Những đặc điểm trong thơ Hàn Mặc Tử?
giáo dục
I. Sơ lược về tác giả:
1. Cuộc đời:
Hàn Mặc Tử (1912-1940) tên khai sinh là Nguyễn Trọng Trí, quê ở làng Mĩ Lệ, tổng Võ Xá, huyện Phong Lộc, tỉnh Đồng Hới (nay thuộc tỉnh Quảng Bình). Hàn Mặc Tử xuất thân trong một gia đình viên chức nghèo, cha mất sớm, từ nhỏ sống với mợ ở Quy Nhơn và có một thời gian học trung học ở Huế. Hết thời gian ở Huế, Hàn Mặc Tử làm công chức ở Sở Đạc điều Bình Định rồi vào Sài Gòn làm báo. Năm 1936, Hàn Mặc Tử phải trở về Quy Nhơn để chữa bệnh, bốn năm sau ông mất do căn bệnh phong.
2. Sự nghiệp sáng tác:
Hàn Mặc Tử làm thơ từ rất sớm (14, 15 tuổi) với nhiều bút danh khác nhau như Minh Duệ Thị, Phong Trần, Lệ Thanh... Ban đầu Hàn Mạc Tử sáng tác theo thơ cổ điển Đường luật, sau đó chuyển sang sáng tác theo khuynh hướng lãng mạn. Cuộc đời Hàn Mặc Tử thật ngắn ngủi và chịu nhiều đau thương, nhưng với khả năng sáng tạo và nghị lực phi thường, ông đã để lại cho thế hệ sau nhiều tác phẩm có giá trị nghệ thuật cao. Qua diện mạo hết sức phức tạp và đầy bí ẩn của thơ Hàn Mặc Tử, người ta vẫn thấy rõ một tình yêu đến đau đớn hướng về cuộc đời trần thế.
3. Một số tác phẩm tiêu biểu:
Các tác phẩm chính của Hàn Mặc Tử: Gái quê (1936), Thơ Điên (1938), Xuân như ý, Thượng thanh khí, Cẩm châu duyên, Duyên kì ngộ (kịch thơ —1939), Quần tiên hội (kịch thơ — 1940), Chơi giữa mùa trăng (thơ văn xuôi —1940). Ngoài tác phẩm Gái quê được in khi tác giả còn sống, còn tất cả các tác phẩm còn lại đều dược in thành tập khi Hàn Mặc Tử đã mất.
II. Một số nhà văn phong trào Thơ Mới:
Đầu thập niên 1930, văn hóa Việt Nam diễn ra cuộc vận động đổi mới thơ ca mạnh mẽ với sự xuất hiện làn sóng thơ mới với cá tính sáng tác độc đáo. Cuộc vận động đề xướng sử dụng các thể loại thơ mới, không tuân theo lối vần luật, niêm luật của các thể loại thơ cổ. Cuộc canh tân này đi vào lịch sử văn học với tên gọi Phong trào Thơ Mới.
Khuynh hướng chung của thời kỳ Thơ mới những năm 1932-1945 là khuynh hướng lãng mạn, là lý tưởng thẩm mỹ cái "tôi" của tác giả, thẩm mỹ hóa cái cuộc sống rối ren, tơi bời của xã hội nửa thực dân, nửa phong kiến và là tâm trạng buồn sầu, ưu uất, lạc lõng giữa vòng đời.
Tính khuynh hướng của nghệ thuật lãng mạn rất đa dạng, có khi lãng mạn, mộng mơ, ai ca, thần bí, anh hùng, triết học, cũng có khi lãng mạn anh hùng, lãng mạn công dân hay lãng mạn xã hội,... Nhưng nét bao trùm chủ nghĩa lãng mạn là mộng mơ. Các nhà thơ muốn thoát khỏi những điều kiện ngột ngạt của xã hội bảo hộ thời thơ mới bằng cách tưởng tượng, trốn vào trong cái thế giới vô cùng lý tưởng ấy. Đối với chủ nghĩa lãng mạn, chỉ có cái gì khác thường, khác người, khác đời, và sự đối lập giữa mộng và thực là đáng kể. Trong hoàn cảnh mất nước, sống giữa cái xã hội hủ lậu, ngột ngạt ấy thì sự đối lập là dễ hiểu.
