Nước Mỹ, Nike, Colin Kaepernick, Serena Williams và câu chuyện sắc tộc
Năm 2016, Colin Kaepernick một siêu sao bóng bầu dục đang ở đỉnh cao phong độ đã tạo ra một cuộc tranh cãi dữ dội trong lòng nước Mỹ khi đã quỳ gối trong lúc bài quốc ca Mỹ vang lên tại một trận đấu ở giải NFL. Người Mỹ cho rằng anh là một kẻ phản Quốc và không tôn trọng Quốc kỳ Mỹ. Sau đó, đương nhiên Colin bị đuổi việc và thất nghiệp đến bây giờ (thực tế, trong 2 năm này Colin liên tục đệ đơn kiện NFL, nhưng kết quả không thay đổi gì)
Tại sao lại như vậy? Vào năm 2016, khi mà cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ đang trong giai đoạn quyết liệt, với hàng loạt những phát ngôn đậm mùi phân biệt chủ tộc của Donald Trump. Trong bối cảnh dư luận Mỹ đang sôi sục khi ngày 6/7/2016, hai người da đen là Alton Sterling và Philando Castile bị cảnh sát bắn chết sau những cuộc xung đột. Kết quả là ngày 7/7, những cuộc biểu tình chống phân biệt chủng tộc diễn ra tại nhiều thành phố của nước Mỹ, với hashtag #BlackLivesMatter. Chiến dịch #BlackLivesMatter khởi nguồn từ năm 2013, xuất hiện khi Tòa án quyết định tha bổng cho George Zimmerman - một cảnh sát da trắng đã bắn chết một thanh niên da đen 17 tuổi tên Trayvon Martin, ở Florida. Suốt 3 năm sau đó, vấn đề chủng tộc chưa bao giờ nguội đi ở nước Mỹ.
Lá cờ Mỹ là biểu tượng của sự tự do, bình đẳng, bác ái. Nhưng thực tế, Colin cho rằng nước Mỹ không sống đúng với những lý tưởng ấy. Colin quỳ gối trước Quốc kỳ và Quốc ca Mỹ vì bất phục, nhiều VĐV khác cũng đã làm theo anh, nhưng vì khởi xướng phong trào nên chỉ một mình Colin bị thanh lý hợp đồng với lý do "phản quốc, sỉ nhục nước Mỹ, coi thường quốc kỳ Mỹ". Sự nghiệp của anh xem như kết thúc từ đấy.
Năm 2018, khi đã "thất nghiệp" 2 năm, Nike tìm đến Colin Kaepernick để đặt vấn đề đại diện cho chiến dịch quảng cáo của mình, và ngay lập tức tên tuổi của anh bùng lên như một quả cầu lửa. Doanh thu trực tuyến của Nike sau khi phát hành mẫu quảng cáo có hình ảnh Colin Kaepernick tăng 31%, và tăng 17% so với cùng kỳ năm ngoái. Kẻ mua để đốt, người mua để ủng hộ. Nhưng điều quan trọng nhất ai ai cũng đều nhắc đến sinh nhật lần thứ 30 của Nike với thông điệp “Hãy giữ niềm tin, dẫu phải hy sinh tất cả” (Believe in something, even if it means sacrificing everything). Và trên hết thì nó khớp tinh thần "Just do it" của Nike đến kỳ lạ.
Phần tiếp theo đây, tôi xin trích nguyên văn từ Facebooker Binh Bong Bot để giữ nguyên được giá trị cảm xúc của nó:
"...Hành động của Colin rất đúng với tinh thần “Just do it” của Nike. Và họ tìm đến anh, trong một chiến dịch táo bạo. Tấm ảnh đen trắng của Colin với thông điệp “Hãy giữ niềm tin, dẫu phải hy sinh tất cả” (Believe in something, even if it means sacrificing everything) đã tạo ra một cơn lũ thật sự trên truyền thông và mạng xã hội. Người khen kẻ chửi. Một làn sóng phản đối Nike diễn ra. Họ nói: “Những người hy sinh là các chiến sĩ đã chết ở các chiến trường kìa, chứ không phải Colin đâu”.
Những người da màu tất nhiên xem Colin và chiến dịch của Nike là nguồn cảm hứng to lớn. Serena Williams đăng bức ảnh mình thời còn bé, và nói: “Tự hào vì là một phần của gia đình Nike”. Tất cả những giấc mơ, theo Serena, đều chỉ là giấc mơ điên rồ cho đến khi nó trở thành sự thật.
