Nhớ mùa xuân Tây Bắc
Đã lâu lắm rồi, có lẽ chính xác là từ khi lấy chồng mình đã không còn được “ăn Tết ở Tây Bắc”, để được tận hưởng và cảm nhận trọn vẹn không khí, thời tiết rất riêng có của mùa xuân nơi đây. Trong những ngày Tết, nhìn bạn bè tíu tít trở về, chia sẻ về dư vị mùa xuân Tây Bắc lòng mình không khỏi xốn xang, bồi hồi nhớ về những ngày Tết xưa.
Mình sinh ra và lớn lên vào đầu những năm 80 - cái thời mà kinh tế còn nhiều khó khăn. Bố mẹ mình đều làm việc trong các cơ quan nhà nước với đồng lương eo hẹp. Vì vậy mà Tết với mình là một cái gì đó rất xa xỉ khi được ăn bánh Chocopie, được uống café hòa tan hãng Vinacafe (loại cà phê hòa tan duy nhất thời đó), được thưởng thức những “món ngon mẹ làm” như thịt gác bếp, món lòng dồi của bố…và tất nhiên không thể thiếu bánh chưng, dưa hành những đặc sản ngày Tết cùng với không khí đầm ấm, sum họp gia đình.
Mình còn nhớ, ngày Tết nhiệm vụ chính mình được mẹ giao bao giờ cũng là rửa lá dong để gói bánh chưng. Giữa cái rét căm căm, tê tái của núi rừng mình thường cùng cô em gái ra con suối sau nhà để rửa lá gói bánh. Ngày đó, dòng suối vẫn còn trong và sạch chứ không ô nhiễm như bây giờ nên các gia đình đều coi như đó là nguồn nước để tắm giặt, sinh hoạt hàng ngày (bên cạnh nguồn nước máy).
Xưa, Tết đến nhà nào cũng đều gói bánh chưng với không khí hết sức khẩn trương, nhộn nhịp. Bánh chưng thường không được gói sớm như bây giờ mà bao giờ cũng để đến ngày giáp Tết (thường thì ngày 29 mới bắt đầu công đoạn chuẩn bị và gói bánh, luộc vào ngày 30 và để làm sao có thể vướt trước đêm giao thừa). Các gia đình gần nhau có thể cùng góp gạo, góp công, góp sức luộc chung nồi bánh. Khi đó, chị em mình thường lon ton, lăng xăng bên cạnh và cũng mày mò làm cho mình cái bánh be bé, xinh xinh với lòng đầy háo hức.
Ngày Tết mẹ cũng thường chuẩn bị nhiều món ăn như: mứt trứng chim, kẹo lạc, dưa hành, thịt đông, canh măng và nhất là món thịt gác bếp – đặc sản miền Tây Bắc. Thịt gác bếp thường không sẵn nhà làm như bây giờ và cũng chưa trở thành món hàng hóa được buôn bán tấp nập trên thị trường. Các gia đình sẽ thường tự làm riêng cho mình và chỉ đến Tết mới được thưởng thức. Ngày giáp Tết mẹ thường mua thịt trâu, bò, lợn tươi về, từ công thức của dân tộc Thái học được, mẹ ướp với các loại gia vị riêng có và để trên gác bếp. Thịt sẽ chín dần và khô lại nhờ nhiệt nóng từ lửa than hồng được đun nấu hàng ngày. Sau chừng khoảng 7 – 10 ngày là ăn được. Miếng thịt gác bếp với mùi thơm ngậy, ngọt, dậy mùi hương vị mắc khén thường luôn hấp dẫn, lôi cuốn lòng người.
Sáng ngày 30 Tết mọi công việc chuẩn bị Tết đã hòm hòm. Bố thường ra chợ sớm kiếm bộ lòng ngon về chế biến cho cả nhà cùng thưởng thức. Bố rất khéo tay và nấu ăn ngon nên mình luôn thích được ăn các món ăn bố nấu. Lòng dồi sau khi nhồi, luộc cùng với sáo dải, gan, phổi…bắc ra vừa nóng hôi hổi, thái nhanh trên thớt, cả nhà cùng quây quần bên bếp lửa và cùng ăn. Chao ôi, ngon thiệt là ngon!
Đến buổi chiều chợ gần đã đóng cửa hết. Ngoài đường chỉ còn ít người qua lại, vội vã trở về nhà. Mình thích nhất là không khí chiều tối 30 Tết: đường phố vắng lặng, yên bình các gia đình quây bầy bên mâm cơm chiều cuối năm, cùng nhau chuẩn bị cho lễ cúng giao thừa. Sau bữa ăn tối, mẹ chuẩn bị đồ xôi luộc gà, bố chuẩn bị pháo đốt…Chị em mình rộn ràng, xum xoe quần áo mới để chuẩn bị đón giao thừa, thời khắc thiêng liêng, chuyển giao của đất trời. Một mùa xuân mới đã về trên miền Tây Bắc và năm nào bà nội cũng ghi lên cửa bếp dòng chữ “Năm mới thắng lợi mới”…
Tây Bắc mùa nào cũng đẹp nhưng có lẽ đẹp nhất là mùa xuân. Mùa xuân hoa mơ, hoa mận nở trắng rừng – một vẻ đẹp riêng có không thể lẫn vào đâu được của miền sơn cước. Đào Tây Bắc là giống đào phai, cành to khỏe, được phát triển trong thời tiết khắc nghiệt của mùa đông. Phải chăng vì thế mà nó luôn có sức sống dẻo dai, như lòng quả cảm, kiên cường của con người Tây Bắc vậy. Tết đến Xuân về nhà nào cũng cố gắng sắm cho mình một cành đào Tây Bắc đặt trong nhà. Tết mà không có cành đào là coi như chưa có Tết. Vì vậy, dù đã 10 năm xa quê nhưng bố mẹ mình không năm nào là không có đào Tây Bắc trong nhà.
Nhớ về mùa xuân Tây Bắc, nhớ cái lạnh buốt giá len lỏi vào trong da thịt, nhớ không khí Tết đầm ấm bên gia đình, nhớ tiếng rộn ràng vui ca từ các bản làng…
Ghi chép nhanh trong một buổi sáng mưa lạnh đầu tuần tại Hà Nội, trước giờ vào lớp…