Trong một thời gian ngắn (khoảng trên mười năm), thời đại Thơ Mới đã sản sinh ra hàng loạt nhà thơ nổi tiếng, vĩnh viễn để lại tên tuổi trong lịch sử văn học nước nhà: Thế Lữ, Huy Thông, Lưu Trọng Lư, Xuân Diệu, Nguyễn Bính, Hàn Mặc Tử, Bích Khê, Huy Cận, Chế Lan Viên, Vũ Hoàng Chương, Tú Mỡ, Đoàn Văn Cừ, Bàng Bá Lân, Anh Thơ…
Như trăm hoa đua nở, mỗi nhà thơ là một loài hoa, hoàn toàn tự do bộc lộ bản sắc riêng, dường như không chịu một gò bó nào của ngoại cảnh, trừ sự thôi thúc của chính cái “nhân bản” trong con người họ và thiên hướng nghệ thuật của họ. Trong cuộc tìm tòi bản sắc, phong cách riêng ấy, Thơ Mới đã tách ra thành nhiều trường phái, xu hướng khác nhau, tạo nên sự đa dạng, phong phú của nền thơ đương thời. Sau đây là mấy xu hướng chính:
♥ Thơ hoành tráng về con người thời đại đầy chất lãng mạn trữ tình với Thế Lữ:
Trong hang tối, mắt thần khi đã quắc
Là khiến cho mọi vật đều im hơi.
Ta biết ta chúa tể cả muôn loài,
Giữa chốn thảo hoa không tên không tuổi.
(Nhớ rừng)
♥ Thơ tình yêu với Xuân Diệu, Tế Hanh, T.T.Kh…:
Em vui đi, răng nở ánh trăng rằm
Anh hút nhuỵ của một giờ tình tự.
Yêu với chứ, vội vàng lên với chứ!
Em, em ơi! Tình non sắp già rồi…
(“Giục giã” – Xuân Diệu)
Nếu biết rằng tôi đã lấy chồng
Trời ơi! Người ấy có buồn không?
Có thầm nghĩ đến loài hoa vỡ
Tựa trái tim phai, tựa máu hồng?
(“Hai sắc hoa ti gôn” – T.T.Kh)
♥ Thơ chân quê với Nguyễn Bính:
Láng giềng đã đỏ đèn đâu?
Chờ em ăn giập miếng giầu em sang.
Đôi ta cùng ở một làng
Cùng chung một ngõ, vội vàng chi anh?
Em nghe họ nói mong manh,
Hình như họ biết chúng mình với nhau…
(Chờ nhau)
♥ Thơ sầu rụng với Lưu Trọng Lư:
Xin để gối nằm im chỗ cũ
Hãy lịm người trong thú đau thương.
Giờ đây ta đốt nén hương
Trên tay ta buộc dải tang cho tình.
(Thú đau thương)
♥ Thơ điên với Hàn Mặc Tử, Bích Khê, Chế Lan Viên:
Mây chết đuối ở dòng sông vắng lặng
Trôi thây về xa tận cõi vô biên.
Trong thuyền mơ bỗng nghe ai đằng hắng,
Thôi phải rồi: đích thị bóng ma điên.
(“Vớt hồn” – Hàn Mặc Tử)
♥ Và còn rất nhiều sự phá cách khác của nhiều nhà thơ mới.
III. Đặc trưng thơ Hàn Mặc Tử:
Mỗi khi nhắc đến Thơ mới – một trong những thời đại thi ca rực rỡ bậc nhất của văn học Việt Nam, cái tên Hàn Mặc Tử, bao giờ cũng hiện ra trong tâm trí của độc giả, đặc biệt là những người yêu thơ ca bởi lẽ ông đã trở thành tượng đài lớn.Trong tạp chí Ngày mới xuất bản năm 1940, Chế Lan Viên từng nhận định “Mai sau, những cái tầm thường, mực thước sẽ biến đi và còn lại của cái thời kỳ này chút gì đáng kể đó là Hàn Mặc Tử”.
Thơ của Hàn Mặc Tử thấm đẫm chất trữ tình chủ đạo của thời đại thi ca đó, nhưng vẻ trữ tình của ông mang nét khác hẳn. Nó không lao thẳng vào cảm xúc người đọc một cách thuần khiết như Thế Lữ, Lưu Trọng Lư, Nguyễn Bính, cũng không chỉ mang màu sắc lãng mạn tương trưng như Xuân Diệu, Huy Cận, Đinh Hùng, Bích Khê…Nó là sự hòa quyện tài tình của tượng trưng và siêu thực. Vì thế mà thơ Hàn Mặc Tử không “truyền cảm” mà “gợi cảm” sâu xa để người đọc tha hồ suy tưởng rồi run lên vì hay quá, điên quá, táo bạo quá!
