Nguồn gốc người Thái
Đặng Anh Tuấn
Dân tộc Thái mới dựng nước chỉ có từ thế kỷ 14. Tuy nhiên họ là môt dân tộc đã có mặt lâu đời ở phía nam của Trung Hoa. Họ thuộc chủng Nam Á (hay đại tộc Bách Việt). Đây là nhóm mà nhà khảo cổ Pháp Bernard Groslier thường gọi là nhóm Thái-Việt. Bị xua đuổi bởi quân của Tần Thủy Hoàng, người Thái chống lại mãnh liệt bao lần. Theo nhà văn Bình Nguyên Lộc, những thần dân của các vương quốc Ba và Thục (hay thường gọi là Ba Thục) bị quân Tần thôn tính ở Tứ Xuyên (1) là người Thái cổ (hay người Tày cổ). Họ cũng thuộc về nhánh Âu của chủng Nam Á (hay Ngu theo tiếng nói người Mường hay Ngê U theo tiếng Tàu Quan Thoại) trong đó có người Thái và người Tày.
Đối với ông cũng như với các nhà nghiên cứu Trần Ngọc Thêm, Nguyễn Đình Khoa, Hà Văn Tấn vân vân thì chủng Nam Á gồm có 4 nhóm riêng biệt như sau: nhóm Môn-Khơ Me, nhóm Việt-Mường, nhóm Tày-Thái và nhóm Mèo -Dao thêm vào đó có thêm nhóm Nam Đảo (Chàm, Raglai, Êdê ) để có thể định nghĩa giống chủng Cổ Mã Lai (Indonésien) (2). Sự tham gia của người Thái trong việc thành lập vương quốc Âu Lạc của Thục Phán (hay An Dương Vương) không thể chối cải được sau khi Thục Phán đã thành công đánh bại vua Hùng cuối cùng của nhà nước Văn Lang. Cái tên Âu Lạc phản ánh hiển nhiên sự liên kết chặt chẽ của hai dân tộc Việt, một nhánh Âu (Thái cổ) và một nhánh Lạc (Việt cổ). Hơn nửa, Thục Phán là một người Việt chi Thái, điều nầy cho thấy rỏ ràng sự đoàn kết và sứ mệnh lich sử chung của hai dân tộc Việt và Thái trước sự bành trướng của người Hoa. Theo giáo sư Đào Duy Anh, Thục Phán thuộc gia đình qúi tộc nước Thục. Tất cả đều được mách lại trong các thư tịch Tàu (Kiao -tcheou wan-yu ki hay Kouang-tcheou ki) nhưng bị bác bỏ bởi một số sử gia Việt vì vương quốc Shu (Thục) ở quá xa vương quốc Văn Lang nhất là bị thôn tính quá sớm bởi Tần quốc từ 316 trước công nguyên (hơn nửa thế kỷ trước khi lập vương quốc Âu Lạc). Nhưng theo nhà văn Bình Nguyên Lôc, Thục Phán bị mất nước, buộc lòng phải dung thân lúc còn trẻ với các bộ hạ ở môt nước nào mà thời đó phải có quan hệ sắc tộc (ngôn ngữ và văn hóa) cũng như họ có nghĩa là nước Tây Âu ở bên cạnh nhà nước Văn Lang của dân Việt. Hơn nửa người Tàu không có lợi chi viết sai sử học khẳng định đây là một hoàng thân của nước Thục cai trị nước Âu Lạc. Việc tá túc của Thục Phán và bộ hạ ở Tây Âu cần có một thời gian trong cuộc di tản vì vậy có 60 năm sau đó mới có sự sáng lập vương quốc Âu Lạc qua sự giải thích. Nhưng gỉả thuyết nầy không vững vì nhất là thời đó có 3000 cây số phải vượt để đến Tây Âu. Vả lại Thục Phán cầm đầu một đạo binh có 3 vạn quân lính. Không thể nào một đạo quân như vậy có thể tàn hình và di chuyển mà ngưởi Tàu không biết được vì không những cần sự tiếp tế lương thực mà còn vượt qua bao nhiêu khu núi rừng quản trị bởi các bộ lạc thù địch hay thân Tàu. Chắc chắn Thục Phán phải tìm được ở Tây Âu tất cả những gì cần thiết ( quân bị, lương thực) trước khi thôn tính nước Văn Lang. Theo giả thuyết gần đây, Thục Phán là thổ lĩnh của một bộ lạc liên minh Tây Âu và con của Thục Chế, vua của nước Nam Cương thuộc về vùng Cao Bằng và nam Quảng Tây Trung Quốc ngày nay. Có sự trùng khớp thống nhất giữa những linh vật được mách đến trong truyền thuyết nỏ thần của người dân Việt và những tập tục trong truyền thống của người Tày (Thái cổ). Rùa vàng, gà trắng là những linh vật có ý nghĩa biểu tượng quan trọng. An Dương Vương (Thục Phán)(Ngan-yang wang) là một nhân vật lịch sử. Với sự khám phá các di tích ở Cổ Loa huyện Đông An, Hànội chúng ta có thể khẳng định là vương quốc Âu Lạc có thật và được dựng bởi Thục Phán khoảng chừng 3 thế kỷ trước Công Nguyên. Âu Lạc bị thôn tín về sau bởi Triệu Đà, người sáng lập ra nước Nam Việt.
Nằm ở các tỉnh Quảng Đông và Quảng Tây, Tây Âu là vương quốc của người Tày và người Thái cổ (Tổ tiên của người Thái ngày nay). Chính ở nơi nầy mà Thục Phán liên minh các bộ lạc trước khi thôn tính nước Văn Lang. Nên nhớ lại Tần Thủy Hoàng phải cổ động thời đó hơn 50 vạn binh lính trước khi xâm chiếm Tây Âu và sau khi diệt nước Sỡ với 60 vạn quân. Ngoài sự chống cự mãnh liệt của các chiến binh, Tây Âu phải là một nước có tầm vóc quan trọng và khá đông dân để Tần Thủy Hoàng phải dùng một binh lực như vậy. Mặc dầu thủ lĩnh Tây Âu Dich Hu Tống bị tử nạn, sự kháng cự của dân Tây Âu cũng thu gặt được vài kết quả đáng kể trong vùng Quảng Tây với cái chết của tướng Tàu Uất Đồ Thư cầm đầu một đạo binh 50 vạn quân và được nhắc đến trong bộ sách Hoài Nam Tử mà hoài nam vương Lưu An, cháu của Hán Cao Tổ Lưu Bang, người sáng lập nhà Hán, biên soạn vào giữa năm 164 và 173 trước Công Nguyên.
Tây Âu được nổi tiếng thời đó nhờ có những chiến sĩ gan dạ. Tính tình của người Thái thưở xưa được nhà văn hào và nhiếp ảnh Pháp Alfred Raquez (3) mô tả như sau:
Người Xiêm La thưở xưa, rất hiếu chiến và thích phiêu lưu, thường hay sinh sự gây chiến tranh không ngớt với các nước láng giềng và hay thường thắng lợi trong các cuộc viễn chinh. Mỗi lần có được một chiến dịch mỹ mãn, họ thường mang về theo họ các tù binh và đày các người nầy ở những vùng đất của Xiêm La càng xa quê quán của họ càng tốt.
