Những viên đạn thần kỳ- 10 loại thuốc định hình nên lịch sử y học

  1. Sức khoẻ

  2. Sách

Một cuốn sách hiếm có, ngồn ngộn kiến thức khoa học như thú vị và lôi cuốn như tiểu thuyết. Những khám phá y học làm thay đổi thế giới được mô tả sống động qua những nhân vật được khắc họa sắc nét, bối cảnh kỳ lạ, những ngã rẽ đầy bất ngờ và những tình tiết khiến bạn không ngừng lật tiếp trang sau.

https://cdn.noron.vn/2022/05/20/img2386-1653052970.jpg

“Một cuốn biên niên sử được viết một cách thú vị và lôi cuốn.” – The Wall Street Journal

“Mạch lạc, nhiều thông tin, dễ đọc và là cuốn sách phải đọc.” – Publishers Weekly

Cuốn sách này nói về 10 nhóm thuốc có sức ảnh hưởng lớn lao đến xã hội con người, quá trình thú vị khi tìm ra chúng và ứng dụng, vai trò của các công ty dược phẩm lớn, những ảnh hưởng về mặt chính trị và văn hóa. Có thể thấy một phần bức tranh xã hội từng thời kỳ thông qua lịch sử phát triển các loại thuốc.

Hiểu biết về thuốc quan trọng với tất cả chúng ta. Như Thomas Hager mô tả, Viện bảo tàng Anh tại London từng có cuộc trưng bày lạ thường: Trên chiếc bàn thật rộng, bày kín hàng nghìn viên thuốc đủ màu sắc, mô phỏng 14,000 liều thuốc mà một người Anh bình thường uống suốt trong đời. Số thuốc người Mỹ sử dụng còn nhiều hơn thế. Một chuyên gia ước tính rằng mỗi người Mỹ dùng trung bình 10 viên thuốc mỗi ngày. Vậy con số của người Việt thì sao? Không tính đến các loại vitamin, thuốc cảm lạnh cảm cúm và các viên thực phẩm chức năng khác không cần đơn, con số này hẳn cũng không nhỏ.

Có thể nhìn thấy lịch sử loài người qua lịch sử của thuốc. Thuốc có tác dụng sâu rộng. Chúng làm tăng tuổi thọ trung bình thêm nhiều thập kỷ, đóng vai trò then chốt trong việc tăng dân số già. Thuốc làm thay đổi lựa chọn xã hội và nghề nghiệp cho phụ nữ, thay đổi quan điểm, thái độ của chúng ta đối với luật pháp, các mối quan hệ ngoại giao giữa các quốc gia, thậm chí là nguyên cớ kích động chiến tranh.

Hẳn bạn đọc sẽ thấy chuyện này quen quen: Có loại thuốc mới được tung ra thị trường, được quảng cáo mạnh mẽ, nổi tiếng là có khả năng áp dụng rộng rãi và hiệu quả, ai cũng bàn tán. Sau khoảng vài năm, dần xuất hiện các bài báo tiêu cực về mối nguy hiểm của các loại thuốc bán chạy này, khiến mọi người hoảng hốt. Nhưng giai đoạn ấy cũng sẽ qua, mọi người có thái độ tỉnh táo và cân bằng hơn, và loại thuốc ấy trở lại vị trí hợp lý của mình. Thế rồi nhà sản xuất thuốc lại đưa ra loại thuốc thần kỳ tiếp theo… Đó gọi là Chu Kỳ Seige. Khi nhìn ra chu kỳ ấy đối với các loại thuốc thịnh hành ngày nay, bạn sẽ tỉnh táo hơn khi chọn mua dùng.

Có thể nói đây là một quyển sách về lịch sử và văn hóa nhân loại ở nhiều giai đoạn, soi chiếu từ lịch sử 10 loại thuốc từ giảm đau, gây mê, chống nhiễm trùng, trị tiểu đường, béo phì, giảm lo lắng… cho đến vắc xin và các hình thức thuốc men trong tương lai. Rất nhiều thông tin hữu ích và hơn hết, rất thú vị.

