Nhà Hồ với hạn điền, hạn nô

  1. Lịch sử

Nhà Hồ được thành lập sau những suy yếu, biến động của Đại Việt cuối thời Trần; kế thừa những cơ sở, thiết chế đã được hình thành, phát triển ở thời Trần; những đồng thời cũng phải giải quyết những mâu thuẫn về thiết chế, chính trị, xã hội tồn tại. Lúc này nhà Hồ đang đứng giữa nga ba đường của những thiết chế hành chính và buộc phải lựa chọn: Tiếp tục để cho thế lực quý tộc địa với các điền trang thái ấp phát triển, chấp nhận cho chính quyền địa phương mạnh hơn triều đình; hay thực hiện chuyên chế hoá bộ máy quân chủ, củng cố vị trí vững chắc của triều đình trung ương. Và như đã thấy, Đại Ngu lựa chọn con đường thứ hai; đi cùng với đó là những chính sách, thay đổi, mà tiêu biểu là hạn điền và hạn nô.
Trong bài viết này, tôi sẽ phân tích, trình bày sơ qua một số nhận định về tính chất của hai chính sách trên:
Về chính sách hạn điền, các tài liệu chính sử như Đại Việt sử ký toàn thư quyển VIII Bản kỷ, Khâm định Việt sử thông giám cương mục quyển XI Chính biên, Đại Việt sử ký tiền biên quyển IX Bản kỷ đều có những ghi chép tương tự; nay xin trích lại ở Toàn thư:
“Tháng 6, xuống chiếu hạn chế ruộng đứng tên: Các đại vương và trưởng công chúa thì ruộng không có hạn chế; dần đến thứ dân thì ruộng chỉ mười mẫu mà thôi. Người nào có nhiều, nếu có tội được tuỳ tiện lấy ruộng mà chuộc; phải biếm hay phải bãi cũng được lấy ruộng để chuộc; còn thừa phải dâng nộp vào nhà nước. Trước kia các nhà tôn thất thường sai nô tỳ đắp đê bồi ở bãi biển để ngăn nước mặn, hai ba năm sau khai khẩn thành ruộng, cho họ lấy lẫn nhau mà ở đấy, lập ra nhiều ruộng đất tư trang; cho nên có mệnh lệnh này.” (tr428).
Theo đó, nhà Hồ quy định ngoại trừ các đại vương và trưởng công chúa số ruộng không hạn chế; dần xuống đến thứ dân thì không được quá mười mẫu. Những nhà nào có ruộng thừa thì phải nộp lại hoặc dùng để chuộc tội. Hạn điền đã giúp nhà Hồ hạn chế được phần sức mạnh của tầng lớp quý tộc-cự phú; gia tăng số lượng ruộng đất công của nhà nước, thực hiện được mục đích củng cố triều đình trung ương tập quyền. Tầng lớp đại vương-trưởng công chúa số lượng không hẳn quá nhiều, bản thân chính sách hạn điền cũng không đề cập nên sẽ ít bị ảnh hưởng. Tuy vậy quan lại, quý tộc bên dưới, cự phú hay thứ dân đều sẽ bị động chạm nếu như vượt quá. Họ bị mất đi quyền lợi, cơ sở phát triển lực lượng độc lập riêng-ruộng đất thì tất nhiên sẽ gây ra xung đột, mâu thuẫn với nhà nước. Khi quân Minh tiến vào Đại Ngu, không ít những quý tộc trước lời vỗ về cùng chiêu bài “Phù Trần diệt Hồ” đã góp sức chống lại cuộc kháng chiến của nhà Hồ; nhằm khôi phục cơ nghiệp cũ, cũng là mong lấy lại được những gì thuộc về mình.
Đối với chính sách hạn nô, trong Đại Việt sử ký toàn thư quyển VIII Bản kỷ ta cũng thấy có đề cập đến:
“Hán Thương lập phép hạn gia nô, chiếu theo phẩm cấp có số khác nhau, thừa ra thì sung vào nhà nước. Mỗi người phải trả 5 quan tiền; người nào đáng được có gia nô phải xuất trình chúc thư ba đời. Gia nô người ngoại quốc thì không có hạn lệ. Các gia nô đều thích vào trán để đánh đâu: gia nô của công thì thích kiểu hoả châu, hoặc lấy sung vào quân Điện Tiền; của công chúa thì thích kiểu dương đường, của đại vương thích khuyên đỏ; của quan nhất nhị phẩm đều thích một khuyên đen, của quan tam phẩm trở xuống thì thích hai khuyên đen. Bấy giờ bọn sĩ đại phu tham phú quý nịnh ý của họ Hồ dâng thư xin họ Hồ giết hại con cháu nhà Trần và giảm số điền nô để nén bớt thế lực đi; như bọn Hoàng Hối Khanh, Nguyễn Hy Chu, Đồng Thức; còn nữa không thể kể xiết” (tr435-436).
