Nhân tướng học có phải là mê tín?

  1. Nhân tướng học

Con người sống trong cuộc đời sẽ không thể tránh khỏi những vấn đề liên quan đến mối quan hệ xã hội, công việc, tình cảm hay chỉ đơn giản là có điều gì đó thắc mắc về tương lai. 
Từ xa xưa, để giải toả sự tò mò đó mà Đông - Tây kim cổ đã khai sinh ra "thiên kinh vạn quyển" nói về cách dự đoán tương lai, con người và phát triển thành các môn dự đoán số mệnh.
Và từ đây sự mê tín và định kiến về bói toán nói chung và Nhân tướng học nói riêng (Huyền học)* bắt đầu sinh ra. Bởi đa phần mọi người đều cho rằng những hoạt động bói toán, liên quan đến cái siêu hình thường không có cơ sở khoa học. 
Kỳ thực, Huyền học phương Đông hay phương Tây chia thành 2 trường phái lớn. 
1. Trường phái thứ nhất (tôi tạm gọi là Trường phái Tâm linh), trường phái này bao gồm các hoạt động như: Gọi hồn, gọi vong, bói trầu cau, bói chân gà, bói bài... Xét về mặt cơ sở để dự báo thì trường phái này không có tính hệ thống hoặc có nhưng thấp, đa phần dựa vào cái gọi là "căn" hay còn gọi là năng khiếu - khả năng thiên bẩm - những người làm nghề này không được đào tạo hay tham gia nghiên cứu, học hành theo hệ thống sách vở, giáo trình được đúc kết. Kết quả dự đoán bị chi phối và ảnh hưởng lớn bởi tính cá nhân, liên quan mật thiết đến khả năng đặc biệt của người được gọi là "thầy".
2. Trường phái thứ 2 - Huyền học. Trong một phạm vi tương đối, trường phái này sở hữu cho mình hệ thống phương pháp luận với tính hệ thống cao, người làm "thầy" bắt buộc phải học từ cơ bản đến nâng cao như những bộ môn khác. Có yêu cầu về tư chất (tư duy trừu tượng, kinh nghiệm sống, kiến thức tổng quát ở các lĩnh vực) nhưng không yêu cầu có căn cơ về "tâm linh". Đại diện tiêu biểu cho trường phái này là Dịch số, Tử Vi, Phong Thuỷ, Kỳ Môn độn giáp, Nhân Tướng học... và khi áp dụng trong dự báo, dự đoán kết quả dự báo có độ ổn định giữa những người nghiên cứu cùng lĩnh vực, với một người có thời gian hành nghề lâu thì thông tin dự báo mang tính ổn định và có độ chính xác cao.
Và ở Việt Nam chúng ta, hai trường phái này thường bị trộn lẫn, từ đó mà gây ra không ít hiểu lầm. Vì người theo trường phái Huyền học về mặt lý thuyết mà nói, họ không hề có khả năng siêu việt nào cả, đơn giản ở đây là sự ham mê nghiên cứu và tìm tòi học hỏi rồi đem ra áp dụng mà thôi.

Bằng chứng nào cho thấy Huyền học không phải mê tín?

Đối với Huyền học Phương Đông (bao gồm cả Nhân tướng học), hệ thống lý luận và phương pháp nghiên cứu chia thành 3 tầng được gọi là Tam Tài (THIÊN - ĐỊA - NHÂN). 
• Phần Thiên: Nghiên cứu về vận mệnh, thiên tai địch họa cấp độ quốc gia, thế giới thời xưa chỉ có trong các Triều đình người đặc biệt mới tiếp cận được mà người ta hay gọi là "Khâm Thiên Giám". Ở Trung Quốc, có Thiệu Khang Tiết, ở Việt Nam ta có Trạng Trình nổi danh.
• Phần Địa: Đại diện tiêu biểu là bộ môn Phong Thủy. Bộ môn này nghiên cứu về môi trường sống (gọi là Dương Trạch), Âm Trạch (dành cho người chết).
• Phần Nhân: có các đại diện như Tử Vi Đẩu Số, Tứ Trụ, Bát Tự Hà Lạc, Nhân tướng học. Những môn này nhằm mục đích nói về tâm tính (bao gồm tính cách, khả năng tư duy, cách xử sự của một người nào đó khi va chạm với thực tế cuộc sống) từ đó hình thành nên số Mệnh con người - đây là vấn đề có lẽ khi bạn biết được ai đó uy tín thì khả năng cao, bạn cũng sẽ tò mò tìm hiểu.

Nhân tướng học có phải là Bói toán không?

Xin trả lời là CÓ nhưng không phải mê tín. Bởi vì có những vấn đề hiểu sai mang từ trường phái Tâm linh và cả quan niệm nhân gian vào làm sai lệch kiến thức hệ thống huyền học chính thống.
Vậy Nhân tướng học là gì?
Tướng học nghiên cứu và đúc kết các vấn đề, gồm có:
• HÌNH TƯỚNG: chủ đạo dùng mắt để quan sát và kết luận. 
• THANH TƯỚNG: nghiên cứu về âm thanh, giọng nói con người. Cơ quan chủ đạo sử dụng để xem xét là Tai.
• THẦN TƯỚNG (Bao gồm cả khí chất trong đó). Thần tướng là trường năng lượng bao quanh cơ thể con người (phải dùng cái Tâm để cảm nhận). 
Trên đây gọi là TAM YẾU, áp dụng cả ba phương pháp này xem xét mới cho ra kết quả chính xác hay còn gọi là "linh ứng". Vì sao gọi là linh ứng vì cần thời gian, kinh nghiệm lâu dài để trở thành phản xạ, thành kỹ năng và còn liên quan đến TRỰC GIÁC (hình thành một cách tự nhiên mà ai cũng có đó là ác cảm hay thiện cảm. Mà Ác cảm hay Thiện cảm là điều gây ảnh hưởng mạnh và trực tiếp đến chất lượng giao tiếp, mối quan hệ).
Trên đây là một số thông tin để giúp anh/chị và các bạn có cái nhìn rõ hơn để nhìn nhận Huyền học là bộ môn khoa học cổ điển chứ không mang màu sắc mê tín. Tuy rằng, tục mê tín ở nước ta còn khá nhiều và lẫn lộn ranh giới giữa 2 trường phái. Nhưng hy vọng qua bài viết này, anh/chị và các bạn hiểu thêm chút ít về Huyền học và nếu có xem cho bản thân thì cũng biết cách phân biệt cho rõ hơn.
Trân trọng!
Vi Trần.
Từ khóa: 

nhân tướng học