàn thì hiện nay, con người lo lắng nhiều hơn, hoang mang nhiều hơn trong thời đại đa thông tin, nhiều rủi ro.
Tôi không phủ nhận rằng, cuộc cách mạng khoa học công nghệ với sự xuất hiện của internet đã và đang thay đổi cuộc sống của chúng ta. Thay vì những kiến thức nuôi dạy con truyền thống được ông cha ta truyền dạy trước kia, các bậc cha mẹ ngày nay được học hỏi, biết đến nhiều phương pháp nuôi dạy con khác nhau, tiên tiến và hiện đại hơn. Chúng ta có nhiều thông tin hơn để lựa chọn, kết nối, học hỏi chia sẻ kinh nghiệm với nhiều người khác nhau trong việc nuôi dạy con cái. Nhưng bên cạnh đó cũng có nhiều câu hỏi được đặt ra làm chúng ta đau đầu, bối rối: Làm thế nào để chúng ta có thể “di chuyển an toàn” trong biển mênh mông các hình ảnh quảng cáo và thông điệp ở khắp mọi nơi trong cuộc đời mỗi con người. Làm thế nào để trong việc nuôi dạy con chúng ta không bị lệ thuộc vào truyền thông hay không bị truyền thông mua chuộc? Làm thế nào để ta không bị lừa, không trở thành kẻ mù quáng khi lựa chọn mua các sản phẩm cho con mình? Đó là hàng loạt những câu hỏi luôn luôn xuất hiện trong đầu tôi và cho đến tận bây giờ nhiều khi tôi vẫn cảm thấy mơ hồ, “bấn loạn” trong hàng loạt các thông tin luôn “bủa vây” xung quanh mình. Đây có lẽ là vấn đề không chỉ riêng tôi mà tôi tin rằng nhiều các ông bố bà mẹ cũng đang gặp phải khi chúng ta đã và đang sống trong thời đại “bão hòa truyền thông”, “quá tải thông tin” như hiện nay và không ít lần rơi vào tình cảnh “tiền mất tật mang”, “dở khóc dở cười” bởi sự thực hư lẫn lộn về các thông tin mà chúng ta nhận được hàng ngày. Vậy làm thế nào để nuôi con sống giữa truyền thông? Cách “đọc” các cấp độ ý nghĩa khác nhau của thông điệp truyền thông như thế nào để có thể nhận diện và hiểu về truyền thông? Chúng ta cần những năng lực gì để nhận diện các thông điệp truyền thông? Đó chính là những vấn đề cần được quan tâm để mỗi người trong chúng ta có đủ kiến thức và kỹ năng cần thiết không chỉ để nhận diện thông tin mà mình tiếp nhận mỗi ngày mà còn biết cách nuôi dạy con cho đúng.
Cha mẹ hãy là người thấu hiểu con cái của mình
Theo tôi, trước khi chúng ta đi tìm kiếm thông tin để nuôi dạy con cái, điều đầu tiên mà bất cứ cha mẹ nào cũng cần là sự thấu hiểu con của mình. Mỗi đứa trẻ sinh ra đều là một thiên thần, một cá thể độc lập, có điểm mạnh, điểm yếu riêng, những cá tính, tính cách khác nhau. Chính vì vậy, thay bằng việc áp đặt con cái theo quan điểm, giá trị, mong muốn của mình, mỗi cha mẹ cần có quá trình hiểu con. Hãy luôn luôn nhìn thấy con như một “lời mời” để chúng ta có thể bước vào khám phá năng lực tiềm ẩn riêng có của con. Tôi tin rằng, nếu bạn làm được điều này, bạn sẽ đi từ ngạc nhiên này đến ngạc nhiên khác bởi những điều mà lâu nay chúng ta không biết hết về con. Ví dụ: khi con bạn vẽ tranh, bạn không chỉ quan tâm đến bức tranh, đưa lời khen ngợi mà điều quan trọng bạn cần biết là tại sao con vẽ như vậy, điều gì con quan tâm, câu chuyện đằng sau như thế nào.
Thay vì nuôi dạy một đứa trẻ ngoan, chỉ biết nghe lời bố mẹ theo kiểu nhận sẵn, “cha mẹ đặt đâu con ngồi đấy”, hãy cho con được bày tỏ, quan điểm ý kiến riêng của mình. Bởi như vậy bạn đã giúp cho con bạn có được một tư duy phản biện tốt trước mọi thông tin tiếp nhận hàng ngày, giúp con bạn có được những nhận thức đúng, sai chứ không phải là người chỉ biết tuân lệnh, vâng phục một cách mù quáng.
