Những cột mốc quan trọng của trẻ trong giai đoạn 0-12 tháng tuổi

  1. Mẹ và Bé

Khi làm bố làm mẹ, được thấy con yêu vui vẻ, mạnh khỏe mỗi ngày là chúng ta đã hạnh phúc và mãn nguyện rồi đúng không? Lần đầu thấy con cười, lần đầu thấy con biết lật, lần đầu nghe tiếng con bi bô ríu rít,...cảm giác ấy chắc là sẽ luôn ở trong kí ức của chúng ta. 

Chính vì vậy, các bạn không thể bỏ qua bài viết này: Những cột mốc quan trọng của trẻ trong giai đoạn 0-12 tháng tuổi. Hãy đọc và ghi lại những thời điểm cần chú ý để biết bé yêu của mình có đang phát triển tốt hay không nhé!

Giai đoạn đầu tiên: 1-3 tháng tuổi

Đây là giai đoạn cơ thể và não bộ của trẻ sơ sinh đang bắt đầu tiếp nhận, làm quen với môi trường mới và học cách sống trong thế giới bên ngoài. Em bé có thể bắt đầu làm những hành động như sau:

  • Cuối tháng đầu tiên sau sinh, một trong những cột mốc quan trọng trong sự phát triển của trẻ đó là khả năng cố gắng nâng đầu lên 1 xíu khi được đặt bé nằm sấp. 
  • Tháng thứ 2, bạn sẽ thấy nụ cười đầu tiên của bé. Cuối tháng thứ 2, bé có thể nhấc đầu lên đến 45° và đặt tay bên dưới bụng khi được đặt nằm sấp
  • Cuối tháng thứ 3, bé bắt đầu bi bô, ríu rít do sự phát triển của dây thanh quản. 
  • Thính giác: Trẻ sơ sinh có thể nghe thấy và do đó bé cảm thấy bình tĩnh khi nghe giọng nói của cha mẹ. Hai tháng tuổi, trẻ đã biết quay đầu về phía phát ra âm thanh, mặc dù cử động của bé không chính xác hoặc chỉ gần đúng.
  • Thị giác: Khi mới sinh, bé thường không nhìn thấy rõ và đôi mắt của bé không thể tập trung vào một vật thể. Màu sắc tươi sáng, rực rỡ, hình thể rõ ràng và các vật thể lớn sẽ làm thu hút sự chú ý của bé nhiều hơn. Bé sẽ nhìn rõ gương mặt bạn vào cuối tháng đầu tiên. Các vật có màu sắc rực rỡ cách khoảng 3 bước chân vẫn khiến bé thấy thích thú. Trong hai tháng đầu tiên, nhãn cầu của bé vẫn chưa vào đúng vị trí, điều này khiến bạn cảm thấy bé giống như bé bị lé. Đến cuối tháng thứ 2, bé đã bắt đầu ghi nhận vật thể theo cả trục dọc, trục xoay và dần chú ý đến khuôn mặt. Cuối tháng thứ ba, bé đã phối hợp được giữa tay và mắt.
  • Giấc ngủ: Trong 2 tháng đầu, số giờ bé ngủ vào ban ngày sẽ bằng với ban đêm. Ví dụ, trẻ sơ sinh dưới 1 tháng thường ngủ tổng cộng 16 giờ, chia đều giữa ngày và đêm.https://cdn.noron.vn/2022/11/01/68308319014511099-1667276887.jpg