Nếu như với chính sách hạn điền; các đại vương, trưởng công chúa không bị hạn chế, hạn định về số ruộng tư được giữ trong thái ấp của mình thì đến hạn nô tất cả mọi tầng lớp từ quý tộc, quan lại đến cự phú, thứ dân đều bị ảnh hưởng, xét đến. Ruộng đất là nguồn cung cấp lương thực, là cơ sở để hình thành và duy trì lực lượng quân đội của quý tộc. Còn nông nô, nô tỳ trong các thái ấp, điền trang là lực lượng sản xuất thời bình; và sẽ trở thành binh lính theo sự điều động của quý tộc, vương hầu một khi có biến động xảy ra. Tra cứu Toàn thư những năm Nguyên Phong, Thiệu Bảo, Trùng Hưng ta sẽ thấy những chi tiết ghi lại việc triều Trần cho phép các vương hầu tự mộ binh riêng chống giặc hay xuất hiện những lực lượng tư binh từ các thái ấp của Hưng Đạo Vương, Chiêu Văn Vương... lập công trong nhiều trận đánh quan trọng: 
“... Lại khi ấy vua thấy Hoài Văn Hầu Toản và Hoài Nhân Vương Kiện đều tuổi còn bé không cho dự bàn. Quốc Toản lấy làm xấu hổ tức giận, tay cầm quả cam, bóp nát lúc nào không biết. Đến khi lui về, huy động gia nô và thân thuộc được hơn nghìn người; làm binh khí, đóng chiến thuyền...” (tr302).
Hay: “Mùa hạ, tháng 6, sai các vương hầu tôn thất đều mộ binh và thống lãnh quân thuộc hạ của mình...” (tr311).
Nói như vậy để hiểu rằng lực lượng tư binh của các thái ấp điền trang trải qua một thời gian dài sẽ phát triển và ngày càng lớn mạnh, điều đó hẳn nhiên sẽ khiến thế lực địa phương mạnh hơn triều đình. Đại Ngu vừa mới thành lập, những biến động, xung đột có thể sẽ xảy ra; nếu để mặc cho thế lực địa phương phát triển sát sườn triều đình mà không tìm cách ngăn chặn thì hậu hoạn khó tránh khỏi. Nhà Hồ lựa chọn chuyên chế hoá bộ máy nhà nước, củng cố triều đình trung ương thì việc đưa ra chính sách hạn nô, hạn chế thế lực địa phương cũng nhằm phục vụ mục đích ấy và là điều tất yếu. Trong Toàn thư, bản thân sử thần triều Hậu Lê cũng ghi nhận nhà Hồ thực hiện hạn nô nhằm hạn chế sức mạnh quý tộc họ Trần:
“...Bấy giờ bọn sĩ đại phu tham phú quý nịnh ý của họ Hồ dâng thư xin họ Hồ giết hại con cháu nhà Trần và giảm số điền nô để nén bớt thế lực đi; như bọn Hoàng Hối Khanh, Nguyễn Hy Chu, Đồng Thức; còn nữa không thể kể xiết” (tr436).
Nhà Hồ thực hiện thu điền giảm nô chính là đang tuyến chiến thẳng thừng với thể chế cũ, chế độ điền trang thái ấp cùng lực lượng quý tộc, quan lại. Nước vừa lập, thế chưa đủ mạnh, dẫu muốn cải biến thì cũng nên xem xét, suy tính; đằng này vội vàng thực hiện cải cách thì thất bại ắt sẽ ập đến và hậu quả khôn lường vô cùng. Quý tộc vẫn còn xung đột, thứ dân chưa thể thông hiểu lợi hại mà nhà nước lại cải cách, thay đổi chế độ cũ trong khi tiền đề chưa vững chắc thì tránh sao được loạn.
