Nguồn cội: Chuyện về những người hai quê hương
Báo cáo di dân Thế giới 2020 đã công bố một con số đáng kinh ngạc về tỉ lệ di dân toàn cầu, và số lượng công dân toàn cầu đang tăng lên nhanh chóng, nhưng những nền văn hóa bản địa vẫn chưa xóa bỏ được những định kiến và khuôn mẫu cứng nhắc về những nền văn hóa khác. Điều này vô hình trung đã làm tổn thương những người sinh ra và lớn lên ở đôi dòng, khiến họ không ít lần cảm thấy mình như kẻ lạc loài, thậm chí bị xúc phạm.
Tháng Mười hai này, Nhã Nam trân trọng giới thiệu tới bạn đọc tập truyện ngắn và thơ mang tên N
guồn cội của tác giả Nguyễn Đan Thy. Cuốn sách là tiếng lòng của Đan Thy cũng như của bao con người có hai quê hương khác, luôn thấy mình như bị mắc kẹt trong một vùng u minh giữa hai bản dạng, luôn đặt mình trong cuộc chiến tìm xem mình thực sự là ai.
Nguồn cội là cuốn sách về những trăn trở và giằng xé nội tâm, từ lạc lõng đến phẫn nộ, từ kiêu hãnh đến bình yên của một cô gái trẻ người Việt định cư trên đất Mỹ, được thể hiện bằng những mẩu chuyện ngắn, những vần thơ gọn giúp bạn đọc có cái nhìn thấu suốt hơn về sự giao thoa bản sắc của những con người hai quê hương.
“Khi người ta hỏi tôi từ đâu đến, tôi nói sự thật, “Tôi sinh ở Việt Nam rồi chuyển đến đây lúc đang học cấp hai. Vậy nên tôi đến từ cả hai nơi – Sài Gòn và Houston.” Tôi tự hào vì mình có hai căn tính. Tôi trân trọng sự khác biệt và đa dạng trong mình. Tôi thấy chỉ nhận mình là người Việt hoặc người Mỹ là không đúng. Tôi chẳng là gì cả, đồng thời tôi lại là cả hai. Tôi là sự pha trộn của những mảnh ghép, tôi là tôi.
Tôi là Nguyễn Đan Thy và tôi cũng là Tee Win, một chút Việt, một chút Mỹ, thoải mái mở bất cứ cánh cửa nào.”
Mở đầu cuốn sách là những lạc lõng chơi vơi của một cá thể không biết mình thuộc về nơi nào. Dù trên danh nghĩa, cô luôn có hai nơi gọi là quê hương, nhưng tận sâu trong tâm hồn là cảm giác bị cho ra rìa và luôn không có nơi mình thuộc về:
“Tôi kẹt nơi hành lang giữa hai cánh cửa
Khóa trong tay tôi mở được cả hai.
Ngó bên trong nhưng chẳng thể bước lại,
Qua khe cửa hẹp, chỉ có thể hé nhìn.
Ai cũng có cánh cửa riêng,
Và sống trong phòng của họ
Nhưng tôi vĩnh viễn kẹt nơi hành lang
Mãi là kẻ đứng ngoài.”
Sự lạc lõng bắt nguồn từ việc mất kết nối với hai nền văn hóa có liên hệ với mình: được sinh ra ở Việt Nam nhưng lại chẳng thành thạo tiếng mẹ đẻ, được nuôi dạy và lớn lên ở Mỹ nhưng vẫn có những khác biệt văn hóa cô không tài nào thẩm thấu nổi. Cô như bị trôi dạt giữa hai thế giới, chẳng ở đây mà cũng chẳng ở kia.
Mang trên mình mọi đặc điểm ngoại hình của người châu Á, từ đôi mắt, cánh mũi, đến làn da, cô gái trẻ lớn lên và trưởng thành ở đất Mỹ không tránh khỏi việc trở thành đối tượng của đủ loại khuôn mẫu mà người ta có thể nghĩ ra và không ngần ngại hỏi thẳng.
Những định kiến đối với nhiều người chỉ là vài miếng hài trong một tập phim truyền hình Mỹ, hoặc đôi khi là một chủ đề thú vị để một cây hài độc thoại khai thác trong show diễn của mình, nhưng đối với những người trong cuộc, đây là một trong những nguyên do khiến họ như bị đày ở luyện ngục văn hóa vĩnh viễn.
Cuốn sách này không chỉ bao gồm những cảm xúc và câu chuyện của riêng tác giả, nó còn là tiếng nói chung của vô số những con người hai quê hương khác, bao gồm những trải nghiệm và hoàn cảnh của những cá nhân khác được tác giả tường thuật lại. Tất cả đều để cất lên một tiếng nói nhỏ nhoi nhưng mạnh mẽ của cộng đồng những người đa bản dạng, mong muốn khơi dậy được nhiều hơn ý thức về sự giao thoa văn hóa, đồng thời khích lệ thế giới trân trọng sự khác biệt của mỗi cá nhân và để họ tự hào về chính màu da của mình.
VỀ TÁC GIẢ
Nguyễn Đan Thy sinh tại Sài Gòn, Việt Nam, tốt nghiệp khoa Kinh Doanh, Đại học Badson, Hoa Kỳ. Năm 12 tuổi, cô rời Sài Gòn, chuyển đến sống tại Houston, Texas và từ đó, Thy chia đôi thời gian sống của mình: một nửa ở Mỹ, một nửa ở Việt Nam.
Luôn bị cuốn hút bởi ngôn ngữ và nghệ thuật, cùng những trải nghiệm riêng về bản sắc văn hóa đa diện, Đan Thy coi việc viết như một cây cầu để giúp các nhóm bên lề được lắng nghe, được đồng cảm và được tôn trọng trong một thế giới ngày càng giao thoa hơn về chủng tộc và biên giới.
Nguồn tin: Nhã Nam