Thay vì nuôi dạy một đứa trẻ như một cỗ máy chỉ biết học và làm theo sách vở, hãy để cho con được trải nghiệm, khám phá nhiều hơn năng lực của bản thân, biết hiện thực hóa tiềm năng của bản thân. Hãy tạo cho con có tâm hồn tự do hơn là tâm hồn gào thét phải tiêu thụ quá nhiều thứ. Sự tự do của tâm hồn một đứa trẻ quan trọng hơn việc bắt nó học. Muốn làm được điều này bạn cần phải biết con mình là ai? Người mà con muốn trở thành, giá trị mà con theo đuổi. Cha mẹ hãy là người bạn của con, hướng nghiệp cho con. Hãy để khoảng thời gian cho con và tin con, để con tự tìm ra mình. Bởi theo tôi trong bối cảnh xã hội hiện nay nuôi dạy một đứa trẻ biết thích nghi với xã hội quan trọng hơn là một đứa trẻ giỏi. Trong thời đại truyền thông, việc chuẩn bị cho trẻ năng lực sống trong một thế giới của những hình ảnh, từ ngữ và âm thanh có sự thay đổi lớn là điều cần thiết.
Cha mẹ trong việc nuôi dạy con giữa truyền thông
Tôi nhận thấy dường như hiện nay rất nhiều các bậc phụ huynh đang bị thông tin bủa vậy, rơi vào mạng lưới nghĩa của truyền thông mà đôi khi không tìm thấy chính mình. “Chúng ta chết đuối trong thông tin nhưng chết đói về tri thức” (John Naisbitt – nhà tương lại học). Những biểu hiện thường thấy: thần thánh hóa mọi thứ (cách ăn dặm của người Nhật, nuôi con theo kiểu Do Thái, Mỹ…), bị lóa mắt bởi những hình ảnh, âm thanh, thông điệp hấp dẫn từ các quảng cáo các sản phẩm (các hãng sữa, đồ ăn, thức uống…), tin vào các diễn ngôn hàng ngày (phải uống sữa mới cao, nuôi dạy con trở thành công dân toàn cầu, phải cho con học trường quốc tế…). Điều đó đã tạo cơ hội cho một ngành kinh doanh sách nuôi dạy con ra đời và phát triển, sự bùng nổ của các hãng sữa, sự trỗi dậy của các trường học quốc tế ở Việt Nam trong những năm gần đây. Và rồi vô hình chung chúng ta biến những đứa con của mình thành những cỗ máy, những robot chỉ biết ăn và học, hàng ngày cắp trên lưng cái cặp to kếch xù mà nhiều khi nặng hơn cả chính cân nặng cơ thể chúng. Để làm gì? Để thỏa mãn những ước vọng mà cha mẹ chúng đang theo đuổi, để chạy theo xu hướng giáo dục hiện nay, để hội nhập và trở thành những công dân toàn cầu ư?
Do đó, theo tôi, để tránh bị rơi vào các “cạm bẫy” của truyền thông, mỗi bậc cha mẹ cần có những nhận thức, quan điểm và kỹ năng “sống giữa truyền thông”:
Thứ nhất, cần có nhận thức rõ ràng: Truyền thông là một thành tố văn hóa trong đời sống ngày nay. Chúng ta đang sống trong một thế giới mà truyền thông đang ở khắp mọi nơi, len lỏi vào mọi ngõ ngách trong cuộc sống của chúng ta. Chính vì vậy, thay vào việc né tránh truyền thông chúng ta hãy “dấn thân” và sống với truyền thông với tâm thế chủ động tiếp nhận thông tin truyền thông hàng ngày, đọc và nghe nhiều từ các kênh thông tin khác nhau, tỉnh táo hơn khi tiếp nhận các thông tin truyền thông.