“Nếu Tản Đà, nhà thơ tài tử - kiện tướng cuối cùng, chạy đến hụt hơi mà vẫn không vượt qua được ngưỡng thơ mới, thì Hàn Mặc Tử là hiện thân sinh động cho cuộc chạy đua tiếp sức đó.”
Hàn Mặc Tử có tư duy thơ phức tạp, kì lạ, có sự phân tách không gian trong này và ngoài kia, ông ý thức được một hố sâu ngăn cách giữa mình và đời.
Cuộc đời Hàn Mặc Tử cũng ảnh hưởng ít nhiều đến sự nghiệp sáng tác của Hàn Mặc Tử: Trong cuộc đời thơ ca của Hàn Mặc Tử thì trong lúc ông còn khoẻ, ông mới chỉ cho xuất bản được tập thơ “Gái quê” năm 1936, còn đâu phần lớn thơ ca của ông đều được sáng tác trong quãng thời gian ông bị căn bệnh phong dày vò tiêu biểu như ba tập thơ “Thơ điên”, “Xuân như ý”, “Thượng thanh khí”. “Thơ ca là tiếng lòng”, quả đúng như vậy, tập thơ “Gái quê” là những sợi tơ tinh tế của tâm hồn ông vương mắc trong những xao xuyến bồi hồi của thân xác tuổi đôi mươi. Lời thơ dễ dàng, tứ thơ bình dị phô diễn vẻ đẹp của người phụ nữ mang đậm chất nguyên sơ thuần hậu lồng trong vẻ đẹp phồn thực của thiên nhiên. Ông còn khắc hoạ thứ tình nồng nàn, lả lơi, rạo rực, đầy hình ảnh khiêu gợi. Thơ ông lúc đấy còn trong trẻo, dễ dàng
Và trong những tập thơ được ông viết trong khoảng thời gian mắc căn bệnh hiểm nghèo thì qua tứ thơ của ông hiện lên hình ảnh một con người yếu đuối, cô đơn trong hành trình làm người ngắn ngủi và thơ ca như trở thành phương thuốc hữu hiệu giúp nhà thơ đương đầu với số phận, đem đến cho ông một kiếp sinh tồn khác. Giống như trong tập “Thơ điên” gồm ba phần “Hương thơm”, “Mật đắng”, “Máu cuồng và hồn điên”. Có lẽ thời điểm ông viết nên “Thơ điên” mới là lúc ông thật sự nhập cuộc để thể hiện hết nội lòng của mình. Mắc bệnh phong quái ác năm 24 tuổi, điều này để lại dấu ấn, nỗi ám ảnh sâu sắc trong thơ Hàn Mặc Tử. Ngay từ những thi phẩm đầu tiên đã sớm màu li biệt, chia cắt và sau này thì thực sự trở thành nỗi mặc cảm, nhưng tiếng thơ Hàn Mặc Tử còn vang lên một khát vọng hướng về cuộc sống khắc khoải da diết, một tâm hồn thiết tha yêu cuộc sống, yêu thiên cảnh, yêu con người đến khát khao, cháy bỏng, một khát vọng sống mãnh liệt đến đau đớn tột cùng. Thơ Hàn Mặc Tử khát khao một khuôn mặt, khát khao một lá trúc, khát khao về một cõi sống thanh cao, cứng cỏi. Bài thơ Đây thôn Vỹ Dạ viết trong cơn đau thương mà như một hồi sinh của tâm hồn qua đau thương qua cõi chết nay về với bến đậu. Vỹ Dạ là hồn quê, hồn không gian làm nên tươi tắn và mãnh liệt sống của thơ Hàn.
IV. Cái mới trong ngôn ngữ thơ Hàn Mạc Tử:
Bằng nỗi đau thân xác, bằng ước mơ huyền diệu, bằng trí tưởng tượng phong phú và bằng ngòi bút kỳ tài, Hàn Mặc Tử đã làm sống dậy trước mắt người đọc một thế giới nghệ thuật độc đáo. Khéo kết hợp giữa ngôn ngữ đời thường và ngôn ngữ thi ca, Hàn Mặc Tử đã để lại cho đời những bài thơ vừa giản dị, mộc mạc, chân thật như tâm hồn ông lại vừa lung linh huyền ảo như vầng trăng trong thơ ông.
