Nhà Tống dùng bao nhiêu quân khi đánh Đại Việt năm 1076?

  1. Lịch sử

Tống sử, bộ chính sử về triều Tống, như thông lệ của sử Trung Quốc xưa có dành ra một số quyển ghi chép về các nước láng giềng, bao gồm Đại Việt đương thời. Tuy nhiên, điều kì lạ là “Giao Chỉ truyện” trong sách này lại bỏ sót một sự kiện rất lớn trong quan hệ hai nước là cuộc chiến 1075-1077 (sau khi chép việc Lý Thánh Tông qua đời năm 1072, sách này nhảy cóc thẳng tới việc trao trả đất đai và tù binh năm 1077). Thế nên tìm thông tin về chiến tranh Tống-Việt lần 2, mà như trọng tâm của bài này là quân số và thiệt hại của phía Tống, là điều không hề dễ dàng. Số liệu trình bày ở dưới là tất cả những gì mình tìm được sau khi lục lọi nhiều nguồn khác nhau.
***
1. Quân số
Quách Quỳ, Triệu Tiết đã đem bao nhiêu quân sang nước ta? Một trong những nguồn để khảo cứu điều này là tác phẩmTục tư trị thông giám trường biênthời Tống(sau đây sẽ viết tắt làTrường biên). Ghi chép của sách này vào ngày 26 tháng 1 âm lịch năm Hy Ninh thứ 9 (tức đầu 1076) cho biết:
  • Ngày Quý Mùi, An Nam Chiêu thảo ty nói: Phát binh 8 vạn, cần chuẩn bị 8.000 vạn cân lương khô cho 10 tháng. Xuống chiếu cho Chuyển vận ty cùng tính toán, nếu như số làm ra có thể tồn lưu được thì dựa theo số lượng tập hợp ở các châu Quế, Toàn.[1]
Tuy thời điểm này chỉ mới 5 ngày sau khi Lý Thường Kiệt công phá thành Ung châu, tin tức chưa báo về triều đình Tống, nhưng với việc chuẩn bị lương thực cho giai đoạn dài như vậy thì có cơ sở để cho rằng 8 vạn binh này không chỉ có nhiệm vụ cứu viện, mà còn phục vụ mục tiêu xa hơn là tấn công sang lãnh thổ Đại Việt. Tiếp đó trong tháng 2 Trường biên lại ghi nhận những đợt điều động như:
  • Ngày Kỷ Sửu, lại xuống chiếu cho Chuyển vận ty các lộ Kinh Hồ Nam, Kinh Hồ Bắc, Quảng Nam Đông đều tính toán tiền gạo để chuẩn bị sử dụng hưng quân ở Quảng Tây, nên lệnh Quảng Đông Chuyển vận ty chuẩn bị 2 vạn người (binh hay phu?), quân lương cho 9 tháng.[2]
  • Xuống chiếu cho các lộ mộ tổng cộng 1 vạn người vũ dũng, đưa đến Quảng Tây sử dụng: Quảng Đông 5.000 người, Phúc Kiến 2.000 người, Giang Tây 3.000 người.[3]
  • Xuống chiếu cho Quảng Đông, Phúc Kiến, Giang Tây mộ binh, lệnh kẻ tù tội, tráng dũng tách riêng thành 1 quân, hợp số mộ được tổng cộng 1 vạn người để chuẩn bị giúp quân của Chiêu thảo ty.[4]
Ở đây có vướng mắc là không rõ những đợt điều động vào tháng 2 là bổ sung thêm, hay là nằm trong dự tính “8 vạn” ban đầu của nhà Tống. Thế nên chỉ có thể đưa ra con số ước lượng cho quân Tống vào khoảng 8 đến 10 vạn binh. Vậy còn số dân phu thì sao?Trường biênchép lại một đoạn trao đổi giữa vua Tống và Quách Quỳ vào tháng 4 về vấn đề này:
  • Ngày Bính Tuất, hoàng thượng phê bọn Quách Quỳ rằng: “Gần đây căn cứ lời tâu của Quảng Tây Chuyện vận sứ Lý Bình Nhất rằng ‘Tương lai đại quân tiến đánh, dùng phu gánh lương hơn 40 vạn. Xin từ [Kinh] Hồ về nam đều sai phái đi trước.’ Đấy rõ là nói ngoa để kinh động nhân tình, lan truyền xa gần rồi lên đến triều đình, rất không được tiện. Bọn khanh có nhiều phương kế, tính chính xác số nhân lực cần để vận chuyển lương thực rồi báo gấp lên.” Quỳ nói:Xem qua lời tâu của Bình Nhất, ước lượng binh 10 vạn người, ngựa 1 vạn con, liệu lương cho người, cỏ cho ngựa hằng ngày mà tính toán số phu chuyên chở là hơn 40 vạn [...] Nay tính toán rằng tương lai vào cõi thì tùy theo lương thảo của quân, trừ số do người ngựa lượng sức tự vác và số do trâu mua tại chỗ gánh […] thì có thể giảm bớt gạo và xe cộ, đồng thời bỏ lại những thứ không cấp thiết trong xe hàng của 9 quân […] Phác họa như thế thì có thể giảm hơn một nửa số dân phu trong lời tâu của Bình Nhất, chỉ dùng 20 vạn người tuần tự chuyên chở, cung ứng lương thực, đồ dùng cho quân.”[5]
Như vậy qua tính toán của Quách Quỳ, con số dự tính ban đầu là 40 vạn phu đã được giảm đi một nửa. Nếu những ghi chép này đúng, thì lực lượng Tống tiến sang nước ta vào khoảng 10 vạn binh, 20 vạn phu. Khi viết về chiến sự ở sông Như Nguyệt,Trường biênmột lần nữa lặp lại con số này:
  • Quỳ cùng các tướng bàn việc cầm đại binh vượt sông, thì các tướng nói: “Chín quân lương thực đã cạn, binh lúc đi thì 10 vạn, phu hơn 20 vạn, dãi nắng dầm mưa, tử vong quá nửa, số còn lại đều bệnh tật.”Quỳ nói: “Ta không thể lật được sào huyệt giặc, bắt sống Càn Đức(tức Lý Nhân Tông)để báo ơn triều đình, là ý trời vậy. Nguyện đem một thân cứu mạng hơn 10 vạn người.”Bèn rút quân, đem biểu đầu hàng của Càn Đức báo lên, hẹn người Giao đợi nghe chỉ.[6]
Tương tự, liệt truyện về Quách Quỳ trongTống sửcũng viết:
  • Bấy giờ binh, phu 30 vạn người, dãi nắng dầm mưa, chết đến quá nửa.[7]
SáchVăn hiến thông khảothời Nguyên đưa ra con số 8 vạn quân, giống như ghi chép ban đầu củaTrường biên:
  • Quan quân 8 vạn, chết đến sáu phần mười, lấy được châu Quảng Nguyên, châu Môn, châu Tư Lãng, châu Tô Mậu và huyện Quang Lang rồi về.[8]
Như vậy, hầu hết các sách Trung Hoa đều xác định số quân Tống sang nước ta năm 1076 vào khoảng 8 đến 10 vạn binh, đi kèm với 20 vạn dân phu.