Thứ hai, mỗi chúng ta khi tiếp nhận các thông điệp truyền thông hãy nghĩ chậm lại, đọc chậm lại và suy ngẫm về những gì mình nghe, mình thấy, truy lại những dữ liệu “lộ” ra từ chính những thông điệp, bóc tách những hình ảnh nhìn thấy và đặt ra những câu hỏi: Vì sao mình lại hiểu điều đó như vậy? Cái gì làm mình cảm thấy thế? Cái gì khiến cho mình tin…trước khi đưa ra những quyết định của bản thân: tin hay không tin, nghe hay không nghe, làm hay không làm. Ví dụ: khi bạn quyết định lựa chọn hãng sữa cho con, thay vì “nghe theo ai đó”, hay bị hấp dẫn bởi các thông điệp, hình ảnh đẹp, hấp dẫn, nắm bắt đúng tâm lý của người tiêu dùng (hiện nay các hãng sửa thường đánh vào tâm lý của các bà mẹ luôn muốn chọn những sản phẩm tốt nhất, bổ nhất, ngon nhất, mát lành nhất…cho con để đưa ra những chiến dịch quảng cáo), bạn hãy chậm lại để tìm hiểu về những thứ mà con bạn đang thực sự cần, phù hợp cho cơ thể, từng giai đoạn phát triển của con (loại chất gì, vitamin gì…).
Thứ ba, truyền thông là phương tiện để thuyết phục, gây ảnh hưởng đối với một ai đó. Do đó, những người làm về truyền thông họ đều tạo ra những thông điệp, hình ảnh có mục đích nhằm tác động, ảnh hưởng đến một nhóm đối tượng nhất định (khách hàng, công chúng truyền thông). Do đó, các bậc cha mẹ luôn cần tỉnh táo trước các thông tin tiếp nhận được. Muốn vậy, mỗi người cần trang bị những kiến thức cần thiết để có thể “hiểu truyền thông”: người tạo ra thông điệp họ là ai (cá nhân, tổ chức, nhà sản xuất), những kỹ thuật nào được sử dụng trong thông điệp truyền thông để tạo ra sự thu hút,chú ý; mục đích của các thông điệp truyền thông là gì, những hình ảnh, thông tin có đúng như vậy không…Bên cạnh những kiến thức đó, mảng kiến thức về xã hội từ các lĩnh vực chính trị, kinh tế, văn hóa, nhân quyền…đều cẩn thiết để hiểu được chính xác các thông điệp truyền thông; cần trang bị những kỹ năng tiếp nhận, “đọc”, “hiểu”, phân tích, đánh giá về truyền thông trên các cấp độ ý nghĩa và quá trình tạo ra các thông điệp truyền thông.
Thứ tư, nếu có thời gian và điều kiện các bậc cha mẹ nên tham gia các chương trình, các lớp học, các buổi hội thảo, tọa đàm chia sẻ về nuôi dạy con, về vấn đề truyền thông hiện nay, lắng nghe những trải nghiệm của các cá nhân, tổ chức, các nhà giáo dục, nghiên cứu có uy tín về các vấn đề xã hội của Việt Nam. Các chương trình, lớp học, các hội thảo khoa học sẽ là những diễn đàn chia sẻ, trao đổi về các vấn đề nuôi dạy con hiện nay, những phân tích ưu điểm và những hạn chế nhất định của các phương pháp nuôi dạy con khác nhau. Tất nhiên khi đăng ký tham gia bất cứ lớp học nào các bậc phụ huynh cũng nên cân nhắc bởi không phải lớp học, khóa học nào cũng mang mục đích tốt. Nếu chúng ta không tỉnh táo đôi khi chính chúng ta lại rơi vào cái “bẫy” truyền thông của các lớp học này. Mặt khác, các bậc phụ huynh cũng cần phải hết sức linh hoạt trong việc áp dụng các phương pháp nuôi dạy con hiện nay bởi không có phương pháp nào là hoàn hảo và tuyệt đối. Và như tôi đã nói điều quan trọng nhất là cha mẹ phải thấu hiểu chính con em mình.
Quá trình nuôi dạy con, tôi nhận thấy rằng, không chỉ giúp các con có những kiến thức, hiểu biết, cung cấp cho con thông tin để con lựa chọn mà hơn bao giờ hết là những định hướng đúng, trang bị những kiến thức và kỹ năng cần thiết để con có thể thích nghi với cuộc sống một cách chủ động nhất. Bởi vậy, mỗi bậc cha mẹ hãy là những bậc thầy thông thái nhất với con, giúp con có thể “sống giữa truyền thông”, hiểu về cuộc sống một cách sâu sắc và đa chiều nhất.