Nhân ngày DOANH NHÂN VIỆT NAM, lạm bàn về chữ DOANH

  1. Kinh doanh và Khởi nghiệp

  2. Văn hóa

Cuối ngày mới nhớ ra hôm nay là ngày Doanh nhân Việt Nam, thế là viết vội mấy dòng tặng những các “doanh nhân” đang đeo đuổi “doanh số”.

Này nhé, cái việc chọn từ gọi một nhóm người ấy, nó mang tính định hình người ta nhiều lắm. Từ DOANH trong “Doanh nhân” ấy, có nghĩa là kiếm lợi, trục lợi, được lợi từ đánh bạc. Thực tế, tầng lớp tự xưng là “doanh nhân Việt Nam” ấy, hành xử đúng theo lối “shark”, đâu có lợi là nhẩy vào, và kinh doanh chẳng khác nào canh bạc ăn nhau ở vận may hoặc đi đêm ăn gian với nhà cái. Đương nhiên, không phải người làm kinh doanh nào cũng thế, nhưng không khí chung của cái ngành này là thế.

https://cdn.noron.vn/2021/10/13/17621967410471036-1634131769.jpg

Có một từ khác cũng na ná với “doanh nhân” là “thương gia”. Nhưng “thương gia” lại mang nghĩa khác đó! Chữ THƯƠNG trong “Thương Gia” có nghĩa là bàn bạc, thảo luận, mua bán. Với nghĩa ấy, các “thương gia” hoặc “thương nhân” có thể hiểu là người mua bán, mà mua bán thì cần có sự đồng thuận giữa hai bên, cần có thỏa thuận, có quy tắc tuân thủ… mà trong đó lợi nhuận chỉ là một phần của quá trình thỏa thuận chứ không phải thứ đặt trên hết.

Trong tiếng Anh có từ “businessman”, thường cũng được gọi là “doanh nhân”, nhưng từ này cũng có lớp nghĩa khác nhiều với từ “doanh nhân”. “Businessman” có gốc từ tiếng Anh cổ “bisignes”, có nghĩa là sự bận rộn, bận rộn trong chăm lo, giữ gìn, chiếm hữu… Về sau, từ này được chuyển dần thành ý nghĩa là “người có công ăn việc làm”, và sau đó mới được đồng nhất với ý nghĩa là người làm ăn buôn bán, mà chúng ta vẫn gọi là “kinh doanh”.

Nghịch chữ nghĩa chơi chơi thế thôi, chứ gọi bằng gì đi chăng nữa thì người buôn bán nào, dù là buôn bán gì cũng muốn có doanh thu cao, lợi nhuận lớn. Nhưng mà, ăn nhau ở chỗ người ta buôn bán thế nào. Buôn bán mà chỉ bo bo lợi nhuận cho mình, bằng mọi giá kiếm lợi, theo lối DOANH NHÂN thì lợi nhanh đến sẽ nhanh qua. Vì cái lợi ấy là do cơ may mà có, và cái lợi ấy là cướp cơ hội của người khác mà được. Thời thế thay đổi, lợi không còn nữa, không bắt kịp tình huống mới, thì cướp khó mà thành công. Đó là còn chưa kể, người chỉ vì trục lợi của bản thân, không quan tâm đến lợi ích của người khác, đặc biệt là các cổ đông và những người bạn đồng hành, những người làm việc cùng… dần dần, sẽ bỏ đi. Thế thì, càng ngày càng khó “kiếm ăn”.

Mình nghĩ, đã tham gia vào xã hội, ai cũng buôn bán cái gì đó, có thể là hàng hóa, trí tuệ, tri thức, kinh nghiệm, nhan sắc… Nhưng buôn bán theo lối dã man kiểu “doanh nhân”, khác nhiều với cách buôn bán dựa trên sự thỏa thuận, đáp ứng lợi ích cho nhiều bên. Một giao kèo buôn bán mà một bên bị thiệt hoặc không được hưởng lợi ích xứng đáng hoặc thỏa mãn kỳ vọng tối thiểu, trong khi bên khác lại đắc lợi nhiều hơn, thì giao kèo đó dễ đổ bể lắm, và cái lợi nhất thời đó càng khó có khả năng được nhân lên gấp bội.

Với một thị trường đông dân như Việt Nam, thật dễ để người ta chặc lưỡi không có khách này thì có khách khác, không có nhân sự này thì có nhân sự khác, nhưng sự “dễ” đó giờ cũng sẽ “khó” hơn bởi phương thức làm ăn sẽ luôn được cải thiện tốt hơn bởi các đối thủ cạnh tranh.

Thế nên, nhân ngày này, chúc các bạn làm ăn cho tử tế, còn mình, sẽ tiếp tục lải nhải xúi những người khách hàng hãy trở nên khó tính hơn, và những bạn đi bán thân (giống mình) trở nên khắt khe hơn, không phải để đòi hỏi quyền lợi nhiều hơn, mà để đòi hỏi sự thỏa thuận hợp lý hơn.

Từ khóa: 

kinh doanh

,

thương gia

,

kinh doanh và khởi nghiệp

,

văn hóa

Ngày xưa "sĩ, nông, công, thương" ngày nay "thương, công, nông, sĩ"

Trả lời

Ngày xưa "sĩ, nông, công, thương" ngày nay "thương, công, nông, sĩ"