Khi Tây Âu và Âu Lạc bị Triệu Đà tướng của nhà Tần thôn tính, tất cả người Thái cổ ở lại có con cháu về sau nầy trở thành nhóm người thiể u số Tày ở Việtnam. Còn những người Thái cổ khác, họ chạy trốn lên Vân Nam mà họ cùng nhau liên hiệp ở thế kỷ thứ 8 để lập vương quốc Nam Chiếu rồi sau đó nước Đại Lý mà Phật Giáo Đại Thừa bất đầu du nhập. Chẳng may các nước Ba Thục, Tây Âu, Âu Lạc, Nam Chiếu, Đại Lý đều bị người Hoa thôn tính trong cuộc di dân của người Thái. Để đối phó áp lực không ngừng của người Hoa và trước hàng rào thiên nhiên không lay chuyển của Hy Mã Lạp Sơn, nhóm người Thái cổ buộc lòng đi trở xuống và xâm nhập lại bán đảo Đông Dương (4) nhưng di cư lần nầy từ từ theo mô hình nan quạt, chia ra nhiều ngã và nhiều nhóm vào đất Lào, Tây Bắc Việtnam, miền bắc Thái Lan và vùng Thượng Miến Điện.
Một đoạn đường lịch sử chung với dân tộc Việt
Theo các văn bản lịch sử Thái tìm được ở Việtnam thì có ba đợt di dân quan trọng của dân cư Thái ở Vân Nam vào Tây Bắc Việtnam suốt thế kỷ 9 và 11. Đó là thời kỳ mà vương quốc Nam Chiếu bị Đại Lý thôn tín rồi ba thế kỷ sau đó đến lượt Đai Lý bị hủy diệt bởi quân Mông cổ của Hốt Tất Liệt (Kubilai Khan), cháu nội của Thành Các Tư Hãn (Gengis Khan). Khi lúc xâm nhập, cư dân Thái cổ chia ra nhiều nhóm: nhóm Thái ở Việtnam, nhóm Thái ở Miến Điện (thường gọi là người Shan), nhóm Thái ở Lào (hay Ai Lao ) và nhóm Thái ở miền bắc của Thái Lan ngày nay. Mỗi nhóm bắt đầu theo đạo của các nước mà họ được cư trú. Vì vậy nhóm người Thái ở Việtnam không có cùng đạo với các nhóm Thái ở nơi khác. Họ vẫn tiếp tục thờ đa thần và theo tín ngưỡng « vạn vật hữu linh ». Không phải trường hợp của nhóm Thái sống ở miền bắc của Thái Lan, Miến Điện và Ai Lao vì ở các nơi nầy thời đó có các vương quốc của nguời Môn và Khơ Me theo Ấn Độ giáo và Phật giáo Nguyên thủy ( Đế chế Angkor, các vương quốc Môn Dvaravati, Haripunchai, Lavo vân vân …) sau khi vương quốc Phù Nam bị tan rã. Người Môn đóng một vai trò quan trọng đối với người Thái trong việc truyền bá Phật giáo Nam Tông phát xuất từ tập quán của người Cinghalais. Ngoài hai thành phần chính được trông thấy ở tôn giáo của người Thái đó là sự tôn thờ các vị thần trong tín ngưỡng dân gian (Phra) và Phật giáo nguyên thủy còn thấy sự hiện diện của đạo Bà La Môn. Đạo nầy giử một vai trò rất quan trọng ở Đông Nam Á trước khi Phật giáo nguyên thủy thành công lan khắp ở Miên Điện, Thái Lan, Lào và Cao Miên. Trong đền thờ của người Thái thường thấy có rất nhiều thần thánh cũng như có nhiều thần linh. Thuyết vạn vật hữu linh cũng không có chi tương khắc với Phật giáo Nam Tông vì vậy các thần thánh che chở mà người Thái thường gọi là Phra được đặc để và tôn thờ ở vị trí giữa các nhân vật sùng bái và các thần Hindu có liên hệ mật thiết với Phật giáo tiểu thừa. Họ xem như là những người hầu cận của đức Phật. Phật giáo tiểu thừa chấp nhận dễ dàng các nghi lễ địa phương. Bởi vậy thường thấy luôn luôn một đền nhỏ tôn thờ thần bốn mặt Brahma ở chung quanh những toà lầu quan trọng của người Thái với chủ đích là để bảo trợ và xa lánh các ma qủy. Các thần linh cũng được thờ kính ở những nơi công cộng như chùa chiền, hoàng cung, phi trường vân vân …
Vì họ đến tá túc muộn ở các quốc gia nhận họ nên họ phải đảm nhận tất cả những công việc « nặng nhọc ». Người Cao Miên thường gọi họ với cái tên Syàma (Xiêm La), một chữ phạn có nghĩa « ngăm đen » vì da họ ngăm đen. Chính với cái tên nầy họ được nhắc đến vào năm 1050 trên một văn bia của người Chàm mà được tìm thấy ở Po Nagar, xem họ như những tù binh trong cuộc chiến tranh giữa Chămpa và đế chế Angkor. Thời đó họ thường là những người trinh thám dũng cảm, những người đánh thuê trong quân đội của đế chế Angkor mà sự hiện diện được mách lại trong một bức hình chạm nổi thấp Angkor Vat. Theo nhà khảo cổ học Pháp Bernard Groslier, họ chỉ là những người dân quê miền núi nghịch ngợm, không chữ nghĩa và cũng không có tôn giáo chi cả. Dạo đó họ không thể nào có đựơc may mắn để làm lay động các vùng biên thùy của đế chế Angkor cũng như các vương quốc người Môn có nền văn hóa Dvaravati.
Không phải trường hợp của các người dân Việt vì cùng thời đó, họ bắt đầu lấn áp Chămpa. Theo nhà khảo cổ Bernard Groslier, họ có đủ khả năng xây dựng một quốc gia cường mạnh sau suốt một thời gian dài bị Tàu đô hộ, có đủ điều kiện chống chọi cũng như người Chàm. Ngược lại, người dân Thái phải đợi ít nhất hai thế kỷ để mới tiếp thu được bài vở của chủ nhân họ trước khi mới có thể thay thế và vượt qua mặt chủ của họ. Đến từ phương bắc và thường tiếp xúc với nền văn hóa Dvaravati, người dân Thái chịu cải sang đạo Phật Giáo Nguyên Thủy rất mau lẹ nhưng họ tiếp tục vẫn giữ cấu trúc xã hội dựa trên các mường hùng mạnh và phong kiến. Đối với họ, Thái Lan vẫn được xem như là Mường của các người Thái tự do, một địa hạt rất lớn và hùng mạnh. Luôn cả ngay trên thiên đàng họ cũng tổ chức chia ra thành những địa hạt quản lý bởi những vị thần (hay Devata). Các cư dân Thái ở Việtnam cũng nhắc đến cách tổ chức hành chánh nầy. Cũng hợp tình hợp lý cách thực hành của người Thái trong việc tập hợp tù binh qua sự nhận xét của Alfred Raquez như sau :
Người dân Thái không có đày các tù binh ở khắp nơi đất nước của họ. Ngược lại, họ để các tủ binh có quyền tựu tập hợp lại, thành lập ra những vùng gọi là « khong » mà ở đầu của mỗi « khong » có một lãnh tụ cùng nguồn gốc quê quán với các tù binh thường gọi là naïkhong. Những người nầy đuợc xem như là các nhà thẩm phán tối cao có quyền giải quyết tất cả mọi vấn đề của cộng đồng và chỉ có họ mới có thể trực tiếp thẳng và liên hệ với chính quyền.
Mường là cơ sở nồng cốt trong cách tổ chức xã hội, chính trị và tôn giáo của người Thái. Các mường có thể nhỏ hay lớn tùy theo yếu tố kích thước và quan trọng. Có thể nói nó giống như ở Pháp với huyện hay tỉnh lị. Nhưng lúc nào cũng có ở trung tâm một mường gọi là Mường Luông mà tất cả mường khác điều phải hướng về và qui phục. Đây là sự nhận xét với cách tổ chức về các mường Thái ở Việtnam. Mỗi mường được một lĩnh tụ hay lãnh chúa thường thuộc về dòng quí phái quản trị và hơn nửa có một vai trò tôn giáo rất quan trọng. Chính người nầy có nhiệm vụ tôn thờ thần đất (hay thổ địa) và có quyền trên các dân làng. Những người nầy phải làm nghĩa vụ quân sự khi có chiến tranh mà còn phải làm lao dịch. Mỗi mường có tập quán riêng tư. Tổ chức hành chánh và quân sự của họ cũng tựa như người Mông Cổ cũng có sự phân biệt giai cấp giữa nhóm qúy tộc, chiến sỹ và nhóm người còn lại ( các tiểu vương và những người nông nô). Mỗi người đều có cấp bậc và chức vị trong một hệ thống có tên là sakdina ( sakdi có nghĩa là có quyền và na thì ruộng lúa). Mỗi người dân có được thí dụ 25 rai ( tức là rẫy theo tiếng việt, số lượng đất tương đương là 1600m2). Một người chủ điền với cấp bực là 400 thì có quyền quản lý được 16 nông dân vì 16 =400/25. Còn một người qúi tộc hay lãnh chúa có thể được quản lý đến 400 người nông dân nếu câp bực của họ lên đến 10000 trong hệ thống sakdina (400=10000/25). Nói tóm lại tùy theo cấp bực mà có thể nhiều hay ít số người để làm việc nghĩa vụ quân sự và lao dịch. Mỗi mường gồm có nhiều thôn, mỗi thôn được quản lý bởi một hội đồng quản trị gồm các người có địa vị trong thôn (thân hào) và có từ 40 đến 50 nhà mà đôi khi có thể lên đến 100 nhà. Cũng như người dân Việt, dân Thái thường dựng các thôn và mường ở các vùng đất phù sa (Chao Praya thí dụ) hay những vùng mà có những con sông hay các kinh thuận tiện trong việc trồng lúa nước, di chuyển và trao đổi hàng hóa với các mường khác.
Lợi dụng sự kiệt quệ của đế quốc Angkor qua các cuộc chiến tranh không ngừng với các nước láng giềng (Chămpa và Việtnam) và các công trình xây dựng các đền vĩ đại như Bayon, Angkor Thom, Ta Prohm, Angkor Vat vân vân … ) của vua Jayavarman VII nên khi ông nầy vừa qua đời thì với các cuộc xâm lấn của đoàn quân Mông Cổ ở Đông Dương (đế quốc Khơ Me năm 1283, Chămpa (1283-1285), Đại Việt (hay Vietnam) của nhà Trần ( 1257- 1288 )) và vương quốc Pagan (Miến Điện)), người dân Thái họ bắt đầu cũng cố quyền lực chính trị ở Thái Lan cũng như ỏ Miến Điện.
Ở phía bắc của lưu vực sông Ménam của Thái Lan, có hai thủ lỉnh người Thái tên là Po Khun Bangklanghao và Po Khun Phameung đứng lên đánh đuổi người Khơ Me và người Môn và đã thành công trong việc giải phóng Sukhothai năm 1239. Po Khun Bangklanghao trở thành vua đầu tiên của vương quốc Thái độc lập với cái tên Sukhothai có nghĩa là buổi đầu của hạnh phúc. Nhưng phải nói nhờ con trai thứ nhì của ông là Rama Khamheng ( thường gọi là Ramkhamhaeng Đại Đế) có công trạng mở mang bờ cõi bằng các thôn tính không những các vùng miền bắc của Mã Lai cho đến tận Ligor mà còn luôn các vùng của đế quốc Khơ Me gần Luang Pra Bang (Ai Lao). Cùng thời đó ở phiá bắc Thái Lan, sau khi thôn tính Haripunjaya năm 1292, một thủ lỉnh đồng minh tên là Mengrai dựng vương quốc Lanna ( có nghĩa là vương quốc của một triệu nương lúa) và đóng đô ở Chiang Mai. Từ nay, Rama Khamheng và Mengrai chia nhau để thống trị, một người ở trung bộ và người kia thì ở phiá bắc của Thái Lan. Có những tiểu vương quốc thái được dựng ở Phayao và Xiang Dong Xiang Thong (Luang Prabang) (Ai Lao). Ở Miến Điện, vương quốc Pagan không chống chọi nổi trước sự xâm lấn của đoàn quân Mông cổ nên người Thái ở Miến Điện ( người Shan ) thừa dịp đó làm tan rã vương quốc và dựng ra nhiều vương quốc shan.
(1): Quê hương gấu trúc. Chính ở nơi nầy tìm ra được văn hóa Tam Tinh Đôi (Sanxingdui) nổi tiếng với các mặt nạ đồng và các dấu hiệu trên khí giới. Cũng ở đây Lưu Bị dựng vương quốc Thục Hán thời Tam Quốc. (2) Chủng tộc Đông Nam Á thời tiền sử.(3): Comment s’est peuplé le Siam, ce qu’est aujourd’hui sa population. Alfred Raquez, (publié en 1903 dans le Bulletin du Comité de l’Asie Française). In: Aséanie 1, 1998. pp. 161-181.(4) Đông Dương theo nghĩa rộng. Không phải Đông Dương thời Pháp thuộc.
Vương quốc Sukhothaï
Một nền văn hóa mới được phát sinh với sự thành lâp vương quốc cổ đầu tiên của người Thái ở Sukhothaï. Dưới sự hướng dẩn của Ramkhamhaeng Đại Đế, người Thái biết tận dụng và thừa hưởng tất cả những gì thuộc về văn hóa bản địa, có thể nói đây là một thời hoàng kim thịnh vượng của triều Phra Ruang. Theo nhà khảo cứu Pháp Georges Coedès, người dân Thái là những người tiếp thụ tài ba lỗi lạc. Thay vì hủy diệt và ruồng bỏ tất cả những gì thuộc về của các chủ cũ của họ ( người Môn, người Khơ Me) họ, thì ngược lại người dân Việt thường không ngó ngàng khi xâm chiếm Chămpa, cố tình chiếm hữu và tìm lại các đề tài ở trong danh mục nghệ thuật của người Môn và người Khơ Me để hình thành và tạo cho họ một phong cách cá biệt bằng cách để biểu lộ ra những tập quán bản địa trong kiến trúc (chedis hay stupas) và nghệ thuật làm tượng (các chư Phật) mà được thường trông thấy. Phật giáo Đại thừa bị từ bỏ từ nay và được thay thế bởi Phật giáo nguyên thủy. Chính ở quốc giáo nầy mới thấy được cái thẩm mỹ của người Thái qua những công thức hình ảnh và tạo hình mà họ mượn một cách hiển nhiên ở trong nghệ thuật của người Khơ Me và người Dvaravati (Môn).
