Những hiệu ứng tâm lý mà bạn nên biết - Phần 1

  1. Tâm lý học

Tâm lý học là một lĩnh vực vô cùng thú vị, nó vừa gần gũi lại vừa xa lạ với tất cả chúng ta. Nó gần gũi vì nó là môn khoa học về con người, chúng ta có thể dễ dàng nhận thấy những hiệu ứng tâm lý mà tôi nói bên dưới xuất hiện ở khắp mọi nơi trong cuộc sống và chắc chắn bạn cũng đã từng gặp phải rất nhiều lần nhưng biết là một chuyện, để có thể loại bỏ được nó hoặc làm chủ nó thì lại không phải là điều dễ dàng. Việc có hiểu biết về những hiệu ứng tâm lý này không thể nào đảm bảo rằng bạn sẽ trở thành một nhà tâm lý học nhưng ít nhất cũng sẽ giúp bạn phạm sai lầm một cách chủ động, tức là dù biết nó không tốt nhưng vẫn cứ làm, đó chính là sự thú vị và cũng là điều khó hiểu ở con người. Chính vì điều này mà Tâm lý học đang đóng vai trò ngày càng quan trọng trong nhiều lĩnh vực khác nhau của xã hội, một môn khoa học mà theo cá nhân tôi nên được phổ biến rộng rãi, nên được học một cách đầy đủ vì như chúng ta cũng đều đã biết thì việc hiểu chính mình quan trọng đến thế nào, nếu bạn cảm thấy thú vị về tâm lý học, bạn có thể tìm hiểu và nghiên cứu về lĩnh vực này, nhất định nó sẽ không làm bạn thất vọng, đúng như câu nói của tôi: 

Trong rất nhiều lĩnh vực mà tôi dành thời gian để nghiên cứu và tìm hiểu thì nghiên cứu về chính mình là thú vị hơn cả.

Những hiệu ứng mà mình chọn để viết thường rất phổ biến và có tính ứng dụng cao trong cuộc sống, rất mong điều này có thể giúp ích được cho mọi người.

Tên của một vài hiệu ứng trong bài viết là do cá nhân tôi tự đặt, tự quan sát và trải nghiệm thấy được trong cuộc sống hằng ngày, có lẽ nó đã có tên khoa học rồi nhưng do chưa biết tìm ở đâu nên gọi như vậy cho dễ nhớ, mọi người chỉ nên tham khảo thôi nhé.

  • HIỆU ỨNG VƯỢT NGƯỠNG

Tác giả nổi tiếng của Mỹ – Mark Twain có một lần nghe mục sư giảng trong nhà thờ. Lúc đầu, ông cảm thấy mục sư giảng rất hay, rất cảm động và ông đang dự định sẽ quyên góp tiền. Nhưng qua 10 phút, mục sư vẫn chưa giảng xong, ông bắt đầu có chút mất kiên nhẫn nên quyết định sẽ quyên một ít tiền lẻ thôi. Qua thêm 10 phút nữa mục sư vẫn tiếp tục giảng, thế là ông nghĩ không quyên góp nữa. Hiện tượng tâm lý này được gọi là “hiệu ứng vượt ngưỡng”, nghĩa là khi bị kích thích quá nhiều, quá mạnh và thời gian tác dụng quá lâu sẽ dẫn đến tâm lý cực kỳ khó chịu và phản kháng. Trong cuộc sống chúng ta có thể dễ dàng nhận thấy hiệu ứng này, đặc biệt là trong việc giáo dục con cái. Ví dụ như khi đứa con phạm lỗi, bố mẹ cứ nhắc đi nhắc lại chuyện đó cùng lời khiển trách sẽ khiến đứa con từ buồn bã bất an chuyển sang mất kiên nhẫn, thậm chí chán ghét. Một khi bị “bức” quá thì sẽ xuất hiện tâm lý và hành vi phản kháng kiểu “lần sau mình sẽ làm vậy nữa” hoặc làm hoàn toàn ngược lại những lời mà cha mẹ nhắc nhở. Có thể thấy, sự khiển trách và đánh giá của bố mẹ dành cho con cái không được vượt quá giới hạn, đối với trẻ chỉ nên “phạm lỗi một lần, chỉ phạt một lần”. Cho dù muốn nhắc nhở lại thì cũng không nên lặp lại đơn thuần mà phải thay đổi góc độ, cách nói. Như thế thì trẻ mới không cảm thấy lỗi của mình cứ bị “giữ mãi không buông” mà sinh ra tâm lý chán ghét, phản nghịch.

