Những bài tập thể dục thích hợp cho người cao tuổi
Sức khỏe luôn là một trong những mối quan tâm được ưu tiên hàng đầu của con người, đặc biệt là ở những người cao tuổi. Việc rèn luyện thể dục thể thao để giữ một cơ thể dẻo dai, khỏe mạnh tất nhiên là vô cùng quan trọng. Nhưng bạn có biết, những nhóm độ tuổi khác nhau sẽ phù hợp với những hình thức vận động khác nhau?
Bài viết này sẽ tập trung đưa ra một số những bài tập thể dục và dưỡng sinh phù hợp với người cao tuổi. Bạn đọc có thể tham khảo để chia sẻ lại với người thân trong nhà, hoặc tự áp dụng cho chính mình.
Nguồn: VTV Cần Thơ
Người cao tuổi nên tập thể dục như thế nào?
Để xác định được những phương pháp tập luyện thích hợp một cách chính xác, trước hết chúng ta cần phải hiểu được những đặc điểm của cơ thể người cao tuổi, cùng những căn bệnh hoặc triệu chứng mà họ có thể mắc phải.
Ở cơ thể người cao tuổi:
- Chức năng hô hấp thường suy giảm dẫn đến khả năng vận chuyển oxy của hồng cầu suy yếu, khiến quá trình lão hóa diễn ra nhanh chóng.
- Tình trạng loãng xương, viêm khớp, thoái hóa khớp...rất thường gặp, gây đau đớn và hạn chế vận động.
- Dễ bị tác động bởi thời tiết, dễ cảm lạnh, mệt mỏi...
Nguồn: healthplus.vn
Vì những đặc điểm trên, theo các bác sỹ, người cao tuổi cần chú ý tránh các vận động mạnh, vì chúng vừa dễ gây tổn thương xương khớp và nội tạng, vừa thúc đẩy quá trình oxy hóa khiến cơ thể lão hóa nhanh hơn. Người cao tuổi nên tập trung vào các bài tập và động tác uyển chuyển, nhẹ nhàng, hoặc tập hít thở, thiền định. Bạn đọc có thể tham khảo danh sách cụ thể sau đây.
Phương pháp tập thể dục dành cho người cao tuổi
1/ Tập hít thở
Người tập có thể áp dụng bài tập hít thở đơn giản gồm 4 bước sau:
- Bước 1: hít sâu bằng mũi.
- Bước 2: thở sâu bằng miệng.
- Bước 3: hít sâu bằng miệng.
- Bước 4: thở sâu bằng mũi.
Bài tập này vừa nhẹ nhàng, vừa dễ tập, vừa có thể giúp điều hòa và lưu thông máu trong cơ thể, giúp cơ thể khỏe mạnh, tinh thần trở nên phấn chấn và trí óc minh mẫn hơn.
Người tập cần lưu ý không tập quá sức, khi mới bắt đầu chỉ cần thực hiện 4 lần hít-thở là đủ. Chỉ tập bài này khi đang trong tư thế ngồi, lưng thẳng, cơ thể thả lỏng, đầu óc thư giãn.
Nguồn: Xa Luan
2/ Xoa bóp các huyệt đạo
Người tập có thể tự xoa bóp các huyệt đạo trên đầu, thái dương, các huyệt đạo xung quanh mắt, tai, miệng, gáy, trên bàn tay hoặc bàn chân. Việc xoa bóp các huyệt này giúp máu huyết lưu thông, đồng thời còn có thể phòng chống được những căn bệnh tiềm ẩn.
Người tập cần chú ý trong quá trình xoa bóp, chỉ sử dụng lực vừa đủ mạnh, và nên dùng lòng bàn tay để có thể tránh gây tổn thương cho da.
Nguồn: Soha
3/ Các bài tập làm khớp dẻo dai
Người tập, đặc biệt là nhóm người tập cao tuổi, có thể áp dụng những bài thể dục khởi động của các học sinh để giúp giữ độ dẻo dai cho các khớp tay, chân trên cơ thể mình. Những bài như xoay cổ tay, chân, gập duỗi khớp gối, xoay khớp cổ và cánh tay, v.v...