Sự xuất hiện nghệ thuật Sukhothaï chứng tỏ được cái ý muốn canh tân và sinh lực đáng kể dù nó còn hấp thụ nhiều ảnh hưởng sâu sắc và truyền thống cổ đại của người Tích Lan, Miến Điến và Khơ Me trong cách tạo các pho tượng Phật. Dù được biểu hiện qua nhân hình, các chư Phật được chạm khắc theo những qui tắc rất chính xác mà những nghệ nhân Thái phải tôn trọng một cách tỉ mỉ. Theo nhà khảo cổ Pháp Bernard Groslier thì cũng không có sự phóng đại quá đáng trong cái đẹp của các tác phẩm nầy mà phải coi xem đây là những tác phẩm có tính cách làm nổi bật phong cách và biểu hiện cái độc đáo của một xã hội vừa mới dựng và năng động. Tuy nhiên cũng thể hiện lên một phần nào sự thiếu hiện thực ở các dái tai của các tượng Phật hay ở các búi tóc và các tay chân quá dài. Qua nghệ thuật điêu khắc của Sukhothai, chúng ta cũng nhận thấy đây là một nghệ thuật hoàn toàn độc đáo và biểu thị một thời kỳ mà dân tộc Thái cần có một bản sắc văn hóa và tôn giáo và một cá tính riêng tư mà thường được minh hoạ qua một thí dụ trong cách tạo tư thế buớc đi của Đức Phật, một chân gập về phía sau, gót chân thì nâng lên một cách dịu dàng như một dấu hiệu khiến hình ảnh nầy nó ăn sâu vào tâm trí của người dân Thái nhất là có sự linh động trong bước đi lưu loát của Đức Phật và dáng đi rất nhẹ nhàn và thư thản. Đầu thì hình oval, các cung mày cong lại hình bán nguyệt và được nối dài với một mũi khoằm và dài, tóc thì uốn quắn chạy dài xuống trán, thường có một nhục kế nổi lên giống như ngọn lửa trên đỉnh đầu ( ảnh hưởng Tích Lan), một dòng đôi kép quanh miệng (ảnh hưởng Khơ Me), quần áo thường bám sát vào thân người, đó là những đặc điểm của nghệ thuật Phật giáo Sukhothaï.
Dưới triều đại của Rama Khamheng (hay thường gọi Rama dũng cảm), một xã hội mới được thành hình từ gia tài để lại của người Môn-Khơ Me và noi theo mô hình hành chính và xã hội ở người Mông Cổ. Chữ Thái được tạo ra và dựa trên kiểu chữ viết Khơ Me mà nguồn gốc đến từ miền nam Ấn Độ. Phật giáo Theravada được công nhận từ nay là quốc giáo. Tuy nhiên thuyết duy linh vẫn tiếp tục trường tồn cụ thể là người dân Thái vẫn còn tôn thờ thần đất mà vua Rama Khamheng thường nhắc đến. Ông dành một ngôi đền ở trên một ngọn đồi gần Sukhothai để thờ một thần linh tên là Phra Khapung Phi được xem là có chức vị cao hơn mọi thần khác để phù hộ sự thịnh vượng của vương quốc và ông có nhiệm vụ cúng tế mỗi năm. Chính cái thái độ, tục lệ nầy cũng được còn thấy ở đầu thế kỷ 20 ở Việtnam với Đàn Nam Giao ở Huế mà vua nhà Nguyễn thường tổ chức tế lễ mọi năm vì thiên tử là con của Trời phải có nhiêm vụ cầu Trời ban phước lành cho đất nước ( cũng thế ở Trung Hoa với Thiên Đàn ở Bắc Kinh).
Cũng không có chi ngạc nhiên khi ngày nay còn thấy cái tập quán, cái khái niệm nầy qua tượng Phật Ngọc mà người dân Thái thường gọi là Phật Phra Keo Morakot và được xem như là Thần phù hộ của Thái Lan và che chở triều đại Chakri trong nhà thờ của hoàng cung ở Bangkok. Theo Bernard Groslier, sự tương đồng nầy có căn cứ vì người dân Thái cũng thuộc về thế giới cổ xưa có cùng tư duy với người Trung Hoa. Chúng ta tự hỏi về việc so sánh nầy vì chúng ta thừa biết cũng như người dân Việt, người dân Thái họ cũng thuộc về chủng tộc Bách Việt mà phần đông các tộc đều theo thuyết duy linh và thuộc về thế giới nông nghiệp. Họ củng thường quen tế lễ thần đất trước khi chịu ảnh hưởng của Trung Hoa. Rama Kham Heng trong thời ngự trị rất thành công trong việc giao hảo thân thiện với Trung Hoa của Hốt Tất Liệt. Chính ông khuyến khích các nghệ nhân Trung Hoa đến định cư ở thủ đô. Chính nhờ vậy với sự khéo léo và thành thạo của các người nầy mà vuơng quốc Sukhothaï được biết đến sau đó không lâu với các đồ gốm nổi tiếng Sawankhalok
Vương quốc Ayutthaya
Vương quốc Sukhothaï suy yếu và không còn tồn tại được bao lâu sau khi Rama Khamheng đại đế qua đời vì các vua thừa kế Lo Tai (1318-1347) và Lu Tai (1347-1368) vùi mình trong việc mộ đạo mà quên để ý đến các chư hầu mà trong đó có một vị hoàng tử rất dũng cảm và đầy nghị lực ở huyện U Thong (*), nổi tiếng có nhiều tham vọng về đất đai. Ông nầy không ngần ngại chinh phục vua Lu Tai và trở thành vua đầu tiên cùa một triều đại mới lấy Ayutthaya nằm ở thung lũng Ménam Chao Praya làm thủ đô. Ông lấy vương hiệu Ramathibodi I (hay là Ramadhipati). Vuơng quốc của ông không được thống nhất theo cái nghĩa hẹp mà thông thường dùng mà nó chỉ giống một phần nào một hệ thống Mạn Đà Là (mandala)(**). Vua ngự trị và ở vị trí trung tâm của nhiều vòng đai đất của mô hình Mạn Đà Là thường thấy ở Đông Nam Á. Vòng đai đất xa nhất thường gồm có những vùng độc lập (hay muờng) thường được cai trị mỗi vùng bởi một hoàng tộc thân thích của vua còn vòng đai kế cạnh gần bên vua thì được các tổng đốc cai quản và được vua bổ nhiệm. Một chiếu chỉ đề từ năm 1468 hay 1469 mách lại có đến 20 chư hầu đến ăn mừng và tỏ lòng qui phục vua Ayutthaya.
(*) U Thong: huyện toạ lạc trong tỉnh Suphanburi. Đây là vương quốc Dvaravati mà người Trung Hoa thường nói đến thưở xưa với tên là T’o Lo po ti. Chính ở nơi nầy nhà sư nổi tiếng Trung Hoa tên là Huyền Trang (hay Tam Tạng) được ghé sang đây lúc ông đi thỉnh kinh Phật ở Ấn Độ. (**) Mandala được dùng bởi học gỉả WOLTERS,O.W. 1999. History, Culture and Religion in Southeast Asian Perspectives. Revised Edition, Ithaca, Cornell university and the Institute of Southeast Asian Studies. pp 16-28.
