Nguyên nhân dẫn đến tình trạng kết hôn muộn và không kết hôn ở Nhật Bản hiện nay.
kiến thức chung
Cho đến tận thế kỷ 16, 17, thì tập quán kết hôn mới bám rễ vào trong xã hội Nhật Bản và nó được hình thành một cách chính thức vào giữa thời kì Minh Trị. Tuy nhiên, trong khoảng hơn 40 năm trở lại đây, tỷ lệ kết hôn tại Nhật giảm rõ rệt, không chỉ dừng lại ở kết hôn muộn mà còn có nguy cơ không kết hôn. So với quá trình hình thành, thì tốc độ sụp đổ của xã hội kết hôn ở Nhật Bản lại diễn ra nhanh hơn. Có nhiều nguyên nhân dẫn đế khuynh hướng này ở Nhật Bản, như: Suy thoái kinh tế, thay đổi cơ cấu lao động, chính sách xã hội của Chính phủ, và sự thay đổi quan niệm về hôn nhân. Nếu như, trong xã hội cũ, những người nông dân hay tầng lớp người dưới không thể kết hôn vì họ sống phụ thuộc vào người khác nên không có quyền kết hôn. Trái lại, hiện nay, dưới nền tảng của chủ nghĩa dân chủ, kết hôn được coi là một trong những quyền lợi cơ bản nhất của con người thì người dân Nhật Bản lại đang tiến tới xã hội không kết hôn. Nếu như kết hôn muộn và không kết hôn diễn ra trầm trọng hơn thì trong tương lai, xã hội giai hôn mất đến hơn 3 thế kỷ mới có thể được hình thành sẽ có nguy cơ bị sụp đổ hoàn toàn. Kết hôn và sinh sản là hai mặt có mối quan hệ chặt chẽ với nhau, vì thế nếu tỷ lệ kết hôn giảm mạnh thì trong tương lai không xa, tỷ lệ sinh sẽ giảm tới dưới mức tối thiểu để duy trì cân bằng dân số. Và đây sẽ là một mối nguy lớn đối với xã hội Nhật Bản hiện nay.
Nguyên nhân chính phải kể đến là Do sự thay đổi trong quan niệm về hôn nhân trong xã hội Nhật Bản hiện nay.
Theo suy nghĩ của người Nhật Bản hiện nay, hôn nhân chỉ đơn thuần là một sự lựa chọn trong nhiều sự lựa chọn. Vì thế, kết hôn hay không là vấn đề tự do cá nhân của mỗi người. Hôn nhân ở thế hệ Dankai sedai là duy trì sự phân chia vai trò theo giới, nghĩ là “Chồng ra ngoài làm việc, vợ chăm lo việc nhà”. Nam giới là trụ cột gia đình, có trách nhiệm nuôi sống vợ con và ngược lại, tuy không cần phải làm việc kiếm tiền nhưng nữ giới có trách nhiệm chăm lo việc nhà, con cái. Phần lớn nữ giới thời kì ấy đều nghỉ làm việc sau khi họ kết hôn hay muộn nhất cũng là sau khi sinh con. Tuy nhiên, từ thập niên 70, cùng với sự nâng cao của trình độ học vấn, phụ nữ bắt đầu tiến thân vào trong xã hội.
Và như thế, mặc dù kết hôn hôn nhưng không phụ thuộc vào chồng mà hoàn toàn độc lập về mặt kinh tế. Người phụ nữ từ chỗ bị buộc chặt trong việc nhà, con cái với mục đích duy nhất là lựa chọn một người đàn ông với mức thu nhập cao làm đối tượng kết hôn, đã chuyển sang giai đoạn tự lập về kinh tế, nâng cao địa vị xã hội, và thoát khỏi tình trạng “Không kết hôn sẽ không thể tồn tại”. Hơn nữa, do suy thoái kinh tế, nhiều gia đình riêng một mình người chồng làm việc sẽ không thể gánh vác nổi kinh tế gia đình, vì vậy người vợ không chỉ ở nhà lo nội trợ, cũng phải ra ngoài xã hội xin việc, đi làm. Vừa phải đi làm, lại vừa phải chăm lo việc nhà, con cái đã tạo cho người phụ nữ nhiều áp lực. Và như thế, điểm lợi của hôn nhân đối với phụ nữ đã không còn như trước.
Không chỉ nữ giới, mà quan điểm của nam giới đối với hôn nhân cũng đang thay đổi. Nếu như không kết hôn sẽ thoát khỏi áp lực phải phụ thuộc vào người chồng về kinh tế như trước đây, thì đối với nam giới không kết hôn là sự giải thoát khỏi trách nhiệm đối với gia đình. Trước kia, để nối dõi tông đường,duy trì dòng giống, nam giới bắt buộc phải sinh con trai, thì nay ý nghĩa của việc sinh con trai cũng không còn quan trọng đối với cả những người nam giới đã kết hôn. Chính vì vậy, trách nhiệm duy trì gia đình dòng giống chỉ tồn tại trong quá khứ, tính ưu việt duy nhất mà kết hôn mang lại cho họ là niềm vui
Tuy nhiên, đối với quan điểm “Hạnh phúc chỉ có trong hôn nhân”, số người đồng ý ở cả nam và nữ đều đang giảm. Điều này có nghĩa, ưu điểm của kết hôn đang ít hơn so với nhược điểm, dẫn đến kết hôn sẽ trở nên không quá cần thiết nữa.
Như vậy, đối với quan điểm trong hôn nhân, suy nghĩ của người Nhật đã khác trước rất nhiều. Trước đây, họ bị trói buộc bởi quan niệm xã hội với những suy nghĩ như “Kết hôn mới trưởng thành” hay “Kết hôn là tất yếu”, “đã là con người thì ai cũng phải kết hôn” đã trở thành lạc hậu. Kết hôn hay không? không còn là vấn đề quan trọng nữa. Trong xã hội phát triển, quyền dân chủ của mỗi cá nhân dề được coi trọng, thì vấn đề kết hôn hay không kết hôn chỉ là một trong nhiều lựa chọn khác nhau. Dù có kết hôn hay không cũng đều được xã hội công nhận. Có nghĩa là, những quy phạm xã hội trong hôn nhân đã dần mềm dẻo hóa, đi đến xu hương tôn trọng tự do cá nhân hơn. Trong điểm này, Việt Nam khác Nhật Bản. Trong xã hội giai hôn của Việt Nam, kết hôn không chỉ là niềm vui mà còn là trách nhiệm với gia đình, dòng họ. Kết hôn và sinh con được xem là “cuộc sống mang tính con người”, không kết hôn và sinh con mới thành ngoại lệ. Có nghĩa là, những quy phạm xã hội trong hôn nhân tại Việt Nam không thay đổi nhiều so với trước đây. Sinh con cũng vậy, trong thời kì nền kinh tế phát triển cao độ, mỗi gia đình Nhật Bản đều sinh 2 đến 3 con. Nhưng hiện nay sinh cũng được, không sinh cũng không bị xã hội phê phán, không bị gia đình, họ hàng và những người xung quanh thúc giục. Trong bối cảnh con người không còn bị trói buộc trong các quan niệm về hôn nhân thì những người nghĩ rằng kết hôn không có nhiều điểm tốt, hay kết hôn thì nhất định phải sinh con, hoặc sinh con thì nhất định phải kết hôn…. Chính vì thế, số người duy trì lối sống độc thân, không kết hôn ngày càng tăng.
Nội dung liên quan
Mai Kim Lam