Nói dối có phải là sai, nói dối phải chăng là để thỏa mãn chính mình? - Thuyết tâm lý học nói dối (Farisha and Sakkeel 2015)
Bài viết này mình viết dựa theo bài nghiên cứu về tâm lý học của việc nói dối của hai Tiến sĩ Farisha & Sakkeel (2015). Mình tóm tắt lại và viết chia sẻ với hy vọng rằng người đọc có thể hiểu được tâm lý đằng sau của việc nói dối. Từ đó, tự mình có thể điều chỉnh bản thân và hiểu được việc nói dối của người khác hơn.
NÓI DỐI LÀ GÌ?
Nói dối là 1 phần của giao tiếp và 1 dạng hành vi xã hội liên quan đến việc tương tác với người khác. Nói dối được mô tả như là việc 1 người nói sai sự thật đến 1 người khác để họ nhận thức rằng đó là sự thật. Việc nói dối có thể được giải thích bởi các nguyên tắc tâm lý khác nhau của lý thuyết tâm động học, lý thuyết nhân văn, lý thuyết hành vi,...
Nói dối phát sinh từ chủ nghĩa khoái lạc. Bản chất của con người là muốn tránh đau đớn và tăng khoái cảm. Cũng có thể thấy rằng chúng ta không nói dối chỉ vì lợi ích cá nhân mà còn vì lợi ích của người khác. Đó là để tránh tác hại ảnh hưởng đến bản thân và để tránh làm tổn thương người khác. Nói dối có thể được chấp nhận nếu điều đó "cứu" được chính chúng ta hoặc một ai đó trong cuộc sống của mình.
Nguồn: nytimes.com
4 LOẠI NGƯỜI NÓI DỐI
Occasional liar - kẻ nói dối không thường xuyên
Đây là loại người mà ít khi nói dối. Nhưng khi họ nói dối, họ thường không nhận thức được và cảm thấy có lỗi với những gì họ đã nói. Kiểu người này là những người sẽ nhanh chóng tìm kiếm sự tha thứ từ người mà họ nói dối. Họ không hoàn hảo, nhưng thường được tôn trọng vì họ cố gắng trở thành một người trung thực và khiêm tốn để thừa nhận sai lầm của mình với người mà họ nói dối.
Nếu chúng ta thành thật với chính mình, chúng ta sẽ phải thừa nhận rằng ít nhất 1 lần trong đời, mình là một kẻ nói dối không thường xuyên.
Frequent liar - kẻ nói dối thường xuyên
Đây là kiểu người mà bằng mọi cách sẽ nói dối với những người mà bước vào cuộc sống của họ. Những kiểu người này không quan tâm đến việc che dấu "vết tích" của họ, hoặc đảm bảo lời nói dối của họ có ý nghĩa.
Mọi người đều biết những người này đang nói dối bởi vì họ cẩu thả với lời nói dối của họ. Những người này có rất ít bạn bè, bởi vì mọi người quá mệt mỏi với những câu chuyện "rõ ràng" là không thật của họ.
Smooth liar - kẻ nói dối trơn tru
Kiểu người này nói dối rất trơn tru và có kỹ năng nói dối. Những kẻ này nói dối rất tốt bằng sử dụng ngôn từ và ngôn ngữ cơ thể làm cho mọi người có xu hướng tin họ, thậm chí là biết họ có tiếng về việc "nói dối". Tất nhiên, những kẻ này nhận thức và biết rõ rằng họ đang nói dối.
Chúng ta sẽ rất vui và thú vị khi ở bên cạnh những kẻ nói dối trơn tru này. Nhưng nếu họ bị phát hiện, họ có xu hướng sẽ chuyển sang người khác mà họ có thể trình diễn được tài năng ẩn sâu của họ.
Compulsive liar - kẻ nói dối nghiễm nhiên
Những người này nghiện nghiện nói dối, và đơn giản là họ không thể dừng lại được. Họ không thể kiểm soát. Họ dành hàng giờ để nghiên cứu các tình huống có thể xảy ra và cố gắng đưa ra nhiều lời nói dối hơn để duy trì tất cả những lời nói dối trước đây của họ. Những người này hoàn toàn không đáng tin và cuối cùng không thể giữ bạn bè dài lâu được.
