Nhật ký học màu nước Phần 2 và tản mạn về nghề giáo
Mình đã học xong buổi thứ ba lớp màu nước cơ bản. Rồi mình đã quyết định chuyển qua lớp của một giáo viên khác vì mình cảm thấy đang hơi lạc trôi.
Màu nước là chất liệu khó kiểm soát. Bạn sẽ phải học cách điều kiển màu trên nước, kiểm soát lượng nước trong cọ, kiểm soát lượng màu và phối những màu khác nhau. Ở lớp học cũ giáo viên chỉ hướng dẫn những gì có trong giáo trình có sẵn, cũng không giải thích cho mình vì sao phải thao tác như thế này hay để được hiệu ứng nhất định. Để vẽ lên một bài phong cảnh lớn cần đi từng bước như thế nào, lưu ý ra sao cũng không được cô giáo hướng dẫn chi tiết. Dường như màu nước không phải chuyên môn chính của bạn vì bạn chuyên về vẽ sơn dầu hơn. Bạn cũng có vẻ hơi ngần ngại khi mình hỏi những kiến thức chuyên sâu hơn về màu nước. Khi chuyển qua lớp mới mình cảm thấy được nhiệt huyết và sự tự tin về chuyên môn của cô giáo. Mỗi kiến thức cô truyền đạt cô đều rất chắc chắc về nó. Giờ thì mình cũng bớt lạc lối đi nhiều rồi.
Mình cũng từng có thời gian ngắn dạy Tiếng Anh trên Topica. Sau một thời gian thì mình quyết định dừng lại vì nhiều lí do. Cá nhân mình không có đam mê với việc dạy học nên mình không có hứng thú và động lực để học hỏi thêm những kiến thức mới, phương pháp dạy học hiệu quả. Việc dạy học ngoài kiến thức chuyên môn thì cần có nhiều nhiệt huyết nữa.
Đợt trước mọi người cũng hay bàn luận về phương giáp giảng dạy phát âm kiểu mới. Nhiều bố mẹ hoang mang vì với phương pháp mới bởi vì họ sẽ không biết cách dạy con tập đọc như thế nào. Mình nhớ nhất một câu trong chuỗi tranh luận không hồi kết đó là “Việc dạy học là việc của thầy cô, thầy cô được đào tạo để làm công việc này”. Quả thực bố mẹ mỗi người một chuyên môn nghề nghiệp nên hầu hết không được đào tạo qua chuyên môn sư phạm để di giảng dạy. Không phải cứ có kiến thức và nhiệt huyết là có thể đi dạy. Để có thể đi dạy dù là một lớp nhỏ nhất cần kỹ năng sư phạm nữa.
Hồi cấp ba mình chọn học thêm toán của thầy Phúc. Thầy cũng là giáo viên ôn luyện Toán nổi nhất trường phổ thông của mình hồi đó, và cho đến bây giờ cũng vậy. Cùng là một kiến thức về nguyên hàm nhưng thầy mình giảng dễ hiểu hơn giáo viên toán khác. Cách thầy dạy tạo được động lực cho đám trẻ nít (đôi khi còn ham chơi) tập trung và chăm chỉ học hơn. Thầy Phúc rất hiểu tâm lý cà tư duy của học sinh vì thầy cũng từng là học sinh cá biệt, rồi trở thành học sinh giỏi, từng dạy tại các trường toàn học sinh chơi nhiều hơn học tới các lớp toàn cao thủ thi giải quốc gia. Với từng nhóm học sinh thầy biết chúng cần gì, thích gì và sợ gì mà có cách “đối xử” phù hợp. Mình cho rằng khả năng như vậy không còn là kỹ năng sư phạm thông thường mà còn là sự hiểu biết về người học và tâm lý của học sinh.
Lan man vậy chỉ để rút ra rằng mình vẫn coi nghề dạy học là một nghề cao quý. Để đi dạy được mình cần nhiều hơn chỉ là kiến thức mà còn là nhiệt huyết, chuyên môn sư phạm và hiểu biết về người học và tâm lý học sinh và có thể nhiều hơn thế nữa.
Những thầy cô hội đủ những yếu tố trên mình đều thấy trân quý và mình tin học trò nào cũng vậy thôi. Bản thân mỗi người đều cần phát triển khả năng tự học nhưng những bước đi đầu tiên luôn cần một người thầy tốt để giúp mình có nền tảng để sau này có thể đi nhanh hơn phải không?
Photo:
Blog của mình:
Link share bài: