Ngôn ngữ là âm nhạc của chúng ta - Phần 1: Âm nhạc và Tâm trí.
Cá nhân tôi có một chút kinh nghiệm khiêm tốn trong việc làm việc với, trải nghiệm, và giảng dạy về ngôn ngữ nói chung. Việc học ngôn ngữ đối với tôi như là sự học về chính cá thể con người và bản thân mỗi cá nhân trong tập hợp các cá thể đó. Nó đòi hỏi những cố gắng nhằm soi chiếu, bóc tách, và đào sâu vào bản thân chủ thể "ngôn ngữ" cũng như các khía cạnh liên ngành (interdisciplinary) mà từ đó đạt đến được sự thấu hiểu sâu sắc hơn cách mà một con người sử dụng và nhìn nhận ngôn ngữ.
Trong chuỗi bài viết ngắn gọn này tôi chủ yếu đề cập đến "tính âm nhạc" (musical element) ở trong ngôn ngữ, bao gồm các phương pháp giảng dạy tôi đã áp dụng vào khóa học của mình bên cạnh những chia sẻ mang tính "luận" hơn. Ở phần một, tôi sẽ chia sẻ về phương pháp luyện thanh trong việc học phát âm, trong khi ở những phần sau là những phân tích và biện chứng thuần túy hơn.
***
1. Vocal training - Luyện thanh trước khi vào các buổi học phát âm:
Nhiều nghiên cứu lý thuyết và thực nghiệm đã chỉ ra sự tương quan giữa khả năng ngôn ngữ và khả năng âm nhạc ở con người. Từ các hoạt động xử lý âm thanh (như giai điệu hay cao độ) đến việc xử lý cấu trúc ngữ pháp, ghi nhớ từ vựng của cả 2 khía cạnh - ngôn ngữ và âm nhạc - đều xảy ra ở cùng những phân khu não bộ tương ứng. Từ đó, những sự phát triển nhất định ở khả năng âm nhạc đều kéo theo sự phát triển ở khả năng ngôn ngữ, và ngược lại.
Với cách tiếp cận như trên, tôi nhận thấy đa phần học sinh đều gặp chung một vấn đề khi học ngôn ngữ - đấy là Cảm âm (Sound sensitivity) và Tái tạo âm thanh (Sound reproduction) - vốn liên quan mật thiết đến khả năng âm nhạc.
- Khả năng cảm âm - Sound sensitivity, được hiểu là việc học sinh khi nghe một đoạn âm thanh (âm nhạc, hội thoại, bài phát biểu, v.v.) thì có thể xác định những thay đổi trong cao độ (pitch), tốc độ (tempo), nhấn mạnh (stress), thái độ/cảm xúc (attitude/emotion), v.v.
- Khả năng tái tạo âm thanh - Sound reproduction, một mặc khác, là việc học sinh sau khi xác định và hiểu những âm thanh mà mình nghe thấy, có thể tạo ra âm thanh tương ứng.
Đối với việc học phát âm theo chuẩn IPA, tôi cho rằng nếu học sinh hướng dẫn khẩu hình miệng và cách phát âm đúng, được hỗ trợ bởi những bài luyện tập thì với sự kiên trì ắt sẽ có thể cải thiện được việc phát âm. Nhưng, đối với việc hình thành ngữ điệu và làm chủ giọng nói của mình, từ đó trở nên tự nhiên và hiệu quả trong việc truyền đạt thông điệp, thì sẽ cần tấn công vào nhiều khía cạnh của âm thanh và ngôn ngữ hơn là chỉ điều chỉnh cơ miệng, khẩu hình miệng, và các bài tập phát âm độc lập mang tính lặp lại.
Chính vì lý do đó, tôi quyết định áp dụng phương pháp luyện thanh trong việc học nhạc vào các trước các bài học phát âm của mình. Điều này nhằm mang lại những lợi ích sau:
(1) Khởi động và làm giãn cơ miệng.
