Nhìn lại hành trình 20 năm kể từ ngày Counter-Strike ra mắt.
Nhân dịp Counter-Strike (CS) tròn 20 năm tuổi, chúng ta cùng nhìn lại chặng đường mà tựa game đình đám này đã trải qua và ôn lại một chút về tuổi thơ dữ dội của đại đa số những 8-9x nhé!
Cái ngày mà các nước trên thế giới hội nhập Internet, nó kích thích người ta cái gọi là khám phá cái mới, những thứ kiến thức bất tận trên "Mạng" ngày ấy. Song song đó, những trò chơi OnLAN hay Online bắt đầu ra đời với những tựa game kinh điển StarCraft, DotA hay chính bản thân Counter-Strike cũng được ra đời vào thời gian đó.
Counter-Strike 1 (1999)
Counter-Strike tiền thân là tựa game Half-life 1 được Valve phát hành vào năm 1998 và một năm sau đó thì CS với tư cách là một bản mod xuất hiện. Cái chính ở đây, bản mod được thực hiện bởi một chàng trai gốc Việt - Lê Minh. Lê Minh đã ấp ủ dự định này sau khi tung ra loạt trò chơi bắn súng "Action Quake 2" và anh hợp tác cùng với Jess Cliffe trong dự án CS này.
Hình ảnh Lê Minh (áo màu sậm) bên chiếc máy tính cũ kỹ của gia đình.
Đoạn chat được mô phỏng lại khi Minh (Gooseman) và Cliffe trao đổi với nhau trên ICQ# năm ấy.
Điều đáng nói hơn, trước khi Valve cho ra mắt phiên bản mà các lập trình viên có thể sửa đổi, Minh và Cliffe đã miệt mài tạo hình nhân vật và cơ cấu bản đồ - nó không phải là sở trường của họ và họ cũng không được trả một đồng lương nào, nó bắt đầu bằng cả một niềm đam mê vô tận.
Sau sáu tháng miệt mài làm việc, thứ bảy ngày 19/6/1999, phiên bản thử nghiệm đầu tiên của Counter-Strike được phát hành dưới tên gọi BETA 1.0. Có hơn 16.000 đã chơi sau một tháng ra mắt và con số không dừng lại ở đó!
CS là dòng game đầu tiên về thể loại bắn súng góc nhìn thứ nhất đa người chơi, cốt truyện của nó khá đơn giản: Counter Terrorists (CT) sẽ làm mọi cách ngăn chặn Terrorists (T) đặt bomb hay cứu con tin khi bị Terrorists bắt giữ. Đơn giản nhưng lại cuốn hút, 2 triệu người từ khắp nơi trên thế giới tham gia chơi trong một năm tung bản BETA là con số không biết nói dối về sự cuốn hút của tựa game này!
Rồi CS du nhập tới Việt Nam với tên gọi thân thuộc: "Háp Lai", ngày ấy thì làm gì có khái niệm mua game bản quyền như bây giờ mà ra tiệm phần mềm mua một đĩa đem về cài hoặc nhanh gọn là ra tiệm net mà chơi và tất nhiên, đĩa cũng chỉ là game được bẻ khóa (crack).
Game crack thì chỉ chơi được OnLAN nên các máy có một đường dây mạng có thể kết nối và chơi với nhau.
Chúng tôi thường rủ những anh em trong xóm trốn nhà đi đánh điện tử, đó chắc chắn là cảm giác rùng rợn khi nhỏ trong mỗi lần nghĩ lại. Cứ thử tưởng, mỗi lần bị bắt tại trận ở quán chúng tôi sẽ bị bố hoặc mẹ đánh một trận tơi bời. Dẫu bị no đòn nhưng cái thứ cảm xúc mà Counter-Strike mang lại luôn là cái gì đó rất cuốn, tôi sẽ sẵn sàng bỏ qua những lời đe dọa từ người lớn mà đi chơi nó.
Mỗi khi ra hàng net thời đó, người ta sẽ bắt gặp những thanh niên ngồi cởi trần đeo tai phone gác chân lên ghế hét vang cả quán:
"Ra chợ bắn nhau đê"
"Nó núp sau thùng kìa cẩn thận"
"Giết nó nhặt Mờ 4 (hay AK) cho tao"
....
Tạm dịch những câu nói trên:
"Map huyền thoại cs_italy có một đoạn gọi là chợ, nơi những tay súng đọ tay to ngoài ấy"
"Có những thanh niên bắn hơi kém nên dùng tuyệt chiêu núp lén móc lốp"
"Người chơi bên CT có thể mua M4A1 nhưng lại thích nhặt AK từ T rơi ra" (và ngược lại, đây là một trong những nghịch lý khó hiểu từ trước tới giờ).
