Nuôi cá cảnh biển có khó không???

  1. Sinh vật cảnh

Có thể nhiều anh em chơi thủy sinh nước ngọt muốn chuyển qua nuôi cá biển, nhưng mà anh em vẫn còn lấn cấn, thắc mắc rằng chơi cá biển có khó không, chi phí như thế nào, lưu ý những gì,... Vì vậy, bài viết này sẽ giải thích cũng như cung cấp một số thông tin cơ bản cho những anh em còn lấn cấn và trả lời một số câu hỏi cơ bản nhất của anh em về môn chơi này. Lưu ý, bài viết này chỉ tập trung nói về cá biển chứ không nói đến san hô hay bất cứ một loài sinh vật khác nào.

https://cdn.noron.vn/2022/02/25/17823523488778-1645771798_1024.jpg

Một trong những câu hỏi hay gặp nhất là: Nuôi cá biển có khó không? Nói đến khó thì có nhiều kiểu khó lắm, nhưng mà tựu chung lại thì tùy dòng! Ví dụ như anh em thích nuôi một số dòng bống, thia cơ bản (thia xanh, rô đá, domino, đuôi én,...), hay thậm chí là Nemo thì cũng "không khó lắm", còn nếu các bạn muốn nuôi những dòng tang như tang vàng, tang xanh (hay còn gọi là Dory), trạng nguyên,... thì khá là đau đầu. Trước hết thì phải phân tích xem chơi nước ngọt và nước mặn khác nhau chỗ nào:

- Chơi nước ngọt có thể ngó lơ các thông số nước, nhưng chơi nước mặn thì các bạn phải để ý 2 thông số chính là pH và độ mặn (salinity), đồng nghĩa với việc bạn ít nhất phải có dụng cụ đo độ mặn, không chơi theo kiểu nêm nếm như nấu ăn được đâu.

- Thứ hai, ngoài độ mặn thì các bạn cần phải chú ý đến hệ vi sinh hơn một chút. Ở môn chơi nước ngọt thì các bạn có thể setup bể và thả cá chỉ sau 1-2 ngày, hay thậm chí set rồi thả luôn, nhưng mà với môn chơi cá biển thì các bạn phải chờ hệ vi sinh hoàn thiện, thường là trong 1 tháng, sau đó mới thả cá, nếu không thì rất dễ lật hồ.

- Thứ ba, chi phí cho hồ nước mặn có thể giao động ở nhiều mức, nhưng có một thứ chắc chắn là một hồ cá cảnh biển cơ bản sẽ đắt hơn một hồ cá nước ngọt cơ bản, dù là tiết kiệm nhất.

https://cdn.noron.vn/2022/02/25/17823523488779-1645771826_1024.jpg

Đó là 2 điều cần lưu ý. Vậy thì để setup một hồ cá biển cơ bản, tiết kiệm nhất (ý mình là tiết kiệm nhất luôn ấy) thì sẽ cần những gì?

- Thứ nhất, bạn phải có hồ mới nuôi được, đương nhiên. Nếu bạn có điều kiện, bạn có thể chơi hồ đúc, hồ mài vi tính, còn nếu không, bạn có thể nhờ thợ dán hồ đủ để chơi hoặc tự dán luôn cũng được, quan trọng có đẹp hay không thôi.

- Tiếp theo, bạn phải cần một bộ lọc khá mạnh, để tiết kiệm luôn khoảng tạo sóng và để hiệu quả lọc tối ưu, các bạn nên chuẩn bị một con lọc có công suất gấp 10-20 lần dung tích hồ, ví dụ, hồ 50 lít thì bơm lọc phải luân chuyển được ít nhất 500L/h.

- Có lọc thì phải có vật liệu lọc, mình khuyên dùng san hô vụn, cái này phải có trong mọi hồ cá biển, ngoài ra thì các bạn có thể dùng sứ bi vàng hoặc sứ thanh vàng, những loại như sứ vòng, sứ nhẫn, hạt kadnes thì thôi, quên đi.

