Người phụ nữ làm khuynh đảo Đàng Ngoài
Đắc Kỷ hại Thương, Bao Tự diệt Chu; sắc đẹp ấy khiến quân vương mê mệt mà cơ nghiệp cũng theo đó tiêu vong. Thiên triều mà còn sụp bẫy chẳng thoát được thì phiên thuộc nơi góc bể sao tránh khỏi. Đặng Tuyên Phi cũng chính là một Muội Hỉ, Tây Thi của Đại Việt; cơ đồ họ Trịnh hơn 200 năm mất chỉ trong vài nốt nhạc vì bà.
Sinh ra trong nhà thường dân số phận nghèo khổ, thường ngày phải lên núi hái chè để mưu sinh; sau đạt đến cao sang vinh hiển bởi vậy dân gian vẫn thường gọi bà là Bà Chúa Chè. Vì có nhan sắc nên Huệ được tuyển vào phủ Chúa làm nữ tì, mọi chuyện sóng gió cũng bắt đầu từ đây.
Một hôm Đặng được lệnh đem khay hoa vào cho Chúa. Mặt hoa mơn mởn, mình liễu uyển chuyển cùng đôi mắt long lanh kiều diễm khiến Trịnh Sâm như bị thu hồn đoạt phách, thần trí đờ đẫn chẳng biết thế gian hư thực là gì. Và trời đã tạo cơ hội đưa nàng vào tay, thì làm sao chàng có thể bỏ lỡ.....
Vốn là ngôi sao sáng trên bầu trời với bao chiến công dẹp loạn trong ngoài, một trong những vị chúa thừa hưởng cái tài, cái uy vũ bậc nhất từ tổ tiên; vậy mà giờ đây sắc đẹp khiến Trịnh Sâm ngơ ngẩn đến mức đánh đổi tất cả. Khi vào Đàng Trong đánh quân Nguyễn, Trịnh Sâm có bắt được một viên ngọc dạ quang đẹp tuyệt vời. Chúa quý viên ngọc lắm nên thường cài nó trên khăn. Một lần Thị Huệ đưa tay cầm viên ngọc mân mê. Chúa mới sốt sắng:
-Nhẹ tay thôi, đừng làm trầy ngọc của ta.
Thị Huệ nghe vậy cầm viên ngọc ném ngay xuống đất rồi khóc lóc tru tréo:
-Bất quá thiếp vào Quảng Nam tìm hòn ngọc khác. Nhà chúa sao nỡ trọng của khinh người!
Nói rồi Thị bỏ về phòng và mấy ngày liền tránh mặt chúa. Trịnh Sâm phải mất bao công sức dỗ dành năn nỉ mới làm nàng vui lòng và chịu bỏ qua cho mình, xót của thì xót thật nhưng để người đẹp giận thì còn khổ hơn.
Thậm chí chúa không ngại dùng tiền quốc khố đến mức hao hụt, vắt óc nghĩ ra mọi sự giăng đèn kết hoa, du ngoạn thưởng lãm để chiều lòng và ghi điểm với Tuyên phi.
Chị đã vậy em càng được thế làm càn, nhà này quả vô phúc. Mậu Lân nhờ vây cánh của chị mặc sức làm trò bỉ ổi dâm loạn đàn bà cướp bóc dân chúng ngay giữa chốn Kinh thành mà chẳng ngán bất kỳ ai, dù là vương pháp kề cận. Mọi người nếu xem Đêm hội Long Trì chuyển thể từ tác phẩm của nhà văn Nguyễn Huy Tưởng hẳn sẽ nhớ Nhà chúa, Tuyên Phi, Cậu Giời, Quận chúa Quỳnh Hoa và Nguyễn Mại với những chi tiết ỷ thế chị đòi lấy Quỳnh Hoa, coi trời bằng vung nghênh ngang càn rỡ và sau cùng tên đại dâm tặc họ Đặng ấy chết dưới tay Nguyễn Mại. Thực sự thì việc Lân hoành hành dân chúng làm hại Quận chúa dầu chưa có lệnh của chúa Trịnh là có thực; song hắn không phải đền mạng mà mọi thứ diễn ra còn ngược lại. Nghe tin dữ con gái gặp chuyện; chúa phải sai người đem quân vây bắt Lân giải về phủ, giao cho triều đình luận tội. Các quan đều nói tội Lân đáng bêu đầu. Cũng chính lúc ấy Tuyên Phi lại xuất hiện khóc lóc xin chết thay em:
- Chúa thượng ơi, cúi xin tha cho nó một con đường sống, Mậu Lân mà chết thiếp ở thế gian này còn có nghĩa lý gì.
- Nàng khiến ta khó xử quá; tội của Quận Mã đã đưa ra luận bàn, giờ lại thay đổi quần thần tất dị nghị ta.
- Lân ngây dại gây tội không phải kẻ đại ác; xin Người hãy nể tình thiếp mà gia giảm để nó có đường phục thiện.
- Thôi được, sẽ theo ý nàng. Người đâu? Cho truyền Huy Quận Công vào nhận mệnh( Nghe lời nàng ấy cho vui cửa vui nhà, chứ lại để như đợt viên ngọc Đàng Trong kia thì chỉ khổ mình ta -_- )
Trịnh Sâm bất đắc dĩ phải tha cho Lân tội chết và giảm xuống thành tội đi đày ở châu xa. Lân xếp dọn nhà cửa, mặc áo tù thủng thỉnh bước ra khỏi kinh, có sẵn thuyền để chở đi. Lân đem theo rất nhiều gái, tiếng đàn sáo véo von không dứt. Ra đến nơi chịu đày quan địa phương phải làm nhà cửa cho gã ở. Tội lưu đày trước nay vốn phải chịu khổ sở, nhưng xem ra Cậu Giời là người đầu tiên phá lệ.
