NHỮNG BỘ PHIM LGBT CHẠM ĐẾN TRÁI TIM NGƯỜI XEM?

  1. Phim ảnh

Đồng tính không còn là một chủ đề xa lạ với xã hội, nhưng về mặt phim ảnh vẫn còn khan hiếm những bộ phim thật sự phim tinh tế, trầm lắng, đột phá và thay đổi được quan niệm xã hội. Dưới đây là một số bộ phim khai thác đề tài đồng tính nổi bật trong những năm gần đây.

1.    “Happy Together” (1997)

Được mệnh danh là “ câu chuyện tình yêu đồng tính kinh điển”, Happy Together của đạo diễn Vương Gia Vệ xoay quanh hai nhân vật Lê Diệu Huy và Hà Bảo Vinh cùng nhau bỏ lại Hong Kong để tìm đến một nơi hoàn toàn xa lạ với hy vọng củng cố mối quan hệ tình cảm vốn nhiều sóng gió của họ. Happy Together là một bộ phim gây ấn tượng cho khán giả bằng những tình tiết miêu tả tâm lý sâu sắc. Tuy nhiên, nó không đơn giản chỉ là một lời kêu gọi cho bình đẳng giới mà cao hơn, chính là những chiêm nghiệm về cuộc sống và tình yêu, sự mong manh của tình yêu, nỗi bất lực trong việc gắn kết con người với nhau. Bộ phim còn là bước đột phá của nền điện ảnh Trung Quốc năm 1997.

2. “Boys Don’t Cry” (1999)

Dựa trên câu chuyện có thật về cuộc đời Teena Brandon – “ một người đàn ông sống trong thân xác phụ nữ” bị cưỡng hiếp và giết chết, nữ đạo diễn Kimberley Peirce đã khiến câu chuyện tỏa sáng theo một cách riêng, vượt ra ngoài bi kịch cuộc đời của một người, trở thành câu chuyện về hạnh phúc và tự do. Bên cạnh đó diễn xuất tài tình của nữ diễn viên Swank cho khán giả thấy được những khía cạnh mới về sự kỳ lạ của bản chất đàn ông bên trong hình dáng một người nữ, và đưa ra một bức chân dung thẳng thắn về người chuyển giới, không một điều gì khiến họ phải sợ hãi hay xấu hổ về sự chân thành hay tính dục bên trong con người mình. Brandon cuối cùng đã bị giết chết, khi ước mơ bắt đầu cuộc sống mới với người mình yêu thương còn đang dang dở. Hai kẻ đã giết Brandon không chỉ là những tên sát nhân thông thường, chúng đại diện cho sự thiếu hiểu biết và kỳ thị trong xã hội. Chính bởi còn tồn tại những điều này và loài người thì vẫn luôn hành động bằng bản năng, nên cái chết của Brandon là một điều tất yếu. Với những thông điệp được truyền tải, “Boy Don’t Cry” xứng đáng trở thành một trong những tác phẩm điện ảnh về chủ đề đồng tính hay nhất mọi thời đại.

3. “Brokeback Mountain” (2005)

Nhận được đề cử khi được để cử Oscar năm 2005 - cách một thập kỉ trước khi hôn nhân đồng tính được hợp pháp hóa trên toàn nước Mỹ, “ Brokeback Moutain” với câu thoại nổi tiếng “ I wish I knew how to quit out you – Anh ước anh có thể biết làm sao để buông bỏ em” được chuyển thể từ truyện ngắn cùng tên của nhà văn Annie Proulx.Đạo diễn Lý An đã thể hiện tài năng tuyệt vời của mình khi vừa bám sát cốt truyện vừa khắc họa được một tình yêu nồng cháy và thống khổ kéo dài 20 giữa hai người đàn ông đã có gia đình. "“Brokenback Moutain"”xóa bỏ những nghi ngờ của xã hội về tình yêu đồng giới, sau cùng không còn quan trọng chuyện đó là hai người đàn ông yêu nhau nữa, cái duy nhất còn đọng lại trong đầu người xem đó là tình yêu giữa hai người.

4. “Blue Is The Warmest Color” (2013)

Chiến thắng Cành cọ vàng ở Liên hoan phim Cannes, “ Blue is the Warmest Color” là tác phẩm xuất sắc kể về chuyện tình yêu của Adele (Adèle Exarchopoulos), cô nữ sinh 17 tuổi loay hoay với bản năng của mình. Cuộc sống và con người Adele mất phương hướng cho đến khi Adele vô tình gặp cô gái học mỹ thuật Emma người có mái tóc xanh nổi loạn ở giữa ngã tư đường. Emma mang lại cho Adele một tình yêu thực sự, Adele tặng cho Emma nỗi khắc khoải về cái gọi là “người đặc biệt”. Câu chuyện tình yêu của Emma và Adele cũng là một trong những kịch bản tình yêu kinh điển. Sa vào nhau, điên cuồng, nồng nhiệt, thấu hiểu, bất hòa, tan vỡ và gặp lại. Nhưng khi gặp lại nhau, họ nhận ra ở người kia một con người hoàn toàn mới, một con người mà họ chưa từng nhận ra, hoặc giả đã nhận ra, nhưng vẫn bất ngờ khi gặp lại. Một mối tình đã qua đọng lại nhiều đau khổ, nhưng trong nỗi đau khổ ấy ta tìm được những mảnh tình yêu nhỏ bé, ấm áp, đủ sức sưởi ấm cho ta vượt qua nỗi cô đơn, đủ sức là ta mỉm cười và hạnh phúc. Đó chính là sắc xanh ấm nhất.

