Ngôn từ và biểu đạt

  1. Thinking Hub

Có nhiều từ ngữ khi mình không thực sự hiểu và cảm nhận được nó, mình sẽ không thể nào biểu đạt được, hoặc nếu bị buộc phải nói hay viết ra sẽ thấy rất ngượng miệng, ngượng tay. Chữ "yêu" là một ví dụ. Trước ngày 26/2/2023 mình chả biết yêu là cái quần què gì. Mình chưa bao giờ cảm nhận được tình yêu. Mình cũng không hiểu sao có nhiều người có thể dễ dàng nói yêu đến thế. Thế nhưng mình đã đi tìm kiếm tình yêu. Có những người nói yêu mình rất nhiều, nhưng phần lớn quãng thời gian ở bên cạnh họ chỉ là cô đơn và dằn vặt. Một thứ tình yêu khiến mình sợ hãi. Mình ở cùng các cặp đôi, chứng kiến họ cãi nhau, choảng nhau suốt ngày và gọi đó là tình yêu...

Sao tình yêu có thể là thứ như vậy được? 

Cho đến một ngày mình bừng tỉnh, mình bỗng nhiên cảm nhận được nó, hoàn toàn bằng tâm hồn này, trái tim này. Có những người, không nói một lời yêu thương nào với mình, mình thấy trong họ đầy tình yêu. Tình yêu của bố mẹ, ông bà mình, các em mình, những người anh người chị người bạn mình có duyên gặp gỡ...

Có lẽ tình yêu thật sự, không thể diễn tả bằng ngôn từ...

Chúng ta phải học cách yêu thương mà không trở nên phụ thuộc hay sở hữu người khác. Tình yêu trong sáng, thuần khiết không bao giờ gây đau khổ.

(Tuyết giữa mùa hè - Sayadaw U Jotika)

***

Mình định viết một bài về tiếng Việt, nhưng cũng không hiểu sao lại bắt đầu bằng một câu chuyện phủ định ngôn từ này, thôi thì cứ nghĩ gì viết nấy vậy, có lẽ tâm trí tự có logic của nó :D.

***

Mình là người từng gặp nhiều khó khăn trong ngôn ngữ và giao tiếp, nhưng mình cũng rất thích ngôn ngữ và mình rất yêu tiếng Việt. Mình có nhu cầu hiểu những gì mình nói ra. Đó cũng là động lực chính để mình học tiếng Trung. Điều này dễ hiểu thôi, tỉ lệ từ Hán-Việt trong tiếng Việt cũng xấp xỉ tỉ lệ nước trong cơ thể người. Việc học tiếng Trung giúp mình hiểu những gì mình nói, mình đọc hơn.

***

Có hồi bạn mình rất bất mãn với thầy giáo về chuyện thầy giáo bạn ấy không phân biệt được khái niệm ngôi sao với hành tinh. Bạn mình quả quyết ngôi sao thì phải tự phát sáng, còn hành tinh thì không. Trong từ điển cũng có nói ngôi sao là vật thể có khả năng tự phát sáng, còn hành tinh thì quay xung quanh ngôi sao, vậy nên mới gọi nó là hành tinh (hành trong tiếng Trung viết là 行, nghĩa là đi, di chuyển). Trong tiếng Trung, cả ngôi sao hay hành tinh đều gọi là sao (tinh 星, chữ này gồm bộnhật 日, tức mặt trời, ánh sáng và bộ sinh 生, ý chỉ được mặt trời sinh ra, hay là được mặt trời chiếu sáng), nhưng sẽ phân rahằng tinh 恒星 (sao đứng) và hành tinh 行星 (sao đi). Mặt trời được tính là một hằng tinh, tám sao còn lại trong hệ mặt trời gọi là hành tinh, sao quay quanh hành tinh thì gọi làvệ tinh (卫星), mặt trăng cũng là sao ở dạng vệ tinh. Trong tiếng Anh, ngôi sao làstar(cũng để chỉ một vật thể đứng yên tự phát sáng trên bầu trời), hành tinh là planet (thiên thể chuyển động quanh ngôi sao). Tuy nhiên thật ra tất cả những khái niệm này cũng chỉ tương đối thôi. Những ai có một chút hiểu biết về thiên văn cũng biết là các ngôi sao đều không đứng im, mà nó vẫn di chuyển cùng các hành tinh của nó với tốc độ cực lớn, chỉ là chúng ta không cảm nhận được mà thôi. Vậy nên gọi ngôi sao là hành tinh cũng không sai, ngược lại cũng vậy.

***

Mình có hay xem các bài của thầy Nam nói về thân phận tiếng Việt hiện nay, thầy bảo nhiều người Việt nói tiếng Việt mà không hiểu tiếng Việt, tiếng Việt đang trên đà yếu dần và nếu những người làm ngôn ngữ không kịp can thiệp thì sớm muộn tiếng Việt sẽ biến mất, bị thay thế hoặc trở thành một ngôn ngữ bình dân. Điều đó có đáng buồn không? Chắc là không. Nếu mọi điều xảy ra đều là điều nên xảy ra. Nó chỉ đi theo quy luật thôi.

Mình nhớ ngày xưa đi học, toàn bộ các từ mượn đều được phiên âm sang tiếng Việt hết. Thật ra mình rất thích cách làm đó của các cụ ngày xưa, nghe không hề quê tí nào, mà âm thanh nó phát ra cũng rất hay, rất đẹp nữa.Mát-xcơ-va, Mô-da, păng-xê, vi-ta-min, kem... nhiều khi nghe hay hơn cả phiên âm Hán-Việt nữa. Có hôm mình mang quả địa cầu sang nhà bạn chơi, mấy đứa trẻ ngó xem và cảm thấy rất khó chịu khi phải đọc tên các địa danh trên bản đồ theo phiên âm tiếng Việt, cho rằng viết như là thế là sai, là không chuẩn. Hôm trước xem một video của Samurice,Titan(vệ tinh của sao Thổ) được bạn ấy đọc là/ˈtaɪtən/, thay vì/ti-tan/nghe rất hay và dễ hiểu, và còn quen thuộc với hầu hết mọi người.

Mình nghĩ nếu những từ tiếng Anh du nhập vào tiếng Việt và giữ nguyên cách đọc, cách viết để "cho chuẩn" thì chúng ta phải đối xử như thế nào với những từ mượn từ những quốc gia khác? Giữ nguyên cách viết và cách đọc từ ngôn ngữ gốc? Chuyển hết chúng sang tiếng Anh và viết/đọc theo cách của tiếng Anh? Bây giờ nhiều người không gọi Thượng Hải, Bắc Kinh mà gọi Shanghai, Beijing rồi đó.

Giờ xung quanh mình bạn bè cũng dùng tiếng Anh hết, cũng không phải là vì chê bôi gì tiếng Việt, mà thật sự là đôi khi trò chuyện về một số chủ đề thì tiếng Việt không đủ để dùng thật. Mình có thể làm gì trong tình huống này? Cố gắng học tốt tiếng Anh và tiếng Trung để hiểu những gì mình nói và những gì mọi người nói thôi. Dù sao thì những thứ có thể thể hiện được bằng ngôn từ đều không quan trọng lắm. Luôn sẵn sàng hòa nhập :D.

Từ khóa: 

thinking hub