Nỗi đau thời thơ ấu ảnh hưởng đến cách ta phản hồi lại stress khi trưởng thành như thế nào?

  1. Tâm lý học

  2. Tâm sự cuộc sống

Vì sao những điều chúng ta trải qua trong quá khứ ở những năm tháng còn nhỏ và tuổi dậy thì lại có ảnh hưởng trọn đời, có khả năng ám ảnh kéo dài đến tận khi chúng ta già đi?

Những ám ảnh tâm lý thuở ấu thơ có ảnh hưởng lâu dài đến sức khoẻ tâm thần và hành vi của chúng ta trong cuộc sống, là một điều mà tâm lý học đã công nhận từ rất lâu. Sang chấn tâm lý thời thơ ấu (ACEs) được liệt kê ra nhiều nhân tố khác nhau, người nào càng trải qua nhiều vấn đề thì tỉ lệ ảnh hưởng đến cuộc sống sau này càng cao. Ví dụ như:

  • Bị bạo hành cảm xúc hoặc thân thể
  • Bị bỏ mặc cảm xúc (bố mẹ không quan tâm tới cảm xúc) và bỏ mặc vật lý (không được ăn uống đầy đủ, chăm sóc cơ thể)
  • Có bố hoặc mẹ luôn bị stress hoặc mắc các bệnh tâm lý/tâm thần
  • Lớn lên trong bạo lực gia đình
  • Có bố mẹ hoặc người thân đi tù hoặc thực hiện hành vi trái pháp luật
  • Bố/mẹ hoặc người thân nghiện ma tuý hoặc nghiện rượu bia
  • Bố mẹ ly hôn
  • Bố mẹ hoặc người thân qua đời

Tuy nhiên, khi nói về việc nó ảnh hưởng như thế nào, chúng ta cần nhìn vào cách nó thay đổi cấu trúc não trong quá trình trưởng thành của một người. Trong quá trình chúng ta học về thế giới và xã hội xung quanh, chúng ta sẽ phát triển cả về bên trong cơ thể lẫn bên ngoài.

Khi một đứa trẻ lớn lên trong một môi trường có quá nhiều nỗi đau phải chịu đựng và liên tục đối mặt với stress, hệ thống miễn dịch và chức năng phản hồi lại stress của cơ thể cũng sẽ bị ảnh hưởng và không phát triển bình thường được.

Trong độ tuổi một đứa trẻ phát triển và lớn lên, khi chúng khóc hoặc giãy dụa, khi mong muốn có được sự chú ý từ bố mẹ, hoặc người chăm sóc được phản hồi lại một cách tích cực. Ví dụ như: được ôm, được an ủi dỗ dành, được nói chuyện và quan tâm,.. thì đứa trẻ ấy sẽ tiếp tục phát triển an toàn và khoẻ mạnh, và khả năng phát triển theo cách tích cực là cao hơn.

Tuy nhiên, một khi sự kết nối của đứa trẻ và người chăm sóc không có phản hồi tich cực, nếu không nhận được sự có mặt hay sự quan tâm cần thiết, thì những nơ rôn thần kinh trong não sẽ không được kết nối theo cách mạnh mẽ và đúng hướng mà não của con người cần có. Việc này dẫn đến sự ảnh hưởng lâu dài trong TÂM LÝ và CẢM XÚC của một đứa trẻ khi trưởng thành.

Phản ứng này được gọi là "Fight-or-flight response" - chống trả hay bỏ chạy (phản ứng căng thẳng cấp tính) là một phản ứng sinh lý xuất hiện khi có mặt một thứ gì đó gây khiếp sợ cho chủ thể, cả về cơ thể và tinh thần. Con người chúng ta cũng có những tiến hoá giống động vật, đó là cơ chế phòng vệ và phản hồi lại nguy hiểm. Một khi động vật nhận thấy nguy hiểm, cơ quan trong cơ thể chúng sẽ được kích hoạt và được đặt vào trong tình trạng sẵn sàng chiến đấu, hay sẽ bỏ chạy.

Phản ứng này bị khơi mào bởi sự phóng thích các hormone giúp cơ thể chuẩn bị sẵn sàng chạy, hoặc là chuẩn bị chiến đấu, hoặc là tránh né để bảo vệ an toàn cho bản thân.