(2) Cải thiện tính nhạy cảm cao độ - pitch sensitivity - từ đó mang lại ích lợi kéo theo cho khả năng cảm âm và tái tạo âm thanh.
(3) Điều chỉnh và cải thiện hơi thở.
(4) Làm chủ và tự tin với giọng nói của mình.
Khi đề cập đến kĩ năng nói, không ít người học luôn tự đóng khung mình với suy nghĩ rằng chỉ cần có phát âm tốt, ngữ pháp-từ vựng đa dạng, phong phú thì mới có thể thực hiện tốt kĩ năng nói. Tuy nhiên, "Nói" không chỉ dừng lại ở đấy, mà đấy là cách chúng ta diễn đạt những gì đang xảy ra trong tâm trí của mình, là một "thủ pháp nghệ thuật" nhằm trình diễn những giá trị hữu hình lẫn vô hình được hình thành và bồi tụ trong suốt quá trình tri nhận của mỗi cá nhân cũng như của cả loài người. "Nói" cũng là "cầu nối nhận thức" giữa ta và cơ thể vật lý của ta. Đấy là phương tiện để giúp ta nhìn thấu vào những đặc điểm sinh lý và tâm lý của mình. Chính vì vậy, chỉ khi hình thành được một nền tảng vững chắc và giàu có về phát âm, từ vựng-ngữ pháp, và cả cách chúng ta nhận thức về bản thân mình và mọi thứ xung quanh, ta mới học được cách làm chủ khả năng nói của mình.
***
2. Pranayama - Kỹ thuật thở luân phiên:
Pranayama là một kỹ thuật điều khiển hơi thở ở trong yoga. Nó được tạo thành từ hai thành tố: Prana (được hiểu như "sinh khí") và Ayama (được hiểu như "phát triển/mở rộng"). Nói một cách mang tính kỹ thuật, Pranayama giúp chúng ta ổn định và khai thác tối đa các dòng chảy sinh khí ở trong cơ thể và ở bên ngoài. Việc thực hành Pranayama vào đầu mỗi buổi học cho phép học sinh:
(1) Cải thiện khả năng tập trung.
(2) Điều hòa tâm và trí.
(3) Hình thái và cải thiện thói quen thở đúng cách.
Đa phần học sinh của tôi đều là người đã đi làm, đôi khi vẫn không có một ngày nghỉ vào cuối tuần. Bằng cách cùng học sinh của mình thực hành kỹ thuật này trước mỗi buổi học sẽ giúp các bạn trở nên thoải mái, khuây khỏa, và tái tạo lại năng lượng cần thiết để bắt đầu buổi học dự tính 2 tiếng như bị ông thầy kéo lê thành 3 tiếng. Tôi nhận ra tầm quan trọng của năng lượng cảm xúc kể từ khi bắt đầu tham gia các công việc, việc học lấy tương tác giữa người và người làm trọng tâm. Một năng lượng cảm xúc bị hao tổn, bị tiêu cực hóa và cạn kiệt, sẽ ảnh hưởng đến toàn bộ tổng thể tâm và trí của chúng ta. Và tất nhiên tôi không muốn điều này xảy ra trong suốt quá trình học và dạy của cả lớp.
học ngoại ngữ
,giáo dục
,âm nhạc
,tâm trí
,giáo dục
,ngoại ngữ
,âm nhạc
Bài chia sẻ hay quá!
Đặng Trần Bảo Ngọc
Bài chia sẻ hay quá!
Nguyenphuhoang Nam
Kĩ thuật thở rất hữu ích, không chỉ trong việc học ngôn ngữ mà còn ở nhiều lĩnh vực khác nhau trong cuộc sống, và bật mí là ở Noron có một bạn thích nghe Opera đang đợi gặp Nguyên nhé :))
Minh Ngọc Thiện
Mình rất thích những quan điểm trong bài viết của bạn.
Curioustea
bài viết rất hữu ích, xin cảm ơn tác giả