5. “Carol” (2015)

Lấy bối cảnh thập niên 1950 – khi xã hội vẫn còn nhiều định kiến với tình yêu đồng giới, “ Carol” kể lại câu chuyện tình của hai người phụ đẹp: Therese Belivet và Carol Aird. Bộ phim đôi khi đơn thuần là một sự lựa chọn. Không phải Therese, không phải người chồng giàu có, sự lựa chọn cuối cùng của Carol chính là bản thân mình. Sau tất cả, Carol nhận ra rằng cô chỉ có thể thật sự yêu thương một ai đó nếu trước hết cô biết cách chấp nhận và yêu thương chính mình. Tiếp cận đề tài đồng tính một cách rất nhân văn và nhẹ nhàng, không lên gân cốt như nhiều tác phẩm cùng thể loại, bộ phim đem lại cảm giác nồng ấm, dịu dàng và mơ mộng với những thước phim đẹp lung linh đồng thời cũng khiến khán giả mở lòng, đón nhận thông điệp về bình đẳng giới một cách hiệu quả.

6. “Moonlight” (2016)

Đánh bật “ LaLa Land “ trên đường đua Oscar 2017, “ Moonlight” thật sự là một bản sonata cuộc đời của cộng đồng người da màu nhỏ bé thông qua cậu bé da đen đồng tính Chiron. Không ôm đồm những triết lý sâu xa về thời cuộc, cũng chẳng hô hào thay đổi thế giới, “ Moonlight” khắc họa lại 3 giai đoạn cuộc đời cậu bé Chiron - nơi mà ở đó, chúng ta thấy được tầm quan trọng trong cách quan tâm của cha mẹ, sự may mắn khi có được một người thầy thật sự, về bạo lực học đường, về những khám phá giới tình và về tình yêu. Bộ phim là một tác phẩm thuộc hàng xuất sắc về đề tài đồng tính trong lịch sử Hollywood, với câu chuyện cảm động về những người đi tìm tình yêu, đi tìm lấy lẽ sống cho chính bản thân.

7. “Call me by your name” (2017)

Nổi lên như một hiện tượng vào cuối năm 2017, “ Call me by your name “ là câu chuyện về mối tình đầu của cậu trai Elio. Giống như mọi mối tình đầu khác, tình yêu của Elio cùng Oliver nồng nhiệt, say đắm nhưng cũng khắc khoải với kết thúc không đến được với nhau. Đạo diễn Luca Guadagnino đã xuất sắc biến câu chuyện vừa thơ ngây vừa đầy nhục cảm trong tiểu thuyết gốc của André Aciman thành cuốn phim đẹp và buồn. Tinh thần tự do, phóng khoáng cùng cung bậc cảm xúc đa dạng của tình yêu phảng phất trong những bộ trang phục thoải mái của nhân vật và những mảng màu pastel thanh nhã, đầy hoài niệm. “ Call me by your name” chỉ đơn thuần là một câu chuyện tình yêu, nhưng khiến người ta cứ phải hoài niệm khi nhớ về. Người ta sợ nhớ đến đớn đau, sợ nhớ đến phiền muộn; chứ sẽ không ai sợ khi nhớ đến một chuyện tình dở dang. Vì ít nhất tình yêu thật đẹp, đó là thông điệp phổ quát nhưng dễ đi vào lòng người: con người chỉ sống một lần trên đời, nên hãy dành tuổi trẻ để yêu và sống hết mình trước khi thời khắc ấy trôi qua, mãi mãi không còn trở lại.

8. “Love, Simon” (2018)

Thành công của “Carol” , “Blue is the Warmest Color”,” Moonlight” và mới đây nhất là “Call Me By Your Name” đã biến dòng phim về đồng tính trở nên gần gũi với khán giả hơn. Đến từ ông lớn 20th Century Fox, “ Love,Simon” là câu chuyện tuổi học trò nồng ấm rực rỡ xen lẫn với chuyện tình đồng tính nhẹ nhàng trong sáng của cậu chàng Simon. Simon có một cuộc sống bình thường giống như tất cả những người bình thường xung quanh, thế nhưng thế giới của cậu giống như một vòng xoay lớn lên cao rồi xuống tận đáy tất cả vì bí mật lớn mà cậu che giấu : Simon là gay. Chỉ vì muốn bảo vệ bí mật này, Simon khiến cuộc đời cậu rối tung lên. Mạch phim là hành trình gỡ rối cuộc đời của một cậu học sinh trung học đan xen những tình cảm đồng giới nhẹ nhàng và sâu lắng. “ Love, Simon” với câu hỏi “ Tại sao chỉ có người đồng tính cần được tiết lộ?” chính là thông điệp mạnh mẽ nhất cổ vũ mỗi chúng ta kể cả đồng tình hay dị tính đứng lên, tiết lộ và được sống đúng với bản thân chúng ta. Bởi vì sau cùng, mỗi chúng ta đều xứng đáng có được một chuyện tình tuyệt vời, như Simon. "Love, Simon" đang được chiếu ở tất cả các rạp trên cả nước từ ngày 11/05.

Từ khóa: 

phim kinh điển

,

love simon

,

lgbt

,

phim ảnh

top những phim trên phim nào cũng hay. mình muốn bổ sung thêm phim Dear Ex(2018) và Cái tên khắc sâu trong tim người (2020)

Trả lời

top những phim trên phim nào cũng hay. mình muốn bổ sung thêm phim Dear Ex(2018) và Cái tên khắc sâu trong tim người (2020)