Nghi thức BẮT TAY, ÔM HÔN trong giao tiếp
Trong giao tiếp của người Việt hiện nay, bắt tay và ôm hôn là hai nghi thức ngày càng trở nên phổ biến. Việc bắt tay, ôm hôn không chỉ đơn thuần là sự chào hỏi xã giao mà còn thể hiện sự khôn khéo, tinh tế, qua đó bộc lộ phong cách, vị thế của mỗi người khi giao tiếp. Tuy nhiên, không phải ai cũng biết và thực hiện đúng nghi thức tưởng chừng đơn giản này. Vậy làm thế nào để có thể tạo được thiện cảm, gây ấn tượng với người giao tiếp ngay từ giai đoạn mở đầu của cuộc giao tiếp thông qua nghi thức bắt tay, ôm hôn?
1. Nghi thức bắt tay trong giao tiếp
Có thể nói, bắt tay là một một nghi thức cơ bản trong giao tiếp - bước khởi đầu quan trọng cho một cuộc giao tiếp, xây dựng một phong cách giao tiếp chuyên nghiệp, thể hiện được sự tôn trọng của bạn đối với đối tượng giao tiếp. Hãy tưởng tượng nếu ngay từ những giây phút đầu tiên trong cuộc giao tiếp, bạn bắt gặp một đối tác ăn mặc lịch lãm, phong độ nhưng hành vi bắt tay của anh ta thì vô cùng vụng về (hời hợt, ẽo uột, xiết chặt, tay ướt át…) khiến bạn cảm thấy thiếu thiện cảm và mất đi sự hào hứng cho cuộc giao tiếp. Vì vậy, bắt tay là một nghi thứcquan trọng của giao tiếp. Nó không chỉ đơn giản là một sự chào đón mà nó còn được sử dụng theo nhiều cách khác nhau nhằm biểu lộ tình cảm (sự thành thật, thân thiện hay hời hợt) được thể hiện qua việc bắt tay chặt hay lỏng, cách thức bắt tay, thời gian ngắn hay dài…
Helen Keller - một tác giả nữ người Mỹ rất nổi tiếng, là người vừa khiếm thính và khiếm thị, nhưng khi nói về những cái bắt tay bà cho rằng: “Có những bàn tay tôi từng tiếp xúc có cảm giác như khoảng cách giữa hai người cách xa hàng dặm, nhưng cũng có những cái bắt tay tràn đầy ánh sáng, cái bắt tay của họ lưu lại cho bạn một cảm giác cực kỳ ấm áp…”.
Vậy nghi thức bắt tay cần được thực hiện như thế nào cho đúng?
Thứ nhất, chú ý các biểu hiện phi ngôn ngữ khi bắt tay
Bắt tay thường đi liền với nghi thức chào hỏi, nên bạn hoàn toàn có thể kết hợp với lời chào cùng với nghi thức này. Bắt tay là một biểu hiện phi ngôn ngữ nên bạn cần biết cách kết hợp giữa việc đưa tay ra bắt với dáng đứng, tư thế, những biểu hiện trên khuôn mặt như ánh mắt, nụ cười…
Bạn nên đứng cách đối phương một khoảng, hơi nghiêng người về phía trước với khuôn mặt thoải mái, vui vẻ, mắt nhìn thẳng vào đối tượng bắt tay cùng nụ cười thân thiện, tươi tắn. Tránh khi bắt tay mắt bạn lại nhìn đi chỗ khác, nhìn xuống dưới, lên trên hay liếc sang hai bên khiến đối tác cảm thấy bạn thiếu tập trung và thiếu tôn trọng họ. Đồng thời bạn không nên giữ một khuôn mặt lạnh lùng, quá nghiêm nghị hay buồn rầu biểu hiện của một sự miễn cưỡng hoặc không mấy vui vẻ khi tham gia cuộc giao tiếp.
Thứ hai, chú ý cử chỉ tay
Rõ ràng, khi thực hiện nghi thức này tay là yếu tố quan trọng nhất. Lưu ý đầu tiên là tay đưa ra bắt phải sạch sẽ! Tại sao mình lại nói điều này? Bởi trên thực tế có nhiều người bị ra mồ hôi tay, ướt át gây cảm giác khó chịu cho người bắt tay (có thể do lý do sức khỏe). Hoặc đôi khi nghi thức bắt tay thường diễn ra trong các bữa tiệc (sau khi cạn chén rượu chẳng hạn), khi chúng ta đang ăn. Vì vậy bạn cần lưu ý để có cách xử lý và khắc phục tinh tế, hiệu quả nhất nhé.
