Nguyễn Du và tư tưởng nữ quyền trong "Truyện Kiều"

  1. Lịch sử

  2. Văn hóa

  3. Xã hội

  4. Tư duy

Vượt lên trên cả những định kiến của xã hội phong kiến, khi mà quan điểm Nho giáo đang thống soái với những gọng kìm tàn bạo siết chặt số phận người phụ nữ thì Nguyễn Du đứng trên lập trường của chủ nghĩa nhân văn, tiến bộ đã xác quyết khả năng phi thường của nữ giới trên hành trình đi tìm giá trị bản thể.

Với việc tự do lựa chọn và chủ động kiếm tìm tình yêu, hạnh phúc đích thực cho cuộc đời mình, nhân vật Thúy Kiều trong Truyện Kiều của Nguyễn Du đã đạt đến tự do với tư cách là một chủ thể đích thực chứ không phải như là tha nhân trong mối quan hệ với nam giới…

https://cdn.noron.vn/2022/06/02/7252226169520371-1654164329.jpg
Tượng Nguyễn Du đặt tại khu lưu niệm đại thi hào ở làng Tiên Điền, huyện Nghi Xuân, tỉnh Hà Tĩnh Ảnh: Xuân Dung

Trần Nho Thìn cũng khẳng định: “Nguyễn Du (1765-1820) là nhà nho - người đàn ông đi xa hơn cả trên con đường tranh đấu cho nữ quyền: ông chọn làm nhân vật chính cô gái Thúy Kiều – một người con gái lương thiện, có khát vọng mạnh mẽ về tình yêu tự do, bị xã hội đẩy vào thân phận kỹ nữ. Cách ứng xử không theo chuẩn mực Nho giáo trong tình yêu của Thúy Kiều, việc tồn tại trong nhà chứa hàng chục năm mà không tuẫn tiết của Thúy Kiều đã gây nên tranh luận, bình phẩm trong suốt cả thế kỷ XIX và đầu thế kỷ XX”1.

Tư tưởng nữ quyền

Xuất phát từ phương Tây vào cuối TK XIX, đầu TK XX, nữ quyền lúc đầu gắn liền với hoạt động chính trị, xã hội, sinh ra từ ý thức về sự bình đẳng trên phương diện giới. Nói cách khác, thông qua hoạt động đấu tranh chính trị, xã hội, giới nữ đòi lại những lợi ích chính đáng của mình để đạt đến sự bình đẳng với nam giới. Từ lĩnh vực chính trị, xã hội, cuộc đấu tranh đòi bình đẳng giới đã lan rộng sang các lĩnh vực kinh tế, văn hóa, nghệ thuật… trở thành một trong những làn sóng mãnh liệt, âm ỉ nhất trong lịch sử tiến bộ của văn minh nhân loại.

Xã hội phong kiến với chế độ phụ quyền, lễ giáo hà khắc của thánh hiền đã tạo nên bao tầng áp bức đối với người phụ nữ. Những quan niệm phụ nhân nan hóa (phụ nữ là kẻ khó giáo hóa), nhất nam viết hữu, thập nữ viết vô (một người nam cũng gọi là có, mười người nữ cũng gọi là không)…đặt người phụ nữ vào vị trí thấp cùng trong xã hội; số phận, cuộc đời họ chịu sự chi phối của người đàn ông; bản thân họ phải có nghĩa vụ tuân theo, phục tùng người nam, từ trong gia đình đến ngoài xã hội.

https://cdn.noron.vn/2022/06/02/7252226169520381-1654164478.jpg
Bức "Chị em Thúy Kiều" của Đặng Tiến

Tuy nhiên, tư tưởng nữ quyền trở thành danh từ quá sớm so với thời đại của Nguyễn Du và người tiếp nhận sẽ rơi vào mớ bòng bong đầy mâu thuẫn, giằng co giữa sự tân tiến và lạc hậu, giữa khuynh hướng đề cao, giải phóng nữ giới và sự ràng buộc phụ nữ vào những phạm trù cũ kỹ của lễ giáo phong kiến.

Nói về Đạm Tiên, Nguyễn Du có câu “Sống thì tình chẳng riêng ai/Khéo thay thác xuống ra người tình không”. Chữ “không” này là sự dự báo cho lựa chọn của Thúy Kiều về sau. Dõi theo tác phẩm, có thể thấy khi Thúy Kiều quay về gia đình, nàng đã không chọn hàn duyên với Kim Trọng mà chọn nương nhờ cửa Phật. Thẳm sâu trong Kiều, nàng đã ý thức việc mình có quyền quyết định, lựa chọn bước đến Kim Trọng hoặc tự sống cho chính mình mà không chọn bất kỳ ai. Chữ “không” đó vừa có nghĩa rộng, liên quan tư tưởng Phật giáo, vừa là cách sống giữ cho mình. Phần lớn người phụ nữ thời kỳ trước thường bị chi phối bởi khung văn hóa xã hội, nhưng đâu đó vẫn có những con người giữ ý thức tự quyết chính cuộc đời của mình như nàng Kiều.

Hình tượng bậc tài nữ cá tính trong vai chủ thể (subject)

Trước hết, cái nhìn mang khuynh hướng khẳng định và đề cao người phụ nữ của Nguyễn Du trong Truyện Kiều thể hiện ở việc xây dựng hình tượng nhân vật nữ trung tâm trong tư thế của con người cá nhân có cá tính.

https://cdn.noron.vn/2022/06/02/7252226169520393-1654164709.jpg
Hai chị em Thúy Vân Thúy Kiều đi tảo mộ ngày xuân
Tranh minh họa: Họa sỹ Phạm Đức Hạnh

Xưa nay khi bàn về Truyện Kiều, những người đến từ những chân trời tư tưởng rất khác nhau, thậm chí đối lập nhau như Hoàng Ngọc Phách, Trần Trọng Kim, Phan Kế Bính, Huỳnh Thúc Kháng, Thạch Trung Giả, Phạm Thế Ngũ,…đều tựu trung cho rằng: thuyết định mệnh là triết lý nền tảng của truyện Kiều. Điều này quả đúng là như vậy, bởi xuyên suốt Truyện Kiều là câu chuyện về một người phụ nữ bé nhỏ, mong manh, suốt quãng đời thanh xuân tươi đẹp nhất, phải liên tiếp đối đầu với thử thách nghiệt ngã của số phận. Và điều này cũng được chính Nguyễn Du xác tín trong suốt chiều dài thiên truyện: “Chữ tài chữ mệnh khéo là ghét nhau”, “Trời xanh quen thói má hồng đánh ghen”, “Chữ tài liền với chữ tai một vần”. Truyện Kiều cuốn người đọc vào một bầu không khí bi thảm, phũ phàng, nhiều khi uất nghẹn, gấp cuốn sách lại có cảm tưởng cuộc đời của cô Kiều đã bị trói buộc bởi muôn sợi dây ràng rịt vô hình, mọi sự thuộc về tương lai của cô Kiều như đã được ông trời quyết định từ trước!?

https://cdn.noron.vn/2022/06/02/79801432915298777-1654165157.jpg
Kiều bị bắt vào lầu xanh. Tranh minh họa: Họa sỹ Phạm Đức Hạnh

Nói như vậy, có lẽ nào khi đọc Truyện Kiều ta chỉ hiểu rằng định mệnh phũ phàng, nặng nề, đau khổ như đóng đinh vào đời Kiều và Kiều không có sự lựa chọn nào mà chỉ còn phương cách cúi đầu cam chịu? Không hẳn thế, ngày nay đọc lại Truyện Kiều, ta thấy bằng sự đồng cảm sâu sắc trước những nỗi đớn đau từ “những điều trông thấy”, Nguyễn Du đã dành nhiều trân trọng yêu thương cho nhân vật Thúy Kiều. Ông đã luôn tạo cơ hội, mở đường cho nàng được tự do, được thoát khỏi sự bủa vây trùng điệp của biết bao định chế vô lối của xã hội phong kiến đè nặng lên thân phận người phụ nữ. Có lẽ Nguyễn Du là người đầu tiên trong văn học Việt Nam đã dám đứng trên “chuẩn mực” Nho giáo để tôn vinh, ca ngợi một người con gái đẹp, tài năng nhưng “hư hỏng” dưới cái nhìn nghiệt ngã của khuôn mẫu đạo đức phong kiến, bởi lẽ cô đã dám “vi phạm” kỷ cương, phép tắc nghiêm ngặt của cộng đồng để lựa chọn tình yêu cho mình mà không tuân theo bất cứ sự sắp đặt nào của lễ giáo phong kiến theo kiểu “cha mẹ đặt đâu con ngồi đấy”.