Thế nhưng chỉ vài ngày sau khi đăng đàn để ủng hộ Colin và Nike, Serena lại trở thành đề tài tranh luận mới của nước Mỹ. Chung kết Mỹ Mở Rộng, cô để thua VĐV 20 tuổi người Nhật Bản, Naomi Osaka.
Đấy lẽ ra phải là một câu chuyện rất đẹp của thể thao, đúng với tinh thần mà Serena vẫn luôn rao giảng: “Giấc mơ điên rồ cho đến khi trở thành sự thật”. Naomi, một cô gái nhút nhát, nhưng vì đã thần tượng Serena Williams mà dấn thân vào con đường tennis chuyên nghiệp. Và ước mơ ấy thành sự thật khi cô đánh bại chính thần tượng, ngay trên… sân nhà của thần tượng ấy, qua đó trở thành tay vợt (gốc) Nhật đầu tiên giành Grand Slam.
Nhưng chiến tích ấy của cô gái 20 tuổi đã bị khuất lấp bởi phản ứng của Serena và những người Mỹ văn minh trên sân. Serena sỉ nhục trọng tài, đập vợt, lầm bầm trong miệng và tỏ ra tức giận vì thất trận. Một tay vợt tuyệt vời, nhưng là một người thua trận tồi tệ. Thôi thì giận quá mất khôn cũng được, nhưng những khán giả tại sân thì sao? Họ không hề chúc mừng cô gái Nhật, họ chỉ phẫn nộ vì một người Mỹ đã thua. Khi Naomi trả lời phỏng vấn, khán giả vẫn la chộ, huýt sáo cho đến khi Serena ra dấu bảo họ im lặng.
Naomi, cô gái bé nhỏ, đã khóc. Suốt cả buổi lễ lẽ ra tôn vinh cô, một câu chuyện thể thao thật đẹp và truyền cảm hứng, cô không nở nổi một nụ cười. Cô kéo nón xuống che mặt và… xin lỗi. Cô nói; “tôi xin lỗi, tôi biết mọi người đều cổ vũ cho Serena, và tôi xin lỗi vì trận đấu đã kết thúc như thế này”.
Rồi cô lại nói với Serena: “Em rất vui vì đã được chơi với chị. Cám ơn chị”. Rồi Naomi cúi đầu. Serena bất động, không gật đầu, không cảm xúc.
Cái giây phút Naomi cúi đầu ấy, có lẽ nhiều người đã thấy cô cao hơn. Hay khi Colin quỳ xuống, chính là để đứng lên vậy. Serena Williams, một cô gái da màu, đã bày tỏ sự hậm hực trước một người Nhật Bản, vì thâm tâm cô đã đặt mình cao hơn đối thủ, thượng đẳng hơn đối thủ. Tất cả nhũng người Mỹ tại sân hôm ấy cũng mang cái tâm thế ấy.
Sau những năm tháng bình ổn dưới thời Barack Obama, có lẽ chiếc mặt nạ Mỹ đã rơi xuống. Donald Trump đã khiến Mỹ sống… thật hơn đó chứ. Sự bình đẳng phải chăng chỉ là một ảo vọng mà Mỹ đã vẽ lên cho toàn thế giới? Vì sao Black Panther lại ăn khách đến vậy? Vì nó đặt ra một câu hỏi lớn cho loài người: nếu người da đen sở hữu sức mạnh kinh tế và quân sự vượt trội, họ sẽ… chan hòa với thế giới hay thống trị thế giới?
Người Mỹ tất nhiên phải trả lời là họ… chan hòa. Nhưng diễn xuất tuyệt vời của nhân vật phản diện Michael B. Jordan (Erik Killmonger) đã lấn át cả Chadwick Boseman (T’Challa/Black Panther). Nhân vật của anh người hơn, sống động hơn, nó khác xa sự khuôn sáo cũ mèm đến sến sẩm của T’Challa.
Khi Colin quỳ xuống, khi Naomi cúi đầu, chúng ta thấy rõ sự mâu thuẫn trong lòng nước Mỹ, như một ngọn núi lửa đã chất chứa tất cả những dối trá, lọc lừa, đạo đức giả chỉ chực chờ bùng nổ."