Tuy nhiên thống trị và quyền lực của vua cũng có giới hạn nhất là đối với những vùng xa xôi mà ở các nơi nầy, các lãnh tụ có uy thế có thể bất cứ lúc nào đòi độc lập khi họ có tham vọng. Với vai trò một lãnh tụ tôn giáo (dharmarâja), vua có thể tạo thế cân bằng để làm giảm đi sự tranh đua tiềm lực của các chư hầu. Chính vì vậy vương quốc Ayutthaya thường có các cuộc chiến tranh kế vị và đấu tranh nội bộ trong suốt thời gian của triều đại.
Trong thời kỳ hùng mạnh, vương quốc Ayutthaya chiếm cứ đất đai khoảng chừng như lãnh thổ mà Thái Lan hiện nay có trừ bỏ đi vương quốc Lanna ( mà thủ đô là Chiang Mai) và một phần đất phía đông của Miến Điện. Theo nhà nghiên cứu Nguyễn Thế Anh thì loại hình thể chính trị nầy cũng có một thời ở đầu thế kỷ thứ 11 ở Việtnam nhưng sau đó bị mất đi nhường lại cho hình thể chính trị mà quyền lực nằm trong tay chính quyền trung ương lúc dời đôi về Thăng Long (Hànôi) dưới triều đại Lý Thái Tổ (Lý Công Uẩn). Theo nhà sử gia Thái Charnvit Kasetsiri, hoàng tử U Thong nầy xuất thân từ một gia đình người Trung Hoa. Nhờ quan hệ hôn nhân với vua của vương quốc Lopbury, ông được chọn trong việc thừa kế ông nầy. Từ đó, Ayutthaya trở thành trung tâm quyền lực chính trị của người dân Thái cho đến khi Ayutthaya bị tàn phá bởi quân Miến Điện của vua Hsinbyushin vào năm 1767. Với chủ nghĩa bành trướng, Ramathibodi không ngần ngại xâm chiếm Angkor năm 1353. Cuộc xâm lược nầy được tái diễn lại 2 lần sau nầy với Ramesuen (con trai của vua Ramathibodi) vào năm 1393 và với vua Borommaracha II năm 1431. Người Khơ Me buộc lòng dời đô về Nam Vang với Ponheat Yat. Mặc dầu như thế, các vua của triều đai Ayutthaya vẫn tiếp tục tự hào họ là những người thừa kế của đế quốc Angkor. Họ không ngầ n ngại lấy lại cho họ cách tổ chức của triều đình và các quan chức của kẻ thất bại mà luôn cả các đội vũ công và đồ trang sức. Sự trở lại với nghi lễ và truyền thống của chế độ quân chủ Angkor càng rất rõ rệt. Vua trở thành một phần nào một ông Phật sống mà sự xuất hiện trước quần chúng càng hiếm có. Các bề tôi không được nhìn thẳng vào mặt vua ngoài trừ những người thân thích. Họ phải dùng một ngôn ngữ đặc biệt khi nói chuyện với vua. Vì có quyền lực thiêng liêng, vua có thể định đoạt số mệnh của bề tôi. Dưới triều đại của Ramathibodi một loạt cải cách được tiến hành. Ông mời các thành viên của một tăng đoàn từ Tích Lan đến Thái Lan để thiết lập các trật tự tôn giáo mới. Vào năm 1360 Phật giáo nguyên thủy được công bố là quốc giáo của vương quốc Ayutthaya. Một đạo luật gồm có các luật tục Thái và dựa trên Dharmashastra của Ấn Độ được áp dụng. Còn nghệ thuật Ayutthaya thì nó có tiến triển buổi đầu dưới ảnh hưởng của nghệ thuật Sukhothaï nhưng rồi nó tiếp tục tìm cảm hứng trong lãnh vực điêu khắc trước khi nó quay trở về với các mô hình Khơ Me từ lúc vua Trailokanatha kế vị vua cha lên ngôi vào năm 1448. Nói tóm lại, trong phong cách Ayutthaya, có sự hỗn hợp của phong cách Sukhothaï và phong cách Khơ Me.
Kinh thành Ayutthaya được mô tả bởi ông thầy tu François-Timoléon de Choisy, một thành viên của phái đoàn Pháp được vua Louis XIV gởi sang Thái Lan để viếng thăm vua Narai vào năm 1685 là một thành phố đa ngôn ngữ và tuyệt vời. Kinh thành Ayutthaya trở thành không bao lâu là con mồi được người Miến Điện dòm ngó nhất là kinh thành Ayutthaya nổi tiếng giàu có về của cải và sang trọng. Mặc dầu Ayutthaya mang tên là đồn lũy không thể thất thủ bằng tiếng phạn thế mà kinh thành Ayutthaya bị cướp bóc và tiêu hủy vào năm 1569 bởi đoàn quân xâm lược Miến Điên của vua Toungoo Bayinnaung. Rồi sau nầy kinh thành lại bị tiêu hủy một lần nửa với vua Miến Điện Hsinbyushin vào năm 1767. Đoàn quân Miến Điện thừa dịp cơ hội nầy nấu chảy vàng mà họ tìm được qua các pho tượng phật nhưng họ bỏ lại một pho tượng trét bằng vữa trong một ngôi chùa ở thủ đô. Tuy nhiên dưới chất vữa nầy lại là một pho tượng bằng vàng ròng. Đây là một mẹo mà các nhà sư Thái dùng để che giấu vật báu trong lúc kinh thành bị vây hãm bởi đoàn quân Miên Điện. Chính pho tượng phật vàng nầy hiện nay được giữ ở chùa Wat Traimit tọa lạc ở khu tàu của thủ đô Bangkok.
Sau khi hủy phá kinh thành Ayutthaya, đoàn quân Miến Điện trong lúc rút lui họ mang trở về không những tất cả những chiến lợi phẩm mà họ thu thập được và 60.000 tù binh mà luôn cả vua của vương quố c Ayutthaya và gia đình cua ông. Từ đó vương quốc Ayutthaya bị chia cắt hoàn toàn với sự xuất hiện nhiều lãnh tụ đia phương. Kinh thành Ayutthaya không còn là trung tâm quyền lực chính trị nửa. Theo nhà nhân loại học người Mỹ Charles Keyes, Ayutthaya không còn được các ảnh hưởng vũ trụ để có thể bền vững lâu dài. Lý do tồn tại nó không còn biện bạch được nửa. Ayutthaya sẽ thay thế bởi một thủ đô mới Thonburi, ở cận bên Bangkok có thể đến đường biển ( để phòng ngừa trong trường hợp bị xâm lược bởi quân Miến Điện) và được thành lập lên bởi tổng đốc của tỉnh Tak tên Sin. Chính vì vậy mà thường gọi là Taksin (Trịnh Quốc Anh bằng tiếng Việt ) hay Taksin Đại Đế trong lịch sữ của Thái Lan.
