Nhận định nhược điểm của mô hình tăng trưởng của các nền kinh tế Đông Bắc Á?
kiến thức chung
Bước sang thế kỷ XXI nền kinh tế thế giới dần chuyển hướng sang thị trường Châu Á có đặc tính nổi trội : Nguồn nhân lực trẻ và nhân công dồi dào , cùng với đó là thị trường tiêu thụ lớn ,..... Đặc biệt phát triển ở thị trường kinh tế quốc tế hiện nay là khu vực Đông Bắc Á với ba quốc gia trụ cột kinh tế lớn đang dần dần khẳng định vị thế của mình trên chính trường kinh tế thế giới đó là Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc. Các quốc gia kể trên đều có những chính sách phát triển kinh tế mang đặc tính riêng và đều có tốc độ tăng trưởng kinh tế thần tốc . Tuy nhiên không có một sự phát triển hay sự ổn định nào là mang tính cố định bền vững . Giai đoạn hiện nay, chúng ta bắt đầu nhận ra được những kẽ hở và sự thiếu ổn định trong việc đề ra mô hình kinh tế và chính sách tăng trưởng của các quốc gia khu vực Đông Bắc Á. Những nhược điểm trong mô hình tăng trưởng của các nền kinh tế Đông Bắc Á đã đem đến cho các quốc gia này những rủi ro lớn về hệ thống ngân hàng , thị trường xuất khẩu và còn trên rất nhiều những phương diện khác.
Trước hết ta cần hiểu về khái niệm của mô hình tăng trưởng kinh tế :
Mô hình tăng trưởng kinh tế, nói khái quát là tăng trưởng kinh tế và các nhân tố tác động đến mô hình tăng trưởng kinh tế, bao gồm các nhân tố kinh tế và phi kinh tế. Các nhân tố phi kinh tế có tác động gián tiếp đến tăng trưởng kinh tế và khó lượng hóa tác động của chúng. Tùy theo mức độ đóng góp khác nhau của các nhân tố vào tăng trưởng kinh tế đã hình thành nên các mô hình tăng trưởng kinh tế khác nhau: tăng trưởng theo chiều rộng, theo chiều sâu và kết hợp chiều rộng với chiều sâu.
Mô hình tăng trưởng kinh tế theo chiều rộng có đặc trưng cơ bản là tăng khối lượng sản xuất nhờ vào tăng trưởng vốn, lao động và tài nguyên thiên nhiên. Đồng thời, là con đường đơn giản nhất để mở rộng sản xuất, tạo việc làm, tăng thu nhập,… nhưng cũng có nhiều hạn chế: nền kinh tế trì trệ, năng suất lao động thấp, cơ cấu kinh tế chuyển dịch chậm, v.v.
Mô hình tăng trưởng kinh tế theo chiều sâu có đặc trưng cơ bản là dựa vào khoa học và công nghệ hiện đại, nâng cao hiệu quả, chất lượng của tăng trưởng, như: nâng cao hiệu quả sử dụng vốn, tăng năng suất lao động, nâng cao sự đóng góp của nhân tố năng suất tổng hợp (TFP), hướng hoạt động của nền kinh tế vào các ngành, lĩnh vực có giá trị gia tăng, giảm chi phí sản xuất, chủ động sản xuất và xuất khẩu hàng hóa có dung lượng công nghệ cao, trên cơ sở khai thác triệt để các lợi thế của đất nước, thực hiện đồng bộ hóa quá trình khai thác và chế biến sản phẩm. Tăng trưởng theo chiều sâu không chỉ nâng cao chất lượng, hiệu quả nền kinh tế, mà còn gắn liền với bảo vệ môi trường sinh thái, cải thiện phúc lợi xã hội, v.v.