Việc hệ thống phản hồi lại stress ở não bị ảnh hưởng có thể giải thích như sau: khi đứa trẻ luôn không đạt được cảm xúc chúng cần từ bố mẹ, khi lớn lên cơ thể chúng có thể tự động kích hoạt các cơ quan thần kinh trong não đến chiến đấu với stress NGAY CẢ KHI ĐÓ KHÔNG PHẢI LÀ TÌNH HUỐNG NGUY HIỂM.

https://cdn.noron.vn/2022/03/09/2744739414950741253163327605866039246234937n-1646798397_1024.jpg

Ví dụ như khi đứa trẻ tổn thương đó gặp phải tình huống tranh cãi trong tương lai với người yêu hoặc đồng nghiệp, đó vốn dĩ là một tình huống có thể giải quyết bằng cách hoà giải với nhau; tuy nhiên vì từ nhỏ đã luôn phải đối diện với sự sợ hãi phải mất đi một cái gì đó, hoặc sợ hãi cảm xúc của mình sẽ bị tổn thương; hệ thống chiến đấu lại stress của người đó sẽ tự động kích hoạt để bảo vệ bản thân của họ khỏi cảm xúc bị tổn thương một lần nữa.

Những lúc này cơ thể người đó dễ dàng xuất hiện các vấn đề như hơi thở dồn dập, tim đập mạnh hoặc thậm chí hoàn toàn đóng băng suy nghĩ và cảm xúc trong tình huống mà người đó đánh giá là “nguy hiểm” cho cảm xúc của bản thân.

Những người này sẽ gặp khó khăn trong việc phát hiện ra tính cách và mong muốn của bản thân, khó khăn trong việc bày tỏ và điều tiết cảm xúc, khó thể hiện cảm xúc qua lời nói. Việc stress liên tục xảy ra thậm chí vì những chuyện đơn giản có thể khiến họ mắc trầm cảm, rối loạn lo âu sợ hãi hoặc trở thành một người dễ dàng nổi nóng, tức giận. Họ sẽ đối mặt với các vấn đề trong cuộc sống hiện tại bằng cách liên hệ lại với những sự việc đau lòng đã xảy ra trong quá khứ, sau đó họ dễ dàng trở nên cáu bẳn, buồn bã hoặc tránh né với một số người hoặc sự việc quan trọng trong cuộc sống.

Những hành vi và cảm xúc này trong những tình huống không gây nguy hiểm có thể khiến một người bị người khác đánh giá là “thể hiện cảm xúc quá đáng”, “làm quá vấn đề” hoặc “chuyện bé xé ra to”.

Thêm một ví dụ nữa về việc cảm xúc thời thơ ấu ảnh hưởng đến hệ thống phản hồi stress của chúng ta, đó là khi trong tình yêu. Khi một người trải qua thời thơ ấu thiếu vắng tình cảm của bố hoặc mẹ, hoặc bị bỏ rơi hoặc gia đình quá bận rộn không có thời gian chia sẻ cảm xúc với họ. Khi họ yêu một người, chỉ cần người yêu của họ vô tình bận rộn hay có các hành vi khiến họ đánh giá là “vô tâm”, họ sẽ tự liên hệ những cảm giác lo sợ và thiếu an toàn này với những nỗi đau trong quá khứ. Hệ thống stress này sẽ kích hoạt cho tình huống hiện tại, họ trở nên sợ hãi bị bỏ rơi, cơ thể rơi vào chức năng phòng vệ, có các hành vi và lời nói dễ gây ra sự tổn thương cho người họ yêu. Vì lúc chức năng này được bật lên, những cảm xúc và hiệu ứng cơ thể như tim đập mạnh, các cơ quan thần kinh căng cứng che đi lí trí, khiến họ không suy nghĩ nữa mà chỉ hành động một cách vô thức để bảo vệ bản thân. Đứa trẻ tổn thương ấy khi lớn lên sẽ nhìn nhận thế giới này là một nơi nguy hiểm, thậm chí người thân yêu nhất cũng không thể tin tưởng được và sẽ không bao giờ bảo vệ họ.

Nguồn: Fanpage Psychological facts - Tâm lý học và Xã hội học Việt Nam

Từ khóa: 

tâm lý học

,

tâm sự cuộc sống