Nghĩ về nghề dạy học nơi giảng đường đại học (Viết cho mình và viết nhân ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11)

  1. Kỹ năng mềm

Mình thích làm cô giáo. Thế nên ngay từ khi còn rất nhỏ mình luôn thích làm bạn với phấn trắng, bảng đen. Lớn lên một chút mình càng nuôi dưỡng ước mơ trở thành cô giáo. Cho đến khi học hết những năm cấp 3, khi lựa chọn các trường để thi đại học, mình đã không ngần ngại lựa chọn các trường sư phạm. Và rồi ước mơ ấy đã thành hiện thực khi mình trúng tuyến trở thành sinh viên trường Đại học Sư phạm Hà Nội - ngôi trường đã giúp mình nuôi dưỡng và thực hiện ước mơ “trở thành cô giáo”. Mình luôn tự hào khi được là sinh viên của Đại học Sư phạm Hà Nội – ngôi trường đào tạo hàng đầu về ngành sư phạm ở Việt Nam khi đó và cả bây giờ. Sau bốn năm học đại học ra trường trải qua những bước thăng trầm của quá trình xin việc và rồi cuối cùng mình đã “thực sự trở thành cô giáo” khi may mắn là giảng viên của trường Đại học Văn hóa Hà Nội (năm 2007). 

Gần 15 năm gắn bó và làm việc trong môi trường đại học, được hàng ngày tiếp xúc với các em sinh viên mình càng cảm thấy yêu nghề hơn và luôn muốn cống hiến hết mình với nghề mà mình đã lựa chọn. Những buổi lên lớp, những chuyến đi thực tế trải nghiệm, những khi được trò chuyện cùng với các em đã cho mình biết bao những cảm xúc, bao điều thú vị và nhất là những tâm hồn “rất trẻ” đã truyền cho mình ngọn lửa đam mê, nhiệt huyết của tuổi trẻ. Nhưng quá trình đó cũng giúp mình ngày càng nhận ra điều mình thực sự cần làm để giúp các em theo đúng ý nghĩa mà xã hội đã trao cho nghề giáo – “nghề cao quý nhất trong những nghề cao quý”.

Có thể thấy rằng, trong rất nhiều ngành nghề thì nghề giáo là một nghề đẹp, một nghề được xã hội đề cao, tôn trọng nhưng cũng không hề dễ dàng và cũng rất nhiều “đao kiếm”. Để có thể trở thành một người giáo viên được nhiều thế hệ học trò yêu mến, người giáo viên không chỉ truyền đạt cho các em kiến thức của ngành học, phương pháp học tập, nghiên cứu mà hơn bao giờ hết phải là người truyền cảm hứng niềm yêu thích với việc học,  giúp các bạn trẻ định hướng cuộc sống, có nhận thức, tư duy đúng, biết xây dựng ước mơ, mục tiêu, kế hoạch, trang bị những kiến thức và kỹ năng cần thiết để trở thành người có ích và tự tin, đam mê với nghề mà mình đã lựa chọn. Mình cho rằng, nếu một người giáo viên có thể đào tạo được những người trò giỏi hơn mình, thành đạt hơn mình thì đó là một thành công, niềm hạnh phúc lớn nhất của người thầy. Muốn vậy, mỗi người giáo viên phải luôn là một tấm gương sáng được học trò tôn trọng bởi năng lực chuyên môn cùng với những phẩm chất đạo đức cần có và hơn hết là một sự lắng nghe, thấu hiểu người học. 