Trích đoạn:

“Trong quá trình khai quật một cung điện bốn nghìn năm tuổi ở Tây bắc Syria ngày nay, các nhà khảo cổ học tìm thấy một căn phòng khác thường gần nhà bếp. Trong phòng có tám lò đốt và một số nồi lớn, nhưng những thứ còn lại họ tìm thấy không phải là thực phẩm. Thay vào đó là dấn vết của cây thuốc phiện cùng với cây vòi voi, hoa cúc và các loại thảo mộc thông dụng khác thường, được dùng để điều chế thuốc….

https://cdn.noron.vn/2022/05/20/img2050-1653052972.jpg

Loại cây trọng tâm ở đây là một nhánh của cây anh túc. Vỏ quả, đặc biệt là nhựa tiết ra từ lớp vỏ này, có tác dụng rất mạnh, chữa lành rất nhanh. Một bức tượng đất nung được tìm thấy trên đảo Crete có niên đại hơn ba nghìn năm tạc hình ảnh một nữ thần đội chiếc mũ với những quả anh túc trang trí trên mũ, những quả này được điêu khắc giống hệt lúc người ta rạch vỏ để thu hoạch nhựa… Người Hy Lạp gắn loại cây với các vị thần giấc ngủ (Hypnos), bóng đêm (Nyx) và cái chết (Thatanos)… trong thần thoại nữ thần Demeter được cho là đã sử dụng cây thuốc phiện để xoa dịu nỗi đau mất con gái do bị bắt cóc…Hippocrates thường đề cập đến cây thuốc phiện như một thành phần của nhiều loại thuốc.Nó có mặt trong các nghi lễ đền thờ, được tạc thành tượng và vẽ trên tường lăng mộ.”

Câu chuyện về hình thức tiêm chủng sơ khai để phòng bệnh đậu mùa, theo kiểu Thổ Nhĩ Kỳ thì ly kỳ như sau: Phu nhân Maryu Worley Montagu sống tại London cùng chồng, bà từng mắc bệnh đậu mùa. Về sau chồng bà được bổ nhiệm làm sứ thần của Hoàng đế tại Đế chế Ottoman, và được điều đến Constantiople (Istanbul ngày nay). Bà Mary phát hiện làn da những phụ nữ ở đây nhẵn nhụi, không có vết sẹo đậu mùa so với người châu Âu thời đó. Bà viết trong một bức thư năm 1717: “Bệnh đậu mùa gây tử vong và rất phổ biến trong chúng ta hoàn toàn vô hại ở đây, bởi phát minh của việc cấy đậu, đó là thuật ngữ họ đặt cho việc này. Một nhóm những phụ nữ lớn tuổi chuyên làm việc này vào mùa thu, khi trời bớt nóng. Họ cử người đến từng nhà… mang theo vỏ hạt chứa đầy hỗn hợp đậu mùa tốt nhất, rồi dùng cây kim lớn (không gây đau hơn một vết xước thông thường) nhanh chóng rạch da và đưa vào tĩnh mạch một lượng mủ bằng đầu kim, sau đó băng chặt vết thương lại… Trẻ em hoặc bệnh nhân nhỏ tuổi vẫn chơi cả ngày hôm đó, chúng hoàn toàn khỏe mạnh cho đến ngày thứ tám. Sau đó, cơn sốt bắt đầu tấn công và chúng nằm trên giường hai ngày, rất hiếm khi ba ngày. Rất hiếm khi có hai mươi hoặc ba mươi nốt mụn trên mặt, và không bao giờ để lại sẹo… Đây là một trong những mô tả đầu tiên của phương Tây về cái mà ta ngày nay gọi là tiêm chủng.

Thuốc kỹ thuật số có phải là tương lai? “Đơn giản nhất là đặt một cảm biến nhỏ vào mỗi viên thuốc để phát tín hiệu khi thuốc được uống. Với các mô hình sơ khai hiện đang thử nghiệm, cảm biến có kích thước bằng hạt vừng, nguồn điện đến từ các ion clorua trong dạ dày và tín hiệu được thu nhận qua một miếng dán trên dạ dày. Từ đó tín hiệu có thể được gửi đến điện thoại thông minh hoặc một số loại thiết bị truyền phát khác và thu nhận bởi hệ thống máy tính. Loại thuốc kỹ thuật số đầu tiên thuộc loại này được FDA chấp thuận vào cuối năm 2017 là Abilify MyCite, một loại thuốc chống loạn thần với cảm biến được thiết kế giúp theo dõi uống thuốc đúng theo lịch trình.

______________

Nguồn: Phòng Truyền thông- NXB Trẻ

Từ khóa: 

những viên đạn thần kỳ

,

thomas hager

,

nxb trẻ

,

thư viện tự lập

,

noron

,

sức khoẻ

,

sách