Những màn cosplay đỉnh cao trong giới côn trùng
Sinh tồn tự nhiên vô cùng khốc liệt. Mỗi ngày mở mắt, các loài vật luôn tự hỏi: kẻ thù của mình đang ở đâu để mà còn né. Nếu chẳng may gặp thiên địch ngoài tự nhiên, tỉ lệ sống sót là bao nhiêu? Câu trả lời là: 9 phần chết, 1 phần sống.
Có nhiều loài côn trùng ko cam chịu tỉ lệ đó, nên chúng đã phát triển rất nhiều hệ thống phòng thủ, như: ngụy trang, mọc gai toàn thân, tích trữ chất độc, giả dạng loài độc hơn... Các loài muốn được sống. Sống ko chỉ là một bản năng, mà còn là một trách nhiệm đóng góp cho đời, bằng cách trở thành một mắt xích ko thể thiếu trong toàn bộ hệ sinh thái tự nhiên.
Hôm nay, mình sẽ giới thiệu với các bạn một số hình thức ngụy trang phổ biến của côn trùng. Qua đó để thấy được rằng các loài đã phải rất vất vả để có thể tồn tại và duy trì nòi giống.
1. Đầu giả
Một số loài côn trùng tiến hóa để sở hữu một cái đầu giả (false head). Đầu giả được hình thành bởi những bộ phận phụ của cơ thể (thường là cánh, bụng), với nhiệm vụ quan trọng: thu hút và đánh lạc hướng của kẻ thù. Nếu bị tấn công vào đầu giả, ít ra chúng sẽ ko chết ngay mà sẽ cố tìm cách chạy thoát. Dù sao vẫn còn cơ hội sống.
Loài bướm Lycaenidae là một bậc thầy trong lĩnh vực này. Chúng tạo ra cái đầu giả còn hịn hơn cả đầu thật, thể hiện ở nhiều đặc điểm sau:
1. Đầu giả màu sắc rực rỡ hơn đầu thiệt. Dễ thu hút nếu kẻ địch có ý định tấn công. Như trong hình, nó có màu cam.
2. Đầu giả luôn có cặp "ăng ten" giả ve vẩy, như muốn nói với cả thế giới: "đây mới là đầu tao nè".
3. Ở tư thế nghỉ ngơi, con bướm luôn quay mặt vào bên trong, xu hướng chúi đầu xuống, càng giấu đi cái đầu thật, nó lại càng show ra cái pha ke
Sâu bướm Homodes cũng rất khó phân biệt đầu thật, đầu giả. Ko những vậy, chúng còn dùng cái đầu giả để ngụy trang thành kiến vàng nữa kìa. Nhiều khi chúng còn nhầm "Đầu tôi đâu?"
Loài Ngài lớn nhất thế giới, Attacus atlas (tên thường gọi Bướm Khế, sách Đỏ Việt Nam) lại biến hai chóp cánh của bản thân thành hai cái đầu rắn ở tư thế ngóc đầu lên
2. Mắt giả
Mắt - nơi thu hút mọi ánh nhìn của muôn loài. Nhìn vào mắt một ai đó, bạn sẽ cảm nhận được niềm vui, nỗi buồn, sự tức giận hay nỗi sợ hãi. Chim chóc là thiên địch chính của hầu hết côn trùng, nhưng chúng cũng có một nhược điểm rất lớn: Chúng luôn cảnh giác và tỏ ra lo sợ trước những cặp mắt đang hướng về mình, đây là một bản năng sinh tồn quan trọng đã theo chim hàng triệu năm qua. Không phải tất cả các loài chim đều vậy, nhưng đa phần các loài chuyên ăn côn trùng đều sợ hãi các đôi mắt săm soi này.
Nắm bắt được điều đó, một số loài côn trùng đã tiến hóa tạo ra những đôi mắt giả trên cơ thể, để khi nhìn vào chúng, bất kỳ sinh vật nào cũng cảm thấy run sợ trước đôi mắt to lớn, hung dữ đang chằm chằm nhìn ngược lại.