https://cdn.noron.vn/2019/01/20/87b48b240f535a36665c4e7f7bfd8dff.jpg
  • HIỆU ỨNG WESTERNERS

Nhà tâm lý học Westerners đã từng giảng một ngụ ngôn thế này: Có một đám trẻ con chơi đùa huyên náo suốt ngày trước cửa nhà một ông lão. Mấy ngày qua đi, ông lão không thể chịu đựng nữa. Ông bèn cho mỗi đứa trẻ 10 đồng và nói: “Các cháu đã khiến ở đây thật náo nhiệt, làm cho ông cảm thấy mình trẻ lại rất nhiều, tiền này ông thưởng cho các cháu”. Bọn trẻ rất vui, hôm sau lại đến, nhưng lần này ông lão chỉ cho mỗi đứa 5 đồng. Bọn trẻ vẫn thích thú đến chơi ngày hôm sau, lần này ông lão chỉ cho mỗi đứa 2 đồng. Vậy là bọn trẻ tức giận bảo “Cả ngày mới được cả 2 đồng, ông có biết bọn cháu chơi đùa cũng mệt lắm không!”. Sau đó thì bọn trẻ không đến nhà ông lão chơi nữa. Trong câu chuyện này, cách của ông lão rất đơn giản, ông đã biến động cơ bên trong “chơi vì niềm vui của chính mình” từ bọn trẻ trở thành động cơ bên ngoài “chơi vì để được tiền”, và khi ông lão thao túng nhân tố bên ngoài này thì cũng đã thao túng được hành vi của bọn trẻ. Hiệu ứng Westerners cũng thấy rõ trong cuộc sống. Ví dụ, bố mẹ thường nói với con cái: “Nếu lần này con thi được 10 điểm thì bố mẹ sẽ thưởng 100 ngàn”, “Nếu con thi đứng trong top 5 thì bố mẹ sẽ thưởng con một món đồ chơi mới” v.v. Thay vì khuyến khích con ham mê học tập cha mẹ lại biến động cơ của con chỉ là để nhận tiền, và khi cha mẹ không còn tiền thưởng thì chúng cũng không còn động lực học tập, điều này nếu xét về lâu dài là cực kỳ có hại, cha mẹ không nên quá lạm dụng và tốt nhất là không nên áp dụng nếu chưa hiểu rõ.

  • Hiệu ứng gió nam

Hiệu ứng này bắt nguồn từ câu chuyện ngụ ngôn của tác gia người Pháp – Jean de La Fontaine. Gió Bắc và Gió Nam thi uy lực với nhau xem ai thổi rơi áo khoác của người đi đường. Đầu tiên là Gió Bắc thổ những luồng gió thật lạnh, lạnh đến thấu xương, kết quả là người đi đường càng quấn áo chặt hơn. Gió Nam bắt đầu từ tốn lay động, gió thật dịu và ánh mặt trời thật đẹp khiến người đi đường cảm thấy như mùa xuân tràn ngập, vậy là họ cởi áo khoác ra để thưởng thức bầu không khí dễ chịu ấy. Cuối cùng Gió Nam chiến thắng. Gió Nam trong câu chuyện sở dĩ đạt được mục đích là vì nó đã thuận theo nhu cầu nội tại của con người. Phản ứng tâm lý sinh ra do được kích thích cảm giác cá nhân và nhu cầu muốn thỏa mãn mình chính là “hiệu ứng Gió Nam”. Ở phương Đông cũng có câu: Lấy nhu trị cương, hay lạt mềm buộc chặt, cũng có thể hiểu theo nghĩa này.

https://cdn.noron.vn/2019/01/20/6ce5042b07f837ecb4bc5f126448aeb1.jpg
  • HIỆU ỨNG THÙNG GỖ

Tại sao có tên gọi này? Một chiếc thùng được ghép từ nhiều mảnh gỗ, và nếu như những mảnh gỗ này dài ngắn khác nhau thì bạn sẽ thấy rõ một điều rằng: Lượng nước chứa được trong thùng không phụ thuộc vào những mảnh gỗ dài nhất, mà nó chỉ có thể đầy lên đến chiều cao của chỗ mảnh gỗ ngắn nhất mà thôi. Hiệu ứng này được áp dụng rất nhiều trong quản trị, trong nhiều trường hợp sai lầm của 1 cá nhân có thể làm thất bại cả một tập thể, ai xem bóng đá thì có lẽ đều hiểu rõ điều này.

Thành tích học tập chung của một đứa trẻ giống như một chiếc thùng gỗ lớn vậy, thành tích mỗi một môn học trong đó đều là một miếng gỗ không thể thiếu để ghép thành chiếc thùng. Sự ổn định trong thành tích tốt của trẻ không thể dựa vào sự xuất sắc (mảnh gỗ dài) ở vài môn học nào đó, mà nên chú trọng ở tình trạng chỉnh thể của nó, đặc biệt là ở một số mắc xích yếu (mảnh gỗ ngắn). Khi còn đi học, rất nhiều học sinh luôn có xu hướng chỉ tập trung vào một vài môn chính mà bỏ qua môn phụ, họ cho rằng đó là môn học không quan trọng nhưng sự thật thì chưa chắc đã là như vậy. Steve Job từng tham gia một khoá học về font chữ, mới đầu ông ấy nghĩ nó chẳng có ý nghĩa gì nhưng sau đó thì mọi chuyện đã hoàn toàn khác. Cách chúng ta suy nghĩ, cách chúng ta tư duy luôn đến từ sự tổng hoà của rất nhiều yếu tố gộp lại, để có được một giây phút loé sáng, cần tới một sự tích luỹ kiến thức trong một khoảng thời gian vô cùng dài. Nếu bạn quan sát những cá nhân xuất sắc và vượt trội trên thế giới, không ai trong số họ là chỉ tài giỏi trong một lĩnh vực hết, mỗi người là tập hợp của nhiều mảnh gỗ khác nhau và người giỏi hơn là người có thanh gỗ ngắn nhất dài hơn những người khác.

Ý nghĩa của hiệu ứng này? Bất kỳ một ai trong số chúng ta đều không thể xem nhẹ khiếm khuyết của mình và của cả người khác. Bạn muốn một ai đó hoàn thiện hơn thì không thể chỉ dựa vào sở trường, tài năng của họ mà quên đi sở đoản hay tật xấu, cho dù nhìn vào tưởng chừng như chúng không hề ảnh hưởng gì nhưng thực chất đôi khi, chỉ một sai lầm nhỏ thôi cũng khiến cả một sự nghiệp tan thành mây khói. Mình còn nhớ có một bài viết về một người có thành tích học tập vô cùng xuất sắc nhưng khi đi xin việc thì chẳng có công ty nào chịu nhận, người này cảm thấy vô cùng khó hiểu nên đã hỏi một nhà tuyển dụng và nhận được câu trả lời đó là trong hồ sơ của anh ta có ghi chép về một lần anh ta trốn vé gì đó thì phải. Người này cho rằng đó chỉ là chuyện nhỏ, thế nhưng các công ty tuyển dụng thì lại không hề nghĩ như vậy.

Lại một lần khác mình có đọc được câu chuyện một người khi phỏng vấn xong thì tin chắc là mình đã trượt, khi đi ra đến ngoài cổng của công ty, anh ta cúi xuống nhặt một cái đinh bỏ vào thùng rác, hành động hoàn toàn vô tình này đã được vị tổng giám đốc của công ty đó nhìn thấy và anh ta đã được tuyển dụng, sau này còn rất thành công nữa thì phải. Mình không nhớ đọc trong cuốn nào, nhưng chắc chắc là thật, mọi người kiểm chứng giúp nhé.

Cuối cùng, cây gỗ ngắn nhất của bạn là gì, hày tìm và cải thiện nó ngay đi nhé, bởi vì một mảnh gỗ ngắn sẽ khiến cho những mảnh gỗ dài khác dù có dài ra bao nhiêu đi chăng nữa cũng không có chút tác dụng nào.

https://cdn.noron.vn/2019/01/20/3563c31b24c9b0b38d989c1c60edeb61.jpg
  • HIỆU ỨNG HAWTHORNE

Tại công xưởng Hawthorne nằm ở ngoại ô bang Chicago (Mỹ), công nhân thường xuyên nóng giận bất bình cho nên tình hình sản xuất không lý tưởng cho lắm. Sau đó, chuyên gia tâm lý đặc biệt đến đây làm một cuộc thí nghiệm: Trong khoảng thời gian 2 năm, vị chuyên gia này có cuộc trò chuyện riêng với hơn 20.000 công nhân và quy định trong quá trình trò chuyện, vị chuyên gia sẽ nhẫn nại lắng nghe mọi ý kiến và bất mãn của họ đối với công xưởng. Cuộc thí nghiệm đã đem lại kết quả không ngờ: sản lượng của công xưởng đã tăng vượt bậc. Rõ ràng, con người có rất nhiều thắc mắc hoặc bất mãn nhưng không phải lúc nào cũng có thể biểu đạt ra được. Sau khi họ “được nói” thì sẽ có một sự thỏa mãn khi đã phát tiết ra, họ cảm thấy dễ chịu và nhẹ nhàng hơn rất nhiều, qua đó có thể thấy rằng nhu cầu được người khác lắng nghe mình của con người là rất lớn. Mình rất ấn tượng với video này trên TED Talk, bạn hãy xem qua nhé, dưới đây là một đoạn trích dẫn:


