Nói bao nhiêu cho đủ và nên nói như thế nào trong giao tiếp?

  1. Kỹ năng mềm

unnamed

Trong tuần qua, trên Noron.vn có cuộc trao đổi khá sôi nổi về một câu hỏi thú vị Nói nhiều có phải là giao tiếp giỏi không? cùng rất nhiều câu hỏi khác Nói thẳng, nói thật có phải là bắt buộc trong giao tiếp, Khi giao tiếp có cần phải lúc nào cũng lựa chọn lời hay, ý đẹp, lựa chọn từ hoa mỹ, ấn tượng để thu hút sự chú ý của người khác?…Vậy chúng ta nên nói bao nhiêu cho đủ và nên nói như thế nào trong giao tiếp để có thể đạt được hiệu quả của cuộc giao tiếp? 

Trước khi trả lời câu hỏi này, mình muốn cùng thảo luận với các bạn: “Theo bạn, điều gì là quan trọng trong giao tiếp?” hay “Cốt lõi của hoạt động giao tiếp là gì?”. Có khá nhiều các quan điểm khác nhau về giao tiếp khi đứng từ nhiều góc độ tiếp cận, tuy nhiên điểm chung mà hầu hết chúng ta đều nhận thấy: Giao tiếp là một quá trình trong đó các bên tham gia giao tiếp tạo ra hoặc chia sẻ thông tin, cảm xúc với nhau nhằm đặt mục đích giao tiếp nhất định. Như vậy, cốt lõi của giao tiếp là sự kết nối, là sự trao và nhận thông tin giữa  những người tham gia giao tiếp khiến cả hai bên đều cảm thấy vui vẻ, bước ra cuộc giao tiếp trên tinh thần "win - win" (một trong những nguyên tắc cơ bản trong giao tiếp).

Do đó, những người giao tiếp giỏi/hiệu quả không phải là những người chiến thắng trong cuộc giao tiếp (theo kiểu giành thế chủ động về mình, lấn át người khác, chiếm thời gian trong cuộc giao tiếp) mà đó là những người tạo ra được sự kết nối, đem đến sự hài hòa lợi ích cho những người tham gia giao tiếp và đạt được mục đích của cuộc giao tiếp. Muốn vậy, bạn sẽ cần là người thấu hiểu – thấu cảm trong giao tiếp, có khả năng nhận biết về cuộc giao tiếp: hiểu bản thân, hiểu đối tượng mà bạn sẽ giao tiếp, nội dung, đặc điểm, tính chất của cuộc giao tiếp, mục đích của cuộc giao tiếp, thời gian, không gian giao tiếp…Đồng thời chìa khóa để bạn có thể thành công trong giao tiếp là sự chủ động, tự tin, lựa chọn được cách giao tiếp, chiến lược giao tiếp phù hợp, luôn luôn biết lắng nghe, đặt mình vào người khác, ngừng phán xét, xóa bỏ định kiến…Và khi đó bạn sẽ trở thành thỏi nam châm thu hút người khác về với mình và muốn giao tiếp với mình. 

479387-636142773496384984-16x9


Sức mạnh của lời nói trong giao tiếp

Trong tất cả những phương tiện để bạn có thể kết nối với người khác trong giao tiếp thì ngôn ngữ - lời nói là phương tiện cực kỳ quan trọng giúp bạn có thể truyền đạt được thông tin một cách nhanh nhất, hữu hiệu nhất. Ngôn ngữ nói (lời nói) là ngôn ngữ hướng vào người khác, được biểu hiện bằng âm thanh và được tiếp thu bằng cơ quan phân tích thính giác (nghe).

Chính vì vậy, sức mạnh của lời nói chính là sức nặng và sự lắng đọng của tình cảm, ở khả năng truyền đạt những sắc thái tình cảm mà ngôn ngữ viết không có được. Bạn là một người viết tốt nhưng nếu bạn không có khả năng biểu đạt bằng lời nói (kỹ năng thuyết trình) thì đôi khi những ý tưởng, mong muốn của bạn sẽ không truyền tải hết được. Bởi giao tiếp không chỉ đơn thuần là quá trình truyền tải thông tin mà giao tiếp còn là quá trình trao đổi năng lượng. Và điều này chỉ có thể thực hiện thông qua giao tiếp nói. Chính vì vậy, người Ý có câu “Ai không có sẵn tiền trong túi thì cần có sẵn mật ngọt ở miệng” còn người Việt thì nói “Mồm miệng đỡ chân tay”. 

