Nhặt rác ở Miến Điện
Tớ vừa trở về sau ba tháng rưỡi sống và lang thang ở Myanmar. Đó quả là một quãng đời kỳ diệu. Nó vừa giống một giấc mơ thật dài và thật đẹp, lại giống như một hành trình chữa lành, thanh lọc tâm trí. Chuyến đi bắt đầu bằng một dự án thiện nguyện vì môi trường, với những ngày hăm hở đi nhặt rác tại một ngôi làng cứu trợ có tên Thabarwa Nature Center ở Thanlyin. Nhưng khi kết thúc, tớ thấy mình không còn đi nhặt những mảnh rác hữu hình kia nữa, mà thay vào đó là chậm rãi nhặt nhạnh từng mảnh rác thải tâm hồn.
* * *
Ủa, vậy Việt Nam thiếu rác để nhặt hay sao mà phải sang tận Miến Điện nhặt rác??
Thực ra ban đầu tớ đến với dự án này không phải là để nhặt rác. Nhặt rác chỉ là một phần phụ nhỏ trong một kế hoạch lớn và dài hơi hơn của những người đứng đầu dự án, bao gồm: xây dựng nhà theo mô hình nhà sinh thái Earthship, sang sửa hệ thống đường cống và làm sạch các bãi rác tại làng Thabarwa. Cái tớ quan tâm lúc đầu là về mô hình nhà Earthship này, dự tính sẽ theo dự án đến cùng cho tới khi nhà được xây xong, để có thể trực tiếp chứng kiến mô hình này có những ưu nhược điểm gì, thực tế áp dụng ra sao. Nhưng dự án từ lúc mới bắt đầu đã có rất nhiều chuyện xảy ra. Mảng xây nhà Earthship tới giờ vẫn chưa triển khai được, và công việc của bọn tớ trong những tháng ở Thabarwa chủ yếu xoay quanh dọn rác ở các bãi rác lớn cũng như trong hệ thống đường cống thoát nước.
* * *
Giới thiệu một chút về Thabarwa. Thật ra đây là một thiền viện được lập nên bởi thiền sư Sayadaw Ashin Ottamathar. Trung tâm được thành lập vào năm 2008. Đó là thời điểm chính trị của Myanmar không ổn định, nhiều người già người bệnh, những người không nơi nương tựa, không chỗ ở, không thức ăn. Ban đầu, cả trung tâm chỉ là một cái chòi trên một mảnh đất nhỏ được cúng dường ở Thanlyn để thiền sinh sinh hoạt và cưu mang những người khó khăn, đáp ứng nhu cầu tối thiểu cho họ. Theo những chuyến đi khất thực và giảng pháp liên tục của Thầy, càng ngày càng có nhiều người tị nạn tới Thabarwa, cũng càng ngày càng có nhiều nhà hảo tâm muốn ra tay giúp đỡ. Từ một cái chòi nhỏ, trung tâm mở rộng ra thành làng cứu trợ với đầy đủ bệnh viện, nhà dưỡng lão, và trường học. Hiện tại, sau 11 năm, làng Thabarwa đang là nơi cưu mang cho khoảng 18.000 người.
Vì được xây dựng để đáp ứng nhu cầu cấp bách như vậy, nên trừ các tòa nhà lớn, nhà cửa, đường xá tại làng Thabarwa đều được xây dựng một cách khá tạm bợ. Lại thêm dân số đông nên vấn đề ô nhiễm môi trường tại đây đặc biệt nghiêm trọng. Để hiểu rõ hơn về vấn đề này, tớ nghĩ cần chia sẻ một chút góc nhìn về thực trạng môi trường tại Miến Điện hiện tại.
Cũng giống như Việt Nam của nhiều năm trước, Myanmar cũng từng có thời kỳ không cần xe rác. Bởi tất cả rác thải lúc bấy giờ đều là rác thải hữu cơ, dù có vứt bỏ xuống đất hay đổ ra sông biển thì tự nhiên vẫn sẽ hào phóng tiếp nhận. Nhưng về sau này, đặc biệt là sau khi Myanmar mở cửa, hàng hóa nhập vào ồ ạt. Đi cùng với tiện nghi là một lượng rác thải khổng lồ. Những ngày đi khắp Myanmar, tớ mới thấy vấn đề ô nhiễm ở đây còn đáng sợ hơn Việt Nam. Vì đồ dùng một lần có mặt khắp nơi. Đa phần đồ dùng trong quán KFC đều là đồ một lần. Bao bì nhựa túi nilon bị lạm dụng tới mức đáng sợ. Hầu như mọi hàng hóa, dù đã được đóng gói trong hộp nhựa đàng hoàng vẫn được bọc thêm một lớp nilon. Thậm chí có lần đi dạo trong một chợ cóc của Yangon, tớ thấy người ta còn bọc mỗi một quả ngô bao tử vào trong một cái túi nhỏ. Sự lãng phí cực điểm này khiến tớ rùng mình. Cơn bão tiện nghi và lãng phí thì ra đã càn quét cả những quốc gia bị coi là chưa phát triển, chưa xây dựng được hệ thống thu gom và xử lý rác thải. Ngoại trừ vài thành phố lớn, hầu khắp những nơi tớ đi qua đều thấy rác có mặt khắp nơi.