2. Thiệt hại
Về thiệt hại nhân mạng của quân Tống, sách Việt sử lược của nước ta viết:
  • Hai quân cầm cự nhau hơn tháng trời, Thường Kiệt biết quân Tống đã cạn sức, trong đêm vượt sông tập kích, đại phá được. Tống binh chết đến năm, sáu phần mười, bèn rút về giữ châu Quảng Nguyên.[9]
Con số “năm, sáu phần mười” ở đây khớp với những gìTống sử, Văn hiến thông khảoTrường biênchép kể trên. Cần lưu ý, đây không phải chỉ là tử thương trong chiến trận, mà còn bao gồm số chết vì bệnh tật. Chẳng hạn, có nhiều binh, phu Tống đã bỏ mạng vì bệnh tiêu hóa khi còn chưa đặt chân lên nước ta, một ví dụ cho thấy điều kiện môi trường phương Nam không dễ gì để thích nghi:
  • Ngày Đinh Dậu, hoàng thượng phê: “Trong các quân dưới quyền bốn tướng của An Nam hành dinh đã đến Ung châu, thì vào thượng tuần tháng 9 đã chết bệnh gần 4, 5 nghìn người. Đấy là do chủ tướng, phó tướng đều không biết quản thúc, buông thả cho ăn uống những thứ người phương Bắc kỵ, để đến nỗi sinh bệnh. Phải gấp rút giới nghiêm và trách mắng thầy thuốc, rồi dùng thuốc chữa trị.[10]
Khác với những nguồn trên, sáchNhị Trình di thư, trích dẫn lời Nho gia nổi danh đương thời là Trình Di, lại đưa ra thiệt hại cao ngất ngưởng cho phía Tống:
  • Số vận lương chết 8 vạn, lính chiến bệnh chết 11 vạn, còn lại 2 vạn 8 nghìn sống sốt trở về, đa phần bệnh tật, trước đó lại bị giặc giết mấy vạn, tất cả không dưới 30 vạn người.[11]
Theo như sách này, thì quân Tống mất đến hơn 27 vạn trong tổng số 30 vạn binh phu, chỉ có 28 nghìn người sống sót. Con số này không những không khớp với tất cả những nguồn kể trên, mà còn khá bất hợp lí khi xét đến hình phạt dành cho các tướng Tống (Quách Qùy bị giáng làm Tả Vệ tướng quân, an trí ở Tây Kinh 10 năm; Triệu Tiết bị giáng làm Tri châu Quế châu ở Quảng Tây). Liệu những người chịu trách nhiệm chính cho 27 vạn thương vong, còn lớn hơn thiệt hại Lý Thường Kiệt gây ra trên đất Quảng Tây, lại có thể có một kết cục nhẹ nhàng thế? Thế nên con số củaNhị Trình di thưchỉ được liệt kê ra ở đây để tham khảo, còn bản thân mình thấy nó không đáng tin cho lắm.

#VN#Lý
***
Chú thích:
1. Tục tư trị thông giám trường biên, quyển 272: https://ctext.org/wiki.pl?if=en&chapter=482169#p52
2. Sđd, quyển 273 https://ctext.org/wiki.pl?if=en&chapter=263257#p15
3. Sđd, quyển 273 https://ctext.org/wiki.pl?if=en&chapter=263257#p18
4. Sđd, quyển 273 https://ctext.org/wiki.pl?if=en&chapter=263257#p27
5. Sđd, quyển 274 https://ctext.org/wiki.pl?if=gb&chapter=549800
6. Sđd, quyển 279 https://ctext.org/wiki.pl?if=en&chapter=417370#p93
7. Tống sử, quyển 290 https://zh.wikisource.org/wiki/%E5%AE%8B%E5%8F%B2/%E5%8D%B7290#%E9%83%AD%E9%80%B5
8. Văn hiến thông khảo, quyển 330 https://ctext.org/wiki.pl?if=gb&chapter=476152#p43
9. Việt sử lược, quyển trung: https://zh.wikisource.org/wiki/%E8%B6%8A%E5%8F%B2%E7%95%A5/%E5%8D%B7%E4%B8%AD
10. Tục tư trị thông giám trường biên, quyển 278 https://ctext.org/wiki.pl?if=en&chapter=417308#p33
11. Nhị Trình di thư, quyển 10 https://zh.wikisource.org/wiki/%E4%BA%8C%E7%A8%8B%E9%81%BA%E6%9B%B8/%E5%8D%B710
Từ khóa: 

lịch sử