Tay đưa ra bắt sẽ là tay phải (dù có một số người quen dùng tay trái), ngón cái xoè và 4 ngón còn lại khép chặt. Bạn từ từ đưa tay ra bắt, nắm lấy bàn tay của người đối diện. Tay còn còn lại có thể để trước thắt lưng, để đằng sau, hoặc đỡ tay kia khi bắt tay.
Thứ ba, thực hiện nghi thức bắt tay
Thông thường người chủ động trong cuộc giao tiếp sẽ là người đưa tay ra bắt, nhưng đôi khi chúng ta cần chú ý thứ tự ưu tiên về tuổi tác, giới tính, địa vị của những nhân vật giao tiếp khi thực hiện nghi thức này để có những cư xử đúng mực. Ví dụ: về tuổi tác: người nhiều tuổi hơn sẽ đưa tay ra bắt trước, sau đó người nhỏ tuổi hơn sẽ đáp lại; về cấp bậc, địa vị: nếu cấp trên đưa tay ra bắt trước thì cấp dưới mới được đưa tay ra đáp lại; về giới tính: chỉ khi nào phụ nữ đưa tay ra trước thì nam giới mới có thể bắt tay. Tuy nhiên, trong trường hợp nam giới lại là người lớn tuổi hơn thì lúc này có thể chủ động bắt tay trước.
Khi giao tiếp nếu số lượng người tương đối lớn, có thể chỉ bắt tay một số người ngay cạnh mình, gật đầu với những người xung quanh thay cái bắt tay chào hỏi, hoặc hơi cúi thấp người đã thể hiện đủ phép lịch sự. Nhằm tránh những trường hợp khó xử xảy ra, trước khi bạn có ý chủ động giơ tay ra bắt tay người khác, bạn phải nghĩ đến việc hành động đó của bạn có được họ chào đón hay không, nếu bạn cảm thấy đối phương không có ý muốn bắt tay với bạn, gật đầu hoặc hơi nghiêng người chào là cách xử sự hợp lý nhất.
Khi đưa tay ra bắt bạn không nên vội vàng rút lại ngay hoặc bắt tay quá lâu. Thời gian bắt tay ngắn hay dài căn cứ vào mức độ thân thiết của hai bên. Người gặp mặt lần đầu, giữ trong khoảng 3 giây đồng hồ, chớ nên bắt tay người khác giới quá lâu không rời. Ngay cả bắt tay người cùng giới cũng không nên quá dài, tránh cho đối phương muốn bỏ tay ra cũng không bỏ được. Nhưng nếu thời gian bắt tay quá ngắn sẽ gây cho người ta cảm giác mình ngạo mạn, lạnh nhạt,...
Người Việt khi bắt tay thường có thói quen lắc tay nhưng chỉ nên lắc nhé 1 – 3 cái (không nên lắc quá mạnh).
Bên cạnh đó, chúng ta cũng thường sử dụng hai tay khi bắt tay với người lớn tuổi hơn hoặc có địa vị xã hội cao hơn, thể hiện sự tôn trọng, ấn tượng thành thật và tin cậy. Điều này xuất phát từ đức tính hiếu thảo, lễ phép của người Việt từ bao đời nay. Vì vậy, kiểu bắt tay này cần được phát huy để có thể xây dựng nên những mối quan hệ tốt đẹp nhất.
· Một số kiểu bắt tay nên tránh
- Khi bắt tay người khác, bạn không nên đeo găng tay hoặc kính đen. Bạn nên tháo găng tay và kính đen ra trước khi đến bắt tay người khác. Trừ trường hợp bạn và đối phương gặp nhau giữa trời giá rét, khi đó bạn có thể vẫn đeo găng tay và nói lời “xin lỗi” trước khi hai người bắt tay nhau.
- Nhiều bạn có thói quen dùng một tay bắt tay còn tay kia đút vào túi quần hoặc túi áo. Điều này làm giảm đi ấn tượng tốt đẹp ban đầu của bạn trong mắt người khác. Họ sẽ cho rằng bạn không thật lòng, đang e dè hay có điều gì giấu họ.