Một trong các bãi rác tại Thabarwa
Tình hình đặc biệt nghiêm trọng ở những nơi có hệ thống đường cống hở như Thabarwa (mà đa phần các vùng tớ đi qua đều sử dụng hệ thống đường cống hở này), người dân không có nơi đổ rác, thường tiện tay xả rác thẳng xuống đường cống, liên tục gây tắc nghẽn và ô nhiễm. Chưa kể, ở Thabarwa còn có một khu vực gọi là Làng 15 feet, đây là nơi cưu mang phần lớn người tị nạn, nhà ở của họ đa phần là kiểu nhà sàn xây bằng tre, lợp bằng lá. Mỗi ngôi nhà có diện tích chỉ tầm 15 feet nên khu vực này mới có tên như vậy. Không có nơi đổ rác, người dân đổ rác các bãi đất trống quanh làng thành các bãi rác công cộng, hoặc đổ rác ra mảnh đất sau nhà mình, hoặc đổ thẳng xuống nền đất lõng bõng nước dưới chân nhà sàn. Khu vực này cũng chưa có hệ thống thoát nước, mà người dân chỉ đào tạm những rãnh đất tạm bợ để dẫn nước đi. Nói chung, họ chính xác là sống trên bãi rác. Mùi hôi thối nồng nặc khắp nơi. Vào mùa mưa thì vấn đề càng trở nên thập phần nghiêm trọng.
Một ngôi nhà trong khu vực làng 15 feet
Rác ngập con mương
Cầu tre đi qua sông rác
Trước khi nhóm bọn tớ tới Thabarwa, đã có nhiều nhóm tình nguyện muốn giải quyết vấn đề môi trường tại đây mà không thành công vì vấn đề dường như quá lớn. Và thú thực, tớ thấy bọn tớ cũng không thành công tý gì. Được biết Thầy Ottamathar đã đặt mua một chiếc máy xử lý rác của Nhật có giá 200.000 đô la, có khả năng xử lý rác thải, đặc biệt là rác thải nhựa, nghiền nhỏ rác từ 300kg xuống còn 1kg. Vì mỗi người dân đều cần có trách nhiệm với rác thải họ tạo ra, nên tiền mua máy sẽ do người dân quyên góp, bằng cách mua coupon 4000 kyat/1 phiếu (khoảng 2 đô/1 phiếu). Hướng đi lâu dài của thầy đó là, sau chiếc máy này, thầy sẽ tiếp tục mua mới hoặc để các kỹ sư của mình dựa vào mô hình chiếc máy này, nghiên cứu làm ra nhiều chiếc máy khác để giải quyết vấn đề rác thải tại các khu vực quanh 300 trung tâm Thabarwa ở khắp Myanmar và trên thế giới. Với cách làm này, hy vọng có thể làm nhẹ vấn đề môi trường, đồng thời thay đổi nhận thức của con người.
* * *
Trên đây là vắn tắt thực trạng về vấn đề rác thải tại làng Thabarwa và hướng giải quyết vấn đề môi trường tại đó. Nói chung, cá nhân tớ nghĩ, được một người minh tuệ như Thầy Ottamathar dẫn dắt thì vấn đề môi trường của Thabarwa chắc chắn sẽ cải thiện thôi, giống như cách Thabarwa đã phát triển chóng mặt và trở thành một nơi chốn hạnh phúc cho rất nhiều con người và động vật sinh sống tại nơi đây, chỉ sau 11 năm vậy. (Cụ thể về cuộc sống ở Thabarwa hạnh phúc ra sao, tớ sẽ dành viết trong một bài viết khác). Điều tớ muốn chia sẻ trong bài viết này là những cảm xúc rất cá nhân của tớ trong những ngày đi nhặt rác ở nơi này.
Nhặt rác ở Miến Điện cảm giác có khác với nhặt rác ở Việt Nam không?
Có chứ, vì lúc đi nhặt rác ở Việt Nam, sau khi dồn rác vào bao, bọn tớ chỉ cần cho rác lên xe và biết rằng xe rác sẽ đến một bãi rác nào đó. Bọn tớ sẽ hỏi, rác được xử lý thế nào nhỉ? Và ai đó hiểu biết sẽ bảo rằng: đây là rác chết rồi, không làm gì được nên chỉ có thể đốt hoặc đem chôn thôi, cách nào cũng ô nhiễm cả. Một câu trả lời không vui vẻ, nhưng có vẻ cũng đủ rồi, vì mắt không thấy thì tim bớt đau. Còn ở đây, sau khi cho rác đã dọn lên xe, tớ có thể đi theo xe rác và thấy nó đổ ra một bãi rác to hơn ở ngoài làng. Bãi rác này cứ thế càng ngày càng cao và cao mãi. Mùa nắng thì đỡ, nhưng mùa mưa thì...
Ở Việt Nam, chí ít ở những nơi tớ sống đều đã có hệ thống thu gom rác. Còn ở nơi này, rác thải hàng ngày đâu có người thu gom? Làng có hai cái xe rác, thì trên xe chỉ có 1 người lái xe và 1 hoặc 2 đứa trẻ nhỏ. Người lớn lái xe, tụi nhỏ thì gom rác. Người làng thấy xe rác đậu ở đâu thì vứt rác ở đấy. Mỗi lần xe đi gom rác là chú thợ may nhà đối diện xe rác lại phải chạy ra gom rác của những người khác vứt lại. Chuyện như vậy đã tiếp diễn ngày qua ngày trong mấy năm nay. Nếu bạn hỏi, sao không thuê người thu gom rác. Xin thưa vì nơi này không vận hành như xã hội ngoài kia. Ở nơi đây, không có người đi làm thuê, mà chỉ có những người đang đi làm việc tốt. Người lái xe chở rác làm việc vì đó là việc tốt nên làm, chứ không phải vì được trả tiền cho nó. Chú thợ may ngày ngày đi gom rác giùm người khác cũng chỉ vì chú là người "nghiện" làm việc tốt mà thôi.
Những ngày ở làng, thi thoảng bọn tớ lại đi thu gom rác cùng chú thợ may mà nghĩ ngợi trong lòng. Lúc ở nhà, chưa bao giờ tớ nghĩ nhiều tới nỗi khổ của những người đi thu gom rác ở Việt Nam.
Có bao nhiêu người trong số họ đi thu gom rác vì họ thích làm công việc này?
Có ai lại thích làm công việc đi dọn dẹp hậu quả của người khác để lại hay không?
Những ngày đi dọn bãi rác, cứt mũi đen sì, hơi tí lại hắt hơi và ho hắng.
Những ngày đi dọn cống, phải nhịn thở mà thò tay vào rác cống đen ngòm thối um.
Thử vài lần làm như vậy, tớ không thấy cuộc đời nên tồn tại những công việc như vậy nữa...
* * *
Sau chuyến này trở về, tớ đã không nhìn những thứ mình đang có một cách nghiễm nhiên như trước nữa.
Rác, nói đơn giản là thứ gì đó ta muốn bỏ đi khỏi cuộc sống của mình. Bỏ đi thì thật dễ dàng, nhưng bỏ đi rồi thì nó sẽ đi về đâu? Liệu nó có gây hại cho ai không? Có ai phải chịu khổ vì những thứ bị ta vứt bỏ như vậy? Và một nơi mà người ta phải sống ngay trên bãi rác do họ tạo ra, chịu đựng ô nhiễm, nguy cơ dịch bệnh, có thật sự là một nơi bẩn thỉu và kém văn minh hay không? Khi ở nơi đó, người ta thực sự đang trực tiếp chịu trách nhiệm cho chính hành động của mình chứ không phải là đẩy trách nhiệm cho người khác?
Với tớ, rác thải đã không còn chỉ là rác thải nữa.
Nó giống như chỉ là hình ảnh phóng chiếu cho những rác thải tớ tàng trữ trong tâm hồn mình. Mỗi ngày trôi qua, có khi nào tớ cũng vô tình mà xả rác như vậy cho người khác hay không? Bằng lời nói hay hành động của mình?
Hoặc nếu như tớ đã biết kiềm chế không vứt rác ra ngoài đường rồi, vậy bãi rác trong nhà tớ thì sao? Nó đã lớn cỡ nào rồi? Đã bốc mùi hay chưa? Tớ đã đổ bệnh vì nó hay chưa?
Những câu hỏi này đã xuất hiện trong đầu, và tiếp tục đánh dấu cho những ngày dọn rác rất dài sau đó...
Lần này, tớ đi vào trong, dọn dẹp bãi rác tâm hồn.
Yo Le. 25.7.2019
Ảnh do Tứ chụp