Nỗi đau tinh thần là nỗi đau lớn, là nỗi đau của trái tim và khối óc. Nỗi đau ấy cứ tự nhiên theo dòng thơ tuôn chảy không cần tô vẽ và phô trương. Để miêu tả trạng thái "điên dại" trong những ngày bệnh tật, Hàn Mặc Tử thường hay dùng những từ liên quan đến hoạt động của thân xác. Ông đã không ngần ngại đưa vào thơ của mình những từ như: Khạc, mửa, nhả, ọc ... và đúng như Vũ Quần Phương nhận xét những từ đó đã "gây sững sốt cho người đọc". Trong bài thơ Say trăng, nhà thơ đã mở đầu bằng hình ảnh :
Ta khạc hồn ra ngoài cửa miệng,
Cho bay lên hí hứng với ngàn khơi.
Và kết thúc bài thơ :
Ta nằm trong vũng trăng đêm ấy,
Sáng dậy điên cuồng mửa máu ra.
Có thể thấy những từ: Khạc , mửa là những từ đã gây được nhiều ấn tượng cho người đọc. Những từ ấy có giá trị đặc tả những nỗi đau thân xác nỗi đau tinh thần. Nỗi đau ấy không những chỉ hiện diện trên trang thơ mà nó đang hiện diện trước mắt người đọc. Và không chỉ có trong một bài mà trong rất nhiều bài thơ khác những từ như thế được lặp đi lặp lại rất nhiều lần:
Ôi ta mửa ra từng búng huyết,
Khi say sưa với lượn sóng triền miên.
(Biển hồn ta)
Ta sẽ hộc ra đây từng búng huyết,
Nhuộm đầy phong vị lúc mê ly.
(Người ngọc)
Nếu trong cuộc sống hàng ngày những từ: Khạc, mửa,... dùng để chì những hoạt động của những người đang mắc bệnh thì ở đây Hàn Mặc Tử không chỉ dùng nó để diễn tả nỗi đau quằn quại của thân xác mà ông còn dùng các từ đó để miêu tả nỗi đau tinh thần và cảm xúc lai láng của một hồn thơ. Vì thế những từ ấy trong thơ Hàn Mặc Tử không những không đem đến cho chúng ta những cảm giác ghê sợ phải xa lánh, mà ngược lại nó làm cho chúng ta kinh ngạc, cảm thông và kính phục. Có thể nói rằng những từ như thế đã diễn tả một cách dữ dội nhất, chân thực nhất những cảm xúc của ông, bởi thơ là một phần thân thể của ông.
Đôi bàn tay của một con người mắc bệnh hủi đang co quắp vì đau đớn nhưng càng đau đớn, đôi bàn tay ấy càng khát khao, thèm muốn níu giữ lấy cuộc đời níu giữ lấy tình đời. Dường như nhà thơ cố dồn hết sức lực của mình vào đôi bàn tay để "riết", để "níu", để "ràng rịt" với cuộc đời. Và cũng có những lúc đôi bàn tay ấy xòe ra thật rộng, nhà thơ như cởi hết lòng để yêu, để viết và để hòa mình với thiên nhiên với cuộc đời thơ mộng:
Cởi thơ, cởi mộng, cởi niềm yêu thương...
(Ngủ với trăng)
Nhà thơ đã mở rộng túi thơ của mình để đón nhận và để dâng hiến. Nói chuyện tâm hồn mà vẫn giản dị như đời thường. Ngay cả trong những câu thơ hay nhất, mang chiều kích rộng lớn, bao la của vũ trụ ông vẫn dùng cách nói như thế:
Áo ta rách rưới trời không vá,
Mà bốn mùa trăng mặc vải trăng.
(Lang thang)
Giáo sư Lê Đình Kỵ đã nhận xét: "Không ai ngoài Hàn Mặc Tử có thể viết như thế... Câu thơ mang chiều kích của vũ trụ mà vẫn tự nhiên như không, siêu thoát mà vẫn trần tục với chuyện Rách rưới, Vá víu , Vải vóc".
Không làm duyên như Xuân Diệu, không khó đọc đến mức khó hiểu như Bích Khê, ngôn ngữ thơ Hàn Mặc Tử gần gũi với ngôn ngữ đời thường. Tư duy có lúc siêu thoát nhưng câu, chữ vẫn gần gũi như cuộc sống hàng ngày quanh ta. Việc đưa vào thơ những từ trần tục, thông dụng đã tạo ra một Hàn Mặc Tử rất dữ dội và rất riêng biệt. Ngôn ngữ của Hàn Mặc Tử cho chúng ta thấy nỗi đau dữ dằn, chói lên giữa cõi mộng, đau đến điên dại, làm ngất ngư cả cõi mộng và làm ứa nước mắt người đọc.
