Những từ bất khả dịch trên thế giới
Dịch thuật giúp chúng ta truyền tải những ý tưởng, cảm xúc và suy nghĩ tới một phạm vi rộng vượt lên trên rào cản ngôn ngữ nhưng đôi khi ta vẫn gặp phải những từ không thể dịch được từ ngôn ngữ này sang ngôn ngữ khác. Vậy tại sao chúng ta lại gặp khó khăn khi cố dịch những từ ngữ đó và sự tồn tại của bất khả dịch nói lên điều gì?
Nguyên nhân
Tính bất khả dịch về văn hóa là do bởi sự vắng mặt trong văn hóa của ngôn ngữ đích về một đặc trưng tình huống liên quan cho một văn bản của ngôn ngữ gốc. Có thể giải thích rằng khi dịch chúng ta luôn tìm kiếm một sự tương đồng giữa hai nền văn hóa, nhưng nếu như nền văn hóa của ngôn ngữ đích không có khái niệm tương đồng trong nền văn hóa gốc thì sẽ rất khó để có thể dịch được, vì điều đó tạo ra sự thiếu hụt trong từ vựng.
Ta có thể lấy một ví dụ 'Châu chấu đá xe' ở tiếng Việt là một bất khả dịch về văn hóa khi dịch sang tiếng Anh bởi vì ở văn hóa Anh không có hình ảnh này.
Hay như cử chỉ tay “Air quote” trong tiếng Anh, chúng ta cũng không tìm được từ diễn đạt tương đương khi dịch ra tiếng Việt.
Nguồn ảnh: Internet
5 từ bất khả dịch trong các ngôn ngữ
1.Toska (Tiếng Nga)
Toska là sự kết hợp của đau buồn lẫn khao khát, một cảm giác không thể chịu đựng được cần phải thoát ra nhưng thiếu đi hy vọng và năng lượng để làm được. Nhà văn Anton Chekhov đã viết cả một truyện ngắn tên là Toska về một người đánh xe vừa mất con cần tìm ai đó để giãi bày, và cuối cùng tâm sự với con ngựa. Dù là một cảm xúc mang phần nào tiêu cực, nhưng nếu không có toska thì không thể có những lúc vui sướng đến cuồng nhiệt, những cuộc trò chuyện tâm tình lúc 4 giờ sáng hay những khi hào phóng một cách vô nghĩa. Toska là dấu hiệu mà mọi cảm xúc đi ngược lại logic, khi chúng ta thực sự sống những cảm xúc ấy. Có thể bạn từng trải qua toska, nhưng nếu bạn không nhận ra nó thì tức là bạn vốn đã mang trong mình một chút tâm hồn Nga.
2. Shoganai (tiếng Nhật Bản)
Bất cứ từ ngữ nào biểu thị sự bất lực của con người trước sức mạnh tàn phá của tự nhiên đều lí giải phần nào ý nghĩa của shoganai. Đó là câu cửa miệng của người Nhật trước bất kì tình huống nào mà họ tin rằng bản thân không thể tác động gì, như động đất - sóng thần năm 2011, gần giống như: “Chẳng thể làm gì được” hay “Nó phải như thế thôi”. Shoganai xuất phát từ quan điểm của Phật giáo, cho rằng trong một số trường hợp thì chấp nhận sự thật không may mắn sẽ dễ dàng hơn là cố gắng phủ nhận nó. Tuy vậy, câu nói này đã được áp dụng quá thường xuyên bởi người Nhật ngay cả trong những tình huống mà con người thực ra có ảnh hưởng đến vấn đề lớn hơn là họ nghĩ.
3. Tiáo (条) (tiếng Trung Quốc).
Đây là một lượng từ trong tiếng Trung dùng cho những thứ có hình dạng dài và hẹp, ví dụ như cá, tàu, gói thuốc lá, quần dài, sông, hay cả những con rồng. Từ này chỉ là một trong ít nhất 140 lượng từ rất đặc biệt trong tiếng Trung, bởi chúng có thể biểu hiện được hình dáng của đối tượng được nhắc đến hay mối quan hệ giữa các sự vật. Ban đầu tiáo chỉ được dùng với những thứ cầm nắm được (thắt lưng, cành cây, sợi dây,…), sau đó là cả những thứ lớn hơn (đường phố, sông ngòi, dãy núi,…). Dần dần từ tiáo được dùng một cách ẩn dụ, với những từ như tin tức (ở Trung Quốc chữ được viết theo chiều dọc, nên tin tức là tập hợp những dòng chữ dọc rất dài) hay sự kiện (lúc đầu xuất hiện trong các danh sách dưới dạng những nhánh dài). Rồi cả ý tưởng hay quan điểm cũng được gắn với từ tiáo, và đến thế kỷ 14 nó được dùng với từ tinh thần/ linh hồn, thứ được tưởng tượng là rất thẳng và cao.
4. Litost (Tiếng Séc)
Milan Kundera đã từng nhận xét rằng, "Tôi đã thử tìm nghĩa tương đương của từ này trong nhiều thứ tiếng khác nhau, nhưng tôi nghĩ thật khó khăn cho bất kỳ ai để có thể hiểu được tâm hồn con người mà không dùng chữ này." Nghĩa gần nhất của từ này là trạng thái đau đớn cực độ và giày vò khi bất ngờ trông thấy cảnh khổ cực của chính mình.
5. Waldeinsamkeit (Tiếng Đức)
Waldeinsamkeit là cảm giác cô đơn và kết nối với thiên nhiên khi ở một mình trong rừng. Chúng ta thường bị cuộc đời cuốn đi, bị lấn át bởi những áp lực và trách nhiệm. Đó là khi chúng ta cần trải nghiệm Waldeinsamkeit: Đi bộ đường dài hoặc đi vào rừng sẽ giúp bản thân bạn trở thành trung tâm giữa thiên nhiên. Dành thời gian cho chính mình không bao giờ là điều xấu – đặc biệt là khi bạn hòa mình vào thiên nhiên.
Bài viết tổng hợp từ nhiều nguồn khác nhau