Ngoài ra, khi chưa có chữ viết ra đời một trong những hình thức mà ông cha ta thường sử dụng là lời nói để thông tin cho nhau (truyền miệng). Ngôn ngữ nói là một quá trình hoạt động tâm lí, kèm theo quá trình này là nhận thức gắn chặt với tư duy (nghĩ nào nói thế). Như vậy, nói là một kỹ năng cần thiết và quan trọng cần rèn luyện trong giao tiếp.

Một số chú ý khi sử dụng lời nói trong giao tiếp 

Bạn cần xác định các yếu tố có liên quan tới kỹ năng nói: kiến thức ngôn ngữ (vấn đề sử dụng từ ngữ, đặt câu, phong cách ngôn ngữ), phát âm, giọng nói, tốc độ nói…; sử dụng lời nói kết hợp với phương tiện phi ngôn ngữ (ngôn ngữ thân thể); văn hoá giao tiếp ngôn ngữ (mỗi ngôn ngữ có một hệ thống những ngầm định văn hoá riêng quy định chuẩn mực lịch sự và cách biểu lộ thái độ. Nội dung này mình đã chia sẻ khá chi tiết trong bài viết Bí quyết để có bài thuyết trình hiệu quả.  Ở phần này, mình sẽ tập trung lưu ý bạn một số nguyên tắc khi giao tiếp bằng lời nói. 

1/Cần chú ý lượng thông tin khi giao tiếp:

 Khi nói bạn biết điều tiết lượng thông tin phù hợp với đích giao tiếp và không nói quá những điều cho phép. Có rất nhiều người rất sai lầm khi cho rằng nói nhiều, giành thế chủ động, chiếm nhiều thời gian của cuộc nói chuyện là người biết giao tiếp, giao tiếp giỏi. Vì vậy, trong cuộc giao tiếp họ thường nói nhiều, hay nói, thích nói, chiếm thế chủ động thậm chí lấn át người khác (không để cho người khác nói, biến họ thành người nghe thụ động). Như vậy họ mới chỉ thỏa mãn được thói quen nói nhiều của mình mà không quan tâm, quan sát đến thái độ, sự tiếp nhận thông tin của người nghe. 

Hơn nữa, người nói nhiều thường hay “dây cà ra dây muống”, nói lan man, dàn trải. Đây là lỗi thường gặp của người Việt mình trong cả giao tiếp nói và viết với quan niệm “Miếng trầu là đầu câu chuyện” trong khi người phương Tây họ thường đi thẳng vào vấn đề ngay từ đầu. Bạn nên nhớ "Rượu nhạt uống lắm cũng say. Người khôn nói lắm dẫu hay cũng nhàm". Mặt khác, việc bạn nói nhiều cũng có nghĩa là bạn đang khiến người nghe phải nghe quá nhiều khiến họ cảm thấy chán, mệt mỏi vì sự quá tải thông tin. Họ sẽ không còn muốn nghe nữa, sẽ nghĩ đến việc khác (dù có thể vấn tỏ ra đang nghe) hoặc ngừng cuộc giao tiếp...

Vì vậy, khi giao tiếp bạn cần nói đúng và trúng vấn đề, đúng nội dung của cuộc hội thoại, đặc biệt trong những môi trường làm việc khẩn trương, gấp gáp như ở Việt Nam hiện nay (khi bạn nói chuyện với sếp, với đối tác, với khách hàng…)

2/ Cần chú ý chất lượng thông tin 

Khi giao tiếp bằng lời nói, bạn cần chú ý nói những điều chân thật, nói có lý có tình, nói có chứng cứ rõ ràng, không quá cầu kỳ, hoa mỹ trong lời nói, không nên nói dối, nói mỉa mai, châm chọc, không nên nói quá thẳng thắn, không kiêng nể ai, nói phải đi đôi với làm, … Có thể khi nghe những điều này bạn sẽ cảm thấy hơi mang tính “giáo huấn”, “là sự thật hiển nhiên ai chả biết”, “biết rồi khổ lắm nói mãi” nhưng điều quan trọng là bạn hãy thực hành nó trong giao tiếp hàng ngày. Bởi với mình khi càng thực hành nó mình càng nhận ra rằng khi bạn nói, giao tiếp với ai bằng sự chân thành, cởi mở, sự thật thà, xuất phát từ trái tim bạn sẽ cũng sẽ đáp lại như thế và ngược lại. “Kẻ chỉ nói những điều sướng miệng thì sẽ phải nghe những điều không sướng tai” (Alcee). 