Người tập nên dành ra khoảng 30-45 phút mỗi sáng để thực hiện những bài tập này. Mỗi một bài tập có thể thực hiện 7 nhịp, sau đó đổi chiều (xoay) và chuyển sang động tác kế tiếp.
Nguồn: Chuyên trang tư vấn sức khỏe cộng đồng
4/ Đi bộ thể dục
Khi đi bộ thể dục, người tập cần chú ý không nên đi quá nhanh hoặc bước quá gấp, mà chỉ nên đi với tốc độ phù hợp với thể trạng của bản thân. Khi đi cần chú ý vung tay thật đều và thoải mái, lưng thẳng và mắt nhìn phía trước, tránh khom lưng. Đây là một bài tập tương đối tổng quát và toàn diện, lại dễ thực hiện.
Một lưu ý là, vì cơ thể người cao tuổi rất dễ bị tác động bởi thời tiết, tình trạng giao thông trên đường phố cũng không được tốt, nên bạn đọc có thể cân nhắc việc mua sắm máy chạy bộ để tập ở nhà.
Nguồn: BBC
5/ Bơi lội
Có thể nói bơi lội là một trong những phương pháp rèn luyện thân thể toàn diện nhất. Nguyên nhân là vì khi bơi, gần như toàn bộ các nhóm cơ bắp và xương khớp trên cơ thể chúng ta đều được vận động. Ngoài ra, bơi lội cũng là một phương pháp rèn luyện thể lực mà không gây tác động mạnh đến các khớp xương, bởi vậy nên vô cùng thích hợp với người tập cao tuổi.
Nguồn: Dissolve
6/ Yoga hoặc Tai-chi (Thái Cực Quyền)
Những môn như Yoga hoặc Tai-chi vừa giúp người tập co dãn các nhóm cơ xương trên cơ thể, vừa giúp tăng khả năng giữ thăng bằng, vừa giúp cho đầu óc của người tập được nghỉ ngơi, thư giãn. Thế nên, việc các bác sỹ thường khuyên những người tập cao tuổi đăng ký tập luyện ở các trung tâm Yoga hoặc các nhóm tập Tai-chi tại công viên cũng không có gì là quá khó hiểu.
Người tập cần chú ý tránh các động tác quá phức tạp và khó thực hiện, đặc biệt là đối với nhóm người tập cao tuổi, vốn có khả năng vận động cơ thể tương đối hạn chế.
Nguồn: healthplus.vn
7/ Thiền định
Cuối cùng, thiền định cũng là một trong những bài tập thích hợp nhất cho nhóm người tập cao tuổi. Thiền định có thể mang lại cho người tập rất nhiều lợi ích: giúp tâm trí thư giãn, tinh thần sảng khoái, cải thiện khả năng tập trung và ghi nhớ, đồng thời còn có khả năng phòng chống các bệnh tim mạch, giúp ổn định huyết áp và kiểm soát đường huyết, v.v...
Thiền định đôi khi được cho là một phương pháp khó tập luyện, âu bởi nó đòi hỏi ở người tập một trạng thái rất "tĩnh", nhưng những người tập cao tuổi thường không gặp quá nhiều khó khăn cho việc này. Ngoài ra, thiền định giúp cơ thể hấp thụ được năng lượng của trời đất, nên còn có thể giúp người tập đi ngược lại quá trình lão hóa và càng ngày càng trẻ trung hơn.
Nguồn: Ongbachau.vn
Lời kết
Việc rèn luyện thể trạng là vô cùng quan trọng đối với người cao tuổi. Cá nhân bạn đọc đã từng thực hiện, hoặc có người thân trong gia đình mình thực hiện những bài tập trên? Hãy cùng chia sẻ trong phần bình luận dưới đây nhé!
Nguồn: