Nhân vật trong tiểu thuyết hiện đại Việt Nam ?
kiến thức chung
Nhân vật văn học là sự thể hiện quan niệm nghệ thuật của nhà văn về con người. Tiểu thuyết ngoài khả năng tái hiện bức tranh toàn cảnh của đời sống xã hội còn có khả năng đi sâu khám phá số phận con người. Quan niệm nghệ thuật về con người là yếu tố chi phối các yếu tố khác của nghệ thuật thể hiện, gắn với đời sống văn học của mỗi một giai đoạn lịch sử.
Văn học thời đổi mới là giai đoạn chuyển biến từ tư duy sử thi sang tư duy tiểu thuyết, từ cảm hứng lịch sử dân tộc sang cảm hứng thế sự đời tư. Tiểu thuyết đã phát huy được khả năng tiếp cận và phản ánh hiện thực, con người trong giai đoạn mới một cách nhanh nhậy và sắc bén.
Số phận con người trở thành mối quan tâm hàng đầu của nhà văn thể hiện cái nhìn dân chủ đối với sự phức tạp của tính người: Nhiều cuốn tiểu thuyết đã hướng tới miêu tả số phận những con người bình thường với những bi kịch của đời họ. Bi kịch giữa khát vọng và thực trạng, giữa cái muốn vươn lên và cái kìm hãm, giữa thanh lọc và tha hoá, giữa nhân bản và phi nhân bản.
Trong giai đoạn đổi mới vấn đề con người cá thể được đặt ra một cách bức xúc, mạnh mẽ trong cảm hứng sáng tạo của nhà văn. Song con người cá thể trong văn học hiện nay không phải là con người của chủ nghĩa cá nhân, của cái tôi cực đoan, phủ nhận mọi nền tảng đạo đức đã được thiết lập, không chịu sự tác động của xã hội. Mà ở đây số phận cá nhân được giải quyết thoả đáng trong mối liên hệ mật thiết với cộng đồng, xã hội. Đằng sau mỗi cá thể là những vấn đề mang ý nghĩa nhân sinh của thời đại, có sự giao nhịp phức điệu giữa con người cá thể và nhân loại: Cõi người rung chuông tận thế, Trong sương hồng hiện ra (Hồ Anh Thái), Phố Tầu, Paris 11 tháng 8 (Thuận), Thoạt kỳ thuỷ (Nguyễn Bình Phương), Nỗi buồn chiến tranh (Bảo Ninh).
Các tác giả tiểu thuyết đã nhìn nhận con người như một cá thể bình thường trong những môi trường đời sống bình thường. Nhân vật trong tiểu thuyết là những con người với trăm ngàn mảnh đời khác nhau “đầy những vết dập xoá trên thân thể trong tâm hồn”: Cơn giông (Lê Văn Thảo), Cánh đồng lưu lạc (Hoàng Đình Quang), Tấm ván phóng dao (Mạc Can), Dòng sông mía (Đào Thắng).
Tiểu thuyết Việt Nam từ sau đổi mới không chỉ đi sâu vào thân phận con người mà còn đề cập tới khát vọng sống, về hạnh phúc cá nhân, về tình yêu đôi lứa. Các tác giả đã khai thác con người tự nhiên trước nhu cầu của hạnh phúc đời thường, của cuộc sống riêng tư. Khi con người trở về với cuộc sống đời thường, trong hàng loạt tác phẩm của Lê Lựu, Ma Văn Kháng, Chu Lai, Nguyễn Khắc Trường, Dạ Ngân, Nguyễn Bắc Sơn, Dương Hướng... đã thể hiện được sự gắn bó giữa sự nghiệp chung với hạnh phúc riêng, giữa con người cá nhân và con người xã hội.
Tiểu thuyết đã không ngần ngại miêu tả chất sắc dục, tình yêu nhục thể là một lĩnh vực rất riêng tư của mỗi cá nhân. Miêu tả những con người tự nhiên, khai thác yếu tố tích cực của con người tự nhiên cũng là một khía cạnh nhân bản của văn học: Ngược dòng nước lũ – Ma Văn Kháng, Người đi vắng, Ngồi – Nguyễn Bình Phương, Nỗi buồn chiến tranh – Bảo Ninh, Ăn mày dĩ vãng – Chu Lai, Ngày hoàng đạo – Nguyễn Đình Chính, Hai nhà – Lê Lựu, Gia đình bé mọn - Dạ Ngân, Mẫu thượng ngàn - Nguyễn Xuân Khánh...