Trong thơ mới cũng có sự vận động tăng cường tính nhạc. Các nhà Thơ mới đã rất dụng công đưa nhạc vào thơ, nhạc làm nền cho thơ, nhạc hòa âm, phối nhịp với giọng điệu thơ, dẫn dắt hồn thơ, thơ đi theo nhạc,... Thơ Hàn Mặc Tử cũng rất giàu tính nhạc, nhạc điệu thơ Hàn Mặc Tử là nhạc điệu của tâm hồn có nhiều trạng thái đặc biệt. Có thể lấy ví dụ nhạc điệu bằng - trắc theo lối thơ Đường thất ngôn: “Ở đây sương khói mờ nhân ảnh / Ai biết tình ai có đậm đà?”(Đây thôn Vĩ Dạ) , câu thơ - nhạc vang rung trong “Mùa xuân chín”: “Chị ấy năm nay còn gánh thóc / Dọc bờ sông trắng nắng chang chang”… Biểu hiện tính nhạc trong thơ Hàn Mặc Tử rất đa dạng, Hàn Mặc Tử hay dùng cách kết hợp các từ láy hay chú công trong thanh điệu dể diển tả những khúc nhạc lòng buồn miên man hoặc trầm lắng du dương và Hàn Mặc Tử dùng nhiều lối điệp âm, điệp vần, điệp từ, điệp câu... tạo sự trùng điệp dồn dập, nhấn mạnh cảm xúc và tạo nên âm vang trong tính nhạc của thơ.
Với quan niệm “đã là tiếng ca của tình cảm của tư tưởng, của mơ màng, thì quý hồi ta đem hết ý dồi dào, êm dịu, thỏa thích cảu tâm hồm, không phải nặng nề tối tăm, mà lâng lâng sáng láng… mà đi đứng tự do để vẽ lên trang giấy những nét rung chuyển của luồng sáng tư tưởng một cách rõ rệt thanh cao hết ý” (Không nên có niên luật mới – Tiến bộ số 6/8/1938), Hàn Mặc Tử đã chú tâm khai thác ánh sáng nghệ thuật, thứ mà thi pháp hiện đại chưa thực quan tâm. Thơ của Hàn Mặc Tử tràn đầy màu sắc, màu sắc trong thơ Hàn Mặc Tử không chỉ được giới hạn trong những màu sắc nhìn thấy như “Vườn ai mướt quá xanh như ngọc” (Đây thôn vĩ dạ) mà còn mơ hồ, gợi cảm như “Trong làn nắng ửng khói mơ tan”,“Sóng cỏ xanh tươi gợn tới trời”(Mùa xuân chín). Đó là màu sắc của tâm hồn, ánh sáng của tư tưởng. Thơ Hàn Mặc Tử vì thế mà dường như cũng trở nên mênh mang, huyền nhiệm.
V. Vị trí của Hàn Mạc Tử trong nền văn học nước nhà:
Trong cuốn “Thi nhân Việt Nam” của nhà phê bình Hoài Thanh – Hoài Chân đã viết có rất nhiều ý kiến nhận xét nghiêm khắc về Hàn Mạc Tử “Hàn Mặc Tử? Thơ với thẩn gì! Toàn nói nhảm”, “Thơ gì mà rắc rối thế! Mình tưởng có ý nghĩa khuất khúc, cứ đọc đi đọc lại hoài, thì ra nó lừa mình!. Nhưng đáp lại những ý kiến trái chiều đó, Chế Lan Viên đã quả quyết “Tôi xin hứa hẹn với các người rằng, mai sau, những cái tầm thường, mực thước kia sẽ tan đi, và cong lại của cái thời kỳ này, chút gì đó đáng kể đó là Hàn Mặc Tử”. Và với Hàn Mặc Tử, đóng góp của ông, riêng về mặt trữ tình, có nhiều những khác lạ so với các nhà thơ cùng thời “Nếu Thế Lữ, Lưu Trọng Lư, Nguyễn Bính là dòng lãng mạn thuần khiết, nếu Xuân Diệu và nhất là Huy Cận, là dòng lãng mạn được cườm vào những yếu tố tượng trưng… thì Hàn Mặc Tử là hài hòa của lãng mạn, tưởng tượng, thậm chí siêu thực nữa.” (Hàn Mặc Tử: một hiện tượng thơ độc đáo trong tư duy thơ Việt Nam – Đỗ Lai Thúy)
Nỗi đau tận cùng và tình thơ mạnh mẽ đã tạo nên một Hàn Mạc Tử trong lòng người yêu thơ Việt Nam. Đúng như nhà phê bình Hoài Thanh từng nhận xét, đó là “một nguồn thơ rào rạt và lạ lùng”.
Nội dung liên quan
nguyễn bích phương