Nhân đạo và công bình trong phê bình văn chương
Bàn về phê bình văn học trong cuốn Để thành nhà văn, Thu-Giang Nguyễn-duy-Cần có nói: “Phê bình cũng phải tỏ ra nhân đạo hơn là công bình”, và rằng nhân đạo và công lý không thể rời nhau; song, quá công bình sẽ biến thành quá bất công (excès de justice, excès d’injustice).
Vậy theo ông, dường như nhân đạo và công bình không thể cùng tồn tại ở mức tối đa như nhau. Và ông cho rằng công bình phải ở mức cao hơn, để công bình ở một mức độ nào đó thấp hơn mức gọi là quá (excès). Vì chưng, khi công bình ở mức quá, thì công bình sẽ biến thành bất công.
Khái niệm bất công khi mang nghĩa cụ thể là trái với công bình trong văn cảnh trên không được tác giả bàn cụ thể trong cuốn này. Nhưng ông có bàn về những bất công trong phê bình văn học như ngụy biện, thiếu hiểu biết, tự cao, chủ quan, vân vân.
Tôi cho rằng bất công trong văn cảnh trên là trái nghĩa với nhân đạo. Quả vậy, nhân đạo và công bình song hành gần như là một.
Bàn rộng ra hơn, ta có thể thấy vấn đề này rất mang tính thực tế trong pháp luật. “Mắt đền mắt, răng đền răng” có thể coi là công lý, nhưng có nhân đạo không? Án tử hình thì sao? Có thể rằng án tử mang lại công bằng, và cũng nhân đạo (bởi tử tù có thể đã phạm những tội như diệt chủng, nhưng chỉ dùng một mạng để đền, trong khi tử hình có thể là một cái chết ít đau đớn hơn những nạn nhân có thể đã bị tra tấn đến chết). Tôi xin không bàn thêm về vấn đề này vì lý do giới hạn của bản thân trong lĩnh vực.
Trong Kitô giáo, Thiên Chúa là một Đấng nhân từ và công bằng. Trong Đấng này, nhân từ và công bằng là một, không hơn thua nhau về mức độ. Con người phạm tội và đáng bị trừng trị theo công lý; nhưng Thiên Chúa cũng nhân từ nên đã dùng con của mình, với thân xác con người, để chịu tội thay.
Quay lại về phê bình văn học, tôi lại nghĩ công bình cần được thực thi hơn là nhân đạo. Công bình là phê bình phải khách quan, chân thực, có tính cách xây dựng. Nói cách khác, công bình là khi người phê bình chân thật nhất. Nhân đạo là cách người phê bình diễn đạt sự thành thật đó khéo léo bao nhiêu. Thành thật quan trọng hơn khéo léo.
Thầy của tôi Michael Boler ở trường đại học Thánh Tôma (Houston), trong một lớp của khóa Honors Program đã từng rất nhấn mạnh rằng sinh viên phải bỏ qua được cảm xúc trong khi nhận bình duyệt để tiến bộ lên được trong viết lách. Thầy nói rằng các bài thẩm định của đồng nghiệp trong ngành đôi khi mang lời chỉ trích rất nặng, thậm chí mạt sát không thương tiếc; nhưng những nhận xét đúng thì ta phải học hỏi, và không được để cảm xúc xen vào.
Nói như vậy không có nghĩa là các nhà phê bình văn chương có thể thỏa sức dùng lời lẽ cay nghiệt hay mang cảm xúc cá nhân vào các bài phân tích. Nội dung một bài phê bình công bình thì cũng như một viên ngọc. Một viên ngọc quý mà xung quanh trét bùn thì nó cũng chưa sáng được. Muốn người ta dễ thấy được giá trị của viên ngọc thì trực tiếp đưa nó, đừng trét thêm bùn đất của cảm xúc xung quanh nó. Song song, dù người viết hay người bình đều phải biết sáng suốt nhìn ra những giá trị cốt lõi trong những luận điểm, hơn là những gì xấu xí bên ngoài.
Nhưng đừng gửi tặng phân, mà phải là ngọc. Nếu nhận được một viên ngọc chưa sáng, đừng đánh giá nó cho đến khi ta gội rửa nó trước đã. Và đó, với tôi, là công bình.
Vincentius Nguiēn Giaciemēnsis
a.d. xv Kal. Feb. MMXXII A.D.
Đọc thêm
Thu-Giang Nguyễn-duy-Cần. Để Thành Nhà Văn. NXB Trẻ, 2020.
Nguyễn Duy Thiên
Nhân đạo và công bình trong phê bình văn chương – Vincentius Nguiēn Giaciemēnsis 阮唯天
vincentiusthien.wordpress.com
Thuỷ Thu Nguyễn
mình ko hiểu câu “Phê bình cũng phải tỏ ra nhân đạo hơn là công bình” cho lắm
Quang Minh
chào bạn 😁
Trần Hải Bình
^^ giờ e mới rảnh đọc bài này, hay quá anh