Hình ảnh những thanh niên ngồi trong quán và chơi tựa game CS ngày ấy tại Việt Nam
Thao tác rất nhanh, gọn. Mỗi lần vào game, tay cứ xoẹt xoẹt loạt phím "B-4-2" để mua được khẩu AK-47 ở Terrorists hay "B-4-3" là khẩu M4A1 bên Counter Terrorists, "B-4-6" là súng ngắm,... cứ thế chúng tôi lao vào trò chơi theo một thứ gọi là chất gây nghiện.
cs_italy là map huyền thoại của thế hệ 8-9x
Đây có lẽ là con vật đáng thương nhất game, chả làm gì cũng bị "làm gỏi" bắn - giết gà chính là thú vui của mọi người chơi.
Sau thành công của CS 1, nhóm của Lê Minh đã làm việc cật lực sau 6 năm tiếp theo để ra mắt Counter-Strike 2 nhưng thất bại, CS2 được cất vào kho nhưng vào năm 2013 nó được ra mắt lại với tên gọi Counter-Strike Online 2 nhưng không được mọi người đón nhận, Minh đã thôi làm ở Valve vào năm 2006.
Và những series Counter-Strike được Valve phát hành sau đó:
Counter-Strike: Condition Zero (2004)
Counter-Strike: Source (2004)
Counter-Strike: NEO (2004)
Counter-Strike: Online (2007)
Counter-Strike: Online 2 (2013)
Counter-Strike x Nexon: Zombie (2014)
Những series sau này vẫn không có được thành công vang dội như CS1, các giải đấu người ta vẫn dùng phiên bản CS 1.6 để thi đấu và cho đến khi Valve tung ra phiên bản Global Offensive...
Counter-Strike: Global Offensive (2012)
Công bằng mà nói, sau những phiên bản được coi là thất bại, Valve cuối cùng đã ra mắt một phiên bản mà có thể vượt mặt người đàn anh CS 1, liên tục những giải đấu, những tổ chức bắt đầu chi tiêu mạnh tay để đầu tư vào những đội thi đấu tựa game CS:GO này.
Những giải đấu triệu Đô được phát trực tiếp trên sóng và hàng chục ngàn người đến xem chính là sự cuốn hút của CS:GO
"Biển người" đang đến xem 1 giải đấu CS:GO.
Với đồ họa cực kỳ đẹp, những map thông dụng tại CS 1 như Dust2, Inferno, Train, Cobblestone được làm lại một cách tỉ mỉ, nhân vật đẹp, tính vật lý của game,... tạo nên một CS:GO cuốn hút người chơi.
Những player có tiếng tại CS 1 cũng bắt đầu chuyển sang CS:GO dần, tựa game CS 1 đã chính thức đi vào dĩ vãng, kết thúc một triều đại và bước sang một triều đại của người đàn em Global Offensive!
Nikola "NiKo" Kovač (1997) là một trong những player trẻ tuổi của CS 1 giờ đã sang thi đấu tại CS:GO
Ở Brazil, CS:GO có thể được coi là môn thể thao phổ thông chỉ sau bóng đá! Trong khi những đứa trẻ chưa đạt tuổi đôi mươi đã thành thạo tựa game này và thi đấu giải chuyên nghiệp hay bán chuyên; không chỉ những đứa trẻ, những cầu thủ nổi tiếng như Neymar, Casemiro cũng "go pro" tựa game này!
Có thể thấy: Casemiro, Coutinho, Willian, Gabriel Jesus đang cùng Neymar chơi tựa game CS:GO
Hình ảnh Neymar cùng đồng đội "diễn" lại cảnh bị dính lựu đạn choáng trong game khi ăn mừng bàn thắng!
Cả đội MiBR (Made in Brazil) được Casemiro mời đến xem một trận đấu của Real Madrid, player của MiBR là TACO được vinh dự chụp hình chung với người đồng hương.
Còn ở Đan Mạch, thủ tướng Lars Løkke Rasmussen đã cùng chơi CS:GO với đội tuyển Astralis, điều đó cho thấy sức lan tỏa không thể phủ nhận của tựa game bắn súng này!
Sau 20 năm, Counter-Strike ngày càng được lan tỏa tới các nước, họ coi Counter-Strike không chỉ còn đơn thuần là một tựa game bắn súng giải trí và với một số người, Counter-Strike có thể là một tôn giáo!
Và cuối cùng, chúc mừng Counter-Strike đã tròn 20 năm tuổi!
counter-strike
,game online
,kỷ niệm
,game
Mình là fan của game này, quá tuyệt vời!
Nguyenphuhoang Nam
Mình là fan của game này, quá tuyệt vời!