Những kỹ năng xã hội nào trẻ em cần thiết phải có?

  1. Giáo dục

Dù là trẻ em, trẻ vị thành niên hay người lớn đã trưởng thành thì đều cần thiết phải trang bị những kỹ năng xã hội (kỹ năng mềm). Vì nếu thiếu những kỹ năng này, chúng ta thật rất khó đạt được những thành công trong tương lai. Vì chúng là những nền tảng rất cơ bản để chúng ta giao tiếp với thế giới, với cuộc sống.

Tựa đề mình đặt là trẻ em chẳng qua ý mình muốn nói là chúng ta nên trang bị những kỹ năng này ngay từ khi chúng ta còn là trẻ em. Tất nhiên, nếu chúng ta đã trưởng thành rồi thì chỉ còn cách là trang bị chúng cho thế hệ tương lai - những đứa trẻ của chúng ta mà thôi. Tuy nhiên, không bao giờ là quá muộn để học hỏi mà đúng không?

Cá nhân mình thì chưa bao giờ thừa nhận là mình đã trang bị đủ những kỹ năng này (và nhiều kỹ năng khác nữa), tuy nhiên, trong quá trình đi dạo Internet, mình đã phát hiện ra

bức ảnh này
được chia sẻ trên trang Pathway 2 Success, nên đã "phóng tác" sang tiếng Việt thân yêu của chúng ta để cho ra bức ảnh dưới đây và chia sẻ đến các bạn:

social ky nang

Theo đó, những kỹ năng xã hội mà đứa trẻ nào cũng cần phải có bao gồm:

  1. Biết thỏa hiệp với tất cả mọi thứ kể cả thứ mình ghét, bao gồm cả vấn đề chủng tộc, tôn giáo hay bất cứ lĩnh vực nào.
  2. Biết bày tỏ cảm xúc bằng cách viết ra sổ nhật ký hàng ngày hàng tháng hàng năm, sau đó là bày tỏ cảm xúc tích cực với tất cả mọi người xung quanh.
  3. Suy nghĩ thật kỹ trước khi nói và hành động. Giống như câu tục ngữ Uốn lưỡi 7 lần trước khi nói của chúng ta vậy đó.
  4. Có mục đích, định hướng (nói nôm na là kế hoạch) rõ ràng cho cuộc đời của mình. Tốt nhất là nên thiết lập những "To do list - Những việc cần/sẽ/phải làm" và làm theo nó theo đúng kế hoạch càng nhiều càng tốt.
  5. Biết kiểm soát mọi hành động, lời nói và thái độ của bản thân.
  6. Biết thể hiện sự đồng cảm với sự vật/sự việc/con người,... có chung "tần số" với trái tim mình, đặc biệt là những mảnh đời thua thiệt, những câu chuyện không may,... trong cuộc sống.
  7. Có thái độ tích cực với mọi thứ diễn ra xung quanh mình.
  8. Nếu có không đồng ý với cái gì đó, thì cũng nên thể hiện sự phản đối một cách tôn trọng. Không công kích hay châm biếm cá nhân,...
  9. Thân thiện, hòa đồng với tất cả mọi người.
  10. Tự biết cách hỗ trợ bản thân mình trong mọi tình huống. Trong marketing, người ta có thuật ngữ "sale" dành cho kỹ năng này, tức là kỹ năng "bán mình". Khi chúng ta có một khả năng nào đó, nếu chúng ta không biết cách thể hiện hay quảng cáo điều đó ra, thì không ai biết để mà thừa nhận điều đó.
  11. Biết xử lý khủng hoảng (nếu có khủng hoảng xảy ra)
  12. Biết kiểm soát sự tức giận và nỗi thất vọng.
  13. Biết nhìn ra quan điểm của người khác để nếu có đồng ý thì chia sẻ, phản đối thì biện luận phản hồi.
  14. Biết bày tỏ ý tưởng, cảm xúc và ý nghĩ một cách ngắn gọn, rõ ràng, súc tích.
  15. Có trách nhiệm với mọi thứ. Điều này là đương nhiên rồi!
  16. Biết độc thoại tích cực. Tức là chúng ta thỉnh thoảng cũng hay có những khoảnh khắc "Thiền", tự một mình nói chuyện với mình. Có người nói ra bằng lời, có người chỉ nghĩ bằng ý nghĩ. Tuy nhiên, kỹ năng cần có là chúng ta cần phải tích cực trong mọi suy nghĩ lúc này. Tránh tiêu cực để xảy ra trầm cảm, và làm những điều dại dột.
  17. Biết rõ mình cần gì và muốn gì. Cái này hơi khó. :)
  18. Tôn trọng không gian riêng tư của tất cả mọi người. Ai cũng cần có khoảng không gian riêng.
  19. Có trật tự. Chẳng hạn trong việc xếp hàng. :D
  20. Có tinh thần thượng võ theo phương châm "thắng không kiêu bại không nản".
  21. Hiểu rõ giá trị của sự khác biệt. Vì sự khác biệt làm nên sự đa dạng cho thế giới này.
  22. Bình tĩnh mỗi khi căng thẳng
  23. Biết phản tỉnh, tự xét lại tư tưởng của mình để tìm ra những sai lầm và sửa chữa chúng.
  24. Biết động não, nhất là trong những lúc cần "brainstorming" - bão não.
  25. Biết cách đọc những dấu hiệu xã hội - tức những cách mà mọi người gửi thông điệp cho người khác thông qua các chuyển động, nét mặt hoặc hành động của họ...
  26. Biết nói lời xin lỗi
  27. Biết cách chia sẻ
  28. Biết cách kiểm soát mọi xung đột
  29. Sẵn sàng đối mặt với mọi lo lắng và sợ hãi
  30. Biết chấp nhận mọi hậu quả xảy ra.

Theo mọi người, chúng ta cần thiết phải trang bị cho hành trang cuộc sống những kỹ năng xã hội nào nữa?

Từ khóa: 

kỹ năng xã hội

,

giáo dục trẻ

,

kỹ năng mềm

,

social cues

,

giáo dục