Người họa sĩ dành trọn đời khắc họa hình ảnh Bác Hồ
Cả cuộc đời làm nghệ thuật của họa sĩ – nhà điêu khắc Trần Minh Châu, khắc họa hình tượng Bác Hồ là một mảng quan trọng và giúp ông gặt hái không ít thành công. Phải gần nửa thế kỷ miệt mài với đề tài này nhưng chưa có tác phẩm nào khiến ông hài lòng…
Ngôi nhà nhỏ của vợ chồng họa sĩ – nhà điêu khắc Trần Minh Châu (SN 1940, trú xã Hưng Hòa, TP Vinh, Nghệ An) nằm bên bờ sông Lam thơ mộng, nơi dòng nước bắt đầu đổ ra biển sau một hành trình dài bồi lắng phù sa cho hai bên bờ. Căn nhà nhỏ nép sau những giỏ hoa, gia tài lớn nhất của ông là những bức tượng, những tấm phù điêu, bức tranh sơn dầu… khắc họa cuộc sống, chiến đấu và hạnh phúc lao động giản dị của con người.
Họa sĩ - nhà điêu khắc Trần Minh Châu bên bức tượng đất nung "Bác Hồ ở Tây Bắc" sắp hoàn thiện.
Người họa sĩ tóc bạc trắng, miệt mài bên bức tượng đất nung “Bác Hồ ở Tây Bắc” đang hoàn thiện những công đoạn cuối cùng. Đôi mắt ông đầy ắp những say mê vào khuôn mặt bức tượng rồi khẽ nhíu mày khi một đường nét nào đó chưa vừa ý.
Những tác phẩm về đề tài Bác Hồ chiếm một số lượng không nhỏ trong gia tài đồ sộ hơn nửa thế kỷ hoạt động nghệ thuật của ông. Mỗi bức tranh, mỗi bức tượng, mỗi bức gò nhôm đều chứa đựng tình cảm, sự tôn kính và yêu quý của ông dành cho vị Cha già của dân tộc – ông may mắn được 3 lần nhìn thấy bằng xương, bằng thịt.
Bức tranh bột màu "Bạn cũ quê nhà" của họa sĩ Trần Minh Châu.
Lần đầu tiên, năm 1957, khi đang là sinh viên Trường Mỹ nghệ Hà Nội (nay là Trường ĐH Mỹ thuật Công nghiệp Hà Nội), ông có vinh dự được gặp Bác lúc Bác tới thăm trường. Lần thứ 2, ông có mặt trong đoàn học sinh, sinh viên của Trường Mỹ nghệ tới sân bay chào mừng một vị nguyên thủ quốc gia châu Phi và bất ngờ nhìn thấy Bác đón khách quý tại sân bay. Lần thứ 3 là khi Bác tạ thế.
“Lúc đó tôi đang học lên bậc đại học tại trường, được điều động sang trang trí cho lễ tang của Bác và nơi Người yên nghỉ. Thầy trò chúng tôi làm việc suốt đêm, mong góp 1 phần nhỏ bé để lo chu toàn cho lễ tang của Người. Ai cũng buồn đau trước sự ra đi của Chủ tịch Hồ Chí Minh và thấy trách nhiệm của mình trong nhiệm vụ đặc biệt này, cũng là cách chúng tôi thể hiện sự biết ơn, thành kính sâu sắc tới vị Cha già của dân tộc”, họa sĩ Trần Minh Châu kể.
"Bác về thăm quê" - tranh sơn dầu.
Chỉ 3 lần thoáng qua ấy thôi nhưng dưới con mắt của một họa sĩ, một nhà điêu khắc, ông đã thu hết vào đôi mắt, trí óc và con tim mình hình ảnh về Bác – một con người đẹp từ hình dáng, thần thái đến trí tuệ, một vẻ đẹp bình dị mà rất khó với tới. Từ đó, hình tượng Bác Hồ trở thành đề tài xuyên suốt cuộc đời làm nghệ thuật của ông.
Những tác phẩm của ông về Bác Hồ là sự nghiên cứu, tìm tòi, quan sát một cách tỉ mỉ và nghiêm túc, để từng đường nét, từng cử chỉ tái hiện trong các tác phẩm của ông luôn chân thực đến ngỡ ngàng. Những bức tranh màu, tranh sơn dầu hay tượng đất nung, phù điêu nhôm đưa đến cho người xem khung cảnh bình dị, hình ảnh Bác chân thực, thân thương, gần gũi như chính cuộc đời của Người.
Gò nhôm "Vui quanh Bác".
“Nhắm mắt lại tôi có thể hình dung ra Người, từ mái tóc, vầng trán, đôi mắt đến chòm râu bạc… Những hình ảnh, đường nét ấy như khắc vào trong trí não, lâu lắm rồi tôi không phải nhìn ảnh mẫu để vẽ nữa. Hàng chục năm, sáng tạo nhiều tác phẩm về đề tài Bác Hồ nhưng chưa có bức tượng nào tôi nặn, chưa có bức vẽ nào tôi vẽ Bác mà tôi ưng ý, thỏa mãn dù rằng các tác phẩm đó đều đoạt giải cao trong các cuộc thi…”, họa sĩ – nhà điêu khắc Trần Minh Châu nói.
Mỗi tác phẩm về hình tượng Bác Hồ đều được ông đầu tư kỹ lưỡng, nghiêm túc, thậm chí có những tác phẩm hoàn thành, không ưng ý, ông bỏ đi, làm lại từ đầu. Với sự sáng tạo nghiêm túc, các tác phẩm về đề tài Bác Hồ của họa sĩ – nhà điêu khắc Trần Minh Châu đoạt được các giải trong các cuộc thi và được giới chuyên môn đánh giá rất cao.
Có nhiều tác phẩm nghệ thuật thành công về đề tài Bác Hồ nhưng với họa sĩ - nhà điêu khắc Trần Minh Châu, chưa có tác phẩm nào về đề tài này khiến ông thỏa mãn, hài lòng bởi khắc họa hình ảnh Bác Hồ rất khó...
Có thể kể đến bức ký họa màu nước “Nhà quê nội Bác Hồ”, bức vẽ bột màu “Bác về thăm quê”, “Lụa tặng già”, bức phù điêu gò nhôm “Lời Đất Việt” đến những bức tượng “Bác Hồ về thăm nông trường” (đặt trước Nhà bảo tàng Nông trường 19/5, Nghĩa Đàn), nhóm tượng “Bác Hồ với tuổi trẻ” đặt tại công viên Nguyễn Tất Thành (TP Vinh)…
“Trong suy nghĩ của tôi Bác Hồ là một vị lãnh tụ cao quý nhưng thân thương như người cha, người ông của mình. Bác là con người đáng học tập, đáng noi gương. Mặc dầu rất yêu Bác, quý Bác nhưng nặn được Bác, vẽ được Bác khó lắm.
Lời Bác dặn - tranh màu nước.
Tôi vẽ về Bác, nặn tượng Bác rất nhiều nhưng chưa đạt được, chưa thỏa mãn được bởi vì Bác đẹp quá, đẹp về hình thể, đẹp về đạo đức, đẹp về tài năng, đẹp về phẩm chất… và tôi vẫn tiếp tục sáng tác về Bác bởi Bác là nguồn cảm hứng sáng tạo cả cuộc đời tôi”, họa sĩ – nhà điêu khắc Trần Minh Châu tâm sự.