https://cdn.noron.vn/2022/06/02/79801432915298788-1654165359.png
Thúy Kiều trầm mình xuống sông tự tử. Tranh minh họa: Họa sỹ Phạm Đức Hạnh

Trong cái nhìn tiến bộ về phụ nữ của thời hiện đại sự “nổi loạn” này của nàng Kiều cho thấy rõ đây là một cô gái rất bản lĩnh, dám vượt mọi rào cản để sống thật với lòng mình, để mình được là chính mình; Và từ đó, có thể khẳng định Kiều đồng thời cũng là một phụ nữ có ý thức rất rõ giá trị của bản thân mình – đó là giá trị về nhân vị (giá trị về vị trí và phẩm giá con người trong cộng đồng nhân loại và vũ trụ) mà không phải người phụ nữ nào, đặc biệt là những người phụ nữ sống trong sự hà khắc của xã hội phong kiến có được.

Sự nhập thân (The embodiment) vai nữ và chủ thể lưỡng tính (The androgynous subject)

Từ vấn đề về hình tượng tài nữ trong Truyện Kiều và thơ chữ Hán của Nguyễn Du, một câu hỏi được đặt ra là trong sự tương tác với chủ thể sáng tạo trên bình diện giới tính, hình tượng này có ý nghĩa gì? Đọc thơ Nguyễn Du có thể nhận thấy sự hoán đổi vị thế và giọng điệu để tạo nên trạng thái nhập thân (embodiment) của chủ thể sáng tác vào nhân vật nữ. Vì vậy mà nhiều nhà nghiên cứu đã khẳng định Thúy Kiều là hiện thân, là hóa thân của Nguyễn Du, là hình tượng chuyển hóa nỗi niềm tâm sự riêng tư của chính chủ thể sáng tạo về cuộc đời, số phận của mình và thời cuộc mà mình đang sống. Trong bài tựa của Truyện Thúy Kiều, Trần Trọng Kim đã dành hẳn một phần để phân tích và chứng minh mối quan hệ giữa tâm sự của Tiên Điền với nỗi niềm thân phận Thúy Kiều: “Tiên sinh với nàng Kiều tuy sinh không đồng thời, ở không đồng xứ, nhưng cũng là một thanh, một khí”2.

https://cdn.noron.vn/2022/06/02/79801432915298784-1654165272.jpg
Họa sĩ Đinh Quân vẽ Kiều và Thúc Sinh - một trong những người có ảnh hưởng đến cuộc đời Thúy Kiều

Sự nhập thân này cũng biểu lộ trên phương diện ngôn từ. Các từ “thân, mình” xuất hiện dày đặc trong Truyện Kiều vừa thể hiện sự tự ý thức, chiêm nghiệm và cảm thán về thân phận của nhân vật, vừa ngầm bộc lộ nỗi niềm, tâm sự của Nguyễn Du về chính thân phận mình giữa thời cuộc tao loạn. Lời trần thuật gián tiếp hai giọng đã tạo ra sự đan xen giữa giọng của chủ thể trần thuật và giọng nhân vật, khiến cho câu thơ đa giọng điệu và mang âm hưởng tính nữ. Từ đó cho thấy, trạng thái lưỡng tính của chủ thể sáng tạo không chỉ thể hiện ở nội dung biểu đạt khi tái hiện bối cảnh xã hội và thân phận con người, mà còn bộc lộ ngay từ giọng điệu, từ phong cách ngôn từ.