Giai đoạn thứ hai: 4-6 tháng tuổi

  • Tháng thứ tư: bé bắt đầu tập nói những âm tiết đơn giản như “Ah”, “Eh”, “Oh”… Đến cuối tháng thứ 6, bé bắt đầu biết xâu chuỗi những nguyên âm lại với nhau như “Aaoo” hoặc “Eeaa”. Điều này cũng đúng với những phụ âm như “Mh”, “Dh” và “Bh”. Bốn tháng tuổi, nhiều bé biết lật người từ ngửa thành sấp và ngược lại. Đến quá trình phát triển của trẻ sơ sinh tháng thứ 6, bạn sẽ thấy bé thực hiện những vòng lăn liên tục, đó là cách để bé di chuyển từ chỗ này đến chỗ khác. Lúc này, cơ bụng của bé đã đủ khỏe cho hoạt động này. Đến cuối tháng thứ 4, bé đã có thể ngồi thẳng lưng khi có sự hỗ trợ vì cơ cổ của bé đã phát triển đủ mạnh để tự nâng đầu lên. Đến tháng thứ 6, bé có thể tự ngồi mà không cần đến sự hỗ trợ
  • Đến tháng thứ 5: tầm nhìn xa của bé trở nên tốt hơn, bé bắt đầu nhận ra khuôn mặt quen thuộc. Lúc này, bé cũng biết mỉm cười khi nhìn thấy những người quen hoặc những món đồ chơi yêu thích. Thị giác màu sắc của bé đã phát triển như người lớn. 
  • Sau 6 tháng: bé bắt đầu khám phá thế giới xung quanh. Vì vậy, bé sẽ học được cách phối hợp giữa tay và mắt. bé không chỉ nhận biết được nguồn phát ra âm thanh mà còn phản ứng lại với âm thanh đó. Đây là bước phát triển quan trọng của bé. số giờ ngủ vào ban ngày sẽ giảm xuống chỉ còn 4 giờ và số giờ ngủ vào ban đêm là từ 8 – 9 giờ. Bé gần như đã kiểm soát được toàn bộ đầu của mình và có thể xoay qua xoay lại để quan sát mọi vật xung quanh. Bên cạnh đó, bé có thể tự nâng đầu, ngực và bụng khỏi mặt phẳng chỉ bằng hai tay hơi chụm vào nhau và ở tư thế này, bé có thể ngẩng đầu nhìn về phía trước, bé còn cố gắng dùng một tay để nâng người. Ở cột mốc phát triển của trẻ 6 tháng tuổi, bé bắt đầu có phản xạ với đôi tay. Lúc này, bé có thể nắm một vật từ một bề mặt bằng phẳng bằng tất cả các ngón tay. Bé sẽ đứng được và nhún nhảy khi có sự hỗ trợ, bé nhớ khuôn mặt của những người thân và bắt đầu cảm thấy khó chịu khi thấy người lạ. Đây cũng là độ tuổi mà bé có những hành vi khá kỳ lạ như nhút nhát, cáu kỉnh hoặc thân thiện.

https://cdn.noron.vn/2022/11/01/68308319014511100-1667276902.jpg

Giai đoạn thứ ba: 7-9 tháng tuổi

Bé bắt đầu tập bò 7 – 9 tháng. Tuy nhiên, các bước phát triển của bé cần được hoàn thiện vào cuối tháng thứ 9. Việc bé bắt đầu tập trườn, bò giúp cơ bắp của bé sẽ trở nên khỏe mạnh để đứng lên và bước đi.

