Người......
Có bốn du khách trẻ lần lượt tên là “Mỗi Người”, “Người Nào Đó”, “Bất Kỳ Ai” và “Không Ai”. Họ cùng nhau đi tìm kiếm thứ quả tiên thần kỳ trong truyền thuyết.
“Mỗi Người” có trí tuệ bình thường, nên anh ấy muốn thông minh hơn; đôi mắt của “Người Nào Đó” bị mù, hi vọng có thể được nhìn thấy ánh sáng lần nữa; “Bất Kỳ Ai” đi đứng khập khiễng, mong muốn bệnh tật khỏi hẳn; “Không Ai” thính giác và thị giác yếu, anh ấy cũng muốn tìm được quả tiên. Bốn người ôm ấp mục đích khác nhau, cùng nhau xuất phát.
Đông Tây Nam đường lên khúc khuỷu, năm bảy dặm dịch quán quanh co, càng đi mới thấu khó khăn trùng trùng. Đối mặt với đường đầy chông gai, rừng sâu khuất bóng, chim kêu vượn hú, trùng xâm rắn cắn, họ chẳng hề e ngại lùi bước. Xuân về hoa nở, ngày hè khô nóng, gió thu xào xạc, đông lạnh thấu xương, họ vẫn cứ thong thả bước đi. Lối quanh co, đường khúc khuỷu, họ băng qua trăm núi ngàn sông, vượt muôn khổ ải. Mệt nhọc bôn ba trong khoảng thời gian dài khiến bốn người họ trở nên xanh xao vàng vọt, gầy gò hốc hác.
Qua mười độ xuân thu, nếm mật nằm gai, họ mới trông thấy một làng chài nhỏ. Tuy không lớn, nhưng so với cuộc sống ăn gió nằm sương, ăn bữa hôm lo bữa mai của họ thì cũng xem như đỡ phải lo cơm ăn áo mặc. ”Mỗi Người” do dự chùn bước. “Tìm quả tiên khổ quá, đành nhờ vào mọi người vậy!” “Mỗi Người” giở trò khôn lỏi, “Có thể ‘Bất Kỳ Ai’ có thể tìm thấy, cũng khó thể ‘Người Nào Đó’ sẽ tìm thấy, hoặc có khả năng ‘Không Ai’ có thể tìm thấy quả tiên.” “Mỗi Người” quyết định ở lại làng chài, kiên nhẫn chờ rồi lại đợi.
“Bất Kỳ Ai”, “Người Nào Đó” và “Không Ai” ôm ấp hi vọng tiếp tục lên đường. Họ từ biệt làng chài ấm áp, đi qua vùng hoang vu vắng vẻ, vượt qua khu rừng rậm nóng ẩm, băng qua những ngọn núi tuyết phủ trắng xóa, gió lạnh xé toạc quần áo họ thành từng mảnh, tiếng sói tru từng đêm khó bề yên giấc; cá sấu đói khát ẩn nấp dưới sông, con đỉa tham lam hút lấy máu tươi của họ, vừa nhổ nó đi thì một đường máu phun ra. Toàn thân họ không có lấy một mảnh da lành lặn. Họ đi suốt ngày đêm, không muốn dừng lại nghỉ ngơi, trong mắt họ bừng lên một ngọn lửa hy vọng.
Mười năm sau, bọn họ mới gặp được một trang trại cỏ xanh “rợp” tận chân trời. Mặt trời khuất núi, gà đậu trên giá, bò dê khắp đồng. So với cuộc sống ăn lông ở lỗ, đói khát thất thường của bọn họ, thì nơi đây cũng xem như là an ổn. “Người Nào Đó” quyết định ở lại. “Tìm quả tiên khổ quá, đành nhờ vào mọi người vậy!” Đôi mắt của “Người Nào Đó” trở nên ảm đạm, “Bất Kỳ Ai cũng có thể tìm thấy, thiếu Người Nào Đó như tôi cũng chẳng sao, có lẽ Không Ai có thể tìm thấy.” “Người Nào Đó” quyết định ở lại trang trại, kiên nhẫn chờ rồi lại đợi.
“Bất Kỳ Ai” và “Không Ai” lại thu dọn đồ đạc lên đường. Dọc đường đi, sông ngăn lối, cầu đứt gãy, thác xiết như tên, sóng dữ mãnh liệt, đôi bờ núi cao, cây râm khuất bóng, lạnh lẽo âm u, thế núi cao hiểm vô cùng.
“Chim bay khuất giữa ngàn non,
Trên đường muôn ngả chẳng còn dấu chân.”
“Bất Kỳ Ai” và “Không Ai” dìu dắt, động viên nhau, cùng bước từng bước khó khăn. Năm tháng như con dao mài đi nét lông bông thời niên thiếu, hằn lên trán và khóe mắt họ vết tích thời gian. “Bất Kỳ Ai” và “Không Ai” bắt đầu già đi.