Dù là lựa chọn tăng trưởng theo chiều rộng và chiều sâu, ta đều thấy một đặc điểm chung của nền kinh tế các quốc gia khu vực Đông Bắc Á hiện nay vẫn còn phụ thuộc rất nhiều vào nguồn vốn đầu tư chính phủ. Mô hình tăng trưởng kinh tế Đông Bắc Á bao gồm những thành phần chính : chi tiêu về hàng tiêu dùng; tiêu dùng cho sản xuất của doanh nghiệp; chi tiêu về hàng hóa và dịch vụ của chính phủ và xuất khẩu ròng. Đặc điểm của mô hình kinh tế Đông Bắc Á là tích lũy vốn lớn, tăng trưởng tỷ lệ thuận với đầu tư; chi tiêu về hàng tiêu dùng thấp; đầu tư doanh nghiệp lớn; tiêu dùng của chính phủ đóng vai trò quan trọng trong thời kỳ đầu, chính phủ có chức năng tạo ra vốn, từ đó thu hút doanh nghiệp, tạo nền tảng cho tiêu dùng.
Trong đó hệ quả trực tiếp của chính sách kích thích tốc độ tăng trưởng kinh tế của chính phủ mang lại một áp lực lớn lên hệ thống ngân hàng thương mại . một số chính phủ các nước lựa chọn đầu tư nguồn vốn lớn một cách trực tiếp vào hệ thống ngân hàng thương mại nhà nước. Việc các tiêu chuẩn cho vay được hạ thấp và mục tiêu chính sách kinh tế kích thích kinh tế được chính phủ xác định hướng vào đầu tư cơ sở hạ tầng đã khiến không chỉ quy mô tín dụng mà quy mô đầu tư tài sản cố định tăng trưởng nóng. Sự tăng trưởng kinh tế dựa quá nhiều vào đầu tư và cộng thêm sự đầu tư trực tiếp để kích thích tăng trưởng đã khiến cho các ngân hàng rơi vào trạng thái hoạt động thụ động , thường xuyên phải chờ nguồn cung của chính phủ , hiệu quả các khoản đầu tư cũng ngày càng sụt giảm. Bên cạnh đó, thanh khoản của các ngân hàng chính phủ dồi dào trong khi tín dụng cũng không có dấu hiệu đi lên đã kéo theo sự sụt giảm của trái phiếu chính phủ. Đồng thời khi chính quyền các địa phương bị hấp dẫn bở các chính sách kích thích của chính phủ cũng sẽ khiến cho việc huy động vốn để “phục hồi kinh tế” của địa phương - trong đó bao gồm cả việc gây sức ép lên hệ thống ngân hàng thương mại địa phương để được tiếp cận với các khoản vay tín dụng. Một mặt làm gia tăng nợ của chính quyền địa phương , mặt khác làm gia tăng nợ xấu của hệ thống các ngân hàng . Việc lựa chọn quyết định ngành đầu tư đã ảnh hưởng tới khả năng vận động của ngành để từ đó kích thích đầu cơ tài chính lan rộng .
Như đã nói ở trên , việc đầu tư trực tiếp vào hệ thống các ngân hàng thương mại nhà nước làm gia tăng quy mô tín dụng dẫn đến sự gia tăng của hoạt động đầu tư. Số liệu thống kê nền kinh tế Trung Quốc từ sau khủng hoảng kinh tế 2008 cho thấy số lượng lớn các tín dụng được đầu tư vào lĩnh vực bất động sản và cơ sở hạn tầng. Tỉ trọng đầu tư bất động sản trong tổng tín dụng của hệ thống ngân hàng thương mại đã tăng từ 16,1% (quý I năm 2009) lên mức 20,1% (quý I năm 2011) . Điều này đã dấy lên một làn sóng đầu tư ồ ạt và việc đầu cơ thị trường bất động sản cho thấy rủi ro trong giá cả thị trường bất động sản tăng nhanh đột biến. Việc thị trường phát triển quá nóng gây nên những rủi ro khó lường trước của việc xuất hiện bong bóng trong thị trường này .