Ngôi Thế tử vốn của Trịnh Tông, nhưng sự mê mệt của Chúa Tĩnh Đô rồi những âm mưu, biến động trong ngoài do Tuyên Phi và Quận Huy gây ra nên rơi vào tay đứa trẻ Trịnh Cán. Mà dầu cho có mưu đồ hay không thì Trịnh Sâm vốn chẳng ưa Tông, nhìn cách đối xử với mẹ con Tông chúng ta sẽ rõ. Bà Thái phi họ Nguyễn vốn có ý ủng hộ Trịnh Tông nên tìm mọi cách vận động, song người con hiếu thảo nổi tiếng trước nay Trịnh Sâm quyết không nghe theo:
- Nếu bệnh của Cán vẫn không khỏi, thì thà rằng lập quận Côn, để trả lại cơ nghiệp cho ngành cả của nhà bác, chứ không đành lòng phó thác cho đứa con bất hiếu làm hỏng cơ nghiệp của tổ tiên!
Tĩnh Đô Vương một đời khang kiện đánh Đông dẹp Bắc nhưng đến cuối đời sức khoẻ lại suy kiệt đến độ mất khi mới 44 tuổi, Trịnh Cán được tôn lên ngôi Chúa bên cạnh có Đặng thị và Quận Huy phụ chính. Cán tuổi nhỏ lại ốm yếu lắm bệnh; sợ rồi sẽ chẳng mấy mà đi gặp cha; đọc Thượng kinh ký sự ta sẽ thấy hình ảnh Hải Thượng Lãn Ông vào phủ Chúa trị bệnh cho đứa trẻ nhỏ Trịnh Cán.
Thời gian nào có dài lâu, ngồi trên ngai còn chưa được ấm chỗ thì quân kiêu binh làm loạn lập Trịnh Tông lên làm Đoan Nam Vương; Điện Đô bị truất xuống làm Cung Quốc Công đuổi ra phủ Lượng Quốc, chẳng bao lâu sau đi gặp phụ vương. Cuộc đời Tuyên Phi từ đây sẽ chỉ còn lại những chuỗi ngày cay đắng; chúa Trịnh đã mất, Quận Huy cũng bị giết rồi, liệu rằng sẽ còn ai bảo vệ được bà? Thái phi Ngọc Hoan vốn cay quá cay Tuyên phi từ vụ cướp ngôi con bà, bao năm mài dao rèn kéo giờ mới thỏa sức trả thù.
Thái Phi buộc Tuyên Phi lạy tạ. Tuyên Phi không chịu lạy, Thái Phi sai hai a hoàn đứng hai bên nắm tóc Tuyên Phi dập đầu xuống đất, nhưng bà vẫn kiên quyết không lạy là không lạy, cắn răng chẳng nói nửa lời. Thái Phi điên máu Hoạn Thư quát:
- Các em đánh chết nó cho ta, tội vạ đâu ta chịu!
Đám a hoàn được dịp xúm lại đánh đập Tuyên Phi túi bụi luôn, phun nước miếng đầy mặt mũi bà. Tuyên Phi bầm tím khắp người, vừa đau đớn vừa nhục nhã. Sau đó bà bị bắt giam vào nhà Hộ Tăng ở vườn sau và làm tình làm tội khổ sở chẳng kể đâu cho hết. Một bữa chịu không nổi, định bỏ trốn mà đời quá đen sắp lên được đò thì bị quân lính bắt lại.
Sau một thời gian bị biệt giam, Đặng thị được cho làm cung tần nội thị, vào Thanh Hóa hầu hạ lăng tẩm chúa Trịnh Sâm. Bà ngày đêm gào khóc chỉ mong được về bầu bạn với chồng,quên đi cơn đau.
Đến ngày giỗ của chúa, Tuyên Phi ngẩng mặt lên trời, bưng chén thuốc độc uống một hơi, người lịm dần rồi tắt hẳn. Người đàn bà khuynh đảo Đàng Ngoài một thời, khiến phủ Chúa tồn tại hơn 200 năm gặp bao biến động từng bước lung lay, đổ vỡ chết trong sự cô độc, lạnh lẽo tột cùng. Cuộc đời đúng là vô thường, khi cung các vàng son bậc nhất, lúc đau đớn khổ cực chẳng ai bằng; người con gái làng Phù Đổng ấy sau cùng được táng cách lăng mộ của chồng khoảng 1 dặm.
Nguồn tài liệu tham khảo:
-Hoàng Lê nhất thống chí
-Thượng kinh ký sự
-Tài liệu, nhìn nhận của cá nhân.
lịch sử
Link fb cá nhân, mng có thể kết bạn để cùng trao đổi, thảo luận những vde cần thiết hay tham khảo thêm những bviet của mình
Trung Nguyễn
Link fb cá nhân, mng có thể kết bạn để cùng trao đổi, thảo luận những vde cần thiết hay tham khảo thêm những bviet của mình
Huỳnh Nguyễn Tố Anh