- Khi bắt tay người khác trong giao tiếp, bạn nên đứng ngay ngắn, không nên ngồi. Nếu bạn đang ngồi và đối phương tiến đến làm quen, bắt tay bạn, hãy đứng lên đáp lại để thể hiện sự nhiệt tình, niềm nở của mình.
- Cuối cùng, chớ nhiệt tình quá mà bóp tay người khác quá mạnh hay giật tay họ quá lâu, nhất là đối với phụ nữ. Hãy nhớ rằng bắt tay là thủ tục giao tiếp chứ không phải là thi “vật tay”. Nhưng nếu bắt tay hời hợt, yếu ớt, chưa chạm đã buông, hay bắt tay kiểu cầm vài ngón tay cũng là không đạt tới mức kỹ năng giao tiếp cơ bản.
2/ Nghi thức ôm hôn trong giao tiếp
Ôm hôn là một hành vi phi ngôn ngữ để biểu lộ tình cảm tích cực: tình bằng hữu, sự yêu thương, tính lịch sự, chào đón hay chia tay. Người ta thường ôm hôn và kề má vào nhau, hoặc ôm hôn và quàng tay lên cổ nhau nhưng chỉ với những người thân thiết và cùng lứa tuổi với nhau.
Trước đây trong văn hóa Việt, nghi thức ôm hôn chưa thực sự phổ biến bởi ảnh hưởng quan niệm Nho giáo cho rằng: “nam nữ thụ thụ bất thân”, ít bộc lộ tình cảm nơi đông người,...Việc một người khác giới có khoảng cách xã hội xa và quyền lực quan hệ bất bình đẳng xâm phạm vào lãnh thổ riêng tư của người khác là khó có thể chấp nhận được.
Trong thời đại phát triển hiện nay, trong quá trình giao lưu tiếp xúc, người Việt đã dần tiếp cận với những nét văn hóa phương Tây cho nên nghi thức ôm hôn ngày càng trở nên phổ biến hơn trong giao tiếp (tất nhiên vẫn chủ yếu tập trung ở các thành phố, đô thị văn minh trong những cuộc giao tiếp trang trọng). Tuy nhiên bạn cần thực hiện đúng nơi, đúng lúc, đúng đối tượng nếu không nó sẽ trở nên thiếu tế nhị, đôi khi kệch cỡm, khiến đối phương khó xử, xấu hổ ảnh hưởng đến hiệu quả của cuộc giao tiếp.
Để thực hiện hiệu quả nghi thức này bạn cần chú ý vẫn giữ tư thế, dáng đứng, khuôn mặt, ánh mắt, nụ cười phù hợp, bộc lộ sự thân thiện, cởi mở.
Khi ôm hôn không nên ôm hôn quá chặt hoặc quá lâu gây khó chịu cho đối phương. Thường thì khi thực hiện nghi thức này hai tay của người giao tiếp sẽ quàng qua nhau và có sự tiếp xúc nhẹ về cơ thể, biểu lộ sự thân thiện, ấm áp.
Có thể nói, bắt tay, ôm hôn chính là nghi thức mở đầu cho một cuộc giao tiếp và ngày nay nó được sử dụng khá nhiều trong công việc khi gặp gỡ đối tác, khách hàng hay các quan hệ ngoại giao. Vì thế, nếu bạn thực sự muốn là người có phong cách giao tiếp chuyên nghiệp, xây dựng các mối quan hệ tốt đẹp, tạo dựng hình ảnh, vị thế, thương hiệu cá nhân qua giao tiếp bạn cần lưu ý thực hiện nghi thức này đúng cách, đúng văn hóa nhé!
bắt tay giao tiếp
,kỹ năng mềm
Bắt tay thì khá phổ biến nhưng còn ôm hôn thì mình thấy ở Việt Nam chưa có nhiều
Lương Nguyễn Hải Anh
Bắt tay thì khá phổ biến nhưng còn ôm hôn thì mình thấy ở Việt Nam chưa có nhiều
Lisa Ngô
Bài chia sẻ này thực sự rất ý nghĩa đối với ai muốn cải thiện kỹ năng giao tiếp, nên bắt đầu từ những bước cơ bản
Yên Nhiên
Công nhận là 2 nghi thức giao tiếp này không phải người Việt nào cũng có thể nắm được rõ