Lâu nay ở Việt Nam với truyền thống văn hóa “tôn sư trọng đạo”, người thầy luôn được đề cao và tôn trọng, thậm chí ở một vị thế cao hơn trò và có một quyền lực nhất định đối với người học. Chính vì vậy đôi khi mọi thứ từ thầy luôn được tuyệt đối hóa, mọi lời nói, ý kiến từ thầy đều luôn luôn đúng. Tuy nhiên, mình cho rằng mối quan hệ thầy trò cần được xây dựng trên nguyên tắc tôn trọng và bình đẳng bởi “Trời không tạo ra người đứng trên người và cũng không tạo ra người đứng dưới người” (Khuyến học – Fukuzawa Yukichi). Ở một phương diện nào đó, người thầy chỉ là người đi trước, có nhiều trải nghiệm và kinh nghiệm sống hơn trò. Do đó, người thầy cần có sự tôn trọng người học/tôn trọng sự khác biệt và là người động viên, khích lệ, định hướng cho học trò. Muốn làm được điều này, người giáo viên cần có sự kết nối, thấu hiểu đối với người học. Ngoài việc nắm bắt những thông tin cơ bản về tên tuổi, gia đình, quê quán người dạy cần hiểu hơn về tâm lý, tính cách, thế mạnh, thế yếu, những mong muốn nhu cầu, đặt mình vào trò, tôn trọng sự khác biệt để có sự thấu hiểu trọn vẹn (tránh sự đổ lỗi, than phiền, chỉ nhìn về những lỗi lầm, sự phản kháng của học trò để quy kết, phán xét). Ví dụ khi học trò chán học, không học, lười biếng, chống đối việc học, đi học vì điểm, vì điểm danh…nhiều giáo viên sẽ than phiền, trách mắng học trò nhưng mình nghĩ đôi khi giáo viên cũng cần phải xem lại chính mình. Mình đã thực sự là tấm gương cho học trò chưa? Bài giảng của mình đã đủ hay, đủ hấp dẫn, truyền cảm hứng cho học trò học chưa? Kiến thức của mình đã đủ sâu để giúp học trò hiểu chưa…Trên thực tế là vẫn rất nhiều người người thầy tốt, có kiến thức uyên thâm, sâu rộng, sự khiêm nhường, thấu hiểu họ luôn được người học đón đợi, mong ngóng những giờ dạy, được học, được nghe những chia sẻ từ họ. 

Người thầy không thể không đọc sách, cập nhật kiến thức hàng ngày và cần có sự hiểu sâu, hiểu đúng cốt lõi của vấn đề. Trước đây mình không thường xuyên duy trì việc đọc sách hoặc chỉ đọc những gì mình cần, phục vụ cho việc học, cho công việc giảng dạy, cho môn học của mình. Nhưng càng ngày mình càng ý thức được tầm quan trọng của việc đọc. Và không chỉ đọc những vấn đề trong chuyên môn của mình mà cần đọc sâu, đọc rộng, đọc các vấn đề khác nhau. Càng đọc mình càng ngấm, càng thấy rằng các vấn đề có sự liên đới, liên quan với nhau giúp bản thân mình có được sự hiểu biết sâu rộng hơn, mở rộng sự nhìn nhận, liên hệ về các vấn đề trong chính môn học mà mình đang giảng dạy. 

Người thầy khi có kiến thức rồi chưa đủ mà cần tìm cách truyền đạt sao cho tốt, cho sinh động để người học trò không những nắm được bài học mà còn nhớ được rất lâu. Do đó, giáo viên cần phải biết vận dụng các phương pháp giảng dạy khác nhau trong từng bài học và tùy thuộc vào đối tượng người học. Và nhất là việc dạy học phải là quá trình gợi mở giúp học trò đi đến kiến thức chứ không phải giáo viên là người cung cấp kiến thức, “tuyệt đối hóa kiến thức của bản thân”, “đóng đinh” kiến thức trong đầu học trò. Muốn vậy, khi giảng dạy giáo viên phải luôn dùng “ngôn ngữ mở”, gợi mở dần dần, cho học trò được tưởng tượng, được quan sát, được đưa ra ý kiến, suy nghĩ của mình. Ví dụ trong buổi đầu tiên của môn học giáo viên phải khơi gợi được hứng thú cho học trò đối với môn học, đối với các vấn đề đưa ra, nhu cầu muốn được biết, muốn tìm kiếm câu trả lời cho câu hỏi đó. Sau đó giáo viên sẽ cung cấp cho học trò những công cụ, phương pháp và nguồn học liệu để sinh viên có thể tự tìm hiểu. Mình đang nghĩ đến “lớp học đảo ngược”: giáo viên gửi cho sinh viên tài liệu đọc trước hoặc dạy qua video trước, đến lớp người dạy – người học trao đổi, thảo luận, phản biện về vấn đề đó và các cách giải quyết vấn đề. Như vậy sẽ phát huy được cho người học kỹ năng trình bày, kỹ năng xử lý thông tin, phản biện, tranh biện vấn đề …chứ không học một cách thụ động (nghe giảng) như hiện nay. 