Một kinh nghiệm nữa của mình là hãy sử dụng từ ngữ đơn giản, phổ thông, nói người nghe dễ hiểu, dễ nghe (quan trọng là đúng về nghĩa và sắc thái biểu cảm), phù hợp với hoàn cảnh giao tiếp (ngữ cảnh), tính chất của cuộc giao tiếp, trình độ của người nghe, yêu cầu của xã hội, tránh những hiểu lầm không đáng có chỉ vì dùng sai từ ngữ. Bạn cũng không nhất thiết phải dùng từ quá hoa mỹ, cầu kỳ hay mang tính trừu tượng, cao siêu nhưng đôi khi lại sáo rỗng, xa rời thực tế. Một số người có thể do thói quen hoặc ảnh hưởng nghề nghiệp (dùng nhiều thuật ngữ chuyên môn) hay dùng câu văn “đao to búa lớn, hay rất văn hoa bóng bẩy nhưng nội dung lại rất chung chung, thậm chí rỗng tuếch, thích khoe “ta đây giỏi, biết nhiều” dẫn đến việc nói khiến người nghe không hiểu (do dùng nhiều ngôn ngữ hàn lâm, học thuật). Tất nhiều điều này còn phụ thuộc vào tính chất, đặc điểm của cuộc giao tiếp và đối tượng người nghe. 

Bạn cũng cần thận trọng, cân nhắc và cảnh giác khi nói năng đề phòng lời nói sơ suất sẽ phản tác dụng. Bởi “Lời nói đọi máu”, “Ba thứ không bao giờ trở lại là tên đã bay, lời đã nói và những ngày đã qua” (H.đômiê).

top-5-cung-hoang-dao-nen-cai-thien-ky-nang-giao-tiep-806b_450


3/Tôn trọng thể diện của người hội thoại 

Nguyên tắc hàng đầu và quan trọng trọng giao tiếp là sự tôn trọng. Chính vì vậy, khi giao tiếp bạn cần chú ý điều này. Thể hiện sự tôn trọng người khác bằng cách nói ngắn gọn, mạch lạc, không nói dài dòng, mập mờ, tối nghĩa, không nói nhấm nhẳng, qua quýt, mập mờ…Và đặc biệt tránh lối nói gây nên tác động xấu đối với người nghe.

Ví dụ như lối nói gây bệnh cho người khác (khiến người khác cảm thấy tuyệt vọng, bế tắc hơn trong những hoàn cảnh khó khăn), nói mỉa mai, châm chọc (lấy điểm xấu, hạn chế của người khác ra để “làm quà câu chuyện”, làm trò cười), lời nói làm mất thể diện của ai đó trước đông người…Bạn cũng không nên dùng lời nói khôn khéo để trục lợi cá nhân (kiểu nói xu nịnh, khen để lấy lòng nhằm đạt được những mục đích vị kỷ của bản thân). Khi sử dụng ngôn từ trong giao tiếp bạn nên lựa chọn những từ ngữ thể hiện sự tôn vinh, đề cao thể diện/nhân thân của người giao tiếp với mình, ghi nhận, tôn trọng họ.

4/ Người nói trong giao tiếp 

Khi tham gia giao tiếp bạn cũng cần giữ thể diện cho chính bản thân mình. Đừng biến mình trở thành trung tâm của sự chú ý với những lời nói ba hoa khoác loác, điêu ngoa, bốp chát, gây ồn ào, căng thẳng. Bạn có thể là người chiến thắng trong cuộc giao tiếp (ví dụ khi tranh cãi với ai đó hoặc như vụ đánh ghen gây ồn ào trên mạng như bạn biết trong thời gian gần đây) nhưng bạn lại là kẻ thất bại trong mắt người khác. Chính vì vậy, dù trong bất cứ hoàn cảnh giao tiếp nào hoặc khi giao tiếp với ai bạn hãy luôn là người chân thành, khiêm tốn, linh hoạt và uyển chuyển trong giao tiếp.

Mình tin rằng, cái gì đi từ trái tim thì cũng đến được với trái tim. Sự chân thành, thực tâm luôn là yếu tố cốt lõi giúp bạn có được những mối quan hệ tốt, bền vững. 

Từ khóa: 

kỹ năng mềm