Brahmaea wallichii, tên thường gọi Ngài Bà La Môn. Chúng là một loài có kích thước tương đối lớn, sống nhiều ở Ấn Độ, Bhutan, TQ...
Ở tư thế nghỉ ngơi, cả cơ thể nó tạo thành một đôi mắt hổ dữ tợn, xoáy sâu vào bạn, tựa như có thể nhìn thấu tâm can của bất kỳ ai.
Ngoài ra, các đường vằn vện trên cơ thể chúng còn tạo ra sự rối loạn cho kẻ địch, ko biết nên tấn công vào đâu. Cách ngụy trang này cũng tương tự các sọc đen-trắng trên cơ thể ngựa vằn vậy.
Con sâu sứ Daphnis nerii này luôn giương mắt nhìn mọi vật xung quanh. Nhưng nào có biết, đó là một đôi mắt giả ở trên thân thể nó mà thôi.
3. Giả kiến, ong
Nếu hỏi bất kỳ ai rằng: đâu là nhóm loài nguy hiểm nhất hành tinh này? Hẳn câu trả lời sẽ là ong, kiến và đám cư dân mạng. Trong đó, ong và kiến mặc dù được xem là những loài vật chăm chỉ và cần mẫn, là hình mẫu để loài người học hỏi, nhưng sâu thẳm trong bản chất của chúng, đây là một giống loài rất nguy hiểm (kết quả dựa trên khảo sát của 999 loài động vật khác).
Ong và kiến sở hữu 3 loại vũ khí nguy hiểm, gồm: tích trữ hoặc tiêm chất độc, vết cắn gây tổn thương và số lượng đông đảo. Chính điều này khiến chúng trở thành những kẻ "rất khó chịu" và "nguy hiểm" trong mắt hầu hết các loài động vật ăn thịt. Đa số sẽ thường né tránh hoặc bỏ qua mỗi khi chạm trán hai loài này.
Do vậy, chúng là hình mẫu, là idol để các loài côn trùng khác bắt chước, với mục đích duy nhất: "tao là kiến đây, làm ơn giữ khoảng cách 2m, đừng dại dột lại gần". Giả dạng càng giống, các loài càng có cơ hội thoát khỏi nanh vuốt kẻ thù.
Con trên ảnh là Myrmaplata, một loài nhện ở Châu Á, có khả năng bắt chước kiến vàng (Kiến vàng là loài sở hữu vết cắn rất đau và có chứa một loại chất độc có vị chua như axit trong cơ thể).
Nhện có 8 chân, trong khi kiến vàng chỉ có 6 chân. Giờ dư ra 2 cái tính sao đây? Đơn giản thôi, con nhện sẽ sử dụng 2 chân trước giơ lên như thể đó là cặp râu của kiến vậy. Nó còn ve vẩy "râu" giống đến mức mà hầu như ai nhìn vào đây cũng nghĩ rằng nó là một con kiến vàng.
Bọ ngựa mặc dù là một sát thủ săn mồi, tuy nhiên lúc còn nhỏ bé, chúng rất mong manh, dễ vỡ. Vì vậy đành mượn tạm "hình hài" của kiến để tạm sống sót qua giai đoạn đầu đời.
Một con ruồi sát thủ (Họ Asilidae) được biết đến là một trong những nhóm ruồi ăn thịt khét tiếng nhất thế giới. Chúng được gọi là robberfly (kẻ cướp bay, ruồi ăn cướp, ruồi sát thủ...) với khả năng bắt chính xác một loài côn trùng khác bay ngang qua tầm mắt.
Để tránh các loài săn mồi, chúng mượn tạm bộ áo của ong bắp cày, nhằm giảm thiểu khả năng bị tấn công nhất.
Nguồn: FB Ma Bu
Châu Nguyễn