Lại mười năm nữa trôi qua, bọn họ đến một thành phố phồn hoa đô hội. Trong thành phố, ngựa xe như nước, sầm uất náo nhiệt. Dù sao thì đây cũng là nơi cuối cùng có thể nhìn thấy người trên con đường tìm quả tiên rồi. Đây là nơi cuối cùng có dấu chân của con người, cũng là giới hạn tưởng tượng của “Bất Kỳ Ai”. “Bất Kỳ Ai” nắm tay “Không Ai”, anh ngập ngừng, lưỡng lự. “Chúng ta sáng thì gập ghềnh, tối thì trắc trở, phí hoài tuổi xuân, phai tàn thân trí. E rằng lý tưởng đã qua, nay khó lòng thực hiện!”
“Không Ai” biết người bạn đồng hành cuối cùng của mình cũng đã bỏ cuộc, anh ấy nhẹ nhàng rút tay về. “Tôi biết việc đi tiếp đối với người yếu thính giác và thị giác sẽ càng khó khăn hơn, nhưng tôi có thể dùng trái tim mình để cảm nhận, không oán trách không hối hận.” “Không Ai” kiên quyết lên đường, cây gậy chính là công cụ giúp anh ấy vượt mọi chông gai. “Bất Kỳ Ai” buồn thương đưa mắt tiễn “Không Ai” lên đường, trong mắt chất chứa giọt lệ hổ thẹn.
“Không Ai” đến đồng cỏ bao la, xuyên qua rừng rậm, leo qua núi tuyết, bơi qua sông lớn. Những cái kén dày trên người “Không Ai” cọ xát vào đá; “Không Ai” ngã xuống vô số lần, cũng bò dậy vô số lần; Vết thương trên người “Không Ai” kết vảy rồi lại chảy máu, chảy máu xong lại kết vảy; “Không Ai” khiêu chiến sức chịu đựng của bản thân hết lần này đến lần khác, tìm đường sống trong chỗ chết. Anh ấy cứ đi, cứ leo, vùng vẫy rồi lại mò mẫm, cứ tiến về phía trước không ngơi nghỉ phút nào.
Lại hai mươi năm nữa trôi qua, tóc, lông mày, râu của “Không Ai” bạc trắng như tuyết, trông như hành trình mà anh đã theo đuổi không ngừng suốt năm mươi năm.
Cuối cùng có một ngày, “Không Ai” bước chân đến một vùng đất bằng, khuôn mặt và cánh tay của anh ấy đã mất tri giác vì tuổi già, chỉ còn trái tim vẫn đập ngoan cường, là ở đây sao? “Không Ai” không nhìn rõ cũng không nghe rõ, anh ấy chỉ có thể dùng trái tim tỉ mỉ cảm nhận. Giọt nước mắt già nua đục ngầu lăn qua rãnh nhăn trên mặt anh, rơi xuống đất. Kỳ tích đã xảy ra! “Không Ai” như cảm nhận được mầm sống đang bùng phát từ mặt đất. Ngửi được hương thanh mát của lá, hương nồng nàn của hoa, hương thơm ngào ngạt của quả. Gian nan hái một quả mềm xuống, cắn một ngụm, vừa giòn vừa ngọt. Vừa ăn xong, anh thấy rõ cây xếp thành hàng, hoa đỏ cỏ xanh, tất cả hoa quả gật đầu cười với anh; gió thổi vi vu, anh thật sự có thể nghe thấy tiếng cười của lá và tiếng ca hát của chim! Anh soi mình qua suối, kinh ngạc phát hiện ra tóc bạc của mình đã biến thành màu đen, sắc mặt hồng hào, thần thái ngời ngời! “Không Ai” cảm kích hôn vào mặt đất dưới chân mình. “Không Ai” không tham lam, anh chỉ ôm lấy ba quả trở về.
Người anh nhẹ như yến, đi bộ như bay. Anh đi qua thành phố, trang trại, làng chài, lần lượt đến thăm “Bất Kỳ Ai”, “Người Nào Đó” và “Mỗi Người”. Tóc bọn họ đều đã bạc phơ, bọn họ không tin rằng người thanh niên tràn đầy sức sống này là “Không Ai” - người bạn đồng hành bị yếu thính giác và thị giác của họ. “Không Ai” chia quả tiên cho bọn họ. “Bất Kỳ Ai” không còn bệnh nữa, “Người Nào Đó” đã nhìn thấy ánh sáng, “Mỗi Người” có trở nên thông minh hay không, nhất thời khó mà biết được. Đáng tiếc chính là tóc bọn họ vẫn bạc trắng. Có lẽ, chỉ có người đích thân hái và nếm quả tiên mới có được thu hoạch lớn nhất!
Ba người thất thần nhìn nhau, là hối hận vì bản thân đã không kiên trì hay hối hận vì bản thân quá phụ thuộc vào người khác đây? Bọn họ rất ân hận!
truyện ngắn
,phong cách sống
,xã hội
,tâm sự cuộc sống
Rốt cuộc đến cuối cùng ân hận cũng có ích gì đâu chứ. Haizzz. Bài này của bạn với mình đã dễ đọc hơn nhiều so với bài trước đấy, nhiều đoạn y như thơ
Người bí ẩn hay quạu
Rốt cuộc đến cuối cùng ân hận cũng có ích gì đâu chứ. Haizzz. Bài này của bạn với mình đã dễ đọc hơn nhiều so với bài trước đấy, nhiều đoạn y như thơ