Tôi cũng muốn giới thiệu một thanh niên là hiện thân của hy vọng và dũng cảm. Ngày 11/03 năm 2005, tôi nhận được cuộc gọi báo tin có một người muốn tự sát ở đường đi bộ trên cầu gần tháp phía Bắc. Tôi lái xe mô-tô xuống phần đường đi bộ, và tôi thấy người thanh niên này, Kevin Berthia, đang đứng ở đó. Khi nhìn thấy tôi, anh ta lập tức leo qua thanh chắn đường đi bộ, và đứng trên cái ống nhỏ đó được lắp quanh tháp.Trong suốt một tiếng rưỡi, tôi lắng nghe Kevin nói về sự suy sụp và tuyệt vọng của cậu ấy. Ngày hôm ấy, chính Kevin đã quyết định trèo trở lại và tự cho đời mình một cơ hội nữa. Khi Kevin quay lại, tôi chúc mừng cậu ta: "Đây là một khởi đầu mới, một cuộc sống mới." Nhưng tôi thắc mắc: "Điều gì đã khiến cậu quay lại và cho cuộc đời mình một cơ hội mới?" Các bạn có biết cậu ấy nói gì với tôi? Kevin đáp: "Vì chú chịu nghe cháu. Chú để cháu nói và chú chỉ nghe thôi."

Nếu các bạn vẫn còn cảm thấy quá xa xôi, hãy xem lại những video của người dân Thủ Thiêm ở HCM, thật khó để cầm được nước mắt khi phải xem những video có nội dung như vậy, thế nên hãy luôn luôn lắng nghe và chia sẻ thật nhiều nhé..

  • HIỆU ỨNG TĂNG GIẢM

Trong cuộc sống, bất cứ ai cũng đều hy vọng sự yêu thích, ưu tiên của đối phương dành cho mình “không ngừng tăng lên” chứ không phải “không ngừng giảm đi”. Lấy ví dụ, rất nhiều người bán hàng nắm được tâm lý này của khách hàng, trong khi bán một món hàng nào đó họ luôn lấy một phần nhỏ để lên cân rồi từ từ “thêm vào thêm vào” cho đủ số lượng khách hàng cần, chứ họ không lấy một phần lớn ngay rồi sau đó lại “bớt ra bớt ra”, mặc dù cả hai cách đều vì đạt đến số lượng khách hàng cần nhưng hành động “thêm vào” sẽ khiến khách hàng cảm thấy hài lòng hơn rất nhiều. Chính vì vậy mà họ sẽ nói về những đặc điểm mà cái nào cũng có trước rồi sau đó mới nói điểm đặc biệt mà chỉ sản phẩm đó mới có, tạo cho người mua cảm giác thoả mãn và hài lòng. Hay như khi chúng ta nấu ăn, phải thêm gia vị hay nước hay gì đó vào, thêm vào ngay một lần thì sẽ cảm giác thiếu thiếu nhưng nếu chia ra nhiều lần thì cảm giác lại khác, cảm thấy đã cho đủ thậm chí là rất nhiều rồi, mặc dù xét về khối lượng tổng thể thì chúng là ngang nhau, thú vị vậy đó.

Áp dụng điều này trong giáo dục, khi chúng ta phê bình đánh giá trẻ nhỏ thường khó tránh “khen trước, chê sau”. Kỳ thực cách này không lý tưởng lắm, tốt hơn hết là hãy chỉ ra cho chúng thấy những lỗi chúng mắc phải rồi sau đó mới khích lệ chúng bằng những “thành quả” mà chúng đã đạt được, như thế trẻ sẽ dễ dàng tiếp thu nhận xét của bạn và có thiện chí sửa chữa hơn, bởi vì khi được khen ngợi thì chúng sẽ dễ dàng quên đi những lời chê trách trước đó cũng giống như việc khi bạn ăn một miến rất đắng trước sau đó mới ăn phần ngọt thì dư vị cuối cúng mà bạn cảm nhận được là vị ngọt chứ không phải là vị đắng.

