Nguyễn Thị Định - Nữ Tướng đầu tiên của Quân đội nhân dân Việt Nam

  1. Lịch sử

Nguyễn Thị Định (còn gọi là Ba Định) sinh ngày 15 tháng 3 năm 1920, quê ở xã Lương Hòa, huyện Giồng Trôm, tỉnh Bến Tre. Bà là con út trong mười anh em trong một gia đình làm nông. Bà phục vụ Tổ quốc trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ. Trong giai đoạn đấu tranh giành độc lập và kháng chiến chống Pháp, được sự dìu dắt của người anh ruột, bà gia nhập Đông Dương đại hội, tham gia vào các hoạt động như rải truyền đơn, đi liên lạc vào năm 1936. Bà được kết nạp vào Đảng cộng sản Đông Dương vào năm 1938. Năm 1940, bà và chồng là ông Bích bị bắt ra Côn Đảo, sau đó ông Bích hi sinh tại Côn Đảo. Cũng trong năm 1940, bà bị giặt Pháp bắt và biệt giam tại nhà tù Bà Rá, tỉnh Sông Bé (tỉnh Bình Phước ngày nay). Ba năm sau, do cơn đau tim nặng nên bà được trở về quê và chịu sự quản thúc của chính quyền địa phương. Năm 1944, bà bắt liên lạc với các tổ chức cách mạng, quay lại con đường cách mạng. Tháng 8 năm 1945, bà tham gia khởi nghĩa giành chính quyền ở Bến Tre. Tháng 11 năm 1946, bà được bầu làm trưởng đoàn của đoàn thuyền chở vũ khí về miền Nam. Bà được bầu vào tỉnh ủy Bến Tre năm 1947, từ đó bà cùng các lãnh đạo địa phương tổ chức cuộc kháng chiến của nhân dân Bến Tre.


Trong kháng chiến chống Mỹ, Bến Tre là một trong những trọng điểm cần bình định của chính quyền Ngô Đình Diệm. Trong thời gian này, dưới vai trò là cán bộ chủ chốt của Đảng bộ Bến Tre, bà đã cùng các đảng bộ lãnh đạo khác cố gắng bảo vệ nhân dân, bảo vệ cách mạng. Năm 1959, Nguyễn Thị Định được bầu làm Phó bí thư Tỉnh ủy Bến Tre. Một năm sau, bà là một trong những người lãnh đạo Đồng Khởi Bến Tre, mở đầu phong trào Đồng Khởi lan rộng khắp miền Nam sau này. Sau đó, bà lên làm Bí thư tỉnh ủy và Chủ tịch Mặt trận Giải phóng tỉnh Bến Tre. Tại Đại hội dân tộc giải phóng miền Nam lần I năm 1964, bà được bầu làm Ủy viên Chủ tịch đoàn ủy ban Trung ương mặt trận. Một năm sau, bà giữ chức Phó Tư lệnh quân Giải phóng Miền Nam. Năm 1974, bà được cấp quân hàm Thiếu thướng Quân đội nhân dân Việt Nam. Bà trở thành nữ tướng đầu tiên của Quân đội nhân dân Việt Nam.

Để tri ân công lao đóng góp của nữ tướng Nguyễn Thị Định, này 30/08/1995, Chủ tịch nước đã truy tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân cho bà. Khi bà mất, đền thờ bà đã được xây dựng và khánh thành vào ngày 20/12/2003 để nhân dân đến viếng thăm và thắp hương tưởng niệm. Nhà sử học Trần Văn Giàu trong lời đề tựa tập sách “Nhớ chị ba Định” đã viết: “Chị Ba Đinh ạ! Ngày xưa, người dân làng quê bảo nhau rằng những người như chị là sống làm tướng, chết thành thần”. Có lẽ, không một sự ngợi ca nào đẹp và chân tình hơn thế. Ngày nay, chúng ta sống trong thời bình, được hưởng sự độc lập, bình yên mà các ông cha từ xưa đã đấu tranh và giành giật để có được. Sự hi sinh, quên mình vì Tổ quốc của các chiến sĩ, đặc biệt là các nữ chiến sĩ, trong đó có huyền thoại Nguyễn Thị Định, đã truyền cảm hứng cho thế hệ trẻ. Các bạn học sinh, sinh viên, những người đã và đang gánh vác trách nhiệm xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, cần phải học tập theo gương của các “Nữ kiệt” thời xưa. Vì sự tự do của nhân dân, họ đã quên mình xả thân, cống hiến và chiến đấu, thật sự chúng ta nợ một chữ “Ơn” từ họ. Cảm ơn các chiến sĩ, các quân nhân, và đặc biệt là các nữ hào kiệt đã đấu tranh vì một đất nước Việt Nam tươi đẹp. Cảm ơn người anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân Nguyễn Thị Định đã cống hiến cho cách mạng, đấu tranh vì độc lập của dân tộc trong cả hai cuộc kháng chiến chống Mỹ và Pháp. Bà đáng được vinh danh và tôn trọng bởi những đóng góp to lớn cho nước nhà.

Bài viết có tham khảo từ Wikipedia và Youtube

Từ khóa: 

thiên nam nữ kiệt

,

phụ nữ việt nam

,

nguyễn thị định

,

lịch sử