Trong thời đại cách mạng công nghệ 4.0, việc ứng dụng công nghệ thông tin vào trong quá trình dạy học không còn là vấn đề xa lạ. Vì vậy, mỗi người giáo viên cũng cần năng động hơn, sử dụng đa phương tiện hơn trong giảng dạy như phần mềm giảng dạy powerpoint, các lớp học trực tuyến, video, hình ảnh, âm nhạc, xây dựng bài giảng E – learning, tăng cường sự tương tác với sinh viên ngoài không gian lớp học, tạo trang thông tin riêng, xây dựng nguồn học liệu phong phú, đa dạng giúp người học có cơ hội khai thác, lĩnh hội thông tin cũng như tham gia vào quá trình trao đổi, thảo luận môn học. 

Tuy nhiên, điều quan trọng để làm được những phương pháp như trên cần sự nỗ lực đổi mới của giáo viên, mong muốn được đổi mới và lấy người học làm trung tâm, muốn trao giá trị thực sự cho học sinh của mình. Bên cạnh đó, cần có sự thay đổi hệ thống, toàn diện từ các môn học trong chương trình đại cương, cơ sở ngành, chuyên ngành…và sự đồng bộ về phương pháp giảng dạy của giáo viên tạo nền móng vững chắc cho sinh viên ngay từ đầu để khi giáo viên chuyên ngành áp dụng những phương pháp giảng dạy mới sinh viên sẽ không cảm thấy bỡ ngỡ. Và tất nhiên bên cạnh đó, người giáo viên luôn cần là tấm gương sáng về đạo đức, sự khiêm nhường, khoan dung, lòng nhiệt huyết với nghề cùng với tư duy mở, thái độ, phong cách sống tích cực. 

Bài viết này mình viết để dành tặng cho chính mình và cho ngày của mình (không phải để dạy đời hay lên lớp ai cả). Đó như một lời nhắc nhở bản thân rằng dù ở đâu và bất cứ khi nào mình luôn luôn cần không ngừng nỗ lực, phấn đấu, nâng cao năng lực, phẩm chất bản thân và tích cực xây dựng, rèn luyện kỹ năng, phẩm chất nghề nghiệp, sống và làm việc so cho xứng đáng với danh hiệu mà mà xã hội đã trao cho nghề giáo – “nghề cao quý nhất trong những nghề cao quý”. 

Nhân ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11 em xin được gửi lời cảm ơn tới những người thầy – những người với kiến thức uyên bác, sâu rộng nhưng cực kỳ giản dị, khiêm tốn, đầy đam mê, nhiệt huyết trao truyền tri thức, “gieo hạt giống’, vun đắp cho những người yêu sự học, giúp em có được những “khoảnh khắc hạnh phúc của sự học”trên hành trình khám phá tri thức, nuôi dưỡng tâm hồn và trí tuệ của mình và ngày càng nhận ra được sứ mệnh cao cả của mình, kiên định trên con đường mà mình đã lựa chọn.

Xin được gửi lời cảm ơn tới các thế hệ học trò – những người mà nhờ có họ mà sự dạy của mình, sự tồn tại của mình trở nên có ý nghĩa!

Từ khóa: 

dạy học

,

kỹ năng mềm

Chúc mừng chị nhân ngày Nhà giáo Việt Nam. Chúc chị luôn vui, khỏe và luôn tràn đầy nhiệt huyết để cống hiến cho nghề chị nhé!

Trả lời

Chúc mừng chị nhân ngày Nhà giáo Việt Nam. Chúc chị luôn vui, khỏe và luôn tràn đầy nhiệt huyết để cống hiến cho nghề chị nhé!

Chúc mừng bạn.chúc bạn có những ước mơ xa hơn nữa trong nghề yêu thích
Chúc mừng chị nhân ngày nhà giáo Việt Nam 20-11. Chúc chị luôn luôn tươi trẻ và năng động để còn chăm nom cho đám “tương lai của đất nước” ạ. Mong cho nước ta có nhiều hơn nữa những bản sao có suy nghĩ như chị để mỗi lần lên lớp của sinh viên là mỗi lần mong đợi ạ. Một lần nữa chúc chị có nhiều sức khoẻ ạ.