  • Hiệu ứng cánh bướm

Theo nghiên cứu cho thấy, những khí lưu yếu và nhỏ của một con bươm bướm tình cờ vỗ cánh ở Nam bán cầu kết hợp với vô số các nhân tố khác thì sau vài tuần đã biến thành một trận vòi rồng ở bang Texas (Mỹ). Sau đó các nhà khoa học đã gọi đây là “hiệu ứng cánh bướm” và đưa ra lý luận như sau: Một nhân tố khởi nguồn cực nhỏ nếu trải qua một thời gian nhất định và tác dụng với các nhân tố tham dự khác thì hoàn toàn có thể phát triển thành sức ảnh hưởng cực kỳ lớn và phức tạp. Hiệu ứng này nói với chúng ta rằng: Đừng bao giờ xem thường những thứ nhỏ bé. Một lời nói, một câu chuyện, một hành vi nhỏ nếu như đúng đắn và thích hợp sẽ ảnh hưởng tích cực rất lớn, còn nếu sai lệch, võ đoán thì ảnh hưởng tiêu cực cũng lớn như vậy. Trong cuộc sống chúng ta cũng bắt gặp rất nhiều hiệu ứng này, đôi khi chỉ vì một câu nói mà sau đó kéo theo rất rất nhiều thứ về sau. Nhiều khi đang vô cùng ghét một người nhưng chỉ một hành động nho nhỏ của họ thôi lại khiến chúng ta trở nên quý mến họ, tâm lý của con người quả thật là vô cùng phức tạp và khó hiểu, vậy nên đừng bao giờ coi thường những điều nhỏ nhặt nhé.

  • HIỆU ỨNG NGƯỠNG VÀO

Trong cuộc sống hằng ngày có một hiện tượng thế này: Khi bạn nhờ người khác giúp đỡ, nếu vừa mới bắt đầu đã đưa ra yêu cầu quá cao thì rất dễ bị cự tuyệt, ngược lại nếu đầu tiên bạn đưa ra yêu cầu nhỏ thôi, sau khi người khác đồng ý hãy tăng thêm yêu cầu thì sẽ dễ đạt được mục tiêu hơn. Hiện tượng này được các nhà tâm lý học gọi là “hiệu ứng ngưỡng vào”. Hiệu ứng này cũng vận dụng khá hữu hiệu trong giáo dục con cái trong gia đình. Ban đầu khi muốn dạy dỗ con bạn về lĩnh vực nào đo hãy yêu cầu thấp thôi, khi trẻ đã làm đúng rồi, hãy cho chúng sự khẳng định và biểu dương, khích lệ, rồi sau đó dần dần đặt yêu cầu cao hơn, cao hơn, làm vậy thì khả năng đạt được mục tiêu sẽ là cao hơn rất nhiều.

https://cdn.noron.vn/2019/01/20/3ff68faf2091623cf1b10625f52bd386.jpg
  • Hiệu ứng Pratfall

Có lẽ đây là hiệu ứng tâm lý thú vị nhất, mà ai cũng từng trải qua, dù có nhận thức được nó hay không. Hãy tượng tượng rằng bạn đang phải lòng một cô nàng, có vẻ là người tài giỏi, tốt bụng và duyên dáng. Tình cờ bạn thấy cô ấy vấp ngã trên đường. Vì nhiều lý do, cảm xúc mà bạn dành cho nàng sẽ tăng lên, và bạn thấy rằng mình thậm chí bị thu hút hơn vì sự vụng về ấy. Trong các lĩnh vực thể thao, kinh doanh và chính trị, hiện tượng tâm lý này được gọi là hiệu ứng Pratfall, được phân tích và đặt tên bởi nhà nghiên cứu Elliot Aronson năm 1996. Nghiên cứu cho thấy rằng chúng ta có khuynh hướng thích những người không hoàn hảo, những người mắc lỗi và biết nhận lỗi. Tuy không đúng trong tất cả mọi trường hợp, ví dụ nam giới sẽ bị thu hút trước những cô nàng vụng về hơn là chiều ngược lại, tuy nhiên nguyên lý cơ bản ở đây là là một người sẽ dễ được yêu mến hơn nếu họ cho thấy họ vẫn có những điểm không hoàn hảo, thế nên mới có câu nói: Ghét của nào trời trao của đấy - thật chẳng sai chút nào.

Từ khóa: 

hiệu ứng tâm lý

,

tâm lý học

Tâm lý học thì mình hay đọc trên 2 trang:

1- tamlyhoctoipham.com: trang này thì nặng về chuyên môn, dịch sách.

2- tamlyhochiendai.com - trang này thì nhẹ nhàng, giải trí hơn


Trả lời

Tâm lý học thì mình hay đọc trên 2 trang:

1- tamlyhoctoipham.com: trang này thì nặng về chuyên môn, dịch sách.

2- tamlyhochiendai.com - trang này thì nhẹ nhàng, giải trí hơn