- Dụng cụ đo độ mặn, cái này có nhiều loại, loại tiết kiệm nhất là loại có kim chỉ số bằng nhựa, các bạn có thể dùng của Ista, Instant Ocean, Warm One hoặc đồ dùng cho hồ nuôi tôm, rất tiết kiệm.

- Cuối cùng là nước biển, có một cái đáng lưu ý, nước biển tươi là phương án tiết kiệm nhất, và đó phải là loại lấy từ ngoài khơi, không nên lấy nước biển từ bờ, đơn giản là nước ở đó rất dơ (rác, chất thải của người, chất thải bị sóng đánh dạt vào, vi nhựa, kim loại nặng,...), bạn có thể dùng nước biển gần bờ nuôi được, nhưng quan trọng là được bao lâu thôi. Nếu nghĩ đến chuyện dùng muối hột để chơi thì bạn đừng nên chơi nữa, lý do như trên.

https://cdn.noron.vn/2022/02/25/17823523488787-1645771872_1024.jpg

Đó là cách chơi cá biển tiết kiệm nhất, 1 con lọc, 1 cái hồ, lọc và vật liệu lọc cơ bản, nước biển cùng dụng cụ đo, cá, khi nào nước bay hơi thì châm nước ngọt vào, 1 tuần thay nước 1 lần tầm 10%, chấm hết! Nhưng mà vậy thì hồ của bạn nó sẽ không sáng của mấy, và trông cũng không đẹp lắm, ngắm rất chán. Vậy thì để có một cái hồ cơ bản nhất nhưng mà đẹp thì mình nghĩ các bạn nên đầu tư thêm một ít nữa, cụ thể là:

- Về bộ lọc thì các bạn muốn xài gì thì là quyền của các bạn, hiệu quả và đẹp là được, nhưng để thẩm mỹ nhất thì nên dùng lọc vách.

- Vật liệu lọc thì ngoài san hô vụn là cần thiết ra, bạn nên chơi hẳn Seachem Matrix luôn, khỏi lăn tăn.

- Các bạn cũng nên chơi một nền cát dày từ 5-10 cm để làm chỗ trú cho vi sinh, giúp bộ lọc hiệu quả hơn đáng kể, ngoài cát thì có thể dùng đá sống làm từ san hô chết, ngoài các tiệm cá có nhiều, để tăng thêm vẻ đẹp cho hồ, ai có hoa tay thì lấy keo dán mấy cục san hô vụn lại làm layout luôn cho cá nó ở với bơi qua bơi về.

- Nếu như chỉ chơi cá thì các bạn có thể chơi đèn ống chìm hoặc đèn thủy sinh, ưu tiên đèn có ánh sáng màu xanh để làm nổi bật vẻ đẹp của cá biển.

- Về khoản nước biển, thay vì xài nước biển tươi, thì có thể dùng muối của các hãng như Top Player, Blue Treasure, Red Sea,...v.v để đảm bảo các thông số chất khoáng và độ sạch tinh khiết, lưu ý là các bạn dùng nước đun sôi để nguội hoặc nước mưa để pha chứ không nên xài nước máy nhé, trừ khi dùng những chai khử clo, ví dụ như Seachem Prime.

- Nếu thấy chơi cá không chán quá thì các bạn có thể trồng thêm một số loại cây như đước, hoặc trồng rong nho, cực kỳ dễ trồng luôn.

https://cdn.noron.vn/2022/02/25/17823523488789-1645771934_1024.jpg

Môn chơi cá biển không khó nhưng chắc chắn cũng không dễ, quan trọng là anh em chịu khó mày mò, tìm tòi, đi hỏi, nhưng đừng hỏi mấy cái cơ bản có thể GG được. Hy vọng mấy anh em sẽ đủ kiên nhẫn và đủ can đảm để thử một thú chơi mới. Chúc anh em thành công!

Từ khóa: 

,

cá biển

,

nước mặn

,

aquarium

,

nemo

,

sinh vật cảnh

Khác hẳn so với nuôi cá nước ngọt:) "nghề chơi cũng lắm công phu"

Trả lời

Khác hẳn so với nuôi cá nước ngọt:) "nghề chơi cũng lắm công phu"

bài viết bổ ích cho những bác thích chơi cái này. Thanks bro