Nguồn: lovepanky.com
TẠI SAO CHÚNG TA NÓI DỐI?
Động cơ và nguyên nhân của hành vi nói dối được giải thích bằng những quan niệm cũng như các nền tảng lý thuyết tâm lý học khác nhau.
Nối dối là sự tương tác của bản năng, bản ngã và siêu bản ngã
Nói dối có thể được giải thích dựa trên lời giải thích phân tâm học của Sigmund Freud là sự tương tác của sự định danh, bản ngã và siêu bản ngã.
Bản ngã là mức độ của tâm trí được hoạt động theo nguyên tắc thực tế. Khi cảm nhận được thực tế đang làm cho chúng ta lo lắng, chúng ta sẽ ép bản năng của mình để tránh xa khỏi thực tế. Chúng ta sợ phải đối mặt với thực tế và vì thế chúng ta che giấu sự thật bằng cách nói dối. Khi bản ngã không thể đương đầu với đau khổ, nó sẽ tìm cách biện minh thông qua nói dối.
Siêu bản ngã được nhận định là 1 nhân cách gồm các chuẩn mực đạo đức trong tính cách của con người. Siêu ngã muốn chúng ta trở nên hoàn hảo bằng mọi giá. Vì vậy, việc nói dối sẽ giúp chúng ta trở nên hoàn hảo trong mắt người khác và cả trong chính chúng ta. Đó là một loại cơ chế phòng thủ, quyết định việc nói dối và làm thế nào để nói dối.
Nguồn: clbsvtl.wordpress.com
Hành vi nói dối là 1 hành động được học tập và lặp lại
Từ góc nhìn về hành vi, có thể nói rằng các kiểu hành vi nói dối có được thông qua học tập các phản ứng hành vi đơn giản và phức tạp.
Một khi hành vi nói dối của một người được phát triển thuận lợi, mô hình hành vi được lặp đi lặp lại và trở thành một phần của tiết mục trình diễn nói dối của họ.
Nguồn: julianstodd.files.wordpress.com
Nói dối để thỏa mãn nhu cầu
Việc nói dối cũng có thể được giải thích dựa trên tháp nhu cầu Maslow. Theo lý thuyết, chúng ta có một xu hướng bẩm sinh để hướng tới việc đạt được nhu cầu của mình hết lần này đến lần khác. Để mà đạt được các cấp độ này và để ngăn chặn những trở ngại đến với sự thỏa mãn nhu cầu của mình, chúng ta sẽ đưa ra những lời nói có thể không đúng. Khi đó, chúng ta cảm thấy cần phải nói dối để đạt được các nhu cầu thiết yếu (như ăn, uống, ngủ, nghỉ...). Khi chúng ta đã hài lòng về các "nhu cầu thiết yếu" của mình thì chúng ta sẽ đi xa hơn cho "nhu cầu được an toàn". Và nếu có bất kỳ sự cản trở nào về sự thõa mãn của mình,chúng ta sẽ cố gắng loại bỏ nó bằng việc nói dối, không quan tâm đến việc đó là đúng hay sai.
Kẻ nói dối dường như cũng có thể có lòng tự ái cao. Họ nói dối về sự nghiệp cá nhân của mình. Vì vậy, có thể kết luận là chúng ta dành tình yêu cho bản thân quá nhiều và để cứu bản thân khỏi sự lo lắng. Chúng ta nói dối.
Đó là những chia sẻ và tóm tắt của mình từ bài nghiên cứu của về tâm lý học nói dối, bao gồm các loại người nói dối và động cơ/nguyên nhân đằng sau nó. Bài cũng đã dài và mình sẽ viết bài tiếp theo sẽ xoay quanh về chủ đề này để trả lời câu hỏi:
Liệu nơ-ron thần kinh (não bộ) của người nói dối có khác
người không nói dối không?
Nguồn:
- www.thehopeline.com/different-types-of-lies-and-liars/
- Farisha, A. & Sakkeel, K. (2015). Psychology of Lying. The International Journal of Indian Psychology, Vol. (2).
Cảm ơn các bạn đã đọc đến đây nhé.
Nhung Đinh.