Taksin, người Trung Hoa gốc Tiều Châu, được xem như là người có công giải phóng và thống nhất đất nước Thái Lan sau khi loại trừ tất cả đich thủ của ông và đánh bại đoàn quân Miến Điện ở Ayutthaya sau hai ngày chiến đấu mãnh liệt. Ông ngự trị được 15 năm (1767-1782). Nhờ ông mà Thái Lan có lại không những nền đôc lập vững chắc mà còn thêm sự thịnh vượng. Thái Lan trở thành từ đó một trong những cường quốc ở Đông Nam Á nhất là người dân Thái giải phóng được vương quốc Lanna ra khỏi ách thống trị của Miến Điện vào năm 1774 và bành trướng ảnh hưởng và tùng phục được Ai Lao và Cao Miên qua các cuộc viễn chinh quân sự. Thái Lan bất đầu dòm ngó vị trí quan trọng ở lãnh địa Hà Tiên mà một người Minh Hương gốc Quãng Đông, Mạc Cửu đang quản trị ở đầu thế kỷ 18 trong vịnh Xiêm La. Thái Lan thường ôm ấp cái mộng được độc chiếm và kiểm soát thương mại trong vịnh Xiêm La.
Chính ở Lào mà đoàn quân viễn chinh Thái của tướng Chakri ( vua Rama I về sau) lấy được Phật ngọc của người dân Lào và mang về ở Thonburi vào năm 1779 trước khi để vĩnh viễn ở hoàng cung ở Bangkok. Phật ngọc trở thành từ đó là thần bảo hộ của triều đại Chakri và có nhiệm vụ bảo đảm sự thịnh vượng của đất nước Thái Lan.
Sau cái chết của vua Ai Lao Surinyavongsa, nước Lào bị chia ra thành ba vương quốc: Vạn Tương, Luông Pha Băng và Champassak và bị thống trị tạm thời bởi người Thái. Ngược lại ở Cao Miên, lợi dụng sự chia rẻ nội bộ trong việc thừa kế của các vua chúa và thường có chánh sách bành trướng về phía đông để kiểm soát vịnh Xiêm La, người dân Thái không ngần ngại gây sự để xung đột vũ trang với các chúa Nguyễn nhất là cho đến giờ phút nầy các chúa Nguyễn có thẩm quyền dòm ngó nước Cao Miên nhất là nước nầy đã đồng ý cho người dân Việt định cư ở trên lãnh thổ của họ (Cochinchine ) với vua Prea Chey Chetta II vào năm 1618
Những cuộc xung đột tiềm tàng với Việtnam
Mỗi bên đều có thắng lợi cũng như có thất bại. Cầm đầu một đạo binh có 20 vạn binh và một đội tàu chiến, sau mười ngày vây hãm, Taksin dành thắng lợi trong việc đánh đuổi được Mạc Tiên Tứ, con của Mạc Cửu ra khỏi Hà Tiên vì Mạc Thiên Tứ không những là đồng minh của các chúa Nguyễn mà còn là người bảo vệ con trai của vua cuối cùng của triều đại Ayutthaya đó là hoàng tử Chiêu Thúy (Chao Chuy). Đối với Taksin, Chiêu Thủy vẫn là mối lo ngại trọng đại vì vẫn tiếp tục được xem là một trong những người tranh đua kế vị ngôi vua Thái Lan. Qua những cuộc thất bại quân sự ở Châu Đốc và trong vùng Sa Đéc, Taksin buộc lòng chấp nhận một thỏa ước hoà bình mà Mạc Thiên Tứ đề nghị và từ bỏ Hà Tiên hoang tàn để đổi lại sư giao trả hoàng tử Chiêu Thúy cùng việc trả tự do cho cô con gái của Mạc Thiên Tứ bị bắt lúc Hà Tiên bị thất thủ và sự giữ lại trên ngôi vua của Cao Miên một vua thân Thái tên là Ang Non. Khi trở về Thái Lan, Chiêu Thúy cùng người em bị bắt ở Cao Miên, bị hành quyết. Còn chúa Nguyễn Phúc Thuần (sau nầy lấy tên là Duệ Tông) gặp nhiều trở ngại với việc nổi dậy của anh em nhà Tây Sơn, đành buộc lòng bảo chứng thỏa ước và tạm thời để người Thái thao túng chính sách bành trướng lãnh thổ ở Lào và Cao Miên. Nhưng cuôc hưu chiến rất ngắn ngủi nhất là với Mạc Thiên Tứ vì trong thời gian nầy ông bi đeo đuổi bởi quân Tây Sơn nhất là họ dành thắng lợi trong việc chiếm thành Gia Định (hay Saïgon) vào năm 1776 và bắt được Nguyễn Phúc Thuần ở Cà Mau. Mạc Thiên Tứ buộc lòng cùng bộ hạ và gia đình sang xin tá túc ở Thái Lan với Taksin. Lúc nào cũng ám ảnh nghi ngờ và đố kỵ, Taksin ra tay hành quyết gia dình của Mạc Thiên Tứ và tùy tùng trong đó có hoàng tử Tôn Thất Xuân. Để bảo tồn danh dự và phẩm cách, Mạc Thiên Tứ tự sát bằng cách nuốt một thỏi vàng. Bệnh đa nghi của Taksin càng ngày cảng lộ liễu cho đên nó trở thành một bệnh thần kinh tạo ra một hành vi khó hiểu, bạo ngược và hoang tưởng.
Đây là một trong những điểm chung thường thấy ở những vĩ nhân chính trị (Tào Tháo thời Tam Quốc, Tần Thủy Hoàng chẳng hạn). Chính tính đa nghi thúc đẩy Taksin đến chổ nhốt tù các thân nhân của ông nhất là gia đình của con rể của ông, tướng Chakri đang dấn thân trong cuộc việc viễn chinh quân sự ở Cao Miên để chống chọi lại đoàn quân Việt của hoàng tử trẻ Nguyễn Ánh. Tứớng Chakri ( tức là vua Rama I trong tương lai) buộc lòng chịu thỏa hiệp với các phó tướng của Nguyễn Ánh đó là Nguyễn Hữu Thùy và Hồ văn Lân và nhận được lại một cây gươm và một lá cờ để tỏ lòng sự ủng hộ của nhà Nguyễn chống lại Taksin. Được về kịp lúc cuộc đảo chính chống Taksin và có công trong việc dẹp phiến loạn, tướng Thái Chaophraya Mahakasatsuk (hay Chakri) trở thành từ đó là vua Rama I và người lập triều đại Chakri. Việc đăng quang của Chakri kết thúc triều đại Thonburi và thay thế từ nay bởi một triều đại mới với việc dời đô về Vọng Các (Bangkok).Chính ở nơi nầy vua Rama I cố gắng phục hồi lại phong cách Ayutthaya qua hoàng cung của ông ở Bangkok. Sự dời đô không có mang lại sự đổi mới trong nghệ thuật của người dân Thái. Rama I chỉ quan tâm đến công trình dở dang của Taksin Đại Đế trong việc bành trướng ảnh hướng về phía đông. Ông không ngần ngại trợ tiếp hoàng tử Nguyễn Ánh trong cuộc chống chọi lại nhà Tây Sơn qua một cuộc viễn chinh quân sự ở trên sông Rạch Gầm- Xoài Mút trong tỉnh Tiền Giang ngày nay nhưng hoàn toàn thất bại và bị tiêu diệt bởi chiến lược thần tốc của người anh hùng áo vải Việtnam Nguyễn Huệ. Từ 50 vạn binh Xiêm La phối hợp với quân của nhà Nguyễn và 300 thuyền khởi đầu, chỉ còn lại có 2000 quân Xiêm La tẩu thoát mượn đường Cao Miên để trở về Thái Lan.