https://cdn.noron.vn/2022/06/02/79801432915298805-1654165649.png
Thúy Kiều – Kim Trọng trao nhau lời thề ước. Tranh minh họa: Họa sỹ Phạm Đức Hạnh

Xét về phương diện chủ thể sáng tạo, có thể thấy, Nguyễn Du viết về nữ nhân cũng là cách ông cải trang (masquerade), hóa trang, vay mượn thân phận phụ nữ để biểu lộ chính mình như một sự gửi gắm xuất phát từ nhu cầu bộc bạch thân phận. Thứ nhất, sự vay mượn giọng nữ ấy cho thấy người phụ nữ là một ký hiệu, thậm chí, là một biểu tượng của sự thống khổ, là tầng lớp dưới đáy của xã hội. Họ cần giãi bày, cần bộc bạch nhưng chưa tự cất tiếng nói của chính mình và nam giới nhập thân vào họ để nói thay, để biểu đạt chính họ bằng sự cảm thông từ bên ngoài đối với nạn nhân của xã hội.

Kết lại

Như vậy, từ những nghiệm sinh sâu sắc về cuộc sống, Nguyễn Du – một nhà Nho dù sống trong rất nhiều ràng buộc của hệ hình tư tưởng phong kiến nhưng bằng tâm huyết, trí tuệ và cảm quan văn hóa của mình ông đã dám từ bỏ những định kiến khắc nghiệt đến phi lý về người phụ nữ của xã hội đương thời để sáng tạo nên một hình tượng Thúy Kiều độc đáo như một biểu tượng về quyền sống và quyền làm người của phụ nữ. Vì vậy có thể nói với Truyện Kiều, Nguyễn Du đã để lại cho hậu thế một di sản văn hóa quý báu góp tiếng nói không nhỏ đòi quyền giải phóng cho phụ nữ - một vấn đề cho đến hôm nay vẫn còn nguyên giá trị thời sự đối với nhân loại.

https://cdn.noron.vn/2022/06/02/7252226169520456-1654165872.jpg
Bản chép tay Truyện Kiều của hoàng gia triều Nguyễn

Hình tượng người nữ mang tính chủ thể và trạng thái nhập thân người nữ sinh ra từ sự yêu mến, quý trọng, đồng cảm và tụng ca người nữ cũng như từ nỗi xót xa, đau đớn trước thân phận và hiện thực bi thương của nữ giới. Hai yếu tố này đã tạo nên sức sống mạnh mẽ cho nhân vật Thúy Kiều và hình tượng chủ thể sáng tạo Tố Như. Hình tượng này là sự chuyển hóa, biểu hiện của hình tượng kia, tạo nên một phức thể độc đáo, thú vị của khách thể và chủ thể, của cái khác và cái tôi. Từ đó, ý thức nữ quyền trong văn thơ Nguyễn Du không hiện lên một cách trừu tượng, khái quát như một tư tưởng xơ cứng mà uyển chuyển, tinh tế, sinh ra từ cuộc sống đời thường, gắn liền với con người, những con người “phận mỏng cánh chuồn” như nàng Kiều và kẻ nam nhi đa mang lận đận Tố Như.

Chú thích:

1 Trần Nho Thìn (2010), Nho giáo và nữ quyền, Tham luận trình bày tại Hội thảo khoa học quốc tế Nho giáo Việt Nam và văn hóa Đông Á, tổ chức tại Viện Triết học, ngày 23- 24/6/2009.

2 Tựa do Trần Trọng Kim viết, Truyện Thúy Kiều, Nguyễn Du (Bùi Kỷ, Trần Trọng Kim hiệu đính và chú giải) (1995), Nhà xuất bản Văn hóa Thông tin, Hà Nội.

Nguồn tham khảo:



Từ khóa: 

nguyen_du

,

truyen_kieu

,

nu_quyen

,

lịch sử

,

văn hóa

,

xã hội

,

tư duy