  • Sau 7 tháng, bé sẽ hiểu rằng vật thể sẽ không biến mất khi được giấu dưới những vật thể khác. Vì vậy, bé bắt đầu thích các hoạt động che giấu và tìm kiếm. Chiếc răng đầu tiên xuất hiện chính là hai chiếc răng cửa ở hàm dưới khi bé được từ 7 – 8 tháng. Sau khi trẻ 7 tháng tuổi, bé đã bắt đầu biết di chuyển cơ hàm để nhai thức ăn và biết khép miệng khi được cho ăn bằng thìa. Đến cuối tháng thứ 7, bé biết dùng đầu ngón cái và ngón trỏ để nắm các vật nhỏ một cách nhẹ nhàng.
  • 8 tháng tuổi là một trong các mốc phát triển của trẻ dưới 1 tuổi đánh dấu sự phát triển của trẻ về mặt tình cảm quan trọng nhất. Trong giai đoạn này, bé hiểu rằng ba mẹ đem đến cho bé cảm giác ấm áp và an toàn. Đó là lý do tại sao bé thường khóc nhiều khi không thấy ba mẹ. Bé sẽ cảm thấy khó chịu khi được người lạ ôm. Tuy nhiên, bé vẫn sẽ thân thiện với những người thường xuyên chơi với bé. Một đứa bé 8 tháng tuổi sẽ tập trung chú ý được khoảng 3 phút nhưng lại tò mò về nhiều thứ mà bé thấy xung quanh. Lúc này bé có thể ăn được những món cứng hơn một chút
  • 9 tháng, bé bắt đầu bắt chước các cử chỉ. Đây là mốc phát triển quan trọng mang tính trí tuệ trong năm đầu tiên. Đến cuối tháng thứ 10, bé sẽ thông minh hơn. Ví dụ, nếu bạn giấu thứ gì đó trước mặt bé, bé sẽ bò lại và tìm cho ra vật đó. Những chiếc răng cửa ở hàm trên sẽ mọc khi bé được 9 – 10 tháng. Bây giờ bé biết cách cầm đồ ăn giữa ngón cái và ngón trỏ. Đây là lúc mà bạn nên tập cho bé ăn bốc. Cuối tháng thứ 9, bé biết xác định khoảng cách. Khả năng phối hợp tay và mắt tốt hơn khi bé biết bò. Đây cũng là giai đoạn mà bé thích các trò chơi như ú òa. Lúc này, não của trẻ bắt đầu xử lý âm thanh tốt hơn, bé biết bắt chước những âm thanh và tiếng ồn mà bé nghe thấy. Nhiều bé sẽ tự vịn vào vật cố định và đứng dậy, đứng yên một chỗ vào giai đoạn này

https://cdn.noron.vn/2022/11/01/981797915283294-1667277097.jpg

Giai đoạn đánh dấu sự trưởng thành của bé: 10-12 tháng tuổi

- Xã hội và tình cảm

  • Nhút nhát và tỏ ra lo lắng khi gặp người lạ;
  • Khóc khi mẹ hoặc bố rời đi;
  • Bày tỏ niềm yêu thích với người hoặc đồ vật nào đó;
  • Thể hiện sự sợ hãi trong một số tình huống;
  • Đưa cho bạn một cuốn sách khi bé muốn nghe kể chuyện;
  • Lặp lại âm thanh hoặc hành động để thu hút sự chú ý;
  • Đưa cánh tay hoặc chân ra để bố mẹ giúp mặc quần áo;
  • Chơi các trò chơi như trốn tìm hay vỗ tay.

- Ngôn ngữ/Giao tiếp: 

  • Phát ra những âm thanh đơn giản để đáp lại người khác;
  • Sử dụng những cử chỉ đơn giản, như lắc đầu hay vẫy tay chào tạm biệt;
  • Tạo ra một số âm thanh với sự thay đổi về âm điệu (nghe gần giống lời nói);
  • Nói “mama” và ”baba” thuần thục hơn và những câu cảm thán như “uh” “oh”;
  • Cố gắng nhại theo những lời mà người xung quanh đang nói.

- Nhận thức (học tập, suy nghĩ, giải quyết vấn đề):

  • Khám phá mọi thứ theo những cách khác nhau, như lắc, đập, ném;
  • Dễ dàng tìm thấy những đồ vật được đem giấu;
  • Nhìn vào hình ảnh hoặc đồ vật khi chúng được gọi tên;
  • Bắt chước theo cử chỉ của người khác;
  • Bắt đầu sử dụng mọi thứ chính xác hơn, ví dụ: uống từ cốc nước, chải tóc bằng bàn chải;
  • Đập hai vật vào với nhau;
  • Biết bỏ đồ vào thùng chứa và lấy đồ ra khỏi thùng;
  • Chọc, chỉ tay bằng ngón trỏ;
  • Có thể nhận biết được một số mệnh lệnh đơn giản

-Phát triển thể chất:

  • Đến vị trí ngồi mà không cần sự giúp đỡ từ người khác;
  • Dùng tay níu giữ đồ đạc để đi và đứng dậy;
  • Có thể tự đi được một vài bước;
  • Có thể đứng một mình.

https://cdn.noron.vn/2022/11/01/981797915283291-1667277082.jpg

Từ khóa: 

con yêu

,

phát triển

,

chăm sóc trẻ

,

mẹ và bé