Sự xuất hiện con người tâm linh biểu hiện sự đổi mới trong quan niệm nghệ thuật về con người của văn học. Tiểu thuyết bắt đầu tiếp cận với thế giới đằng sau thế giới hiện thực, đó là thế giới tâm linh, vô thức, tiềm thức, giấc mơ. Các nhà văn đã cố gắng thoát ra khỏi kiểu “phản ánh hiện thực” được hiểu một cách thông tục của tiểu thuyết trước đây. Với quan niệm nghệ thuật mới, họ đã có ý thức thay đổi hình thức biểu đạt. Ngòi bút nhà văn khơi sâu vào cõi tâm linh, vô thức của con người, khai thác “con người ở bên trong con người” (Chim én bay – Nguyễn Trí Huân, Góc tăm tối cuối cùng – Khuất Quang Thụy, Ăn mày dĩ vãng – Chu Lai, Người đi vắng – Nguyễn Bình Phương, Ngược dòng nước lũ – Ma Văn Kháng, Cõi người rung chuông tận thế – Hồ Anh Thái, Thiên sứ – Phạm Thị Hoài, Mẫu thượng ngàn (Nguyễn Xuân Khánh)...
Ở giai đoạn lịch sử mới, người viết có những chuyển hướng trong nhận thức, tư duy về bản thể người. Các nhà tiểu thuyết Việt Nam đã phá vỡ cái nhìn đơn phiến, tĩnh tại để tạo ra một cái nhìn phức tạp hơn, đa diện hơn và vì thế sâu sắc hơn về con người.
Con người xuất hiện trong hàng loạt các tiểu thuyết là con người trần thế với tất cả chất người tự nhiên của nó: ánh sáng và bóng tối, cao cả và thấp hèn, ý thức và vô thức. Thế giới bên trong đầy bí ẩn và phức tạp của con người chịu sự chi phối của hai lực lượng vừa đối lập vừa hoà đồng, vừa chối bỏ lại vừa chung sống với nhau, bởi: “Con người không bao giờ trùng khít với chính nó” (Bakhtin). Con người gục ngã hay đứng dậy cũng chính từ trạng thái lưỡng hoá trong tính cách. Thực ra loại nhân vật này đã đạt đến đỉnh cao thành tựu với nhân vật Thứ trong tiểu thuyết Sống mòn của Nam Cao. Nhân vật của ông đã luôn sống trong sự giằng xé nội tâm, tự lên án, tự kết tội mình, là nhân vật tự nhận thức về mình. Trải qua một thời gian dài đến những năm gần đây, cảm hứng tự nhận thức với những nhân vật lưỡng hoá được khơi dậy mạnh mẽ trong nhiều cuốn tiểu thuyết. Đặc biệt với nhân vật Sài (Thời xa vắng – Lê Lựu), Khiêm (Ngược dòng nước lũ – Ma Văn Kháng), Kiên (Nỗi buồn chiến tranh – Bảo Ninh), Lão Khổ (Lão Khổ – Tạ Duy Anh), Khoái (Tiễn biệt những ngày buồn – Trung Trung Đỉnh), Tâm (Cơ hội của Chúa – Nguyễn Việt Hà), Bằng (Cơn giông – Lê Văn Thảo), Lê Hoè (Luật đời và cha con - Nguyễn Bắc Sơn, Khuê (Dòng sông mía - Đào Thắng)... là những mẫu người đứng trước sự thử thách và lựa chọn trên các cực đối lập để nhận về mình thành công hay thất bại trong dòng chảy của cuộc đời.
Trên lĩnh vực tiểu thuyết nhà văn đã khắc hoạ chân dung những con người vừa đời thường, trần thế vừa đẹp đẽ, thánh thiện, luôn khao khát cái đẹp và hướng tới cái thiện. Đó là nét nổi bật mang đậm ý nghĩa nhân văn khi nhìn nhận con người, tạo nên tiếng nói đa thanh đầy “hoà âm” và “nghịch âm” trong tiểu thuyết.
Nội dung liên quan
Nội dung sắp xếp theo thời gian
Hồng Hải Thủy