Người lớn cần bắt trước trẻ em để trở nên hạnh phúc, thành công hơn?
Là một người đã dành khá nhiều thời gian bên cạnh và chơi đùa cùng trẻ nhỏ - vừa qua quan sát, vừa qua nghiên cứu sách vở, mình biết được rằng cách tư duy và giải quyết vấn đề của trẻ em so với người trưởng thành có rất nhiều điểm khác biệt. Đôi khi, đây là những điểm khác biệt mà chúng ta cần học tập từ chúng, nếu muốn có được cuộc sống hạnh phúc và thành công hơn.
Trẻ em luôn đặt câu hỏi cho mọi thứ
Với trí tò mò sẵn có, trẻ em luôn đặt câu hỏi cho tất cả mọi thứ xung quanh chúng. Trí tò mò này đi kèm với việc trẻ em không có cảm giác 'ngại'. Ở đây là ngại bị mọi người chê cười là thiếu hiểu biết, thiếu tính tế (nên mới phải hỏi). Trên thực tế, những ai càng ngại hỏi, lại càng có ít cơ hội được mở mang kiến thức.
Trong thời đại ngày nay, tri thức đi liền với thành công. Vì thế, người trưởng thành chúng ta cần phải 'tập lại' thói quen luôn đặt ra câu hỏi cho mọi thứ xung quanh. Ngay cả khi chúng có vẻ là những điều hiển nhiên. Các nhà nghiên cứu tâm lý cho biết, việc liên tục đặt ra câu hỏi 'Tại sao?' cho bất kỳ vấn đề nào là một cách tốt để đào sâu tư duy về vấn đề đó.
(ảnh: NPR)
Trẻ em luôn sẵn sàng thử thách bản thân chúng
Có lẽ vì chưa phải trải qua những nỗi đau thất bại trên đường đời, nên trẻ em không bị cảm giác tiêu cực/sợ hãi đến từ các ký ức đau thương này cản trở - như người lớn chúng ta thường bị. Chúng không cần phải cảm thấy tự tin, hay sẵn sàng, để có thể bắt tay vào một hoạt động nào đó, dù đó là những hoạt động hoàn toàn mới mẻ đối với chúng.
Bạn hãy thử rủ những đứa nhóc trong gia đình bạn tham gia một trò chơi vận động nào đó. Bạn có thể chắc chắn rằng chúng sẽ đồng ý tham gia trò chơi này ngay lập tức. Đổi lại, chúng luôn có được những trải nghiệm thích thú, mới mẻ, sau các hoạt động đó.
Đời sống xã hội của người trưởng thành cũng chứa đựng muôn vàn các thử thách, các hoạt động hoàn toàn mới lạ, mà chúng ta đôi khi cần phải 'tham gia' mà không trong tình trạng sẵn sàng. Ví dụ: khi được đề bạt một chức vụ cao hơn, không hiếm người đã rụt rè từ chối, vì cảm thấy chưa đủ tự tin để đón nhận nó.
Trẻ em luôn bộc lộ mọi cảm xúc của chúng
Chúng khóc khi chúng buồn ngủ, đói, hoặc nhớ bố mẹ, hoặc cảm thấy bị đe dọa. Chúng vui mừng, nhảy múa khi có được món đồ chơi mới, khi biết rằng anh hoặc chị mình vừa từ trường học trở về. 'Giòn cười tươi khóc' là vậy, nhưng thực tế đây có thể là một điểm mà người trưởng thành cần học tập từ trẻ em.
Không ít các nhà tâm lý đã nhận định rằng việc kìm nén cảm xúc thực chất là có hại cho thần kinh con người. Ấy vậy mà, người trưởng thành chúng ta, vì lý do giữ thể diện, hoặc giữ phép tắc, lịch sự, lại thường kìm nén các cảm xúc của mình, cho dù nó là cảm xúc tích cực, nên được tự do thể hiện.
(ảnh: Psychcentral)
Trẻ em sẵn sàng cầu cứu những người xung quanh
Mỗi khi cảm thấy quá sức, trẻ em sẽ ngay lập tức cầu cứu những người lớn xung quanh. Việc này giúp chúng có được những điều chúng muốn. Người lớn chúng ta, trong đời sống thường ngày, cũng phải đối mặt với không ít những công việc khó khăn quá sức, nhưng chúng ta thường 'ngại' cầu cứu người khác.
Có thể vì ta cho rằng cầu cứu đồng nghĩa với yếu hèn, hoặc sợ gây phiền toái cho người khác, nhưng việc này vô hình chung lại tước mất cơ hội giải quyết các vấn đề này một cách dễ dàng hơn, thuận tiện hơn cho chúng ta.
Trẻ em không quan tâm đến việc 'giữ hình tượng'
Do cảm thức về bản ngã, về cái tôi của mình chưa phát triển ở trẻ em, nên chúng dường như không cảm nhận được sự tách biệt giữa con người chúng với thế giới xung quanh. Việc này khiến chúng có thể tự do trải nghiệm, tương tác với thế giới xung quanh mà không lo sợ việc cảm thấy 'xấu hổ', cảm thấy 'quê một cục', như người lớn thường bị. Đây thực chất là khác biệt căn bản dẫn đến đa số những điểm khác biệt mà mình đã liệt kê trên.
Người trưởng thành thường có khuynh hướng chìm đắm, tôn thờ, tự luyến vẻ đẹp của hình ảnh cá nhân mình. Cho dù đó là vẻ đẹp của cơ thể, những thành tựu ta đã đạt được trong quá khứ, xuất thân giàu sang cao quý của chúng ta, địa vị của chúng ta trong xã hội, 'thương hiệu cá nhân' trên Facebook và Instagram của chúng ta...Tất cả những thứ đó vô hình chung đã giới hạn chúng ta khỏi việc tự do trải nghiệm thế giới, tự do thể hiện mình. Quả là một nghịch lý.
(ảnh: Kênh Sinh Viên)
Trẻ em không để quan điểm tàn phá niềm vui của chúng
Người trưởng thành, trong suốt quá trình lớn lên, đã thu nạp vào não bộ của mình vô số các loại ý nghĩ, các hệ tư tưởng. Chúng ta cho rằng việc A là tốt và việc B là không, quan điểm C là đúng nhưng quan điểm D là sai. Chúng ta cho rằng cuộc sống của mình cần phải diễn ra theo một hướng nhất định nào đó (thường theo sát khuôn khổ, lề thói xã hội) thì nó mới xứng đáng được gọi là một cuộc sống đúng nghĩa. Ngược lại, chúng ta sẽ bị nhấn chìm trong cảm giác bất mãn, khổ đau.
Trái lại, trẻ em không mang trong chúng những quan điểm như vậy. Chúng không tự xác định trước với bản thân rằng chuyến đi chơi sắp tới phải thú vị như thế này, phải kịch tính như thế kia. Chúng chỉ đơn giản trải nghiệm chuyến đi chơi đó, cho dù chuyến đi chơi diễn biến như thế nào. Chính việc này giúp chúng luôn ở trong trạng thái vui tươi, tràn đầy năng lượng - một điều có thể nói là khá xa lạ với phần lớn người trưởng thành.
Bạn đã sẵn sàng để học tập từ con trẻ, và trở nên hạnh phúc, thành công hơn chưa?