Đồng thời việc trông đợi vào nguồn vốn đầu tư nước ngoài thông qua đầu tư tâp trung xuất khẩu và dòng vốn đầu tư trực tiếp (FDI) kết hợp với việc đầu tư ồ ạt quy mô lớn cho các ngành nghề thuộc sở hữu và nguồn vốn chính phủ mang lại rủi ro trung và dài hạn cho thị trường tài chính . Nó tạo ra sự phát triển chênh lêch giữa các ngành sản xuất , đồng thời cũng tăng nguy cơ tạo nên thị trường tài sản bong bóng. Vào tháng 5 năm 2016 , giá hợp đồng tương lai đối với mặt hàng bã nành tại Trung Quốc đã tăng 40%. Khối lượng giao dịch 600 triệu tấn, gấp tới 9 lần lượng tiêu thụ hằng năm của Trung Quốc. Giá vật liệu sản xuất ống PVC cũng tăng 40% từ đầu năm đến nay trên sàn Dalian Commodity Exchange. Đó là nỗi đau đầu cho các nhà điều hành Trung Quốc trong bối cảnh nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới đang tăng trưởng chậm lại.
Tín dụng dễ dãi, các gói kích thích liên tiếp được tung ra nhằm giữ cho tăng trưởng Trung Quốc không giảm sâu hơn có nghĩa là nền kinh tế “ngập ngụa” trong lượng tiền khổng lồ và dòng tiền này lại cùng theo đuổi một số cơ hội đầu tư ngày càng hiếm hoi, đẩy giá cả mọi thứ tăng mạnh. Lượng cung tiền của Trung Quốc đã tăng gấp 4 lần kể từ năm 2007 và lượng tiền mới phần lớn đang bị “phong tỏa” ở trong nước, do các biện pháp kiểm soát vốn của Chính phủ. Xuất hiện thị trường bong bóng sẽ khiến các nhà đầu tư nước ngoài đồng loạt rút vốn khỏi quốc gia gây nên sự hỗn loạn trên thị trường chứng khoán và bất động sản . Một ví dụ điển hình của hậu quả của thị trường bong bóng là thời kỳ khủng hoảng kinh tế của Nhật Bản năm (1986 -1991 ) : Yên lên giá sau Thỏa ước Plaza (năm 1985) gây khó khăn cho các nhà xuất khẩu của Nhật Bản và đe dọa tăng trưởng kinh tế của nước này. Ngân hàng Nhật Bản đã phải thực hiện chính sách tiền tệ nới lỏng (hạ lãi suất) để đối phó với điều đó, nên tính thanh khoản cao quá mức hình thành. Kết quả là kinh tế tăng trưởng mạnh và đầu cơ tài sản bắt đầu làm tăng giá tài sản. Mặt khác, các nhà đầu tư bắt đầu thay đổi danh mục đầu tư của mình khi tỷ giá Yên/Dollar thay đổi và nhất là sau sự kiện Ngày thứ Hai đen tối trên thị trường chứng khoán Mỹ. Họ giảm đầu tư vào tài sản của Mỹ và tăng đầu tư vào các tài sản của Nhật Bản. Giá tài sản trong đó có giá cổ phiếu và trái phiếu công ty tăng kích thích xí nghiệp đầu tư. Lạm phát tăng tốc kích thích tiêu dùng. Bong bóng kinh tế nói chung và bong bóng giá tài sản chỉ được nhận ra sau khi chúng bắt đầu vỡ vào đầu thập niên 1990. Sau khi bong bóng kinh tế vỡ đầu thập niên 1990, kinh tế Nhật Bản chuyển sang thời kỳ trì trệ kéo dài. Tốc độ tăng trưởng GDP thực tế bình quân hàng năm của giai đoạn 1991-2000 chỉ là 0,5% - thấp hơn rất nhiều so với các thời kỳ trước.
Có thể nói , tuy rằng việc lựa chọn đầu tư của chính phủ vào nền kinh tế như xu thế thịnh hành hiện nay ở các nước Đông Bắc Á sẽ mang lại một sự ổn định trong một khoảng thời gian nhất định cho nền kinh tế. Tuy nhiên nhược điểm phụ thuộc vào đầu tư của Nhà nước sẽ kìm hãm tính năng động và đào thải tự nhiên của thị trường , cùng với đó là những hệ lụy kéo theo như kích thích đầu cơ tài chính , tạo hiệu ứng bong bóng tài sản và nặng nề hơn cả là khủng hoảng tài chính . Chính vì vậy, các quốc gia cần nhất thiết điều chỉnh sự quản lý của mình trên các phương diện kinh tế và đầu tư vào đúng hạng mục, tạo động lực cho nền kinh tế phát triển .
Thiên Quỳnh