Ngôn ngữ truyền hình là gì?
kiến thức chung
Ngôn ngữ truyền hình là "loại" ngôn ngữ tổng hợp, có ngôn ngữ viết như cho độc giả báo in, có ngôn ngữ nói như cho thính giả phát thanh, hơn thế nữa, có "ngôn ngữ hình ảnh" cho khán giả truyền hình.
Để tường thuật một sự kiện (đưa tin), cả ba phóng viên của ba loại báo chí trên đều phải nêu những yếu tố cần và đủ của thể loại. Nhưng truyền hình đã có hình ảnh nên không phải mô tả như báo viết và báo nói (trời nắng hay mưa, tĩnh mịch hay ồn ào, buồn rầu hay sung sướng...). Truyền hình lại giống phát thanh là có tiếng động hiện trường sự kiện.
Một phóng viên phát thanh nói với phóng viên báo viết: "Sau sự kiện chị chỉ cần trốn vào góc sâu kín, viết, nộp bài, chấm hết. Mình còn phải vào phòng bá âm để hoà âm!" Còn phóng viên truyền hình thì nói: "Báo hình của mình nhiêu khê nhất. Tớ phải xem băng, chọn cảnh, dựng hình, rồi mới viết lời và hoà âm!".
Phóng viên truyền hình tác nghiệp là phải có một "kíp" mà không thể làm thay nhau. Phóng viên viết kiêm đạo diễn ít nhất cũng phải phác ra một đề cương cảnh quay. Người quay phim dựa vào đó để ghi hình và chỉ có ghi nhiều hơn thế bởi vì sự kiện diễn ra không có hẹn trước. Và có dồi dào cảnh quay thì phóng viên khi dựng hình có điều kiện lựa chọn những hình ảnh "đắt" nhất. Tất nhiên, người quay phim không chỉ là "thợ quay", mà người đó phải được đào tạo cả nghiệp vụ báo chí, không chỉ thành thạo về "ngôn ngữ điện ảnh" với các khuôn hình toàn cảnh, trung cảnh, cận cảnh, đặc tả, lia, tra-vai-ling... mà ngay trong những cảnh đó cần có "ngôn ngữ của báo chí", đó là tiết tấu của sự kiện.
Ngoài hai phóng viên chủ chốt trên, còn có kỹ thuật viên ánh sáng, kỹ thuật viên máy quay và ghi. Lái xe là cần có rồi vì kíp truyền hình tác nghiệp luôn mang theo một khối lượng đồ nghề cồng kềnh.
Về Đài. Giờ mới là lúc phóng viên kiêm đạo diễn bộc lộ "ngôn ngữ truyền hình". Trước nhất, phóng viên xem băng nháp, có bao nhiêu xem hết. Vừa xem vừa ghi vào giấy xem băng: cảnh gì, thời lượng, loại cảnh, âm thanh. Sau đó làm đề cương dựng tác phẩm (tin hoặc phóng sự). Một yếu tố tối cần thiết là dựng các cảnh với nhau phải theo luật của "câu điện ảnh". Giống như một mệnh đề phải có chủ ngữ, vị ngữ, tân ngữ, bổ túc ngữ... Và khi nối hai câu điện ảnh cũng cần có một "cảnh chuyển" như liên từ. Chưa hết. Một sự kiện như Thủ tướng thăm vùng mỏ, phóng viên muốn mở rộng thêm cho có sức nặng, "đây là lần thứ ba Thủ tướng tới thăm vùng mỏ, nhưng hai lần trước ông tới đây ở cương vị Phó Thủ tướng", thì phóng viên phải khai thác thêm phim tư liệu đưa vào. Vất vả đấy nhưng tin "có giá" hơn. Ở những Đài lớn được trang bị máy riêng thì phóng viên tự dựng, hoặc kỹ thuật tương tự, hoặc kỹ thuật số. Còn thì có một kỹ thuật viên dựng hình dưới sự sắp đặt cảnh của phóng viên.
Có tin hoặc phóng sự đã dựng, phóng viên cần xem lại xem các "câu điện ảnh" đã nhuyễn chưa. Nói cách khác là phù hợp với "lô-gic thị giác". Sau đó, phóng viên xem lại lần nữa để ghi cảnh và bấm giờ "mốc hình". Sau nữa là viết lời cho hình căn cứ vào các "mốc hình" và thời lượng từng câu hình ảnh. Thông thường là 3 từ một giây hình. Không được nhiều hơn. Có thể ít hơn để có điểm "lặng" cho người xem suy ngẫm. Viết xong đọc thử "căn" hình để khớp cảnh. Không thiếu những tin, những phóng sự phát sóng mà hình một đằng, lời một nẻo. Đã có chuyện: lời nêu tên một quan chức thăm trại chăn nuôi, mà hình lúc đó lại rơi vào cận cảnh đầu một chú lợn đang dương mắt lên nhìn khách.
Viết lời cho phim truyền hình là công đoạn có thể nói là cực kỳ quan trọng. Đừng hiểu "lời" là để thuyết minh cho "hình ảnh". Cao hơn, nó định hướng nhận thức cho người xem thông qua hình ảnh sự kiện. Thậm chí, lời bình đó tác động mạnh mẽ vào thính giác lấn át cả thị giác, đến nỗi người xem bỏ qua luôn đôi khi có sự vụng về của dựng hình. Lại thậm chí, lời bình có thể làm thay đổi hoàn toàn bản chất của sự kiện. Cũng chính phần lời của phim truyền hình khôn ngoan và sắc sảo nhường ấy, mà người xem có thể xác định đẳng cấp của phóng viên, của cây bút.
Nội dung liên quan
Văn Hiền Vy