NGUYỄN THỊ XUYÊN - “Một tiết phụ biết ái quốc thương nòi”

  1. Lịch sử

Đại lộ Charner (nay là đường Nguyễn Huệ) những năm đầu thế kỷ 20 là một trong những con phố giao thương sầm uất của đất Sài Gòn – Gia Định. Nối thẳng đến thương cảng Bến Nghé ngày đêm thuyền bè ra vào tấp nập, nơi đây tập trung nhiều cơ sở thương mại của cả người Việt, người Hoa lẫn người Pháp. Giữa chốn phồn hoa đô hội này, ánh sáng từ phong trào Duy tân khởi phát tại Quảng Nam theo làn gió biển đã đậu lại số 49 đại lộ Charner, trên mái hiên của một cơ sở kinh doanh do người Việt tổ chức, dưới bàn tay quán xuyến của một người phụ nữ đảm đang, tháo vát và sáng ngời một lòng yêu nước: bà Năm Nguyễn Thị Xuyên. Cơ sở ấy có tên gọi Chiêu Nam Lầu.

Bà Năm sinh quán ở làng Phước Quảng, huyện Cần Giuộc, tỉnh Long An. Bà là con gái thứ năm của cụ Nguyễn An Nghi, là chị của hai chí sĩ Nguyễn An Khương và Nguyễn An Cư. Ba mươi tuổi, cha mất, bà Năm nguyện không lấy chồng, suốt đời phụng dưỡng mẹ già và thay cha chăm sóc hai em nhỏ.

Ngày đó, hơi thở yêu nước từ phong trào Duy tân chạm đến bao con phố trên toàn đất nước Việt Nam. Đất Sài Gòn không đứng ngoài tiếng gọi của thời cuộc nên đã nhanh chóng chào đời hội Minh tân, bộ phận phía Nam của phong trào Duy tân. Bà Năm cùng em trai là chí sĩ Nguyễn An Khương sớm trở thành những cánh chim không mỏi của hội Minh tân, bên cạnh các nhà yêu nước Trần Chánh Chiếu, Nguyễn Quang Diêu… Ban đầu, cùng với em trai Nguyễn An Khương, bà Năm mở một hiệu may ở số 49 đường Charner. Tương truyền, hiệu may của bà Năm từng bí mật may hàng chục chiếc áo gấm cho vua Thành Thái trước khi vị vua yêu nước bị đày sang đảo Réunion. Nhận thấy nhu cầu nghỉ đêm của các thương gia, điền chủ từ lục tỉnh Nam Kỳ lên Sài Gòn, bà Năm và cụ Khương phát triển hiệu may thành khách sạn Chiêu Nam Lầu. Ngày trước, kinh doanh khách sạn gần như là ngành độc quyền của các Hoa kiều, nên sự kiện Chiêu Nam Lầu đã để lại một tiếng vang lớn trong cộng đồng người Việt, thể hiện tinh thần doanh thương mạnh mẽ của người Việt sẵn sàng cạnh tranh với các doanh nhân Hoa, Pháp. Dưới bàn tay quán xuyến khéo léo của bà Năm cùng cô Bảy Ngự, vợ cụ Nguyễn An Khương, Chiêu Nam Lầu kinh doanh tạo nên lợi nhuận và phần lợi nhuận của Chiêu Nam Lầu được dùng để hỗ trợ các thanh niên ái quốc ra nước ngoài du học, cũng như để mở rộng tầm ảnh hưởng của Hội Minh tân, khơi dậy lòng yêu nước và tinh thần dân tộc trong đồng bào. Chiêu Nam Lầu còn là nơi che chở, tá túc cho nhiều chí sĩ đang bị chính quyền thực dân tìm bắt, trong đó có hoàng thân Kỳ Ngoại hầu Cường Để. Khi cụ Cường Để bị Nhật trục xuất khỏi Tokyo sau khi Pháp – Nhật bắt tay nhau, nhờ sự tận tâm giúp đỡ của bà Năm, hoàng thân Cường Để đã về nước an toàn và trú ngụ tại Chiêu Nam Lầu. Cảm mến lòng ái quốc của bà, trong quyển Đông Kinh Nghĩa Thục, cụ Nguyễn Hiến Lê đã dành tặng bà Năm những lời rất đẹp: “Người nhiệt tâm với quốc sự”. Còn trong hồi ức của nhà nghiên cứu Vương Hồng Sển, bà Năm hiện diện trong tác phẩm Sài Gòn năm xưa với một mỹ từ khác cũng thật đáng ngưỡng mộ không kém: “Một tiết phụ biết ái quốc thương nòi”.

Với những đóng góp không nhỏ cho phong trào Duy tân phía Nam Tổ quốc, Chiêu Nam Lầu – “Nơi chiêu hiền những người con nước Nam” hoạt động theo đúng tinh thần mà bà Năm luôn trăn trở, thật sự trở thành mái nhà chung của những tâm hồn yêu nước. Từ đây, ánh sáng Duy tân được lan tỏa xuống tận các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long. Từ đây, nhiều chí sĩ khắp nơi đã cùng nhau thắp đèn thảo luận sách vở, đề ra con đường cứu nước theo đường lối cải cách, chú trọng thực học và thực nghiệp. Cũng từ đây, nhiều thanh niên yêu nước được tạo điều kiện qua Nhật Bản, Hồng Kông du học, tiếp nhận ánh sáng văn minh, chờ đợi ngày trở về góp công cứu nước. Một trong những thanh niên tiêu biểu nhất ấy chính là nhà yêu nước Nguyễn An Ninh, con trai cụ Nguyễn An Khương, gọi bà Năm Nguyễn Thị Xuyên là cô ruột.

Kể từ ngày Hai Bà Trưng “phất cờ nương tử”, mang bờ vai nhạn ra gánh vác trách nhiệm núi sông, nhiều bậc nữ lưu hào kiệt nước ta đã không ngần ngại chung vai đỡ lấy vận mệnh dân tộc, san sẻ nhiều lĩnh vực trọng yếu của quốc gia. Tuy không làm nên những chuyện kinh thiên động địa, mà chỉ với những việc giản dị nhưng được thực hiện bằng một lòng yêu nước sâu đậm, bà Năm Nguyễn Thị Xuyên xứng đáng góp mặt trong hàng ngũ những nữ lưu hào kiệt ấy, tô điểm thêm những trang sử vàng cho phụ nữ Việt Nam.

dai lo charner

Đường Kinh Lấp - Charner, nay là đường Nguyễn Huệ, nơi Chiêu Nam Lầu tọa lạc ngày trước

Từ khóa: 

thiên nam nữ kiệt

,

phụ nữ việt nam

,

lịch sử

Cảm ơn bạn về bài viết này! Cuộc thi đã có nhiều nữ nhân hào kiệt xuất hiện, nhưng bà Xuyên qua ngòi bút của bạn làm mình hứng thú nhất.

Mình rất muốn biết thêm về bà. Bạn có thể giới thiệu cho mình vài đầu sách/ tài liệu được không? 

Trả lời

Cảm ơn bạn về bài viết này! Cuộc thi đã có nhiều nữ nhân hào kiệt xuất hiện, nhưng bà Xuyên qua ngòi bút của bạn làm mình hứng thú nhất.

Mình rất muốn biết thêm về bà. Bạn có thể giới thiệu cho mình vài đầu sách/ tài liệu được không? 

Cảm ơn bạn đã đưa mn thêm hiểu biết về một nữ anh hùng mà k phải ai cũng biết :)