Cũng xin góp vài ý kiến được chia sẻ lại, vào thời điểm thực hiện hạn điền hạn nô; nhà Hồ đã không nghĩ đến việc giải phóng, trả lại thân phận tự do cho nông nô, nô tỳ. Trở thành nô tỳ phục vụ cho quý tộc, mất đi thân phận tự do bởi chiến loạn, hoàn cảnh ép buộc; hẳn nhiên họ luôn muốn lấy lại ruộng đất, nhà cửa, cơ nghiệp mà mình vốn có. Nếu như nhà nước trả lại được thân phận, tiếp tục phân chia ruộng đất công có được từ việc hạn điền cho họ cày cấy; sau đó tiến hành thu tô thuế như luật định thì chẳng những vẫn hoàn thành được mục đích chuyên chế tập trung mà lại có thêm sự ủng hộ từ tầng lớp nông nô, nô tỳ, thứ dân. Hãy cùng nghĩ đến triều Lê sơ; sau khi lên ngôi Thái Tổ đã tịch thu các ruộng đất tư bị hoang hoá, ẩn lậu lâu năm nhập vào công điền của nhà nước rồi theo đó thực hiện chính sách quân điền phân chia lại ruộng đất theo nhân khẩu, diện tích từng làng xã cho phù hợp. Làm như thế chẳng những nhà nước thu được lợi ích lớn mà chế độ quân chủ chuyên chế cũng không bị ảnh hưởng. Nhưng nhà Hồ không thể thực hiện và cũng không đủ thời gian để thực hiện. Nông nô từ tư nô thành công nô, quan nô; phải cày cấy ruộng đất công cho nhà nước chứ không phải cho chính mình. Thân phận, tính chất chẳng hề thay đổi, vẫn phải phục vụ, vẫn chịu áp bức, không thể lấy lại những thứ mình đã mất thì họ đâu thể nào ủng hộ chính sách mới, ủng hộ triều đình. Quý tộc thì bất mãn, nông nô không ủng hộ; chính sách hạn nô của nhà Hồ đến đây thất bại. Tuy vậy; đánh giá lịch sử không thể giả định, sử dụng mệnh đề ”If...then...” nên những dòng trên chỉ là ý kiến trao đổi, mở rộng thêm.
Kết lại bài viết; dựa trên các nguồn sử liệu, tư liệu đề cập, đánh giá về hai chính sách hạn điền, hạn nô của nhà Hồ; tôi chỉ xin trích dẫn, chia sẻ sơ qua một số ý kiến, nhận định. Bài viết hẳn nhiên sẽ còn những thiếu xót không thể tránh khỏi về mặt sử liệu, cấu trúc, nội dung; mong rằng sẽ nhận được những ý kiến, góp ý trao đổi, đóng góp của mọi người.
Tài liệu tham khảo:
-Đại Việt sử ký toàn thư trọn bộ, tr302, 311 qV-BK, tr428, 435, 436 qVIII-BK-Quốc sử quán triều Hậu Lê-Nhà xuất bản Thời Đại-2013.
- Khâm định Việt sử thông giám cương mục tập I, tr492, 507 qVII-CB, tr679, 688 qXI-CB-Quốc sử quán triều Nguyễn- Nhà xuất bản Giáo Dục-2007.
-Đại Việt sử ký tiền biên, tr471, 486 qV-BK, tr658, 667 qIX-BK-Ngô Thì Sĩ-Nhà xuất bản Hồng Đức-2018. 
-Việt Nam sử lược, tr190-202-Trần Trọng Kim-Nhà xuất bản Kim Đồng-2017.
-Lịch sử Việt Nam từ nguồn gốc đến giữa thế kỷ XX, tr229-Lê Thành Khôi-Nhà xuất bản Thế Giới-2016
-Lịch sử Việt Nam tập II, tr15-54-Phan Huy Lê, Nguyễn Thừa Hỷ, Nguyễn Quang Ngọc, Nguyễn Hải Kế, Vũ Văn Quân-Nhà xuất bản Đại học Quốc Gia Hà Nội-2016.
-Góp ý của anh Anh Tuan.
https://cdn.noron.vn/2019/11/17/4c950b3091e72991b265fe80821de595.jpg
Từ khóa: 

lịch sử

Khổ là ông Hồ Ly lên ngôi thái sư chưa ấm chỗ đã ưa sự cải cách, 1 sự thay đổi phá tan đi những sự ổn định tối thiểu của cả dân nghèo lẫn quý tộc
Trả lời
Khổ là ông Hồ Ly lên ngôi thái sư chưa ấm chỗ đã ưa sự cải cách, 1 sự thay đổi phá tan đi những sự ổn định tối thiểu của cả dân nghèo lẫn quý tộc