Lợi dụng sự thiếu hiểu biết về địa thế và sự đánh giá thấp của quân địch, Nguyễn Huệ tránh va chạm trực diện ở Sa Đéc và thành công trong việc làm thất bại sự xâm lấn của người Xiêm La trên kênh Rạch Gầm- Xoài Mút gần ở Mỹ Tho. Nguyễn Huệ cần một cuộc chiến thắng thần tốc vì ông dư biết chúa Trịnh ở Bắc Việt có thể lợi dụng thời cơ để xâm chiếm Qui Nhơn ở miền trung Việtnam.
Bị săn đuổi như con thú và chìm trong vực thẳm của sự phiền muộn, Nguyễn Ánh buộc lòng phải lưu vong một thời gian ngắn (từ năm 1785 đến 1787) ở Bangkok cùng các cận thần thân tín và 200 quân lính. Sau đó có 5000 vệ binh của Nguyễn Huỳnh Đức sang Thái Lan theo ông. Theo giáo sư người Việt Bùi Quang Tùng (1) thì có rất nhiều người tỵ nạn chọn ở lại Xiêm La về sau và kết hôn cùng người dân Thái.
Chính sách giao hảo với Việt Nam
Sự hiếu khách mà vua Rama I dành cho Nguyễn Ánh sau này sẽ là cơ sở cho việc phát triển mối quan hệ tương lai giữa hai nước. Không lạ gì với cách cư xử chu đáo của Nguyễn Ánh trong việc tìm kiếm một giải pháp thích hợp để quản lý sự đô hộ ở Lào và Cao Miên với người Thái. Theo nhà nghiên cứu Vietnam Nguyễn Thế Anh, những quốc gia này được xem vào thời điểm đó là những đứa trẻ được hai nước Xiêm La và Việt Nam cùng nhau nuôi dưỡng, Xiêm La thì đóng thường ngày vai trò người cha còn danh hiệu của mẹ thì dành cho Viêt Nam. Sự phụ thuộc này được biết đến trong tiếng Thái dưới tên là « song faifa ». Theo nguồn tin của Xiêm La, Nguyễn Ánh đã gửi cây bạc và vàng từ Gia Định đến Vọng Các 6 lần, đây là một dấu hiệu bày tỏ sự trung thành của Nguyễn Ánh vào giữa năm 1788 và năm 1801. (2).
Trong một lá thư gửi đến vua Rama I trước khi trở về Gia Định, Nguyễn Ánh đã đồng ý đặt dưới quyền bảo hộ của Xiêm La trong trường hợp ông thành công trong việc khôi phục quyền lực. Đại Nam (tên cũ của Việt Nam) có chấp nhận trở thành quốc gia theo độ hình mandala không? Có một số lý do để bác bỏ giả thuyết này. Đầu tiên Đại Nam không chịu ảnh hưởng của Phật giáo Nguyên thủy và cũng không có môt nền văn hóa Ấn Độ như hai nước Cao Miên và Lào vì tôn giáo đóng một vai trò rất quan trọng trong độ hình mandala được định nghĩa bởi nhà nghiên cứu O. Wolter. Xiêm La cố gắng bành trướng ảnh hưởng và thống trị ở các khu vực mà người Thái được du nhập ít nhiều và nơi mà văn hóa Ấn Độ hóa được trông thấy rõ rệt.
Đây không phải là trường hợp ở Việt Nam. Chakri và người tiền nhiệm Taksin đã thất bại trong việc tiếp cận ở Nam Kỳ, một vùng đất mới nên có rất nhiều người dân Việt cư trú với nền văn hoá khác nhau. Chế độ chư hầu dường như không thể. Chúng ta không bao giờ biết được sự thật nhưng chúng ta có thể dựa vào thực tế mà để nhận ra những ân huệ của Rama I. Nguyễn Ánh có thể có một thái độ dễ hiểu này, rất phù hợp với tính tình của ông và đặc biệt nhất là với tinh thần Nho giáo thì việc phản bội không bao giờ có ở nơi ông. Chúng ta tìm thấy ở Nguyễn Ánh sự biết ơn và lòng nhân từ mà chúng ta không thể phủ nhận sau này với Pigneau de Béhaine (Cha Cà). Ông nầy đã dành rất nhiều nỗ lực để thuyết phục Nguyễn Ánh theo đạo Công giáo.
Dưới triều đại của ông, không có sự bắt bớ người Công giáo, có thể xem đây là sự biết ơn của ông với Pigneau de Béhaine. Từ quan điểm này, chúng ta có thể thấy ở nơi ông nguyên tắc nhân đạo (đạo làm người) bằng cách tôn vinh cả lòng biết ơn đối với những người đã bảo vệ ông trong suốt 25 năm thăng trầm và trả thù những kẻ đã giết hại tất cả người thân và gia đình của ông. (thù phải trả, nợ phải đền)
Vào thời điểm lên ngôi vào năm 1803 tại Huế, Nguyễn Ánh đã nhận được vương miện do vua Rama I cung cấp nhưng ông đã trả lại cho ông nầy ngay lập tức vì ông không chấp nhận được coi là chư hầu của vua và nhận được danh hiệu mà vua Xiêm Rama I thường quen ban cho các chư hầu của mình. Thái độ này đi ngược lại với lời buộc tội mà người ta vẫn có về Nguyễn Ánh. Đối với một số nhà sử học Việt Nam, Nguyễn Ánh là kẻ phản bội vì ông ta cho người nước ngoài có cơ hội để chiếm Việt Nam. Người ta thường dùng cụm từ tiếng Việt « Đem rắn cắn gà nhà » với Nguyễn Ánh. Thật không công bằng khi gọi ông là kẻ phản quốc vì trong bối cảnh khó khăn mà ông có, không có lý do nào mà không hành động như ông khi ông ở trong vực thẳm tuyệt vọng. Có lẽ là thành ngữ sau đây « Tương kế tựu kế » phù hợp với ông ta hơn mặc dù có nguy cơ trở thành con cờ của người nước ngoài. Cũng nên nhớ rằng nhà Tây Sơn đã có cơ hội gửi một sứ giả đến gặp vua Rama I vào năm 1789 với ý đồ (Điêu hổ ly sơn) nhầm để chóng lại Nguyễn Ánh nhưng nỗ lực này là vô ích vì Rama I tôi từ chối ngay.(3)
Là người thông minh, can đảm và nhẫn nhục với hình ảnh của vị vua Cẫu Tiển của thời Xuân Thu, ông ta dư biết hậu quả của các hành động của mình. Không chỉ có vua Gia Long mà thôi còn có hàng ngàn người đã đồng ý theo ông sang Thái Lan và nhận trách nhiệm nặng nề này là đưa người nước ngoài vào đất nước để chống lại nhà Tây Sơn. Có phải tất cả họ đều là kẻ phản bội? Đó là một câu hỏi hóc búa mà rất khó để đưa ra một câu trả lời khẳng định và một sự lên án vội vàng mà không có trước đó sự công bằng và không nên bị thuyết phục bởi những ý kiến đảng phái chính trị khi chúng ta biết rằng Nguyễn Huệ luôn luôn là người anh hùng được người dân Việt ngưỡng mộ nhất nhờ thiên tài quân sự của ông.Thất vọng trước sự từ chối của Gia Long, vua Rama I, không có tỏ ra dấu hiệu oán giận nhưng ông ta đã nhận thấy sự biện minh nầy trong sự khác biệt về văn hóa. Chúng ta tìm thấy ở vua Rama I không chỉ sự khôn ngoan mà còn có cả sự hiểu biết. Bây giờ vua Rama I muốn được đối xử như một người bình đẳng với Nguyễn Ánh. Sự đối xử bình đẳng này có thể được hiểu là mối quan hệ song phương « đặc quyền » giữa người anh cả và người em trẻ với sự tôn trọng lẫn nhau. Mỗi người nên biết rằng người nầy rất cần người kia dù đây chỉ là một liên minh hoàn cảnh. Các quốc gia của họ bị theo dõi bởi những kẻ thù ghê gớm đó là Miến Điện và Trung Quốc.
Mối quan hệ đặc quyền của họ không phai nhạt theo thời gian khi Rama I đem lòng yêu mến chị gái của Nguyễn Ánh trong thời gian đó. Chúng ta không biết bà nầy trở thành như thế nào về sau là vợ hoặc là cung tần của vua Rama I. Trái lại, có một bài thơ tình mà vua Rama I dành riêng cho bà và bài nầy vẫn được tiếp tục hát vào những năm 1970 trong cuộc diễn hành hàng năm của những chiếc thuyền hoàng gia. Về phần Nguyễn Ánh (hay Gia Long), trong thời gian trị vì, ông đã tránh đối đầu với Thái Lan về mặt quân sự với các vấn đề gai góc của hai nước Cao Miên và Lào. Trước khi qua đời, Gia Long đã không ngừng nhắc nhở người kế nhiệm, vua Minh Mạng để duy trì tình bạn này mà ông đã thành lập với vua Rama I và coi Xiêm là một đồng minh đáng kính nể trên bán đảo Đông Dương (4). Điều này sau đó được chứng minh qua việc vua Minh Mạng từ chối tấn công Xiêm La theo lời yêu cầu của người Miến Điện.
Theo nhà nghiên cứu Nguyễn Thế Anh, ở Đông Nam Á, trong số hai mươi quốc gia vào khoảng 1400, chỉ còn có ba vương quốc thành công được xem vào đầu thế kỷ XIX là các cường quốc ở khu vực trong đó có Xiêm La và Đại Việt, một nước bắt đầu hành trình về phía Đông và một nước về phía Nam để gây thiệt hại cho các quốc gia bị ảnh hưởng Ấn Độ giáo (Lào, Cao Miên, Chămpa). Sư xung đột lợi ích này ngày càng gia tăng với sự qua đời của Rama I và Nguyễn Ánh. Những người kế vị của họ (Minh Mạng, Thiệu Trị ở phía Việt Nam và Rama III ở phía Xiêm La) đã bị vướng vào vấn đề kế vị của các vị vua Cao Miên đã không ngừng chiến đấu lẫn nhau và yêu cầu sự giúp đỡ và bảo vệ của Viet Nam và Xiêm La. Sau đó, được hướng dẫn bởi chính sách của chủ nghĩa thực dân và thôn tính khiến hai nước phải đối đầu hai lần về mặt quân sự vào năm 1833 và năm 1841 ở lãnh thổ Cao Miên và Việt Nam và tìm thấy mỗi lần sau cuộc đối đầu một thỏa hiệp có lợi cho hai nước và gây bất lợi cho các nước bảo hộ của họ. Sự liên minh hoàn cảnh không còn được xem xét đến. Sự cạnh tranh càng ngày thể hiện rõ ràng hơn giữa hai quốc gia đối thủ Đại Nam và Xiêm La, tạo ra giờ đây một khoảng cách cho việc giao hảo và liên minh nào có thể. Ngay cả chính sách của hai nước cũng khá khác nhau, một nước theo mô hình Trung Hoa để tránh tiếp xúc với thực dân phương Tây còn một nước thì theo mô hình Nhật Bản để ủng hộ việc mở cửa biên giới.Thủ đô Nam Vang của Cao Miên đã bị quân đội Việt Nam của tướng Trương Minh Giảng chiếm đóng một thời trong khi đó các vùng ở phiá Tây Cao Miên (Xiêm Riệp, Battambang, Sisophon) đều nằm trong tay Thái Lan. Theo nhà sử học người Pháp Philippe Conrad, nhà vua Cao Miên được coi là một thống đốc bình thường của vua Xiêm La. Các dấu hiệu hoàng gia như kiếm vàng, ngọc ấn đã bị tịch thu và giữ cất tại Vọng Các. Sự xuất hiện của người Pháp ở Đông Dương kết thúc quyền bá chủ của hai nước đối với Cao Miên và Lào. Sự đô hộ nầy giúp người Cao Miên và Lào thu hồi một phần lãnh thổ của họ trong tay của người Việt và người Thái. Nước Đại Nam của Hoàng đế Tự Đức phải đối mặt với chính quyền thực dân Pháp đã sáp nhập sáu tỉnh Nam Bộ (Nam Kỳ).
Nhờ sự sáng suốt của các vị vua Xiêm La (nhất là Chulalongkorn hoặc Rama V), người Thái dựa vào chính sách cạnh tranh giữa người Anh và người Pháp, mà cố gắng giữ độc lập với cái giá phải trả là sự nhượng bộ lãnh thổ của họ ( các lãnh thổ Miến Điện và Mã Lai mà họ chiếm đóng trả lại cho người Anh và Lào và Cao Miên thì nhường lại cho người Pháp). Họ đã chọn chính sách đối ngoại mềm dẽo (chính sách cây sậy) như cây sậy thích nghi với gió. Không phải sự ngẫu nhiên khi thấy sự liên minh thiêng liêng của ba hoàng tử Thái Lan ở thời kỳ khởi đầu thành hình quốc gia Thái Lan vào năm 1287 và sự phục tùng ngoan ngoãn của họ trước đoàn quân Trung-Mông của Hốt Tất Liệt (Kubilai Khan).
Chính chính sách tổng hợp thích ứng này cho phép họ tránh được các cuộc chiến tranh thuộc địa, luôn sát cánh với những kẻ chiến thắng và được tồn tại cho đến ngày nay như một quốc gia hưng thịnh mặc dù đã thành hình muộn ở lục địa Đông Nam Á. (chỉ có từ đầu thế kỷ 14)
Tài liệu tham khảo
The Thai in the North-West of Vietnam. Nhà Xuất Bản Thông Tấn.
La première conquête chinoise des pays annamites. Léon Aurousseau. BEFEO Année 1923. Volume 23 N° 1. p136-264
Cổ sử cá quốc gia Ấn Độ hóa ở Viễn Đông. G. E. Coedès. Nhà xuất bản Thế Giới 2011.
La féodalité en Asie du Sud Est, Nguyễn Thế Anh. Paris, PUF,1998, pp. 683-714
La conquête de la Cochinchine par les Nguyễn et le rôle des émigrés chinois. Paul Boudet. BEFEO, Tome 42, 1942, pp 115-132
Contribution à l’étude des colonies vietnamiennes en Thailande. Bùi Quang Tung
Guerres et paix en Asie du Sud Est. Nguyễn Thế Anh- Alain Forest. Collection Recherches asiatiques dirigées par A. Forest. Editeur L’Harmattan.
Thailand and the Southeast Asian networks of the Vietnamese Revolution,1885-1954. Christpher E. Goscha